Cần xem xét cụ thể các tình tiết trong vụ án để xác định thẩm quyền của Tòa án

Nghiên cứu bài viết “Thẩm quyền của Tòa án trong xét xử theo kiến nghị của bản án” của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích, tôi cho rằng cần xem xét, đánh giá cụ thể các tình tiết trong vụ án mới để xác định chính xác thẩm quyền của Tòa án.

Điều 272 BLTTHS 2015 quy định thẩm quyền của Tòa án quân sự là xét xử các vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; hoặc xét xử vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ; hoặc các tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật. Theo quy định này, các vụ án thuộc các đối tượng được liệt kê sẽ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, ngoài các đối tượng đó sẽ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, trường hợp tác giả đưa ra đó là khi xét xử vụ án hình sự với 4 bị cáo (trong đó có 1 bị cáo là quân nhân trong quân đội) thì trong quá trình xét xử phát hiện ra 3 trường hợp khác có dấu hiệu tội phạm. Vì thế trong bản án có kiến nghị khởi tố đối với 3 trường hợp kể trên. Vấn đề đặt ra là Tòa án nào có thẩm quyền xét xử đối với 3 trường hợp bị bản án trước kiến nghị khởi tố?

Trường hợp 1: Nếu vụ án có các trường hợp bị kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết liên quan đến vụ án trước và các tình tiết đó liên quan đến Quân đội như bí mật quân sự,… thì thuộc thẩm quyền của Tòa án Quân sự. Mặc dù trong vụ án không có trường hợp nào là quân nhân hoặc các đối tượng khác được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS nhưng trong vụ án có nhiều tình tiết có liên quan chặt chẽ đến vụ án trước (có một bị cáo là quân nhân) và những tình tiết đó có liên quan đến quân đội như bí mật quân sự thì việc vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân là không hợp lý, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến Quân đội, ảnh hưởng đến tài sản, danh dự, uy tín, sức chiến đấu của Quân đội. Vì vậy, khi có các tình tiết có liên quan đến Quân đội thì vụ án đó sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự để đảm bảo giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật cũng như bảo đảm được bí mật quân sự, tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội.

Trường hợp 2: Nếu vụ án có các trường hợp bị kiến nghị khởi tố (không có trường hợp nào thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS) có nhiều tình tiết liên quan đến vụ án trước nhưng các tình tiết đó không liên quan đến Quân đội thì sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Các vụ án là độc lập với nhau, mặc dù bản án kiến nghị khởi tố đối với 3 trường hợp khác có dấu hiệu tội phạm là bản án của Tòa án Quân sự và vụ án sau có các tình tiết liên quan đến vụ án trước nhưng không có liên quan đến Quân đội thì vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Bởi lẽ khi không có các tình tiết liên quan đến Quân đội và không có trường hợp nào thuộc đối tượng quy định tại Điều 272 BLTTHS thì phải xác định thẩm quyền của Tòa án một cách độc lập, không liên quan đến bản án của vụ án trước.

Trên đây là trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả./.

 

TAND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh xét xử rút kinh nghiệm vụ án  “Cướp giật tài sản”- Ảnh: TCKS

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)-