Cần xem xét lại đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí trong vụ án dân sự
Việc pháp luật quy định một số đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí khi tham gia tố tụng vụ án dân sự tại Tòa án là một chính sách nhân đạo. Tuy nhiên, quy định hiện nay còn có bất cập, cần phải xem xét lại cho phù hợp.
1. Quy định chung
Khi đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án thì bắt buộc họ phải nộp tiền tạm ứng án phí và khi Tòa án giải quyết vụ việc bằng Bản án hoặc Quyết định thì họ buộc phải nộp tiền án phí đối với phần yêu cầu họ không được Tòa án chấp nhận hoặc phải chịu án phí phần tài sản được hưởng đối với những vụ việc yêu cầu chia tài sản chung. Mục đích của việc quy định nộp tiền tạm ứng án phí, án phí là nhằm đảm bảo tránh tình trạng người dân đi khởi kiện một cách tùy tiện khi không có căn cứ, nhằm đảm bảo chế tài khi yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách nhà nước từ hoạt động tố tụng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy banTthường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án (Nghị quyết 326/2016) thì pháp luật quy định những trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí như sau:
“1. Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
a) Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
b) Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
c) Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
d) Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ”
Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 326/2016 thì “Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải, có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”.
2. Những bất cập
Như vậy để xem xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí cho đương sự tham gia tố tụng vụ án dân sự tại Tòa án thì họ phải thuộc đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016 và phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảmtheo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 326/2016. Tuy nhiên, việc pháp luật quy định hiện nay một số đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí là không phù hợp với tình hình hoàn cảnh của đối tượng được xét miễn nộp tiền. Cụ thể như:
2.1.Người cao tuổi
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016 thì người cao tuổi sẽ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Tuy nhiên để xác định người cao tuổi thì phải căn cứ vào Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: “Công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên được xem là người cao tuổi”. Do đó, khi đương sự tham gia tố tụng vụ án dân sự tại Tòa án mà là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên sẽ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Tuy nhiên, thực tế giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án việc xem xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí cho người cao tuổi là không phù hợp với chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho một số đối tượng đặc biệt khi tham gia tố tụng vụ án dân sự tại Tòa án. Điển hình như trường hợp sau:
Vào ngày 18/5/2023, bà Nguyễn Thị T (65 tuổi) yêu cầu ly hôn với ông Nguyễn Thành Đ (67 tuổi). Về con chung thì có 3 người con chung đã trưởng thành nên bà Nguyễn Thị T không yêu cầu Tòa án giải quyết. Đối với nghĩa vụ chung về tài sản (nợ chung) thì không có nên bà Nguyễn Thị T không yêu cầu Tòa án giải quyết. Đối với tài sản chung thì bà Nguyễn Thị T trình bày trong quá trình chung sống với ông Nguyễn Thành Đ thì vợ chồng có tạo lập một số tài sản chung gồm: 02 thửa đất vườn và cây lâu năm do vợ chồng bà đứng tên; 01 sổ tiết kiệm với số tiền là 1.530.000.000 đồng do vợ chồng bà đứng tên; Hai chiếc xe gắn máy, trong đó một chiếc do bà Nguyễn Thị T đứng tên, một chiếc do ông Nguyễn Thành T đứng tên. Bà Nguyễn Thị T yêu cầu Tòa án giải quyết chia đôi số tài sản chung trên giữa bà với ông Nguyễn Thành Đ.
Trong trường hợp này bà Nguyễn Thị T không phải nộp tiền tạm ứng án phí là chưa phù hợp vì bà Nguyễn Thị T là người có nhiều tài sản chung với ông Nguyễn Thành Đ yêu cầu Tòa án giải quyết nên cần xem xét bà Nguyễn Thị T nộp tiền tạm ứng án phí.
2.2.Người khuyết tật
Cũng như trường hợp người cao tuổi, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016 thì khi người tham gia tố tụng vụ án dân sự tại Tòa án là người khuyết tật thì sẽ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 thì người khuyết tật được định nghĩa như sau: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Tuy nhiên thực tế khi giải quyết vụ án dân sự thì đương sự mặc dù là người khuyết tật nhưng họ cũng có tài sản, có khả năng tài chính và thu nhập ổn định. Do đó, việc xem xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí cho người khuyết tật là chưa phù hợp.
2.3. Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016 thì đương sự là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Căn cứ khoản 2, 3 Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc thì dân tộc thiểu số được hiểu là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dân tộc đa số là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước theo điều tra dân số quốc gia. Như vậy Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh là dân tộc đa số còn lại 53 dân tộc là dân tộc thiểu số. Tuy nhiên để được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo Nghị quyết số 326/2016 thì ngoài điều kiện là người dân tộc thiểu số ra thì còn phải đáp ứng điều kiện là sống tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 thì Ủy ban dân tộc đã phê duyệt danh sách 13.222 thôn đặc biệt khó khăn, bao gồm 11.179 thôn của xã khu vực III, 736 thôn của xã khu vực II, 1.184 thôn của xã khu vực I và 123 thôn của các xã có thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 41 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (có danh sách kèm theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021).
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016 thì đương sự là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Nhưng theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc thì không phải toàn bộ địa bàn tại các xã thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mà chỉ có một số địa bàn thuộc xã thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn như: Khóm, xóm, khu, ấp... Do đó, để đảm bảo tính chính xác nội dung thì cần phải chỉnh sửa lại là “Đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng (địa bàn) có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Như vậy khi tham gia tố tụng vụ án dân sự tại Tòa án mà đương sự là đồng bào dân tộc thiểu số sống tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mới được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Ngược lại đối với dân tộc thiểu số nhưng không sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc là người không phải là dân tộc thiểu số nhưng sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì cũng không được xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Tuy nhiên, hiện nay mặc dù đương sự là người dân tộc thiểu số sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng họ là người có khả năng tài chính nên việc xét miễn nộp tiền cho đối tượng này là không phù hợp với thực tế, cụ thể như trường hợp sau đây:
Ông Võ Văn A (sinh sống tại ấp Giữa, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) yêu cầu chia tài sản thừa kế với ông Võ Văn H (sinh sống tại ấp Giữa, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) gồm số tiền mặt là 400.000.000 đồng do cha mẹ ruột của ông A và ông H chết để lại không có di chúc. Tòa án xác định hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ ông A và ông H thì chỉ có ông A và ông H, không có ai khác. Theo Bản án sơ thẩm của Tòa án giải quyết là ông A và ông H mỗi người được hưởng 200.000.000 đồng và xác định ông A và ông H là người dân tộc thiểu số (Khmer) và sinh sống tại ấp Giữa, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo danh mục kèm theo 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban dân tộc. Tuy nhiên trong trường hợp này việc miễn tiền án phí cho ông A và ông H là không phù hợp do ông A và ông H là người có tài sản được phân chia thừa kế nên có đủ khả năng tài chính để đóng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
3. Kiến nghị
Nói tóm lại việc miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí cho một số đối tượng đặc biệt là cần thiết do xuất phát từ quan hệ tranh chấp mang tính chất nhân thân (bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe…); để đảm bảo quyền lợi của bên yếu thế (người lao động khởi kiện đòi tiền lương…) hoặc do họ không có khả năng tài chính để nộp tiền tạm ứng án phí (hộ nghèo, cận nghèo)... Tuy nhiên, việc xem xét đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí là chưa phù hợp.
Bởi lẽ, đây là những đối tượng đặc biệt nhưng họ có khả năng tài chính nên các tác giả kiến nghị xem xét nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, án phí đối với họ. Việc quy định này cũng phù hợp với Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (trừ đối tượng là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn[1]). Điều đó có nghĩa là đối với đương sự là người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng (địa bàn) có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà có kèm theo điều kiện là người có khó khăn tài chính[2] thì mới được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Tòa án nhân dân huyện Hưng Hà, Thái Bình xét xử dân sự vụ án dân sự sơ thẩm, nguyên đơn là người cao tuổi - Ảnh: Thu Giang
[1] Theo quan điểm tác giả thì đối với người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thường là người có trình độ dân trí thấp, là bên yếu thế hơn so với các đương sự khác khi tham gia giải quyết vụ án dân sự nên họ chỉ cần đáp ứng điều kiện là dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là đủ điều kiện xem xét để được trợ giúp pháp lý, không cần phải có thêm điều kiện là khó khăn về tài chính như đối với nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
[2] Theo hướng dẫn trợ giúp pháp lý thì điều kiện khó khăn về tài chính được quy định tại Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/12/2017 quy định chi tiết mốt số điều của Luật trợ giúp pháp lý. Theo đó người có khó khăn về tài chính theo hướng dẫn của Chính phủ là người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.
Bài liên quan
-
Kể từ 1/10 thí điểm thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trực tuyến
-
Nên đơn giản hóa thủ tục hoàn trả khoản tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án
-
Trong vụ án có đương sự được miễn án phí thì những đương sự khác chỉ nộp án phí mà mình phải chịu theo quy định
-
Nghĩa vụ chịu án phí của hộ gia đình khi có người được miễn án phí trong vụ án không có giá ngạch
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận