Chánh án Nguyễn Hòa Bình tham dự Diễn đàn pháp luật quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ XI
Chiều ngày 30/9, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã tham dự Diễn đàn pháp luật quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ XI được tổ chức tại thành phố Mát-xcơ-va, Liên bang Nga theo hình thức trực tuyến.
Tham dự Diễn đàn có Ngài Vyacheslav Lebedev, Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Nga; Ngài Chu Cường, Chánh ánTòa án nhân dân tối cao Trung Quốc; Ngài Zhakip Asanov, Chánh án Tòa án tối cao Cộng hòa Kazakhstan; Ngài Kang Yun-sok, Chánh án Tòa án Trung ương Triều Tiên; Ngài Htun Htun Oo, Chánh án Tòa án tối cao Myanmar; Ngài Kozimdzhan Kamilov, Chánh án Tòa án tối cao Cộng hòa Uzbekistan; Ngài Dhananjaya Y. Chandrachud, Thẩm phán Tòa án tối cao Ấn Độ…
Diễn đàn pháp luật quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ XI với chủ đề “Tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương” là dịp để các đại biểu chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm xét xử, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu cho mỗi quốc gia. Việc tổ chức Diễn đàn đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm của các cơ quan tư pháp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, sát cánh cùng nhau góp phần xây nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng trong trật tự, an toàn, bền vững và vì nhân dân.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam cho rằng chủ đề của Diễn đàn đã khẳng định tầm quan trọng của cơ quan tư pháp đối với sự phát triển kinh tế của khu vực, vừa mang tính thời sự, cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài. Nội dung hai phiên làm việc của Diễn đàn về thủ tục giải quyết tranh chấp kinh tế tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Tòa án trong bối cảnh hội nhập kinh tế, là những vấn đề nóng, bức thiết, đã trở thành thách thức toàn cầu, nhưng quy định pháp luật của mỗi quốc gia lại khác nhau, kinh nghiệm không đồng đều nên việc chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các vụ án là hết sức cần thiết.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, hệ thống Tòa án Việt Nam đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, quyền sở hữu trí tuệ và ngày càng nhận được sự tin tưởng cao của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ đó góp phần tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế.
Diễn đàn pháp luật quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ XI
Tại Diễn đàn, các đại biểu giới thiệu, chia sẻ về pháp luật của mỗi nước liên quan đến các chủ đề của Diễn đàn. Đại diện Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du trình bày nội dung “Tòa án Việt Nam và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế” giới thiệu tổng quan về pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, một số kết quả xét xử các vụ án về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án, định hướng nâng cao năng lực giải quyết các vụ án về sở hữu trí tuệ.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận