Chế định án treo trong pháp luật hình sự Việt Nam
Từ lý luận và thực tiễn áp dụng án treo ở nước ta trong những năm vừa qua cũng như hiện nay thì cũng đã có rất nhiều quan điểm khác nhau về án treo. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách toàn diện, sâu rộng về chế định này là rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn, góp phần đem đến một cách hiểu đúng đắn, toàn diện và thống nhất trong lý luận cũng như trong thực tế áp dụng án treo; Đồng thời góp phần vào việc hoàn thiện chế định án treo trong khoa học hình sự ở nước ta, phát huy một cách hiệu quả nhất của chế định án treo trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích về “Chế định án treo trong pháp luật hình sự Việt Nam” nhằm phân tích trên cơ sở lý luận và thực tiễn khi xây dựng và áp dụng chế định này trong khoa học hình sự Việt Nam.
1. Khái niệm
Án treo là chế định hình sự ra đời từ rất sớm, trải qua một quá trình lịch sử phát triển lâu dài của khoa học hình sự Việt Nam, từ sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1946 tới nay, tuy có nhiều cách hiểu khác nhau. Đôi lúc “án treo” còn được hiểu là “tạm đình chỉ việc thi hành án” hoặc là một biện pháp “hoãn hình phạt tù có điều kiện” hay “biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau nhưng án treo chưa bao giờ được coi là hình phạt trong hệ thống hình phạt ở nước ta.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về chế định án treo. Theo tác giả Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự – Tòa án nhân dân tối cao thì: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng đối với người bị phạt không quá ba năm tù, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”.
Theo quan điểm của GS.TS Lê Văn Cảm: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù kèm theo một thời gian thử thách nhất định đối với người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện tội phạm khi có đủ căn cứ và những điều kiện do pháp luật hình sự quy định”.
Theo cuốn từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp thì : “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”.
Theo khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 thì: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.
Theo Điều 1 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”.
Trên cơ sở các quan điểm trên, tác giả cũng đưa ra quan điểm về chế định án treo: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá ba năm, không buộc họ phải chấp hành hình phạt tù khi có đầy đủ những căn cứ và điều kiện nhất định do pháp luật hình sự quy định nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời cũng cảnh cáo họ là nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì họ sẽ phải chấp hành hình phạt tù được hưởng án treo của bản án trước đó”.
2. Căn cứ để cho hưởng án treo
Những căn cứ để áp dụng án treo đối với người bị phạt tù là những yêu cầu, đòi hỏi bắt buộc do pháp luật hình sự quy định đối với người đó mà chỉ khi nào có đầy đủ những căn cứ đó thì Tòa án mới được áp dụng án treo đối với họ.
Theo Điều 65 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì căn cứ vào những điều kiện sau để Tòa án quyết định cho hay không cho bị cáo được hưởng án treo: (i) mức phạt tù không quá 03 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng theo quy định tại Điều 9 BLHS năm 2015; (2) Có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự; (3) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 ; (4) Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; (5) Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ nhất, về mức hình phạt tù.
Mức hình phạt tù là căn cứ đầu tiên để Tòa án xem xét cho người bị kết án tù có được hưởng án treo hay không. Người bị áp dụng hình phạt tù không quá 03 năm, không phân biệt tội gì thì có thể được xem xét cho hưởng án treo; trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt không quá 03 năm tù thì cũng có thể được hưởng án treo.
Khi Tòa án tuyên mức hình phạt tù thì phải dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, trên cơ sở tuân thủ những căn cứ để quyết định hình phạt, đồng thời tuân theo những nguyên tắc của pháp luật hình sự Việt Nam để áp dụng hình phạt cho từng trường hợp cụ thể, tránh những trường hợp vì có ý định từ trước là sẽ cho người bị kết án hưởng án treo nên Tòa án tuyên mức án thấp hơn thời hạn 03 năm tù giam để cho người đó được hưởng án treo, hoặc đáng lẽ bị cáo được hưởng án treo nhưng Tòa án có ý định từ trước là không cho hưởng án treo nên Tòa án đã tuyên mức án cao hơn 03 năm để không cho bị cáo được hưởng án treo.
Thứ hai, về nhân thân người phạm tội.
Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc. Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến hết ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tình tiết, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.
Những tình tiết nhân thân tốt vừa là điều kiện cần, vừa có ý nghĩa đối với việc xem xét áp dụng án treo. Nhân thân phản ánh khả năng tự cải tạo, giáo dục người bị kết án trở thành người có ích cho xã hội, như: có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng…; sau khi phạm tội cho thấy sự ăn năn hối lỗi và thành khẩn nhận tội thì họ có nhiều khả năng tự giáo dục, cải tạo hơn các đối tượng khác. Đây cũng là đặc điểm có liên quan đến việc đạt được mục đích của hình phạt, vì mục đích của hình phạt là cải tạo, giáo dục những người bị kết án, giáo dục các thành viên khác trong xã hội tuân thủ pháp luật, cũng như hỗ trợ cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả.
Thứ ba, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015 thì người được hưởng án treo phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Nhiều tình tiết giảm nhẹ được giải thích là phải từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ 02 tình tiết trở lên trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015.
Tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, theo Sổ tay Thẩm phán, tình tiết này được hiểu là trường hợp tội phạm đã gây ra thiệt hại, gây ra hậu quả nhưng tự nguyện (không do ép buộc, cưỡng chế) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Cũng được coi là tự nguyện nếu do người khác tác động (khuyên bảo) hay theo yêu cầu của người bị thiệt hại mà người phạm tội sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.“Sửa chữa” là sửa chữa lại những cái bị làm hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra. “Bồi thường” là bồi thường bằng tài sản cho những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. “Khắc phục hậu quả” là khắc phục tác hại của tội phạm gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường bằng tài sản được… Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tính tự nguyện; hiệu quả của việc sửa chữa, khắc phục hậu quả; mức độ bồi thường thiệt hại.
Tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” là trường hợp hành vi phạm tội chưa kịp gây ra hậu quả (thiệt hại) cho các quan hệ xã hội mà Luật hình sự bảo vệ (ví dụ: người phạm tội đang dắt chiếc xe máy lấy cắp được ra khỏi nhà thì bị bắt giữ và thu lại chiếc xe máy); Gây thiệt hại không lớn là trường hợp hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả (thiệt hại) cho các quan hệ xã hội mà Luật hình sự bảo vệ nhưng mức độ thiệt hại không đáng kể (ví dụ: một ngày sau khi bị mất trộm, cơ quan điều tra đã thu lại được chiếc xe máy mất cắp vẫn trong tình trạng như cũ và trả cho chủ sở hữu).
Đối với tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người có công với cách mạng” gồm: (i) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; (ii) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày tổng khởi nghĩa tháng 08/1945; (iii) Bà mẹ Việt Nam anh hùng; (iv) Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; (v) Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; (vi) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; (vii) Bệnh binh; (viii) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; (ix) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; (x) Người có công giúp đỡ cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ (tình tiết này trước đây theo BLHS cũ được áp dụng theo khoản 2).
Ngoài các tình tiết giảm nhẹ trên theo khoản 1, khoản 2 Điều 51 còn quy định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”.
Ở đây được hiểu là: (i) Đầu thú là trường hợp người phạm tội biết không thể trốn tránh được nên đã đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để được xử lý theo quy định của pháp luật; (ii) Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước; (iii) Người bị hại cũng có lỗi; (iv) Thiệt hại do lỗi của người thư ba; (v) Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản; (vi) Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Thứ tư, có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo; Còn nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thứ năm, thuộc trường hợp không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù
Khi xét việc cho người bị kết án được hưởng án treo, Hội đồng xét xử chủ yếu dựa vào 3 căn cứ mức phạt tù, nhân thân của người bị kết án và các tình tiết giảm nhẹ, phân tích từng căn cứ và đánh giá các căn cứ đó, đồng thời đối chiếu với yêu cầu phòng ngừa và chống tội phạm ở từng loại tội trong môi trường xã hội cụ thể của từng thời kì để có thể kết luận về khả năng tự giáo dục, cải tạo của người bị kết án phạt tù với sự giúp đỡ của gia đình và xã hội để từ đó xác định chính xác việc bắt người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù hay cho họ được hưởng án treo. Chỉ khi nào xét thấy nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì cũng không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mà ngược lại, còn có tác dụng tốt cho việc cải tạo, khuyến khích người phạm tội sửa chữa thì mới cho họ hưởng án treo. Cần tránh tình trạng cho người được hưởng án treo một cách tuỳ tiện, thiếu căn cứ, không được nhân dân đồng tình ủng hộ và làm giảm tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung của án treo.
3. Thời gian thử thách của án treo
Trước đây, theo Điều 10 Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1946 về việc tổ chức Tòa án quân sự quy định: “…Nếu trong 5 năm bắt đầu từ ngày tuyên án, tội phạm không bị Tòa án quân sự làm tội một lần nữa về một tội mới…”. Như vậy, thời gian thử thách của án treo cố định là 5 năm. Thực tiễn vận dụng án treo đã chứng tỏ việc ấn định thời gian thử thách cố định là cứng nhắc, không công bằng. Bởi vì, thời gian răn đe đối với người phạm tội bị kết án tù ở mức độ thấp và thời gian răn đe đối với người phạm tội bị kết án tù ở mức độ cao hơn lại bằng nhau. Ví dụ: A bị Tòa án phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm cũng bằng thời gian thử thách của B bị phạt tù 05 năm. Điều này rõ ràng là bất hợp lí đối với trường hợp của A. Có Toà án muốn tránh sự bất bình đẳng đó, đã tự tuyên thời gian thử thách của án treo tuỳ theo từng trường hợp dài ngắn khác nhau, không tuyên cố định 05 năm như Sắc lệnh số 21/SL đã quy định. Trong phần đánh giá sơ bộ tình hình áp dụng án treo tại Thông tư số 2308/NCPL ngày 1-12-1961, Toà án nhân dân tối cao không coi đây là nhược điểm mà cho đó là sự linh hoạt: “Bên cạnh những nhược điểm và thiếu sót một số Toà án cũng đã áp dụng những biện pháp linh hoạt như: “… Một số Toà án đã không áp dụng thời gian cố định 5 năm như trước mà đã ấn định thời gian thử thách dài ngắn tuỳ theo hình phạt nặng nhẹ và tuỳ theo bản chất can phạm”.
Tại Thông tư số 2308/NCPL ngày 1-12-1961, Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn cách xác định thời gian thử thách của án treo cụ thể hơn: “Khi cho hưởng án treo, toà án phải ấn định một thời gian thử thách trong khoảng từ 01 đến 05 năm dài ngắn tuỳ theo hình phạt và tuỳ theo bản chất của can phạm. Thời gian thử thách nói chung phải dài hơn mức hình phạt chính”. Theo đó, thời gian thử thách của án treo có thể được toà án tuyên bằng hoặc thậm chí ít hơn mức phạt tù đã cho hưởng án treo, điều này là bất hợp lí. Hướng dẫn này được sử dụng cho đến khi ban hành BLHS năm 1985.
Trong BLHS năm 1985, thời gian thử thách của án treo được quy định tại khoản 1 Điều 44: “Khi xử phạt tù không quá năm năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Toà án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”.
Trên thực tế đã có nhiều Nghị quyết, công văn được ban hành trong đó có hướng dẫn áp dụng khoản 1 điều 44 như: Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986, Công văn số 108/HĐNN ngày 19/6/1987, Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16/11/1988. Tuy nhiên, những hướng dẫn này có nhiều điểm chưa hợp lý, chưa thể hiện được ý nghĩa, tầm quan trọng của thời gian thử thách của án treo. Ví dụ: Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16/11/1988 có hướng dẫn: “… Thông thường thì thời gian thử thách phải bằng hoặc dài hơn hình phạt đã tuyên nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được dưới 01 năm hoặc quá 05 năm”, với hướng dẫn như vậy, người áp dụng có thể hiểu rằng trong một số trường hợp cụ thể, thời gian thử thách của án treo có thể bằng hoặc thấp hơn hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Nếu thời gian thử thách của án treo lại có thể thấp hơn mức hình phạt tù thì ý nghĩa đích thực của án treo cũng bị hạn chế bởi không thể có kết luận đúng đắn về người phạm tội, những nỗ lực tự giác cải tạo giáo dục của người đó trong điều kiện thời gian thử thách ít hơn hình phạt tù.
Để khắc phục những nhược điểm trong các văn bản hướng dẫn trước đây, Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 18/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 44 BLHS đã thống nhất: “Theo khoản 1 Điều 44 BLHS thì thời gian thử thách của án treo là từ 01 năm đến 05 năm, bất cứ trương hợp nào cũng không được dưới 01 năm hoặc quá 05 năm và không được ít hơn mức hình phạt tù. Thời gian thử thách của án treo là bắt buộc, không được cho hưởng án treo mà lại miễn thời gian thử thách”.
BLHS năm 1999 ra đời quy định về thời gian thử thách của án treo tại khoản 1 Điều 60: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì toà án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm”.
BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, khoản 1 Điều 65 quy định về thời gian thử thách của án treo: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.
Để hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng thời gian thử thách của án treo, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo quy định như sau: “Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm”.
Tức là ở đây sẽ xảy ra ba trường hợp: (1) Trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng 02 lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm; (2) Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng 02 lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm (ví dụ: Abị xử phạt tù 03 năm cho hưởng án treo và đã bị tạm giam 01 năm, thì mức hình phạt tù còn lại A phải chấp hành là 02 năm “03 năm – 01 năm” và thời gian thử thách là 04 năm (02 năm * 2 = 04 năm); (3) Trong trường hợp đặc biệt thì Tòa án có thể ấn định thời gian thử thách ngắn hơn mức được hướng dẫn tại các điểm 1 và b nêu trên, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
4. Thời điểm tính thời gian thử thách của án treo
Theo Điều 5 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo được xác định như sau:“(1) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo là ngày tuyên án sơ thẩm; (2) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm;(3) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm;(4) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm; (5) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu; (6) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực; (7) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực; (8) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, Nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm”.
Việc căn cứ vào các quy định trên đây để tính thời gian thử thách của người phải thi hành án cho thấy ở một khía cạnh nào đó còn gây bất lợi cho người chấp hành án, chưa phù hợp với Luật Thi hành án hình sự và không đảm bảo trong việc giám sát người chấp hành án.
Theo Điều 5 Nghị quyết số 02/2018 trên đây, thì về cơ bản thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo là từ khi tuyên án (Bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm..). Quy định như vậy là chưa phù hợp với khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2010, theo đó, bản án, quyết định được thi hành là bản án, quyết định có hiệu lực và đã có quyết định thi hành án…; hơn nữa, còn gây khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án. Trên thực tế, khoảng thời gian từ khi tuyên án đến khi giao người bị kết án cho người được phân công giám sát giáo dục không phải là thời gian ngắn, nếu nhanh cũng phải 01 tháng 15 ngày, chưa kể đến việc bản án bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bản án bị giám đốc thẩm thì có thể kéo dài đến hàng năm. Vậy trong thời gian này ai sẽ là người quản lý, giáo dục đối với người chấp hành án. Ví dụ: ngày 12/01/2016, Nguyễn Văn A bị Tòa án tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng. Sau khi A bị tuyên án, A không đồng tình và có đơn kháng cáo. Ngày 20/3/2016, Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm. Sau khi cấp phúc thẩm tuyên án, A tiếp tục khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm, do bản án có vi phạm về trình tự thủ tục tố tụng nên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại. Sau khi điều tra và xét xử lại thì ngày 20/7/2017, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử và tuyên phạt A 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và thời gian thử thách 18 tháng. Như vậy, nếu theo cách tính tại khoản 5 Điều 5 Nghị quyết số 02/2018 nêu trên thì thời gian chấp hành án của A đã xong và đương nhiên Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nơi A cư trú phải cấp giấy đã chấp hành xong thời gian thử thách cho A. Trong khi đó cơ quan này chưa kịp triệu tập A đến UBND nơi A cư trú để cam kết chấp hành án và lập hồ sơ thi hành án do đã hết thời gian (quá 18 tháng kể từ khi xét xử án sơ thẩm lần đầu). Như vậy, không giao được A cho UBND phân công người giám sát giáo dục đối với A, UBND xã cũng không thể làm hồ sơ để đề nghị cơ quan thi hành án hình sự công an huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách đối với A vì không có hồ sơ theo quy định trong giám sát, giáo dục.. Trong khi đó, việc cấp giấy chấp hành xong thời gian thử thách phải căn cứ vào hồ sơ do UBND được giao giám sát giáo dục lập hồ sơ trình Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trước khi hết thời gian chấp hành án 03 ngày.
Từ bất cập trên, trong thời gian tới, đề nghị Liên ngành Tố tụng Trung ương cần xem xét sửa đổi thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo cho phù hợp và vẫn đảm bảo việc giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án theo hướng: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày người bị kết án phải đến Tòa án nơi kết án nhận quyết định thi hành án và bản án và nộp cho UBND cấp xã nơi người bị kết án cư trú hoặc đơn vị quân đội nơi người đó đóng quân, làm việc để giám sát giáo dục đối với người bị kết án.
Như vậy, án treo là một chế định thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Với phương châm “giáo dục – khoan hồng”, án treo không buộc người bị kết án cách ly khỏi xã hội mà tạo điều kiện cho họ được hòa nhập cùng cộng đồng, họ vẫn được làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường dưới sự giám sát, theo dõi, giáo dục của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo moj.gov.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận