Chế định miễn hình phạt – Vướng mắc và kiến nghị

Miễn hình phạt là việc không buộc người phạm tội đã bị kết án phải chịu hình phạt về tội mà họ đã thực hiện. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích các quy định về miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 Bộ luật hình sự (BLHS), qua đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện.

1.Điều kiện áp dụng và hậu quả pháp lý của chế định miễn hình phạt theo Điều 59 BLHS.

1.1. Điều kiện áp dụng

Điều 59 BLHS 2015 quy định về miễn hình phạt như sau: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.

Dẫn chiếu quy định tại Điều 59 BLHS 2015, điều kiện để người phạm tội được miễn hình phạt bao gồm:

Thứ nhất, về điều kiện cần: Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS 2015. Cụ thể khoản 1, 2 Điều 54 BLHS 2015 quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng thể hiện:

“1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”.

Thứ hai, điều kiện đủ để người phạm tội được miễn hình phạt: Đó là người phạm tội “đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.

Thứ ba, phân loại tội phạm được miễn hình phạt: Theo quy định tại Điều 59 BLHS 2015, có thể thấy rằng, bất cứ tội gì cũng có thể được miễn hình phạt, không phân biệt tội đó là tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

1.2. Hậu quả pháp lý

Một là, người được miễn hình phạt tức là được miễn cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung (nếu có). Bởi hình phạt bổ sung là hình phạt chỉ có thể áp dụng kèm với hình phạt chính, có tác dụng củng cố, tăng cường hiệu quả của việc áp dụng hình phạt, giúp cho việc xử lý tội phạm được toàn diện và triệt để. Khi hình phạt chính được miễn thì việc thi hành hình phạt bổ sung là không hợp pháp và không cần thiết.

Hai là, khoản 2 Điều 69 BLHS 2015 quy định “người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”. Như vậy, người được miễn hình phạt được đương nhiên xóa án tích ngay tại thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật hoặc sau khi đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác trong bản án như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nộp án phí. Đây là điểm đặc biệt mà chỉ có ở chế định miễn hình phạt và miễn trách nhiệm hình sự (TNHS).

Ba là, Điều 59 BLHS 2015 chưa quy định người phạm tội được miễn hình phạt có thể phải bị áp dụng các biện pháp pháp lý hình sự hay phi hình sự nào khác hay không. Tại điểm c khoản 2 Điều 451 BLTTHS năm 2015 có quy định Tòa án có thể quyết định “miễn TNHS hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”. Như vậy, người được miễn hình phạt vẫn có thể bị áp dụng một số biện pháp tư pháp. Và trong thực tiễn xét xử cho thấy, người được miễn hình phạt có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp tư pháp được quy định tại khoản 1  Điều 46 BLHS 2015 bao gồm: “a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi; c) Bắt buộc chữa bệnh”.

2.Một số hạn chế, vướng mắc

Người phạm tội được miễn hình phạt, nhất thiết phải có những điều kiện về trường hợp miễn TNHS, nhưng vì tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết khác của vụ án mà không thể miễn TNHS đối với họ thì miễn hình phạt. Khi áp dụng chế định này vẫn còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc nhất định. Trong phạm vi phân tích của bài viết, tác giả xin đưa ra hai trường hợp như sau:

Thứ nhất: Mặc dù Điều 59 BLHS 2015 đã quy định các điều kiện để người phạm tội được miễn hình phạt như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, điều kiện để được miễn hình phạt lại không cụ thể, ngoài điều kiện về tình tiết giảm nhẹ và nếu chỉ căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ thì người phạm tội chỉ có thể được quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo quy định tại Điều 54 BLHS 2015 chứ chưa thể được miễn hình phạt. Vì vậy, người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới chỉ là một điều kiện cần mà chưa đủ, phải có thêm điều kiện khác, mà điều kiện này mới có ý nghĩa quyết định có cho miễn hình phạt hay không, đó là “đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.

Về quy định điều kiện “đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”, hiện nay vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau, bởi vì, theo quy định của BLHS và Luật Đặc xá thì “chính sách khoan hồng” bao gồm các nội dung sau: Miễn TNHS, giảm nhẹ TNHS, miễn hình phạt, đặc xá, đại xá, xóa án tích. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể những điều kiện nào để được hưởng chính sách “khoan hồng đặc biệt”. Do vậy, việc hiểu và áp dụng để miễn hình phạt cho người phạm tội theo quy định tại Điều 59 BLHS 2015 sẽ dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các Tòa án. Điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người phạm tội, có những trường hợp đáng lẽ họ đủ điều kiện để được miễn hình phạt nhưng lại không được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng và ngược lại có những trường hợp không đủ điều kiện nhưng vì điều luật quy định chưa rõ ràng nên người phạm tội lại được  miễn hình phạt.

Từ hạn chế nêu trên, có thể thấy, trong thực tiễn xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp không ít khó khăn khi xác định điều kiện “khoan hồng đặc biệt” để áp dụng và nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa cho người phạm tội theo chiến lược cải cách tư pháp đó là hạn chế thấp nhất áp dụng hình phạt tù, tăng các hình phạt khác nhẹ hơn mà vẫn bảo đảm tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Điển hình, trong thời gian vừa qua, khi xét xử đại án Phạm Công Danh (giai đoạn 2) về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” đã có những quan điểm trái ngược nhau xung quanh việc áp dụng tình tiết “khoan hồng đặc biệt”. Trong đại án nêu trên, Tòa án nhận định về điều kiện “khoan hồng đặc biệt” và cho một số bị cáo hưởng án treo như sau: Các bị cáo phạm tội với vai trò phụ thuộc, mức độ phạm tội không đáng kể. Xét về thân nhân gia đình các bị cáo có công với cách mạng, hiện nay gia đình các bị cáo hết sức khó khăn. Do đó, Tòa án đặc biệt khoan hồng, không buộc các bị cáo chấp hành hình phạt tù mà cho các bị cáo hưởng án treo.

Một số ý kiến không đồng tình với phán quyết này của Tòa án,  Luật sư Nguyễn Viết Giao – Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng không có quy định “đặc biệt khoan hồng”. Hiện nay, quy định tình tiết “hết sức khó khăn” để quyết định hình phạt hay cho hưởng án treo là không có. Vì vậy, để áp dụng thì cần quy định rõ như thế nào là “hết sức khó khăn”, ví dụ như hộ nghèo, hộ cận nghèo, neo đơn có xác nhận của chính quyền địa phương để tránh việc áp dụng không thống nhất. Mặc dù, Tòa án nêu rõ “đặc biệt khoan hồng, không buộc các bị cáo chấp hành hình phạt tù. Nếu xét về các quy định hiện hành thì “chính sách khoan hồng” bao gồm các nội dung sau: Miễn TNHS, giảm nhẹ TNHS, miễn hình phạt, đặc xá, đại xá, xóa án tích nhưng lại không có quy định cho hưởng án treo. Căn cứ BLHS 2015, Luật Đặc xá năm 2018 cũng không có quy định về trường hợp “đặc biệt khoan hồng” mà Tòa án nhận định để quyết định cho các bị cáo hưởng án treo. Như vậy, việc áp dụng như trên sẽ tạo sự tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật.[1]

Thứ hai: Miễn hình phạt là một chế định quan trọng, xuất phát không chỉ từ bản chất, hiệu quả của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế của luật hình sự mà còn bởi quan điểm, chính sách hình sự của từng quốc gia. Bên cạnh đó, dưới góc độ nghiên cứu chúng ta có thể thấy hạn chế trong BLHS 2015 đó là chưa bảo đảm được công bằng giữa trường hợp người được miễn hình phạt với người vi phạm hành chính trong trường hợp cụ thể.

Như đã phân tích tại mục 1, cũng như người được miễn TNHS, người được miễn hình phạt không phải chịu bất cứ hậu quả pháp lý bất lợi của việc phạm tội. Trong khi đó, nếu một người vi phạm hành chính và bị xử phạt, thì đối với họ nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Đặc biệt, có nhiều trường hợp, BLHS còn quy định dấu hiệu nhân thân (đã bị xử phạt hành chính) là dấu hiệu định tội, nếu người đó tái phạm sẽ bị truy cứu TNHS. Theo đó, khoản 1 Điều 321 BLHS 2015 quy định về tội đánh bạc như sau: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.[2]

Ngoài ra còn các điều khác như: Điều 172 Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; Điều 173 Tội trộm cắp tài sản;  Điều 174 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Điều 178 Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản … đều có tình tiết “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính… mà còn vi phạm”.

So sánh giữa người được miễn hình phạt và người bị xử lý VPHC cho thấy người VPHC còn phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm khắc hơn so với người được miễn hình phạt, mà người được miễn hình phạt là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự quy định là tội phạm, nhưng do có những điều kiện nhất định, nên họ được miễn hình phạt, còn người VPHC là người đã thực hiện hành vi VPHC bị Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định là hành vi VPHC. Cho nên, xét ở góc độ pháp lý, hậu quả pháp lý mà người phạm tội (được miễn hình phạt) gánh chịu còn nhẹ hơn so với người VPHC (mà bị xử phạt hành chính) vì ngoài phải chịu trách nhiệm hành chính ra, người này còn phải chịu thời hạn thử thách từ 6 tháng đến 01 năm, nếu không tái phạm thì mới được coi như chưa bị xử phạt VPHC[3].

3.Kiến nghị

Từ hạn chế, vướng mắc nêu trên khi áp dụng chế định miễn hình phạt trên thực tiễn, để pháp luật được áp dụng thống nhất và nhằm bảo đảm quyền lợi của người phạm tội theo hướng có lợi nhất cho họ, hạn chế áp dụng pháp luật mang tính tùy nghi của cơ quan tiến hành tố tụng, tác giả kiến nghị:

Thứ nhất: Cần phải có văn bản hướng dẫn đối với từng trường hợp miễn hình phạt: Giải thích rõ như thế nào là đáng được khoan hồng đặc biệt, thế nào là hành động can ngăn, mức độ hạn chế tác hại của tội phạm được xác định như thế nào…; thống nhất quy định về điều kiện miễn hình phạt trong BLHS 2015 để việc áp dụng được chính xác.

Thứ hai: Để bảo đảm công bằng giữa người được miễn hình phạt và người bị xử lý VPHC, vấn đề này cần được các nhà làm luật sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo hướng quy định bổ sung có tính bắt buộc nếu người phạm tội được miễn hình phạt thì họ vẫn có thể bị Tòa án áp dụng một hoặc các biện pháp tư pháp quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS 2015 bao gồm: “a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi; c) Bắt buộc chữa bệnh”. Bởi vì, khi người phạm tội được miễn hình phạt nếu không bị áp dụng biện pháp gì thì sẽ không có tính giáo dục, thuyết phục và không bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự nước ta so với những trường hợp phạm tội khác trên cơ sở chung./.

Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa. Ảnh: Đinh Tuấn 

[1] Bài viết “Tranh cãi vụ Tòa án đặc biệt khoan hồng cho 04 bị cáo” tại trang web:

https://baohomnay.net/tin-tuc-phap-luat/tranh-cai-vu-toa-dac-biet-khoan-hong-cho-4-bi-cao-131904099857256051

[2] Đọc bài viết “Miễn hình phạt theo quy định của Luật hình sự Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện của tác giả Trịnh Tiến Việt – Trần Thị Quỳnh, đăng trên Tạp chí khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, luật học số 27 năm 2011.

[3] Xem Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

PHÙNG VĂN HOÀNG (Tòa án quân sự Khu vực 2 - Quân khu 1)