Chỉ quy hoạch chức danh cao hơn, mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá 3 người
Hằng năm đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc nguồn nhân sự từ nơi khác đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển.
Ngày 25/1, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27-12-2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương có lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương; đại diện Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội; lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đại diện Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương. Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành ủy có các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Tại hội nghị, ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã quán triệt Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27-12-2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai kết luận Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Theo Quy định số 50, công tác quy hoạch cán bộ phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch cán bộ. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xuất phát từ tình hình thực tế đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị trong từng nhiệm kỳ và định hướng nhiệm kỳ tiếp theo, đồng thời gắn kết chặt chẽ với các khâu khác trong công tác cán bộ.
Quy định của Bộ Chính trị cũng yêu cầu phải rà soát, đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, thực hiện phương châm quy hoạch “động” và “mở”. Hằng năm đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc nguồn nhân sự từ nơi khác đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển.
Quy định cũng nêu rõ, chỉ quy hoạch chức danh cao hơn, mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá 3 cán bộ; một cán bộ quy hoạch không quá 3 chức danh cùng cấp; không thực hiện quy hoạch đồng thời với việc đề xuất bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Các đại biểu thống nhất cao với dự thảo Hướng dẫn do Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị, đồng thời trao đổi, đề xuất Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu, hướng dẫn làm rõ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn đối với cán bộ quy hoạch; hướng dẫn công tác quy hoạch trong các tổ chức chính trị - xã hội; thẩm quyền phê duyệt của cấp ủy; rà soát để bảo đảm sự đồng bộ giữa các văn bản; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng; rà soát danh mục các chức danh tương đương…
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao sự có mặt và những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí bí thư, lãnh đạo ban tổ chức tại điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy. Bà Trương Thị Mai khẳng định, thời gian qua công tác quy hoạch cán bộ đã được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trong báo cáo tổng kết công tác quy hoạch cán bộ từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay đã được Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị. Trong đó, các cấp ủy đã quy hoạch được số lượng cán bộ lớn, nguồn quy hoạch rộng mở, góp phần thực hiện tốt công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo các chức danh lãnh đạo, quản lý ở trung ương và địa phương.
Năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có các vấn đề về công tác cán bộ, đưa các nội dung trong công tác cán bộ trở thành một quy trình khép kín trong tất cả các khâu, thể hiện bằng các quy định về tiêu chuẩn chức danh; công tác kiểm điểm, phân loại, đánh giá cán bộ; công tác quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng; luân chuyển cán bộ; phân cấp quản lý, bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử; trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; lấy phiếu tín nhiệm…
Trong thời gian tới, bà Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng nhất là người đứng đầu tiếp tục phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ để ngày càng có nhiều tiến bộ, đổi mới, quan trọng hơn là chuẩn bị một nguồn cán bộ chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như yêu cầu của công tác cán bộ, công việc “then chốt của then chốt”, góp phần quan trọng vào đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Bài liên quan
-
Toàn văn Nghị định Số: 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
-
Tòa án nhân dân tối cao công bố, trao Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp Vụ
-
Chính sách ưu việt của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP đối với cán bộ công chức, người lao động nghỉ hưu sớm do tinh gọn bộ máy
-
Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận