Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Cán sự Đảng TANDTC

Ngày 8/1/2022, ông Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng TANDTC và dự Lễ khánh thành Trung tâm tư liệu - thư viện, trung tâm giám sát và điều hành phần mềm trợ lý ảo cho Thẩm phán và Nền tảng xét xử trực tuyến TAND.

Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên TW Đảng: ông Bùi Văn Cường -Tổng thư ký Quốc hội; bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về phía lãnh đạo TANDTC có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư ban cần sự Đảng, Chánh án TANDTC; các Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Du, Dương Văn Thăng, Nguyễn Văn Tiến.

Tham dự buổi làm việc còn có các thành viên Hội đồng Thẩm phán, thủ trưởng đơn vị thuộc TANDTC và lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội Viettel. 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan chính phủ, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình về cải cách hành chính của đất nước.

Các quyết sách, chỉ đạo của Đảng về CNTT điển hình là Nghị quyết 36 ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 749 ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra chủ trương, định hướng và chiến lược rõ ràng để bắt kịp với xu thế thế giới của “thời đại số”. Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu lần thứ 13 của Đảng, Đảng ta đã tiếp tục xác định và đưa nhiệm vụ “… chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số,…; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước,…; tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội 13 và cũng là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Qua đó, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của cuộc cách mạng lần thứ 4 đối với sự phát triển của đất nước, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc nắm bắt thời cơ, các cơ hội và thành tựu từ cuộc cách mạng lần thứ 4 để xây dựng đất nước Việt Nam phát triển.

Đối với các cơ quan tư pháp, đứng trước yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại các văn kiện của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước như Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ: “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện…”, “Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, ….” và “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định “Nhà nước ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, phát triển CNTT cho Tòa án nhân dân”. Bên cạnh đó, các đạo luật hiện hành về tố tụng tư pháp (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) đã có một số quy định về tố tụng điện tử như cho phép gửi, nhận đơn và tống đạt văn bản tố tụng bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 2, trên cơ sở đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao Quốc hội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết số 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là các quy định mới nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng về việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án và tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam.

 

Toàn cảnh buổi lễ

Thực hiện kế hoạch xây dựng Tòa án điện tử, thời gian qua, TANDTC đã triển khai một số hoạt động như: (1) Ban hành 02 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tố tụng điện tử; (2) Đưa vào sử dụng Trang điện tử Án lệ và công khai bản án; (3) Xây dựng và vận hành thường xuyên hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu các Tòa án nhân dân và Tòa án Quân sự cấp quân khu; (4) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị Tòa án (quản lý công tác thụ lý, giải quyết các loại án; quản lý nhân sự, tài chính…); (5) Cung cấp một số dịch vụ tư pháp công trên nền tảng số (nhận đơn khởi kiện, trả lời đơn, tống đạt văn bản tố tụng…); (6) Nâng cấp Cổng Thông tin điện tử TANDTC và 67 Trang thông tin điện tử TAND các cấp; (7) Vận hành Dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; (8) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan tích hợp 05 dịch vụ công của TAND lên Cổng dịch vụ công quốc gia; (9) Phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai dịch vụ nộp tiền tạm ứng án phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia; (10) Tranh thủ sự hỗ trợ của Tòa án tối cao Hàn Quốc thông qua dự án KOICA để triển khai xây dựng hệ thống quản lý án tổng hợp làm cơ sở phát triển hệ thống tố tụng điện tử cho Tòa án nhân dân Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúc mừng TANDTC có thêm những công trình, nền tảng công nghệ số, phục vụ đắc lực cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của TAND, đồng thời cũng đánh dấu một bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ hoạt động của các Tòa án. Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC đã chủ động, tích cực triển khai xây dựng trong thời gian ngắn và hoàn thành công trình “Trung tâm Giám sát, điều hành: Trung tâm Tư liệu Thư viện; Phần mềm Trợ lý ảo và Nền tảng xét xử trực tuyến TAND” đúng vào dịp đầu năm mới 2022, Đảng và Nhà nước ta chuẩn bị Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2022).

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc TAND đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức, hoạt động, coi đó là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng công tác. Tòa án các cấp đã quán triệt và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số là giải pháp then chốt để khắc phục nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác Tòa án; từ đó hỗ trợ các Thẩm phán hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những công trình quan trọng này của hệ thống Tòa án là minh chứng cụ thể cho việc xây dựng mục tiêu, quyết tâm chính trị và tầm nhìn dài hạn của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC trong việc định hướng tương lai phát triển của TAND. Công trình này đã đặt những viên gạch đầu tiên, làm nền móng cho việc hiện thực hóa Tòa án điện tử, Tòa án thông minh ở Việt Nam trong thời gian tới. Ý nghĩa quan trọng của các công trình này không chỉ giới hạn trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân, là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các Thẩm phản thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, mà còn từng bước đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp; đáp ứng được mong đợi của nhiều thế hệ cán bộ, công chức Tòa án, nhất là các Thẩm phán, người giữ chức danh tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá việc khánh thành, đưa vào sử dụng “Nền tảng xét xử trực tuyến” cùng với việc ban hành “Thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến” ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm, lỗ lực lớn của hệ thống Tòa án trong việc đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp kịp thời, phù hợp và hiệu quả để chủ động thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến hoạt động tố tụng tại Tòa án.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ của Toà án đã được Hiến định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp”, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, đầu tư và có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Tòa án phát triển, trong đó quan tâm, chú trọng đến việc đầu tư nguồn lực để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nhờ đó, trong những năm qua, Tòa án các cấp đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó đã chủ động đề xuất xây dựng nhiều chủ trương, chính sách quan trọng làm nền tảng để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động công tác của các Tòa án, nổi bật như: nhiều dịch vụ công trực tuyến của Toà án đã được triển khai và mang lại nhiều kết quả tích cực; Trang thông tin điện tử công bố bản án, Quyết định của Toà án và án lệ; Hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối với các Toà án trên toàn quốc; Hệ thống các phần mềm hỗ trợ quản lý và giải quyết án.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý 6 vấn đề chính sau đây:

Thứ nhất, Tòa án các cấp cần thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án.

Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp trong TAND với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo. Tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân; Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cai cách tư pháp.

Thứ ba, tích cực tham gia xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật để kịp thời giải quyết yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn. Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo hành pháp pháp lý cho việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số và Tòa án điện tử ở nước ta. Tổ chức triển khai thi hành hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về công tác Tòa án, nhất là Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tỏa trực tuyến. Khẩn trương tổ xây dựng, ban hành, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản để tổ chức thi hành hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội trong thực tiễn.

Thứ tư, tăng cưởng công khai, minh bạch và bảo đảm sự giám sát của Nhân dân, cử tri đối với hoạt động của các Tòa án. Tiếp tục đổi mới thủ tục tố tụng tư pháp tại Tòa án nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả chế định Nhân dân tham gia xét xử.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số các mặt hoạt động của Tòa án theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Tòa án phải quán triệt quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và là mục tiêu; lấy hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội làm thước đo để đánh giá kết quả. Xác định đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức Tòa án là yếu tố quan rải quyết định đến sự thành công trong thực hiện chiến lược chuyển đổi, số, xây điện theo tinh thần cải cách tư pháp.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng của ngành Toà án, thường xuyên quan tâm nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho con người ngành Toà án. Xây dựng hình ảnh cán bộ Toà án thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất phù hợp với đặc thù công tác Toà án, nhất là nguồn lực để triển khai xây dựng Toà án điện tử; Đề nghị cấp uỷ, chính quyền điạ phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để Toà án các điạ phương hoàn thành tốt trọng trách được giao. Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với tổ chức và hoạt động của các TAND để TAND hoàn thành tốt nhiệm vụ được gia, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến tham dự sự kiện quan trọng của ngành Tòa án. Đồng thời cảm những đánh giá cao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành cho những nỗ lực của TANDTC, khẳng định sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội là nguồn động viên lớn đối với tập thể, cán bộ, ngành Tòa án.

 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại buổi lễ

Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ngành Tòa đã hoàn thành một số việc quan trọng, như xây dựng xong 35 trụ sở TAND cấp huyện; xây dựng trụ sở TANDTC, Tòa án cấp tỉnh; Hoàn thành hệ thống công nghệ thông tin đã khai trương hôm nay.

Chánh án cho biết việc xây dựng trung tâm giám sát và điều hành phần mềm trợ lý ảo cho Thẩm phán và Nền tảng xét xử trực tuyến TAND có thể mới chỉ là bước đầu, các giai đoạn tiếp theo các tiện ích mang lại sẽ thông minh hơn, sự hỗ trợ của trợ lý ảo với thẩm phán ngày càng tích cực hơn. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống CNTT, việc đặc biệt quan tọng là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức sẽ được Tòa án thực hiện trong thời gian tới.

Chánh án cũng cho biết sẽ quán triệt thực hiện những phát biểu chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi lễ hôm nay tới toàn thể cán bộ, công chức ngành Tòa án.

 

 Chủ tịch Quốc hội đã cùng bấm nút khai trương “Trung tâm giám sát và điều hành; Trung tâm Thông tin – Thư viện; Phần mềm Trợ lý ảo và Nền tảng Xét xử trực tuyến”

Không dừng lại ở đó, để đẩy nhanh tiến trình hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025 theo Nghị quyết của Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN và trọng tâm là tạo sự đột phá trong cải cách tư pháp tại Tòa án, hỗ trợ Thẩm phán trong hoạt động chuyên môn; đặc biệt nâng cao hiệu quả quản trị Tòa án và bảo đảm cơ sở hạ tầng tổ chức phiên tòa trực tuyến khi Quốc hội thông qua. Năm 2021, bên cạnh việc tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ nước ngoài, Tòa án nhân dân tối cao đã bố trí nguồn lực trong nước để triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin như: Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Tập đoàn công nghệ lớn trong nước như Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT triển khai, lắp đặt hệ thống mạng nội bộ (WAN) cho toàn bộ Tòa án nhân dân các cấp (770 đơn vị) trên hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước để bảo đảm cơ sở hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn phục vụ triển khai các hệ thống phần mềm nội bộ dùng chung của Tòa án nhân dân. Đặc biệt, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân; nền tảng xét xử trực tuyến dùng chung cho các Tòa án nhân dân; phần mềm Trợ lý ảo hỗ trợ cho Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án. Bên cạnh đó, với nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc lưu trữ, khai thác tư liệu, thông tin, Tòa án nhân dân tối cao cũng quyết định xây dựng Trung tâm tư liệu – Thư viện Tòa án nhân dân tối cao trở thành trung tâm tri thức về khoa học tư pháp, xứng tầm với vị thế, vai trò của Tòa án nhân dân trong giai đoạn cải cách tư pháp và trong xu thế hội nhập quốc tế.

Về Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động TAND: Được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng như xây dựng Tòa án điện tử. Trung tâm này được xây dựng nhằm mục đích tạo ra “bộ não số” của Tòa án với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn tổng thể toàn cảnh trên mọi lĩnh vực hoạt động của Tòa án. Dự án xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân do Tập đoàn Viettel thiết kế, xây dựng, tích hợp và phối hợp với Tòa án nhân tối cao để triển khai thực hiện. Cơ sở vật chất của Trung tâm được đầu tư đồng bộ, hiện đại, gồm: Hạ tầng tính toán và truyền dẫn; Hệ thống tổng hợp dữ liệu; Hệ thống màn hình hiển thị, giám sát thông tin lớn với 24 màn hình ghép loại 49 inch và thiết bị điều khiển màn hình thông minh; Hệ thống âm thanh và các máy tính chuyên dụng để vận hành khai thác dữ liệu, hệ thống phần mềm điều khiển trung tâm…

Về hệ thống phần mềm Trợ lý ảo: Được phát triển nhằm mục tiêu: (i) Thực hiện số hóa các tri thức, kinh nghiệm xử án của các thế hệ Thẩm phán giỏi, giàu kinh nghiệm, lưu truyền lại cho các thế hệ sau có thể kế thừa, tham khảo; (ii) Tạo ra Thư ký ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu, phân tích, giải quyết và đưa ra quyết định đối vụ án, quản lý công việc hành chính của Thẩm phán; (iii) Bảo đảm việc phổ cập, áp dụng đúng, thống nhất pháp luật; (iv) Hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện trực tuyến và các loại đơn tư pháp và đưa ra các kết quả xử lý đơn; (v) Cung cấp dịch vụ chỉ dẫn pháp luật và đoán định tư pháp cho người dân, theo đóngười dân chỉ cần cập nhật tình trạng pháp lý đối với một vụ việc, hệ thống đưa ra các căn cứ pháp lý và các bản án/quyết định có tình huống pháp lý tương tự để người dân tham khảo, từ đó có thể ra quyết định lựa chọn hình thức giải quyết; Trợ lý ảo cũng được ứng dụng trong công tác đào tạo. 

 

Chủ tịch Quốc hội trồng cây tại vườn Công lý

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu đã đi thăm Trung tâm tư liệu-Thư viện TANDTC; Trung tâm giám sát điều hành TAND; trồng cây tại vườn Công lý TANDTC và chụp ảnh lưu niệm.

CẢNH DINH