Có căn cứ để áp dụng quy định về trở ngại khách quan kéo dài thời hiệu khởi kiện hành chính trong vụ việc của ông Trần Văn B

Bài viết “Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có bị ‘mất đi’ khi vụ án dân sự bị đình chỉ?” của ThS. Vũ Thị Thu Hường nêu ra hai quan điểm pháp lý trái chiều.

Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, theo đó thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp của ông Trần Văn B cần được kéo dài, vì có căn cứ áp dụng quy định về trở ngại khách quan theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bởi vì:

Thứ nhất, trường hợp này phải được xem là trở ngại khách quan

Trong vụ việc được nêu, sau khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự, ngày 15/10/2023, ông B biết được A đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất B đang quản lý, sử dụng. Ông B đã có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vụ án dân sự nêu trên nhưng đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là yêu cầu của đương sự, nhưng không phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập theo Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023. Công văn 196/TANDTC-PC cũng khẳng định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải được Tòa án xem xét giải quyết trong cùng một vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự”. Quy định như trên nhằm đảm bảo trong vụ án giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất Tòa án sẽ đánh giá tính hợp pháp của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong cùng một vụ án được triệt để, tránh mâu thuẫn trong kết quả giải quyết. Đồng thời, việc gộp lại sẽ tránh việc người dân phải khởi kiện thêm một vụ hành chính khác, mất thời gian, chi phí, công sức và thậm chí gây bức xúc vì thủ tục kéo dài.

Như vậy, về mặt pháp lý và thực tiễn, ông B đã có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền  sử dụng đất và yêu cầu của ông B sẽ được xem xét trong vụ án dân sự mà ông B không bắt buộc phải kiện một vụ án hành chính riêng biệt về khiếu kiện hành chính hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào thời điểm vụ án dân sự đang được giải quyết.

Việc Tòa án tiến hành đo đạc, thẩm định, định giá kéo dài hơn 12 tháng, sau đó vụ án dân sự bị đình chỉ do nguyên đơn rút đơn khởi kiện là diễn biến bất ngờ, khách quan và nằm ngoài khả năng kiểm soát của ông B. Do đó, khi ông B khởi kiện vụ án hành chính thì khoảng thời gian từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự cho đến khi có quyết định đình chỉ cần được xem là khoảng thời gian có trở ngại khách quan, làm cản trở ông B thực hiện quyền khởi kiện hành chính.

Thứ hai, cần áp dụng linh hoạt các nguyên tắc dân sự trong tố tụng hành chính

Tuy Luật Tố tụng hành chính năm 2015 không có quy định cụ thể về việc kéo dài thời hiệu do trở ngại khách quan, nhưng khoản 5 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: “Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính”. Do đó, quy định về trở ngại khách quan dẫn đến kéo dài thời hiệu trong Bộ luật Dân sự cần được áp dụng trong vụ án hành chính nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của đương sự.

Mặc dù khái niệm trở ngại khách quan còn khá chung chung và Bộ luật Dân sự chưa cho biết thời gian từ khi người khởi kiện biết quyết định hành chính cho đến khi Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án có là thời gian tồn tại trở ngại khách quan hay không. Tuy nhiên, nên coi trường hợp này là trở ngại khách quan, bởi vì nguyên nhân ông B không khởi kiện vụ án hành chính không phải xuất phát từ lý do cá nhân ông B không tự bảo vệ quyền lợi của mình. Trường hợp này, người khởi kiện không cố ý vi phạm thời hiệu khởi kiện, Tòa án áp dụng quy định về trở ngại khách quan cũng không phải là lạm dụng quy định về trở ngại khách quan. Theo người viết, cần áp dụng quy định trở ngại khách quan nhằm bảo vệ người dân không mất đi quyền khởi kiện chỉ vì sự phức tạp của các quy định tố tụng.

Từ các phân tích trên, có thể thấy rằng, trường hợp của ông Trần Văn B hội đủ điều kiện áp dụng quy định về trở ngại khách quan để kéo dài thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính. Việc Tòa án xem xét và thụ lý đơn kiện hành chính của ông B là cần thiết, nhằm bảo đảm quyền khiếu kiện của ông B.

Luật sư Hoàng Văn Truyền – Công ty Luật TNHH MTV An Long