Cơ quan Thi hành án dân sự từ chối nhận là không đúng
Qua đọc bài “Cơ quan Thi hành án dân sự từ chối nhận đơn đúng hay sai?” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 24/01/2019, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan, tôi cho rằng từ chối nhận đơn yêu cầu Thi hành án của chị Trân là không đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) thì sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án hoặc có quyền thỏa thuận thi hành án với người phải thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 6, Điều 7).
Trường hợp đương sự thỏa thuận trước khi yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án thì thỏa thuận đó phải lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận. Đương sự có nghĩa vụ tự thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì bên có quyền được yêu cầu thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định (Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ).
Về thời hiệu thi hành án thì tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự có quy định như sau: Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Theo tình huống pháp lý thì tại Quyết định số 368/2018/QĐST-HNGĐ ngày 17/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh T, có ghi nhận về con chung như sau: “Giao hai con chung tên là Trần Nguyễn Lâm Nhật, sinh ngày 26/7/2010 và cháu Trần Nguyễn Như Mỹ, sinh ngày 13/4/2013 cho chị Trân nuôi dưỡng… Anh Biên tự nguyện cấp dưỡng nuôi con chung mỗi cháu 1.000.000đ/tháng, thời hạn cấp dưỡng tính từ khi quyết định có hiệu lực pháp luật cho tới khi hai cháu Nhật và Mỹ đủ 18 tuổi, lao động được.” và kể từ khi có quyết định ly hôn, chị Trân là người trực tiếp nuôi con chung. Như vậy, rất rõ ràng là giữa chị Trân và anh Biên là không có thỏa thuận thi hành án nào. Chị Trân cũng chưa gửi đơn yêu cầu thi hành án đối với Quyết định số 368/2018/QĐST-HNGĐ ngày 17/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh T cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện X. Cho nên, chị Trân có quyền nộp đơn yêu cầu thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện X, tỉnh T.
Việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện X cho rằng: Sau khi hai bên thuận tình ly hôn, hai con chung đã được giao cho chị Trân nuôi dưỡng thì xem như thỏa thuận giao con chung cho chị Trân nuôi dưỡng đã được hai bên tự nguyện thi hành án. Nay, anh Biên bắt lại con chung đã làm phát sinh tranh chấp mới giữa anh Biên và chị Trân nên không làm phát sinh việc thi hành án về việc giao con chung nữa. Đồng thời, Chi cục Thi hành án dân sự huyện X căn cứ vào điểm a khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu Thi hành án của chị Trân là không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra theo quy định, sau khi Chi cục Thi hành án dân sự huyện X nhận đơn yêu cầu thi hành án của chị Trân và ra Quyết định thi hành án, nếu hết thời hạn tự nguyện thi hành án (10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án), anh Biên không tự nguyện giao con cho chị Trân nuôi dưỡng thì bị cưỡng chế thi hành án.
Theo quy định tại Điều 120 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án (anh Biên) hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì họ sẽ bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ) trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để anh Biên hoặc người đang trông giữ giao con chị Trân là người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà anh Biên hoặc người đang trông giữ con không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao con hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Không chấp hành án” theo Điều 380 BLHS năm 2015.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận