Công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT có những kết quả nổi bật
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời từ năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công. Sau gần 6 năm, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã có nhiều kết quả nổi bật đáng được ghi nhận.
Từ đó đến nay, chính sách, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện, con đường tiến tới thực hiện BHYT toàn dân được chỉ rõ tại các văn kiện của Đảng, quy định trong Luật BHYT và đang dần trở thành hiện thực. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT hiệu quả nhất, mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT.
6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã có những kết quả nổi bật được ghi nhận. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT.
Những kết quả trên cho thấy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Do đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số như Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới là hoàn toàn khả thi.
Quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày càng được đảm bảo. Cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng mở rộng, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán tăng mạnh. Năm 2009 có 92,1 triệu lượt KCB BHYT, đến năm 2019, số lượt người đi KCB BHYT đã tăng gần gấp hai lần. Phạm vi quyền lợi về BHYT của Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là rộng rãi so với nhiều nước khác.
Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng.
Công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT cũng được đánh giá là an toàn, hợp lý và hiệu quả. Để đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHYT, từ năm 2018, BHXH Việt Nam đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao dự toán chi KCB BHYT đến từng địa phương, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh hầu hết các tỉnh bị bội chi quỹ KCB BHYT.
Những năm qua, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Tất cả cơ sở KCB trong cả nước được liên thông, kết nối, đưa hệ thống giám định điện tử đi vào hoạt động giúp kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, giúp cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT, hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Từ tháng 01/2017, Hệ thống Thông tin giám định BHYT chính thức được khai thác để thực hiện các quy trình của nghiệp vụ giám định BHYT. Các chức năng của Hệ thống ngày càng được hoàn thiện giúp BHXH tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, giám định lại các khoản chi BHYT, cơ sở KCB cũng chủ động xem xét, điều chỉnh việc thống kê thanh toán và việc chỉ định sử dụng dịch vụ y tế, góp phần thay đổi ý thức, nâng cao trách nhiệm quản lý quỹ BHYT của ngành BHXH và cả ngành y tế.
Người dân tham gia bảo hiểm cũng được cấp mã số BHXH là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT, làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử thay thế cho thẻ giấy. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý và người tham gia, đáp ứng yêu cầu về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung trên toàn quốc của ngành BHXH.
Để đạt được những kết quả trên, BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp để người tham gia BHYT được thuận lợi nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận