Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính PFS làm giả văn bản của Ngân hàng Nhà nước để huy động vốn?

Thời gian gần đây, có nhiều người dân gửi đơn đến Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình... tố cáo ông Hoàng Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và các cá nhân của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính PFS có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đơn của các bị hại đang được giải quyết theo trình tự, đúng quy định của pháp luật.

Việc nhiều người dân tham gia góp vốn vào Công ty cổ phần Đầu tư tài chính  PFS (địa chỉ trụ sở chính: Số 770 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) do ông Hoàng Nam huy động là có. Nhưng ông Hoàng Nam có phải đã thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư hay không? thì cần có kết luận cuối cùng từ cơ quan công an.

Tuy nhiên, từ những tài liệu mà phóng viên tapchitoaan.vn thu thập được thì trong quá trình huy động vốn, một số thuộc cấp của ông Hoàng Nam đã có hành vi sử dụng giấy tờ giả mạo của cơ quan Nhà nước để gây dựng niềm tin, lôi kéo nhà đầu tư.

Cụ thể, khi ông Hoàng Nam còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP giải pháp tài chính, quá trình tiếp xúc với nhà đầu tư để huy động vốn, nhân viên Công ty CP giải pháp tài chính đã trưng ra một văn bản mà đại diện Cty CP giải pháp tài chính giới thiệu là văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Văn bản có tên: "Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép thành lập và hoạt động của Cty CP giải pháp tài chính". Văn bản được đánh số 286, đề ngày 30/05/2022, chữ ký đại diện cơ quan phát hành văn bản là Đào Minh Tú; chức danh: Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Được đóng dấu công văn đến số 91 ngày 31/05/2022 của Công ty Cổ phần Công nghệ giải pháp tài chính.

Nhà đầu tư cung cấp văn bản liên quan đến việc họ bị lừa dối lâu nay bởi công ty CP Tài chính PFS

Với nhà đầu tư, trước hết họ lầm tưởng rằng Công ty Cổ phần giải pháp tài chính là đơn vị được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước, và sẽ thấy yên tâm và an toàn tuyệt đối khi đồng tiền xương máu của họ được góp vốn đầu tư vào một đơn vị dưới sự giám sát, quản lý của NHNN Nhưng quá trình xác minh của phóng viên tapchitoaan.vn thì văn bản nói trên được xác định là giả mạo.

NHNN khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước không ban hành văn bản số 286, đề ngày 30/5/2022. Ảnh PV TCTA

Nhận được phản ánh bạn đọc, phóng viên tapchitoaan.vn tiến hành xác minh về tính xác thực của văn bản số 286 được giới thiệu là của NHNN Ngày 31/08/2023, Phó Chánh Thanh tra - giám sát Ngân hàng Nhà nước - ông Lê Quang Huy ký văn bản số 6868/NHNN-TTGSNH trả lời Tạp chí Tòa án nhân dân. Tại văn bản này, NHNN khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước không ban hành văn bản số 286, đề ngày 30/5/2022, Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty Cổ phần giải pháp tài chính".

Như vậy, Công ty Cổ phần giải pháp tài chính do ông Hoàng Nam đã có hành vi sử dụng văn bản giả mạo của Ngân hàng Nhà nước để lừa dối khách hàng trong quá trình huy động vốn. Cơ quan Công an cần xác minh làm rõ: Văn bản số 286 mà Công ty Cổ phần giải pháp tài chính sử dụng được lấy ở đâu? Ai đã có hành vi làm giả con dấu để phát hành văn vản giả mạo của Ngân hàng nhà nước?

Theo tài liệu phóng viên có được thì chính ông Hoàng Nam cũng là người đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ và Thương mại Bắc Bình có địa chỉ được đăng ký  tại số 270 đường Chiến Thắng, phường Văn Quán, quận Hà Đông với chiêu trò huy động vốn tại những dự án không có thật, hiện tại Công an tỉnh Ninh Bình đang điều tra làm rõ.

Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Nam Anh