Công ước Liên Hợp quốc về thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải- Giải pháp trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, hòa giải đã, đang và sẽ trở thành phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Sự ra đời của Công ước Liên Hợp quốc về thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải (Công ước Singapore) tạo nêu những cơ hội thuận lợi cho Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế khi tham gia Công ước và yêu cầu đặt ra để có thể tận dụng tốt cơ hội này.
Công ước Singapore- Bước ngoặt trong hòa giải thương mại quốc tế
Trong thương mại quốc tế hiện nay có bốn phương thức giải quyết tranh chấp là thương lượng, hòa giải, Trọng tài và Tòa án. Qua số liệu thống kê khảo sát của Bộ Tư pháp, phương thức giải quyết tranh chấp mà các doanh nghiệp, cá nhân ưu tiên áp dụng lần lượt là thương lượng (57,8 %), Tòa án (46,8%), hòa giải (22,8%), trọng tài (16,9%).
Đối với phương thức giải quyết tại Tòa án, trên thế giới hiện nay chưa có một Công ước nào được xây dựng với nội dung công nhận và thi hành kết quả các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại một nước khác. Còn với phương thức giải quyết tại Trọng tài đã có Công ước New York năm 1958 về việc công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài nhằm đảm bảo cho các phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và thực thi như phán quyết của Trọng tài trong nước.
Công ước Singapore hỗ trợ cho kết quả hòa giải các tranh chấp thương mại quốc tế . Khi tham gia vào Công ước, kết quả hòa giải thành do hòa giải viên đưa ra ở một quốc gia sẽ được công nhận và thi hành ở một quốc gia thành viên khác. Điều đó sẽ thúc đẩy cho việc sử dụng hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh tranh chấp, mở rộng, tăng cường cơ hội hợp tác thương mại giữa các quốc gia trên thế giới.
Hòa giải cũng là một phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến bởi những lợi ích mà nó mang lại như tiết kiệm được thời gian, chi phí, giữ gìn được mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các bên. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của phương thức này là không có cơ chế đảm bảo thi hành kết quả hòa giải, Công ước của Liên hợp quốc về Thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hòa giải sẽ giải quyết được vấn đề này.
Quá trình đàm phán, thảo luận về Công ước có sự tham gia của 85 quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc và 35 tổ chức phi chính phủ, trong đó có nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Singapore. Ngày 7/8/2019, tại Singapore 46 nước đã ký kết Công ước, Việt Nam tuy chưa ký kết nhưng vẫn tham gia các phiên họp đàm phán Công ước với tư cách là quan sát viên.
Xét về mặt lợi ích, việc tham gia Công ước trong bối cảnh những tranh chấp xuyên quốc gia ngày càng diễn ra phổ biến sẽ là cơ chế hiệu quả để giải quyết những tranh chấp này.
Khi tham gia Công ước, kết quả hòa giải thành giữa một bên là doanh nghiệp Việt Nam và một bên là doanh nghiệp nước ngoài nếu được thực hiện bởi các hòa giải viên, trung tâm hòa giải thương mại của Việt Nam sẽ được công nhận và thi hành ở các quốc gia thành viên. Tính đến thời điểm này có trên 40 quốc gia đã ký kết tham gia Công ước, trong đó có những quốc gia như Hoa kỳ, Trung quốc, Singapore đều là những đối tác thương mại lớn của nước ta.
Thứ hai, những kết quả hòa giải thành ở nước ngoài cũng sẽ được công nhận và thi hành ở Việt Nam, như vậy sẽ làm tăng hiệu quả, tăng độ tin cậy với các quốc gia cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khi hợp tác với Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới 230 thị trường của các nước và vũng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần … . Bên cạnh đó, đến nay, Việt Nam đã có 16 FTA, trong đó có rất nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới. Để có thể tận dụng hết những cơ hội mà đầu tư nước ngoài mang lại, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực mà dịch bệnh tạo ra trong thời gian gần đây, việc củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư là hết sức cần thiết.
Thứ ba, Nếu tham gia Công ước, chúng ta sẽ từng bước đưa pháp luật Việt Nam tiệm cận với pháp luật quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Một số vấn đề cần điều chỉnh khi Việt Nam tham gia Công ước
– Về phạm vi áp dụng, khoản 2 Điều 1 Công ước Singapore quy định: “Công ước này không áp dụng với các thỏa thuận giải quyết tranh chấp:
a. Là kết quả giải quyết tranh chấp phát sinh từ các giao dịch mà một trong các bên tham gia vì mục đích cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình;
b.Liên quan đến pháp luật gia đình, thừa kế hoặc lao động”.
Trong khi đó, Điều 2 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về hòa giải thương mại quy định phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại như sau: “1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; 2. Tranh chấp giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại; 3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.” Như vậy, phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam rộng hơn so với Công ước, Công ước không áp dụng đối với tranh chấp mà một bên tham gia không có hoạt động thương mại.
– Về thủ tục công nhận thỏa thuận giải quyết tranh chấp, Điều 3 Công ước quy định: “Mỗi bên tham gia Công ước phải thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo các quy tắc về thủ tục của mình và với các điều được quy định tại Công ước này”. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã dành hẳn Chương XXXIII để quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Như vậy, Công ước không đưa ra quy định cụ thể về thủ tục công nhận thỏa thuận giải quyết tranh chấp nên những kết quả hòa giải thương mại trong trường hợp thỏa thuận giải quyết tranh chấp do hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam được công nhận theo các quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Đối với những thỏa thuận giải quyết tranh chấp được hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại ngoài lãnh thổ Việt Nam thực hiện thì để được thi hành tại Việt Nam cần phải thông qua thủ tục công nhận và cho thi hành. Tuy nhiên, thỏa thuận này lại không thuộc loại được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định tại Phần thứ bảy Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Như vậy, trong trường hợp này pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc công nhận và cho thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước .
Về điều kiện có hiệu lực của kết quả hòa giải thành. Điểm b khoản 1 Điều 4 Công ước quy định thỏa thuận giải quyết tranh chấp phải có “Chữ ký của hòa giải viên trong thỏa thuận giải quyết tranh chấp”.Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 Điều 4 Công ước cũng quy định “Trong trường hợp không có chứng cứ quy định tại điểm i, ii, hoặc iii, bất kỳ chứng cứ nào khác có thể được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.” Trong khi đó, khoản 3 Điều 15 Nghị định 22/NĐ-CP lại quy định: “Văn bản về kết quả hòa giải thành có chữ ký của các bên và hòa giải viên thương mại”. Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, văn bản kết quả hòa giải thành bắt buộc phải có chữ ký của hai bên và hòa giải viên.
Về điều kiện công nhận hòa giải thành ngoài Tòa án. Điều 5 Công ước quy định về các căn cứ từ chối trợ giúp với rất nhiều các điều kiện như một bên tham gia thỏa thuận giải quyết tranh chấp không có năng lực ký kết thỏa thuận đó; thỏa thuận giải quyết tranh chấp được viện dẫn vô hiệu, không khả thi hoặc không thể thực hiện được theo pháp luật mà các bên bị ràng buộc một cách hợp lệ hoặc nếu không có bất kỳ viện dẫn nào đến pháp luật đó, theo pháp luật được cơ quan có thẩm quyền của bên tham gia Công ước nơi cần có biện pháp trợ giúp theo Điều 5 cho là có thể áp dụng …”. Đối chiếu với quy định của pháp luật Việt Nam, chúng ta không quy định điều luật riêng về căn cứ từ chối công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Tuy nhiên, tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về điều kiện công nhận hòa giải thành ngoài Tòa án do hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam thực hiện và quy định các trường hợp Thẩm phán có quyền từ chối không công nhận kết quả hòa giải thành tại khoản 6 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 .
– Sự không tương thích giữa pháp luật Việt Nam và Công ước còn thể hiện ở chỗ có những vấn đề được quy định trong Công ước nhưng lại chưa được quy định ở pháp luật Việt Nam, ví dụ như quy định tại Điều 6 Công ước về đơn hoặc yêu cầu song song: “Nếu đơn hoặc yêu cầu liên quan đến thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã được đưa ra Tòa án, Hội đồng trọng tài hoặc bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào khác có thể ảnh hưởng đến biện pháp trợ giúp được yêu cầu theo Điều 4, cơ quan có thẩm quyền của bên tham gia Công ước nơi cần có sự trợ giúp có thể, nếu xét thấy phù hợp, hoãn việc ra quyết định và cũng có thể, theo yêu cầu của một bên, yêu cầu bên kia đưa ra biện pháp bảo đảm phù hợp”.
Việt Nam tham gia Công ước Singapore về hòa giải là hoàn toàn phù hợp với chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích giải quyết tranh chấp thương mại thông qua thương lượng, hòa giải.
Để gia nhập Công ước ước này Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để thu hẹp những khoảng cách, sự khác biêt giữa quy định của Công ước Singapore và quy định của pháp luật Việt Nam như quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thương mại, Luật Trọng tài thương mại và Nghị định 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng như dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
1 Bình luận
Đà Nẵng
03:14 05/12.2024Trả lời