Cường không phạm tội Mua bán trái phép vũ khí, quân dụng
Qua nghiên cứu bài viết “Cường có phạm tội hay không?” của tác giả Cao Thanh Loan đăng ngày 24/7, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, Cường không phạm tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng” theo quy định tại Điều 304 của BLHS.
Tham khảo tinh thần tại mục 4 phần II Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/5/1995 của Bộ Nội vụ, VKSNDTC, TANDTC quy định: “… chỉ những cơ quan được Chính phủ cho phép mới được mua, bán vũ khí quân dụng, chất nổ; do đó, được coi là mua, bán vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự trái phép, các hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không đòi hỏi phải có đầy đủ cả hai hành vi mua và bán mà chỉ cần có một trong hai hành vi đó người phạm tội cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự…”.
Theo Từ điển tiếng Việt [1] thì mua là động từ để chỉ hành động “đổi vật lấy tiền” và bán là “đổi tiền lấy vật”.
Như vậy, có thể hiểu rằng: Mua bán trái phép vũ khí, quân dụng là hành vi dùng vũ khí quân dụng làm đối tượng mua bán, trao đổi bằng tiền khi không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Mặt khác, qua nghiên cứu Điều 304 Bộ luật hình sự thì đây là tội phạm có cấu thành vật chất; tội phạm hoàn thành khi có hậu quả (còn có thể gọi là kết quả) xảy ra, không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt.
Do đó, chỉ khi có một trong hai hành vi “đổi vũ khí quân dụng để lấy tiền” hoặc “dùng tiền đổi lấy vũ khí quân dụng” xảy ra thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp này, có thể xem sự trao đổi thỏa thuận về việc mua bán cây súng bút (vũ khí quân dụng) giữa Bảo và Cường qua Zalo là một dạng hợp đồng. Trong đó, Bảo là người đề nghị giao kết hợp đồng (đề nghị Cường mua cây súng bút) còn Cường đã chấp nhận đề nghị nêu trên. Hai bên đã thỏa thuận về giá cả, thời gian và địa điểm thực hiện. Tuy nhiên, hành vi của Cường và Bảo chỉ mới dừng lại ở giai đoạn giao kết hợp đồng mà chưa thực hiện hợp đồng (chưa thực hiện hành vi mua và bán).
Do đó, tôi cho rằng hành vi của Cường không thỏa mãn về mặt khách quan của tội phạm nên không đủ yếu tố cấu thành của tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
Ngoài ra, tôi xin mở rộng thêm, trường hợp nếu Cường thực hiện hành vi dùng lợi ích vật chất khác để trao đổi cây súng bút với Bảo thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Bởi lẽ, bản chất của mua bán là sự trao đổi ngang giá để nhận được thứ mà mình cần, chứ không nhất thiết phải trao đổi bằng tiền.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc và đồng nghiệp.
Tòa án tỉnh Bến Tre xét xử vụ án giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng - Ảnh: Đăng Khoa
[1] Từ điển Tiếng Việt của tác giả Xuân Huy, Đồng Công Hữu - Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (Nhà xuất bản trẻ).
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận