Cựu Chánh án Lê Văn Mãn – đại thụ của ngành Tòa án Quảng Trị
Ngày 25/8/2024, Vĩnh Linh kỷ niệm 70 năm truyền thống (1954-2024) và hướng tới 70 năm thành lập đặc khu Vĩnh Linh 16/6 (1955-2025), chúng tôi đến thăm cụ ông Lê Văn Mãn, cựu Chánh án đặc khu Vĩnh Linh, nhân chứng một thời gian nan và hào hùng của Tòa án vùng đất lửa địa đầu.
Được Thẩm phán Nguyễn Xuân Huyến, Chánh án Tòa án thành phố Đông Hà gọi điện giới thiệu trước nên tôi tìm đến thăm cụ ông Lê Văn Mãn, cựu Chánh án Tòa án khu vực Vĩnh Linh vào buổi sáng một ngày giữa tháng 8/2024. Dù đã sang thu nhưng cái nắng Quảng Trị vẫn bỏng rát, ai không quen chắc chắn sẽ thấy mệt mỏi, nhưng cụ ông Lê Văn Mãn, ở tuổi 95 vẫn hồ hởi ra cổng đón và nắm tay tôi, phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử - nồng nhiệt và trìu mến.
Nhà của cụ Lê Văn Mãn ở gần Thành cổ Quảng Trị. Ngôi nhà khang trang, sạch sẽ, thềm nhà đặt những chậu cây cảnh xanh mát… Trong phòng khách, trên chiếc tủ khảm trai có khung kính lồng bản chứng nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Trên tường có Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Bằng khen của Tòa án nhân dân tối cao, của Bộ Tư pháp, của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên… đã phai màu theo năm tháng.
Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị Lê Hồng Quang hôm trước đã giới thiệu với chúng tôi: Ở cụ Mãn có một dấu ấn đặc biệt mà người dân ai đã tiếp xúc và nghe cụ xét xử thì đến nay vẫn in đậm trong tâm trí. Đó là cụ có vóc người cao lớn, cử chỉ dứt khoát và chân tình, chất giọng vang vọng, mạnh mẽ và quyền uy. Cụ là một cán bộ Toà án được nhân dân kính trọng, vị nể. Cụ Lê Mãn được chú ruột là cụ Lê Châm dìu dắt theo cách mạng và Toà án. Cụ Lê Châm từng là Thị lang của triều đình Huế, sau theo Cách mạng, năm 1946 được bổ nhiệm là Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị.
Gặp cụ ông Lê Văn Mãn, chúng tôi biết mình đã gặp một bậc đại thụ, một nhân chứng về một trường đoạn lịch sử đặc biệt, một cán bộ Tòa án lão thành cả đời gắn bó với công tác xét xử...
Vào ngành Tòa án
Cụ ông tuổi U 100 tự tay pha trà mời khách. Ông vẫn tràn đầy năng lượng, nhất là khi tôi hỏi chuyện về những năm tháng tuổi trẻ gian khổ, sôi động và đầy tự hào của ông.
Ông tuổi Canh Ngọ, sinh ngày 3/5/1930 tại làng Nại Cửu, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Thủa nhỏ, ông được cha mẹ cho học hết tiểu học, nên thông thạo tiếng Pháp và có một chút chữ Hán, đủ để kiếm việc làm nhẹ nhàng, đủ sống, nhưng ông đi theo kháng chiến. Năm 1949, ông lên chiến khu Quảng Trị, được phân công vào công tác tại Tòa án Đệ nhị cấp Quảng Trị đóng tại chiến khu Ba Lòng.
-Chiến khu Ba Lòng ở đâu ạ?! Tôi chỉ biết sông Ba Lòng, thượng nguồn sông Thạch Hãn mà chưa thấy nói đến chiến khu Ba Lòng, nên mạnh dạn hỏi ông.
- Chiến khu Ba Lòng thuộc huyện Đakrông cách thị xã Quảng Trị chừng 10 km về phía Tây theo đường sông Thạch Hãn, cách thị xã Ðông Hà khoảng 45 km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 9. Ba Lòng ở vào vị trí trung tâm của khu vực Bình Trị Thiên. Đây là một thung lũng nằm ở thượng nguồn sông Thạch Hãn, xung quanh là đồi núi cao hiểm trở, cao nhất là đỉnh núi Tà Lao 814 m. Việc giao lưu, liên lạc của lực lượng kháng chiến Quảng Trị với các tỉnh bạn khá thuận lợi. Ba Lòng hội đủ các điều kiện thành lập một chiến khu an toàn và phát triển. Vì thế, chiến khu Ba Lòng là nơi các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị đặt trụ sở, đồng thời là nơi diễn ra các đại hội, hội nghị, cuộc họp quan trọng. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai diễn ra vào tháng 11/1947, tại khe Su thuộc chiến khu Ba Lòng, ông Nguyễn Chí Thanh, khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư phân khu ủy Bình Trị Thiên về dự và chỉ đạo Đại hội. Chiến khu Ba Lòng là trạm dừng chân an toàn cho các vị lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của các liên khu ra Bắc vào Nam. Đây là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng kháng chiến và nhân dân Quảng Trị để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp lúc bấy giờ.
-Như vậy Ba Lòng là một an toàn khu của Quảng Trị phải không ạ?
-Đúng đó. Ba Lòng là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tại Ba Lòng, cuối năm 1949 tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm nay tôi vừa chẵn 75 năm tuổi Đảng.
Ngày 25/8/1954, sông Bến Hải thực sự là dòng sông giới tuyến
Những mốc thời gian ông kể với tôi mạch lạc, rõ ràng, không có dấu hiệu lãng quên của người cao tuổi. Ông kể: Cuối năm 1950 ông được chuyển về làm Lục sự, tức là Thư ký Tòa án Sơ cấp huyện Hải Lăng. Giữa năm 1951, ông được chuyển ra Tòa án Sơ cấp huyện Triệu Phong. Cuối năm 1951 đến tháng 6/1954 ông được chuyển về Tòa án liên huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.
Đặc khu Vĩnh Linh, một thời đạn bom
Sau khi hiệp định Geneve được ký kết, sông Bến Hải được xác định là giới tuyến tạm thời. Thi hành các điều khoản của Hiệp định, ngày 25/8/1954, tại Hồ Xá, đại diện quân đội Pháp đã phải ký vào biên bản giao vùng phía bắc vĩ tuyến 17 cho phái đoàn ta. Ngày 25/8/1954, phần đất Vĩnh Linh thuộc bắc sông Bến Hải được hoàn toàn giải phóng, trở thành ngày truyền thống của mảnh đất đặc biệt này.
Tháng 8/1954 theo lệnh từ Trung ương, ông đi tập kết ra Nghệ An cùng Tòa án Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Tháng 10/1954 ông Lê Văn Mãn được Sở Tư pháp liên khu IV điều động vào Tòa án huyện Vĩnh Linh.
Vĩnh Linh ban đầu được nhập vào thành một huyện của Quảng Bình, nhưng sau đó Trung ương nhận thấy vị trí, vai trò đặc biệt của huyện tuyến đầu miền Bắc XHCN, nên Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 551/TTg ngày 16/6/1955 "đặt khu vực Vĩnh Linh từ nay thành một đơn vị hành chính riêng ngang với một tỉnh... dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ trung ương" thường được gọi tắt là đặc khu Vĩnh Linh. Tòa án Vĩnh Linh khi đó có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân – gia đình cũng như tổ chức thi hành án hình sự, dân sự và tuyên truyền pháp luật, xây dựng các ban tư pháp cơ sở.
Họp dưới hầm ở Vĩnh Linh những năm chiến tranh
Ông hai lần được cử ra Hà Nội để học tập nâng cao trình độ pháp luật và chính trị, lần thứ nhất học lớp bồi dưỡng do Bộ Tư pháp mở ở Chèm vào tháng 1/1955 và lần thứ hai học Trường cán bộ tư pháp của Bộ Tư pháp năm 1961.
-Lúc bấy giờ Vĩnh Linh có nhiều án không ạ?
-Không nhiều án lắm đâu, nhưng ngoài công tác xét xử chúng tôi còn làm nhiều công tác khác như tham gia Cải cách ruộng đất, sửa sai sau Cải cách ruộng đất, rồi tham gia Ban chống cưỡng ép di cư, rồi củng cố các tổ chức tư pháp ở cơ sở. Khi đó Tòa án xây dựng được 23 ban tư pháp xã và 150 tổ hòa giải, có mặt ở hầu hết các khu dân cư.
Về các vụ án thì khi đó Tòa án Vĩnh Linh xử nhiều vụ gián điệp, biệt kích, phản động mà lớn nhất là vụ xét xử “Nhóm gián điệp biệt kích” do tên Hiếu ở xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cầm đầu. Nhiệm vụ của chúng là móc nối, xây dựng các cơ sở chống phá, phá hoại các công trình kinh tế, quốc phòng rồi ám sát cán bộ của ta. Chúng vừa nhảy dù xuống khu vực Bãi Hà thì bị quân dân xã Vĩnh Hà bắt gọn. Phiên tòa được tổ chức xét xử công khai tại Thị trấn Hồ Xá với quy mô lớn và bảo vệ nghiêm ngặt. Cấp trên huy động một Trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ phiên tòa, đề phòng kẻ địch từ phía bờ Nam cầu Hiền Lương phá hoại. Hệ thống loa phát thanh công suất lớn được kéo từ địa điểm xét xử đến các vùng trong khu vực và nối dài dọc sông Bến Hải. Bà con tận Gio Linh vẫn nghe được toàn bộ quá trình xét xử, vô cùng phấn khởi. Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh từ Hà Nội vào bào chữa cho các bị cáo. Hội đồng xét xử đã xử phạt tên cầm đầu 7 năm tù.
Hay vụ án xét xử lưu động tại Nghệ An năm 1965 cũng rất đặc biệt. Hồi đó, một bộ phận của Trại giam Công an Vĩnh Linh được chuyển ra Tân Kỳ, Nghệ An để giam giữ những đối tượng nguy hiểm. Ngày ấy là mùa đông, đoàn công tác gồm ba người, ông Trương Khắc Tá - Phó Chánh án, ông Nguyễn Văn Đoan – thư ký và ông Nguyễn Kim Hồ - Viện trưởng VKSND khu vực Vĩnh Linh khởi hành ra Tân Kỳ bằng xe đạp, mang theo thực phẩm, quần áo, mùng mền. Tuyến đường từ Vĩnh Linh đến Tân Kỳ khoảng 400 km, nhưng do phải đi vòng vèo nên dài gấp đôi.
Ra đến nơi thì tổ chức phiên tòa ngay. Phiên tòa kéo dài 7 ngày liên tục, các bị cáo Nguyễn Khúng, Nguyễn Văn An, Võ Bưởi, Nguyễn Thị Quyền… đã được xét xử nghiêm minh.
Vì địch bắn phá rất ác liệt nên ngày nghỉ đêm đi để bảo đảm an toàn. Cả đi cả về mất 2 tháng. Có thể nói đây là phiên tòa lịch sử, được ghi lại trong sách “Hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị - 70 năm xây dựng và trưởng thành (1945-2015)”.
- Ông Trần Kim Hồ sau này là Giám đốc Sở Tư pháp Bình Trị Thiên, là bố vợ của ông Lê Hữu Phúc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị đấy - ông Mãn nói.
Xét xử trong địa đạo
Năm 1965 ông được bầu làm Thẩm phán Tòa án Vĩnh Linh. Đến năm 1969, ông được bầu làm Phó Chánh án. Từ năm 1972 đến năm 1976 ông Lê Văn Mãn giữ cương vị Chánh án Tòa án khu vực Vĩnh Linh.
-Xin ông kể về vụ án mà ông nhớ nhất trong thời gian ông làm Thẩm phán rồi Chánh án khu vực Vĩnh Linh ạ - tôi đề nghị.
-Cháu có biết Vĩnh Linh từng được cả thế giới biết đến với những tên gọi: "Lũy thép anh hùng", "Ðất kim cương"...; được Bác Hồ 8 lần gửi thư khen. Với dân số chưa đầy 80.000 người, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, 50.000 dân phải đi sơ tán ra 17 huyện thuộc tám tỉnh phía Bắc. Trong số 30.000 người ở lại tham gia chiến đấu, 14.000 người đã hy sinh hoặc bị thương.
Từ năm 1965 đến 1973, 23 xã, thị trấn ở Vĩnh Linh đã hứng chịu không thiếu một loại bom đạn nào của kho vũ khí Hoa Kỳ. Người ta tính rằng trung bình mỗi người, từ em bé lọt lòng đến ông bà già của Vĩnh Linh phải hứng chịu 7 tấn bom đạn các loại. Vì thế mà nhà văn Nguyễn Tuân đến đây đã nhận xét “không còn cành cây cho chim đậu”.
Ác liệt như thế nhưng Tòa án vẫn bám trụ vững vàng, không chỉ xét xử mà còn trực tiếp chiến đấu. Tòa án Vĩnh Linh đã xét xử rất nhiều vụ án lớn nhỏ, nhưng ấn tượng không bao giờ quên của của tôi là tổ chức xét xử các vụ án dưới địa đạo, hầm lán để bảo đảm an toàn. Có nhiều phiên tòa bị gián đoạn nhiều lần do máy bay B52 của địch ném bom rải thảm dữ dội. Ngày 20/6/1967, một cán bộ Tòa án Vĩnh Linh là chị Hồ Thị Xem đã bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
Ông Lê Văn Mãn những năm làm Chánh án khu vực Vĩnh Linh
“Các vụ án thì lâu quá rồi, tôi cũng không còn nhớ rõ nhưng có những vụ án tòa tuyên án tử hình như bị cáo Trần Nghi, nhân viên bưu điện, can tội hiếp dâm, giết người; bị cáo Tạ Công Lý can tội cướp tài sản, giết người. Năm 1972, Tòa đã tổ chức thi hành án tử hình tên Trần Nghi và năm sau thi hành án đối với Tạ Công Lý một cách an toàn”- ông nói.
Nói đến thi hành án thì hồi đó cá biệt có những vụ án dân sự, Tòa phải về tận nơi, trực tiếp xem các đương sự tự phân chia tài sản…
Năm 1969, Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch lúc đấy là Trưởng Ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam vào Vĩnh Linh. Thấy hoàn cảnh chúng tôi phải xét xử dưới địa đạo, hầm lán, Chánh án Phạm Văn Bạch khen: Tòa án đặc khu Vĩnh Linh xét xử sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh. Vì xét xử công khai mà để dân ảnh hưởng là không nên.
Ngày hôm đấy chúng tôi bố trí đưa Chánh án Phạm Văn Bạch về nghỉ tại hầm trú ẩn ở khu địa đạo nhưng Chánh án kiên quyết không chịu, ông ở lại dùng cơm và ngủ cùng anh em Tòa án. Ông nói: “Tòa án đặc khu Vĩnh Linh còn thì tôi còn, nếu mất thì tôi mất”. Đó là một điều bình dị mà cao cả của người lãnh đạo cao cấp làm tôi xúc động, nhớ mãi không thể nào quên! Ông Lê Văn Mãn nhấp ngụm nước và nhìn tôi một cách trầm ngâm.
Trọng chứng hơn trọng cung
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Theo sự phân công của Tỉnh uỷ ông làm Chánh án TAND huyện Bến Hải đến năm 1983. Từ năm 1984 đến năm 1990 ông làm Chánh án TAND huyện Triệu Hải. Từ năm 1990 ông chuyển qua làm Chánh án TAND huyện Triệu Phong. Đến năm 1995 ông Lê Văn Mãn nghỉ hưu ở tuổi 65, sau 36 năm gắn bó với Tòa án; trải qua các nhiệm vụ từ Thư ký, Thẩm phán đến Chánh án nhiều địa phương; qua những năm tháng đạn bom nguy hiểm, đến hòa bình, thống nhất và đổi mới.
-Bây giờ nhìn lại, theo ông, khi làm Thẩm phán, làm Chánh án thì điều gì là khó nhất ạ?
-Theo tôi, cái khó nhất là mối quan hệ giữa ba cơ quan: Công an, Viện kiểm sát và Tòa án. Phải phối hợp chặt chẽ, phải có “chế ước” chung để không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người khác. Người Chánh án phải công tâm, có chính kiến riêng để chỉ đạo trong quá trình xét xử. Phương châm của tôi khi làm Chánh án, thường quán triệt với anh em là “Trọng chứng hơn trọng cung” và “Không bỏ lọt kẻ gian, không làm oan người khác”.
Ông Lê Văn Mãn trao đổi với phóng viên
- “Trọng chứng hơn trọng cung” là thế nào ạ?
- Nghĩa là lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội. Trách nhiệm hình sự áp dụng đối với người bị nghi thực hiện tội phạm được đặt ra khi có các tài liệu, chứng cứ xác định rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm.
- Ông có bị cám dỗ khi làm Chánh án không, thưa ông?
- Trong thời kỳ tôi làm Chánh án không có chuyện hối lộ. Vì điều kiện kinh tế lúc đó còn quá khổ, ăn cơm độn sắn, nhiều khi vài ngày mới có một bữa cơm. Trong hoàn cảnh chiến tranh, “sống nay chết mai” nên không một ai nghĩ đến câu chuyện vật chất và cuộc sống sau chiến tranh của riêng mình đâu.
- Thưa ông, ông là bậc đại thụ tiền bối của các Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án Quảng Trị ngày nay, nếu được phát biểu, nhắn gửi đến các Chánh án, Thẩm phán đang công tác, ông sẽ nói gì ạ!?
- Đã làm trong ngành Tòa án, theo tôi phải luôn giữ hai nguyên tắc. Thứ nhất là “phối hợp” để không bỏ lọt tội phạm. Thứ hai là “chế ước” để không làm oan người vô tội. Riêng trong vấn đề giải quyết các vụ án dân sự, các vụ án về hôn nhân và gia đình thì công tác hòa giải rất quan trọng. Với tôi cho ly hôn thì dễ, để gia đình người ta đoàn tụ mới khó. Ngay các vụ án tranh chấp dân sự nếu dừng lại ở bước hòa giải thì tốt hơn là đưa ra xét xử. Hòa giải phải có tình có lý, muốn thế thì phải đi sâu đi sát, phải tìm ra được gốc rễ vấn đề; nguyên nhân tranh chấp từ đâu, xảy ra trong hoàn cảnh nào... Hòa giải thành thì đương sự tự nguyện chấp hành. Muốn hòa giải tốt thì cán bộ Tòa án phải gần dân, hiểu dân và có cái tâm trong sáng… Tôi chỉ xin chia sẻ quan niệm của mình vậy thôi.
**
Ông tiễn tôi ra tận cổng, nắng trưa Quảng Trị đã gay gắt hơn ban sáng, nhưng tôi cảm thấy xốn xang trong lòng vì những năng lượng tích cực cụ ông Lê Văn Mãn lan tỏa. Thế hệ các cụ đã trải qua biết bao gian khổ, lắm khi cận kề cái chết mà vẫn say mê, tận tụy cống hiến với trái tim nhiệt huyết và sự trong sạch, thanh cao. Ở tuổi gần trọn một thế kỷ, cụ vẫn ung dung, thư thái, nhìn lại cuộc đời mình với niềm tự hào…
Sống một cuộc đời như thế đáng quý biết bao!
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận