
Đề tài cấp Nhà nước của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội được đánh giá là 1 trong 4 đề tài có giá trị nhất giai đoạn 2016-2020
Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên đến ngày 27/10/2021, Bộ Khoa học & Công nghệ chính thức tổ chức hội nghị “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” sau nhiều lần trì hoãn. Tại Hội nghị, Thầy thuốc nhân dân - PGS. TS. BS cao cấp Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã báo cáo đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối”. Đề tài cấp Nhà nước của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội được đánh giá là 1 trong 4 đề tài có giá trị nhất giai đoạn 2016-2020 tại Hội nghị khoa học tổng kết chương trình.
Có thể nói, nghiên cứu của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã mở ra cơ hội cứu sống nhiều thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối. Trước năm 2018, kỹ thuật y học của Việt Nam chưa điều trị được hai hội chứng này. Hậu quả là với hội chứng truyền máu song thai, 90% tử vong cả 2 thai, 30% trẻ sống sót bị di chứng bại não. Với hội chứng dải xơ buồng ối, thai nhi có thể bị cụt chi, dị dạng sọ mặt, quấn thắt dây rốn gây sảy thai, thai lưu…
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là bệnh viện công lập đầu tiên của Việt Nam đã nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật can thiệp bào thai điều trị hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối nhờ laser quang đông. Bác sĩ có thể tiến hành can thiệp, xử trí những tổn thương cho bào thai khi còn đang nằm trong tử cung của mẹ. Thai nhi có thể được cứu chữa ngay từ trong bụng mẹ với tỷ lệ thành công trên 80% thay vì trước đây chỉ có thể phó mặc cho số phận hoặc đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Thầy thuốc nhân dân - PGS. TS. BS cao cấp Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội báo cáo đề tài tại hội nghị.
Mỗi năm, Việt Nam có gần 1,5 triệu trẻ sinh ra với khoảng 41.000 trẻ dị tật bẩm sinh, trong đó hơn 2000 trẻ tử vong ngay sau sinh vì không được điều trị trong bào thai. Dó đó, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã và đang nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật can thiệp bào thai khác và đạt hiệu quả cao như truyền ối cho thai thiểu ối, truyền máu điều trị thai thiếu máu, phẫu thuật điều trị hội chứng song thai thai không tim,…
Tiếp theo, Bệnh viện sẽ thực hiện các kỹ thuật can thiệp bào thai để điều trị một số dị tật bẩm sinh khác cho thai nhi như: thoát vị hoành, tim bẩm sinh, ứ nước bể thận, Spina Bifida,…và ứng dụng liệu pháp tế bào gốc và gen để điều trị một số bệnh cho thai nhi. Đặc biệt, Bệnh viện sẽ tiếp tục đào tạo và chuyển giao kỹ thuật để can thiệp bào thai phát triển rộng khắp 3 miền của đất nước để y học bào thai Việt Nam phát triển cùng lĩnh vực y học bào thai thế giới.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Danh sách địa điểm đặt trụ sở chính của 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 355 Tòa án nhân dân khu vực
-
Một số quy định mới về tố tụng hình sự
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh: "Trên gương mẫu làm trước – dưới đồng hành, hoạt động thông suốt - hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao"
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
Bình luận