Điểm bất cập trong giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tái thẩm

Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 có một số quy định về thủ tục tái thẩm vụ án dân sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành BLTTDS năm 2015 về việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tái thẩm cũng như qua quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung để áp dụng hiệu quả.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đề cập đến những quy định chung của pháp luật về thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm, đồng thời có phân tích và so sánh với thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm vụ án dân sự. Từ đó, tác giả đưa ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật cũng như giải quyết những vấn đề thực tiễn trong quá trình giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tái thẩm.

Quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 308 của BLTTDS năm 2015 thì thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:
“1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm;
2. Sửa bản án sơ thẩm;
3. Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
4. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
5. Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
6. Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý.”

Chiếu theo Điều 343 BLTTDS năm 2015 quy định như sau:

“Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền sau đây:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
2. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;
3. Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;
4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
5. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

Đồng thời tại Điều 356 BLTTDS năm 2015 quy định như sau:

“Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền sau đây:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định.
3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.”

Nhìn chung, thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm vụ án dân sự đều có các quyền cơ bản giống nhau như sau:

Thứ nhất, giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm (đối với xét xử phúc thẩm), giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (đối với xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm).

Thứ hai, hủy bản án, quyết định sơ thẩm (đối với xét xử phúc thẩm), hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (đối với xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm).

Thứ ba, hủy bản án, quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án (đối với xét xử phúc thẩm), hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án (đối với xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm).

Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy rằng Hội đồng xét xử tái thẩm không có thẩm quyền hủy một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Trong khi đối với Hội đồng xét xử phúc thẩm có thẩm quyền hủy một phần bản án, quyết định sơ thẩm và Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền hủy một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Khó khăn trong giải quyết vụ án

Sự khác biệt về thẩm quyền này đã gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án đối với Hội đồng xét xử phúc thẩm, cụ thể minh chứng qua vụ án thực tế như sau:

Ông Nguyễn Văn A và bà Trần Thị B kết hôn với nhau và chung sống một thời gian và đã có 01 con chung là Nguyễn Văn C (hiện tại 6 tuổi). Do mâu thuẫn tình cảm vợ chồng vì ông A đã nhiều lần bắt gặp bà B có mối quan hệ không rõ ràng với một số người bạn khác giới ở công ty của bà B. Không đồng ý với sự việc này, ông Nguyễn Văn A khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đối với bà Trần Thị B. Ông A yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau:

– Về hôn nhân: Yêu cầu Tòa án cho ly hôn với bà Trần Thị B.
– Về con chung: Yêu cầu Tòa án cho ông được quyền trực tiếp nuôi con chung. Không yêu cầu bà B cấp dưỡng.
– Về tài sản chung: Ông yêu cầu được chia đôi số tiền tiết kiệm trong ngân hàng (tổng số tiền là 1 tỷ đồng), mỗi người được chia 500 triệu đồng. Ông được quyền sở hữu một căn nhà ở ngoại ô, đồng ý giao căn nhà ở khu vực nội ô cho bà B.
– Về nợ chung: Ông A đồng ý trả số tiền nợ do làm ăn thua lỗ ở Công ty ông số tiền 180 triệu đồng, không yêu cầu bà B phải cùng trả nợ.

Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết vụ án, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông A và bà B không kháng cáo. Bản án sơ thẩm có hiệu lực thi hành. Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền đã thi hành xong bản án của Tòa án cấp sơ thẩm.

Sau đó, ông Nguyễn Văn A đã kết hôn với bà Nguyễn Thị M và nhập khối tài sản của ông vào khối tài sản của bà M để cùng làm kinh tế.

Bà Trần Thị B cũng đã kết hôn với ông Trần Văn N và bà B đã bán căn nhà được chia theo bản án sơ thẩm cho người khác. Bà B và ông N đã mua một căn nhà ở nơi khác sinh sống.

Sau gần 01 năm kể từ ngày bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, ông Nguyễn Văn A nghi ngờ đứa con Nguyễn Văn C không phải là con ruột của mình. Ông A đã tiến hành giám định AND, kết quả con Nguyễn Văn C không phải là con ruột của ông A. Sau đó ông có đơn yêu cầu TANDCC kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật đã xử cho ông trước đây về vấn đề con chung của ông và bà Trần Thị B. Ông yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ liên quan đến con chung để giải quyết lại vấn đề con chung của hai vợ chồng ông.

TANDCC thụ lý yêu cầu của ông Nguyễn Văn A. Căn cứ vào yêu cầu của ông A và chứng cứ mới mà ông cung cấp là kết luận giám định AND giữa ông và con ông là Nguyễn Văn C, TANDCC đã xét xử tái thẩm và ban hành quyết định tái thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật trước đây.

Căn cứ vào quyết định tái thẩm, tất các các nội dung mà bản án sơ thẩm đã giải quyết đều bị hủy, bao gồm quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản chung, nợ chung đều không còn hiệu lực.

Hậu quả pháp lý kéo theo là ông Nguyễn Văn A và bà Trần Thị B tiếp tục có mối quan hệ vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân vì bản án đã bị hủy; Tài sản chung, con chung và nợ chung đều quy lại như ban đầu.

Hậu quả pháp lý này kéo theo sự mâu thuẫn và bất cập trong thực tiễn. Ông A đã kết hôn mới với bà M, bà B đã kết hôn mới với ông N, tài sản chung của họ đã bị chuyển dịch không còn như trước…

Như vậy, cùng một thời điểm, ông A và bà B đều có 02 mối quan hệ hôn nhân, điều này trái với quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Chúng ta thấy rằng, sự mâu thuẫn này chủ yếu là do pháp luật tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm chưa phù hợp, chưa đầy đủ. Hội đồng xét xử tái thẩm không có thẩm quyền hủy một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nếu trong trường hợp này, Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền hủy một phần bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật thì trong vụ án này, Hội đồng xét xử tái thẩm của TANDCC ban hành quyết định tái thẩm hủy một phần bản án nêu trên về phần con chung của ông A và bà B, các phần khác vẫn có hiệu lực thi hành.

Kiến nghị

Từ những phân tích trên, tác giải đề xuất cần phải bổ sung nội dung của Điều 356 BLTTDS năm 2015 về phần thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm cụ thể như sau:

“Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền sau đây:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
2. Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định.
3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.”

Có như thế, việc áp dụng pháp luật về thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm trong việc giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án mới phù hợp với thực tiễn và bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

ThS. THÂN VĂN NHƯỜNG (TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh)