Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn- hình phạt “tử hình” đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Pháp nhân thương mại là một hình thức “ tổ chức”, vì vậy việc áp dụng hình phạt tước bỏ các quyền cơ bản như quyền sống, quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do lưu trú là không phù hợp. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn tại Điều 79 BLHS 2015 là hình phạt “ tử hình” đối với pháp nhân thương mại phạm tội vì đã xóa bỏ hoàn toàn khả năng tìm kiếm lợi nhuận của pháp nhân đó, trên thực tiễn hình phạt này có thể có tác dụng răn đe mạnh đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Căn cứ theo quy định tại các Điều 74 và Điều 83 của Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp nhân được hiểu là một “ tổ chức” được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự, có cơ cấu tổ chức bao gồm cơ quan điều hành mà tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân và cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật, pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, pháp nhân được nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Tại Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt áp dụng đối với người phạm tội gồm có 7 hình phạt chính và 7 hình bổ sung. Tuy nhiên theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 pháp nhân thương mại là một trong hai hình thức pháp nhân, điều đó đồng nghĩa, xét về bản chất là một hình thức “ tổ chức”. Vì vậy việc áp dụng hình phạt tước bỏ các quyền cơ bản của con người gồm quyền sống, quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do lưu trú đối với pháp nhân thương mại là không phù hợp.
Hình phạt có thể áp dụng cả cá nhân và pháp nhân
Trong hệ thống các hình phạt trên, hình phạt duy nhất có thể áp dụng đối với cả người phạm tội và pháp nhân thương mại là hình phạt tiền, là hình phạt tước bỏ của chủ thể thực hiện tội phạm một khoản tiền nhất định để sung quỹ nhà nước. Có thể thấy pháp nhân thương mại là một loại chủ thể khác biệt hoàn toàn so với thể nhân, vì lẽ đó các hình phạt được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội dù là hình phạt chính hay là hình phạt bổ sung đều nhằm tước bỏ hoặc hạn chế những quyền lợi về kinh tế đối với pháp nhân thương mại đó, điều đó có nghĩa là bản chất hoạt động của pháp nhân thương mại là tìm kiếm lợi nhuận, những lợi ích về kinh tế, và cũng xuất phát từ mục tiêu siêu lợi nhuận đó các pháp nhân thương mại thực hiện những hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm.
Kế thừa những quan điểm trong các lần xây dựng, sửa đổi Bộ luật Hình sự , trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 khi xây dựng chế định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, nhà làm luật đã xác định rõ chính sách xử lý hình sự đối vởi pháp nhân phạm tội là hướng vào xử phạt về kinh tế. Cụ thể:
Phạt tiền: Tại Điều 77 BLHS 2015 không quy định về loại tội phạm mà pháp nhân thương mại thực hiện, điều luật cũng quy định về điều kiện để xác định mức tiền phạt không chỉ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, mà còn căn cứ vào biến động giá cả trên thị trường, bên cạnh đó Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng nâng mức tiền phạt tối thiểu lên đến 50 triệu đồng, nhằm phân định hẳn ranh giới với việc xử phạt hành chính pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật.
Đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại Điều 78 BLHS 2015, đây là hình phạt tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại từ 06 tháng đến 03 năm trên một số lĩnh vực mà pháp nhân đó phạm tội, tuy hình phạt này pháp nhân không phải nộp tiền sung công quỹ nhà nước những ngừng sản xuất kinh doanh sẽ gây thiệt hại về kinh tế đối vởi pháp nhân thương mại, vởi hình thức này pháp nhân thương mại không tiến hành được các hoạt động kinh doanh sản xuất những phải chi trả các khoản cho sự duy trì tồn tại của cơ sở sản xuất kinh doanh đó của mình.
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn quy định tại Điều 79 BLHS 2015, có thể nói đây là hình phạt “ tử hình” đối với pháp nhân thương mại phạm tội, xóa bỏ hoàn toàn khả năng tìm kiếm lợi nhuận của pháp nhân đó, hình phạt này chấm dứt hoạt động của pháp nhân trong một số lĩnh vực mà pháp nhân đó gây thiệt hại.
Ngoài ra các hình phạt, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định ( Điều 80); Cấm huy động vốn (Điều 81), mục đích các hình phạt đánh vào lợi ích kinh tế của pháp nhân nhằm trừng trị những hoạt động phạm tội xuất phát từ lợi ích cục bộ của pháp nhân thương mại, vì tìm kiếm lợi nhuận mà bất chấp các hậu quả về kinh tế, đối vởi môi trường, đối với cả tính mạng, sức khỏe con người.
Từ những thay đổi và bổ sung của Bộ luật Hình sự 2015, các hình phạt tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế của pháp nhân có tính răn đe và hiệu lực đủ mạnh để trừng trị chính pháp nhân phạm tội.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận