Định tội danh “tham ô tài sản” trong khu vực kinh tế tư nhân: Những vướng mắc từ thực tiễn xét xử và đề xuất hoàn thiện

Bài viết phân tích các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội tham ô tài sản, đặc biệt là yếu tố chủ thể đối với người được giao quản lý tài sản trong doanh nghiệp tư nhân và so sánh với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, qua đó tập trung làm rõ những tranh luận, băn khoăn trong công tác định tội.

Việc định danh chính xác tội phạm trong các vụ án xâm phạm sở hữu, nhất là những vụ án liên quan đến yếu tố chức vụ, quyền hạn tại khu vực kinh tế tư nhân, luôn là một bài toán phức tạp, đòi hỏi sự phân tích pháp lý sâu sắc và toàn diện. Sự phức tạp này không chỉ bắt nguồn từ sự tương đồng giữa các dấu hiệu cấu thành của một số tội danh, điển hình là tội “tham ô tài sản” theo Điều 353 và tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 BLHS, mà còn xuất phát từ yêu cầu tuân thủ triệt để các nguyên tắc căn bản của tố tụng hình sự như xử lý đúng người, đúng tội, tránh làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, việc áp dụng pháp luật hình sự về các tội phạm chức vụ một cách thống nhất, chính xác càng trở nên cấp thiết, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp và nâng cao hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Khu vực kinh tế tư nhân, với sự phát triển năng động của các loại hình doanh nghiệp, đã và đang xuất hiện không ít các vụ án liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản do chính nhân viên được giao nhiệm vụ quản lý thực hiện, đặt ra những yêu cầu mới trong việc định tội danh một cách chuẩn xác. Xuất phát từ thực tiễn xét xử, bài viết này, bài viết tập trung phân tích sâu các cơ sở pháp lý và thực tiễn áp dụng Điều 353 BLHS đối với các hành vi chiếm đoạt tài sản trong doanh nghiệp tư nhân. Qua đó, bài viết luận giải tính hợp pháp và hợp lý của việc áp dụng tội danh tham ô tài sản trong những trường hợp tương tự, đồng thời, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, hướng tới sự thống nhất, nghiêm minh trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

1. Cơ sở pháp lý và thực tiễn xét xử tội tham ô tài sản trong khu vực kinh tế tư nhân

Để làm rõ hơn những luận điểm đã nêu, cần xem xét các quy định pháp luật hiện hành và những bài học rút ra từ thực tiễn xét xử liên quan đến tội tham ô tài sản. Theo Điều 353 BLHS, tội tham ô tài sản được định nghĩa là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, với giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khoản 2 Điều 352 BLHS quy định: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (NQ 03/2020) giải thích "người có chức vụ, quyền hạn" bao gồm cả những người được giao thực hiện nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ, dù không qua bổ nhiệm, bầu cử, tuyển dụng hay ký hợp đồng. Như vậy, NQ 03/2020 đã làm rõ thêm, "người được giao thực hiện nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ" thông qua "một hình thức khác" có thể là trường hợp được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể gắn với quyền hạn tương ứng. Tiếp đó, Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của Tòa án nhân dân tối cao (CV 196/TANDTC-PC) hướng dẫn cụ thể những người tuy không giữ chức vụ quản lý nhưng được giao nhiệm vụ quản lý tài sản (ví dụ: nhân viên thu tiền cước dịch vụ viễn thông, nhân viên giao nhận bưu phẩm, bưu kiện) mà chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thì bị xử lý về tội tham ô tài sản, không phụ thuộc vào việc có hay không có hợp đồng lao động chính thức.

Thực tiễn xét xử trong giai đoạn 2023-2025, đã ghi nhận nhiều vụ án điển hình về tội tham ô tài sản trong khu vực kinh tế tư nhân, qua đó củng cố quan điểm truy tố theo Điều 353 BLHS. Ví dụ, vụ án Nguyễn Thị T tại tỉnh H, là nhân viên thu cước viễn thông của Trung tâm Kinh doanh VNPT, đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt 312 triệu đồng tiền thu từ khách hàng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2024 đến tháng 12/2024. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can T về tội ô tài sản và Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt bị cáo 07 năm tù. Một trường hợp khác là vụ án Nguyễn Hà Trúc U tại tỉnh B, là trưởng bưu cục thuộc một công ty bưu chính. Ngày 02/11/2022, U được giao nhiệm vụ thu tiền thu hộ (COD) từ 10 nhân viên giao hàng với tổng số tiền 255.343.449 đồng, nhưng chỉ nộp về công ty 17 triệu đồng, chiếm đoạt số tiền 238.343.449 đồng cho mục đích cá nhân. Tòa án nhân dân thành phố P đã xét xử và tuyên phạt U 5 năm tù về tội Tham ô tài. Tương tự, tại Quảng Trị năm 2024, vụ án Phan Văn  H là người được hợp đồng lao động giao hàng và thu nhận tiền từ khách hàng, sau đó giao nộp lại cho Bưu điện tỉnh. Trong khoảng thời gian từ ngày 22/3/2024 đến ngày 01/4/2024, Phan Văn  H đã có hành vi lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao của mình, thu tiền từ khách hàng nhưng không giao nộp về cho Bưu cục mà chiếm đoạt số tiền 9.322.000 đồng của 21 khách hàng và tiền cước bưu phẩm của Bưu điện. Toà án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Trị đã xử phạt bị cáo Phan Văn Hoá 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “tham ô tài sản”. 

Những vụ án này cho thấy xu hướng áp dụng ngày càng nhất quán Điều 353 BLHS đối với các hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra trong khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khi người phạm tội lợi dụng nhiệm vụ được giao để thực hiện hành vi phạm tội.

2. Phân tích các yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản trong khu vực kinh tế tư nhân và sự khác biệt với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Để định tội danh chính xác theo Điều 353 BLHS, việc phân tích một cách toàn diện các yếu tố cấu thành tội phạm – bao gồm chủ thể, khách thể, mặt khách quan và mặt chủ quan – là yêu cầu tiên quyết. Song song đó, việc đối chiếu, phân biệt với tội danh có dấu hiệu tương tự như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS) cũng đóng vai trò then chốt.

Về chủ thể: Tội tham ô tài sản đòi hỏi người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn và được giao trách nhiệm quản lý tài sản bị chiếm đoạt. Trong khu vực kinh tế tư nhân, các nhân viên như người thu cước dịch vụ, nhân viên giao nhận bưu phẩm, thủ kho, dù không giữ các chức danh quản lý chính thức hay thậm chí không có hợp đồng lao động bằng văn bản, vẫn đáp ứng các dấu hiệu đặc trưng của chủ thể tội phạm này nếu họ được phân công nhiệm vụ cụ thể và có quyền hạn nhất định đối với tài sản. NQ 03/2020 đã làm sáng tỏ rằng việc phân công nhiệm vụ (bằng văn bản, mệnh lệnh miệng hoặc thông qua thực tế công việc) tạo ra quyền hạn trong việc chủ động quản lý tài sản (ví dụ: quyết định thời gian, địa điểm, phương thức thu tiền, lưu giữ, bảo quản hàng hóa). Trong vụ án Nguyễn Thị Tuyết, bị cáo được giao nhiệm vụ thu tiền cước và có trách nhiệm nộp đầy đủ về công ty, qua đó hình thành quyền hạn nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tương tự, Nguyễn Hà Trúc U, với vị trí trưởng bưu cục, có quyền thu tiền COD từ nhân viên và cập nhật vào hệ thống quản lý của công ty, hoàn toàn phù hợp với tiêu chí "do một hình thức khác được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn" theo NQ 03/2020. CV 196/TANDTC-PC càng củng cố thêm quan điểm này.

Về khách thể: Hành vi tham ô tài sản không chỉ xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp mà còn gây tổn hại đến uy tín, sự ổn định và hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp đó, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm, đòi hỏi sự tin cậy cao từ khách hàng như viễn thông, bưu chính, logistics. Điều này phản ánh tính chất nguy hiểm cao hơn của tội phạm chức vụ so với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vốn chủ yếu xâm phạm quyền sở hữu tài sản thông qua việc vi phạm nghĩa vụ trong các giao dịch dân sự (vay, mượn, thuê tài sản). Chẳng hạn, hành vi của Nguyễn Thị Tuyết không chỉ gây thiệt hại về tài sản (312 triệu đồng) mà còn làm gián đoạn hoạt động giao nhận hàng của bưu cục, có khả năng ảnh hưởng đến các hợp đồng với đối tác.

Về mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội tham ô tài sản là lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Trong khu vực kinh tế tư nhân, hành vi này thường biểu hiện dưới dạng không nộp hoặc nộp không đầy đủ số tiền đã thu được (như trường hợp Nguyễn Hà Trúc U chỉ nộp 17 triệu đồng trong tổng số hơn 255 triệu đồng tiền COD). Dấu hiệu "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" được thể hiện qua việc người phạm tội sử dụng chính những quyền năng, vị trí công việc được giao (quyền thu tiền, quyền quản lý hàng hóa, quyền truy cập hệ thống báo cáo) làm phương tiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Hành vi này có sự khác biệt căn bản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nơi người phạm tội thường sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn sau khi đã nhận được tài sản một cách hợp pháp thông qua các giao dịch dân sự.

Về mặt chủ quan: Người phạm tội tham ô tài sản thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Họ nhận thức rõ tài sản đó thuộc sở hữu của doanh nghiệp và mình có trách nhiệm quản lý, nhưng vẫn cố ý chiếm đoạt vì động cơ vụ lợi. Đây là đặc trưng của nhóm tội phạm tham nhũng, chức vụ, thể hiện rõ trong các vụ án đã viện dẫn. Nguyễn Thị Tuyết ý thức được số tiền 312 triệu đồng là của Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Tĩnh nhưng vẫn cố tình giữ lại để chi tiêu cá nhân. Trong khi đó, ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ý định chiếm đoạt có thể hình thành sau khi người phạm tội đã nhận được tài sản một cách hợp pháp, ví dụ như khi người vay tài sản đến hạn trả nợ nhưng không có khả năng và nảy sinh ý định chiếm đoạt bằng cách sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn.

Để phân biệt rõ hơn, cần nhấn mạnh rằng, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS) đòi hỏi tài sản bị chiếm đoạt phải được người phạm tội nhận thông qua một giao dịch dân sự hợp pháp (hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản, hoặc các hình thức hợp đồng khác). Sau khi nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản đó. Trong các vụ án tham ô tại khu vực kinh tế tư nhân, tài sản bị chiếm đoạt được giao cho người phạm tội không phải qua một giao dịch dân sự mà thông qua sự phân công nhiệm vụ mang tính chất tổ chức, hành chính nội bộ của doanh nghiệp. Hành vi chiếm đoạt là việc lợi dụng chính nhiệm vụ, quyền hạn được giao để trực tiếp lấy tài sản, như trường hợp của Nguyễn Hà Trúc U và Phan Văn Hoá, chứ không phải là sự vi phạm nghĩa vụ phát sinh từ một hợp đồng dân sự. Hơn nữa, chủ thể của tội tham ô tài sản bắt buộc phải là người có chức vụ, quyền hạn (dù ở mức độ nào đó), trong khi chủ thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Một số vướng mắc trong thực tiễn định tội danh

Quá trình áp dụng pháp luật hình sự tại một số Tòa án địa phương trong giai đoạn 2023-2025 cho thấy, việc phân biệt rạch ròi giữa tội tham ô tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn là một thách thức, dẫn đến những bất cập nhất định trong việc đảm bảo tính thống nhất của thực tiễn xét xử.

Thứ nhất, sự tương đồng ở hành vi khách quan là chiếm đoạt tài sản không thuộc sở hữu của người phạm tội khiến một số cơ quan tiến hành tố tụng gặp lúng túng, thậm chí nhầm lẫn trong việc xác định tội danh. Sự nhầm lẫn này phần nào phản ánh những hạn chế trong nhận thức về các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội tham ô, nhất là yếu tố "chức vụ, quyền hạn" và "trách nhiệm quản lý tài sản" trong bối cảnh đặc thù của doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, khái niệm "chức vụ, quyền hạn" trong các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt đối với những nhân viên không giữ vị trí quản lý cấp cao, thường là tâm điểm tranh luận. Một số quan điểm cho rằng, nhân viên thu cước, giao nhận, thủ kho chỉ đơn thuần là người lao động, không có "chức vụ, quyền hạn" thực sự theo nghĩa truyền thống, do đó, hành vi chiếm đoạt tài sản của họ nên được xem xét theo Điều 175 BLHS. Tuy nhiên, như đã phân tích, NQ 03/2020 và CV 196/TANDTC-PC đã cung cấp những giải thích quan trọng, theo đó quyền hạn phát sinh từ việc được giao nhiệm vụ cụ thể (dù là tối thiểu) liên quan đến việc quản lý, định đoạt tài sản đã đủ để cấu thành yếu tố chủ thể của tội tham ô.

Thứ ba, việc truy tố sai tội danh, ví dụ như áp dụng Điều 175 BLHS (lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) thay vì Điều 353 BLHS (tham ô tài sản) đối với các trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chức vụ, có nguy cơ làm giảm tính răn đe và chưa phản ánh đúng mức độ quyết liệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngay cả trong khu vực kinh tế tư nhân – một khu vực ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những vướng mắc này càng nhấn mạnh sự cần thiết phải có những hướng dẫn pháp lý rõ ràng, chi tiết hơn và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật.

4. Đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc định tội danh tội tham ô tài sản tại khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả và tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, tác giả kiến nghị triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính hệ thống và khả thi sau:

Thứ nhất, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ, trong đó cần có hướng dẫn cụ thể về các khái niệm "người có trách nhiệm quản lý tài sản" và "quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ" đối với người lao động trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, đặc biệt trong các trường hợp không có hợp đồng lao động chính thức hoặc không giữ chức danh quản lý (ví dụ: nhân viên giao nhận COD, nhân viên thu cước, nhân viên kho hàng) để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác phát triển án lệ. Tòa án nhân dân tối cao cần rà soát, lựa chọn và công bố thêm các án lệ tiêu biểu về tội tham ô tài sản trong khu vực kinh tế tư nhân. Các vụ án như Nguyễn Thị T hay Nguyễn Hà Trúc U, sau khi được xét xử phúc thẩm (nếu có) và bản án có hiệu lực pháp luật, có thể là nguồn tiềm năng để phát triển thành án lệ. Những án lệ này sẽ là nguồn tham khảo, viện dẫn quan trọng giúp các Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư có cơ sở vững chắc hơn trong quá trình giải quyết các vụ án tương tự.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Tòa án nhân dân tối cao, các cơ sở học viện cần thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học, khóa tập huấn chuyên sâu cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký về kỹ năng định tội danh, đặc biệt là việc phân biệt tội tham ô tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong khu vực kinh tế tư nhân. Nội dung tập huấn nên tập trung vào phân tích các quy định pháp luật mới, các văn bản hướng dẫn, án lệ và bình luận các vụ án điển hình (như các vụ án đã nêu) để làm sáng tỏ các yếu tố pháp lý còn gây tranh cãi.

Thứ tư, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tra cứu và phổ biến pháp luật. Việc xây dựng và hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật trực tuyến, tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, bình luận khoa học, án lệ (ví dụ, qua Trợ lý ảo, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hoặc các nền tảng hỗ trợ pháp lý khác…) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ tư pháp, luật sư và người dân dễ dàng tiếp cận, tra cứu thông tin, góp phần nâng cao tính minh bạch và thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật.

Việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nêu trên được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác định tội danh tham ô tài sản tại khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong xử lý hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW, qua đó góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân vào sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

LÊ THIẾT HÙNG (Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

3. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

4. Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

5. Công văn 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.

6. Bản án số 45/2025/HS-ST ngày 15/3/2025 của Tòa án nhân dân tỉnh H.

7. Bản án số 23/2024/HS-ST ngày 25/02/2024 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh B.

8. Quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung số 01/2023/HSST-QĐ ngày 10/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Q.

9. Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát 2024, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

10. Báo Công an nhân dân, Khởi tố nhân viên thu cước viễn thông chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng, https://cand.com.vn/Ban-tin-113/khoi-to-nhan-vien-thu-cuoc-vien-thong-chiem-doat-hon-300-trieu-dong-i757345/, truy cập ngày 19/5/2025 .

11. Cổng thông tin Tòa án nhân dân tối cao, http://toaan.gov.vn.

12. Thư viện pháp luật, http://thuvienphapluat.vn.

TAND tỉnh Kon Tum mở phiên tòa xét xử vụ án "Tham ô tài sản" - Ảnh: congan.kontum.gov.vn.