Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án gắn liền với cải cách tư pháp
Ngày 23/9/2020, Ban cán sự đảng TANDTC tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC, Trưởng ban Ban chỉ đạo chủ trì Phiên họp.
Tham dự Phiên họp có các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đại diện Ban chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đại diện các đơn vị của TANDTC.
Phát biểu khai mạc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết cải cách tư pháp trong TANDn là con đường tất yếu, lâu dài để đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra và đáp ứng sự mong đợi của nhân dân vào một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu khai mạc phiên họp.
Để thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng cũng như đứng trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn, phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, tiến đến xây dựng nền tư pháp nước nhà tương đồng với trình độ phát triển chung của thế giới; và thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC nghiên cứu, xây dựng Đề án “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; Ban cán sự đảng TANDTC đã xây dựng Chương trình số 01-CTr/BCSĐ ngày 15/01/2021 về công tác toàn khóa của Ban cán sự đảng TANDTC nhiệm kỳ 2021-2026.
Tổng kết công tác cải cách tư pháp thời gian qua cho thấy, thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, các Kết luận số 79-KL/TW, số 92-KL/TW, số 84-KL/TW của Bộ Chính trị, nhiều chủ trương, nhiệm vụ lớn của cải cách tư pháp đã được TANDTC đề xuất thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật và được triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là trong lĩnh vực hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, tổ chức và hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của TAND tiếp tục được kiện toàn và có nhiều đổi mới theo hướng tiệp cận dần với mô hình tổ chức, hoạt động của một nền tư pháp hiện đại. Đội ngũ giữ chức danh tư pháp trong TANDTC được tăng cường cả về số lượng và nâng cao về chất lượng bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu …
Tuy nhiên, việc thực hiện cải cách tư pháp tại TAND theo Nghị quyết số 49-NQ/TW vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc; một số vấn đề còn có nhận thức không thống nhất như: (i) vị trí, vai trò “trung tâm” của Tòa án, xét xử là trọng tâm (ii) Nội hàm của “tư pháp”, “quyền tư pháp”, “cơ quan tư pháp”, “cơ quan có hoạt động tư pháp” trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (iii) Cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhất là kiểm soát giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan có hoạt động tư pháp. Có nội dung cải cách đã đề ra nhưng chưa tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện như: tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Có nội dung cải cách chưa thực hiện được do nguồn lực còn hạn chế như xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số hướng đến xây dựng và vận hành hoạt động Tòa án thông minh…
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, các vi phạm pháp luật, tội phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng quy mô và tính chất, mức độ, các tranh chấp cũng không ngừng tăng theo quy mô dân số và nền kinh tế hội nhập. Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc tiếp cận thành tựu của khoa học nói chung, khoa học pháp lý nói riêng trở nên thuận lợi, dễ dàng. Bối cảnh thực tiễn này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục có định hướng cải cách phù hợp để vừa giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội vừa góp phần xây dựng nền tư pháp vì dân, thuận lợi cho nhân dân, nhân dân cảm thụ được công lý, giá trị văn minh của nền tư pháp hiện đại; nhân dân giám sát được hoạt động tư pháp; quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ.
Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu của cải cách tư pháp, thực hiện tốt quyền tư pháp, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, xây dựng nền tư pháp Việt Nam “chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liên chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải đánh giá thực tiễn, tổng kết lý luận từ đó đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cải cách tư pháp tại TAND trong thời gian tới.
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất thông qua Kế hoạch xây dựng Đề án, Đề cương Đề án, trong đó nhấn mạnh những vấn đề lớn của đề án cần tiếp tục phải nghiên cứu, đánh giá: (1) Làm rõ nội hàm quyền tư pháp, chủ thể thực hiện quyền tư pháp và đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp; (2) Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án để bảo đảm thực hiện nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (3) Đảm bảo công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho nhân dân tiếp cận tư pháp (4) Đổi mới và hoàn thiện thủ tục tố tụng (5) Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án (6) Đổi mới cơ chế quản lý, đánh giá, tuyển chọn, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, đề cao kỷ cương kỷ luật nội bộ (7) Xây dựng thiết chế để bảo vệ quyền uy tư pháp, bảo đảm chế độ, tiền lương, bảo vệ Thẩm phán (8) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử (9) Xây dựng nền tảng hình thành Tòa án điện tử (10) Làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực giữa Tòa án và các cơ quan nhà nước khác (11) Xây dựng thiết chế bảo vệ Hiến pháp. Trên cơ sở đó tham mưu, hoạch định chính sách, định hướng về cải cách tư pháp tại Tòa án trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án đánh giá các ý kiến đóng góp, nghiên cứu, đề xuất mang tính bao quát, có chiều sâu, toàn diện; không chỉ đáp ứng yêu cầu hiện tại mà bảo đảm dự đoán cả sự phát triển của môi trường pháp lý trong tương lai.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc công tác cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho Tòa án xây dựng Đề án “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, đây là cơ sở để Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu đưa ra những đề xuất, kiến nghị mang tính căn cơ để triển khai thực hiện đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Do đó, các nghiên cứu, đề xuất phải mang tính bao quát, có chiều sâu, toàn diện; không chỉ đáp ứng yêu cầu hiện tại mà bảo đảm dự đoán cả sự phát triển của môi trường pháp lý trong tương lai.
Kết thúc Phiên họp, Chánh án yêu cầu Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để sớm hoàn thiện các tài liệu xin ý kiến trong phiên họp này, trình Trưởng ban Ban chỉ đạo ký ban hành và triển khai các bước tiếp theo để hoàn thiện Đề án đúng tiến độ được giao.
Bài liên quan
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2025
-
Khai mạc Phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều dự án Luật, Nghị quyết
-
Quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên toà, phiên họp từ 1/1/2025
-
Vụ Công tác phía Nam TANDTC triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận