G phạm cả hai tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Sau khi nghiên cứu bài viết: “G phạm tội gì, lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?” của Trần Quang Dương đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 16 /11/ 2019, tác giả cho rằng G phạm cả hai tội.
Từ nội dung vụ án (các bạn có thể đọc lại bài tại đây), theo tác giả Trần Quang Dương, hiện có ba quan điểm khác nhau về xử lý vụ án: Quan điểm 1 cho rằng G không phạm tội; Quan điểm 2, G phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Quan điểm 3, G phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Và tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba là G phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bởi lẽ đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội này.
Từ nội dung của vụ án qua 3 vụ việc cụ thể và các quan điểm xung quanh việc xử lý vụ án và quan điểm của tác giả Trần Quang Dương đưa ra, tôi thấy như sau:
Trước tiên, tôi đồng tình với tác giả ở quan điểm đối với hành vi ở vụ thứ 2 và vụ thứ 3, là G thỏa mãn dấu hiệu của cấu thành tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) nay là điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, các hành vi này của G đều xảy ra trước ngày 01/01/2018 nên nếu sau ngày 01/01/2018 mới xét xử thì G sẽ bị truy tố và xét xử theo điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Đối với hành vi ở vụ thứ 1 tôi không đồng tình với tác giả khi cho rằng G phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mặc dù, G thừa nhận từ cuối năm 2008 đã bị thua lỗ trong kinh doanh nhưng đến ngày 26/02/2009 vẫn đứng tên thành lập DNTN QG với số vốn tự khai là 9 tỷ đồng, đến tháng 6/2010 thì mất khả năng thanh toán. Mà quan điểm của tôi cho rằng G có hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội“Lạm dụng tín chiếm đoạt tài sản” đối với hành vi ở vụ thứ 1 như quan điểm 2, bởi: Cấu thành cơ bản của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì về mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở 2 điểm mấu chốt: Một là, hành vi gian dối được thể hiện, thực hiện sau khi chủ thể của tội phạm đã nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng… một cách ngay tình, hợp pháp; sau khi nhận được tài sản vì mục đích chiếm đoạt không trả, không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, theo thỏa thuận thì chủ thể của tội phạm mới nảy sinh dùng thủ đoạn gian dối để không trả, không thực hiện thỏa thuận, không thực hiện hợp đồng, kể cả thực hiện vào mục đích bất hợp pháp khác hoặc có điều kiện trả, có điều kiện thực hiện hợp đồng nhưng đến hạn “cố tình” không trả, không thực hiện. Tức là thủ đoạn gian dối xuất hiện sau khi đã nhận được tài sản. Hai là, việc dùng thủ đoạn gian dối là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Sự khác nhau căn bản giữa tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” chính ở điểm “hành vi gian dối” được thực hiện trước hay sau khi nhận được tài sản, nhận được tiền… Nếu hành vi gian dối thực hiện trước là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn nếu hành vi gian dối thực hiện sau khi có tài sản thì là “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng cả hai tội này dấu hiệu mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Trở lại vụ án trên ta thấy hành vi gian dối của G xuất hiện sau khi giao kết hợp đồng chuyển nhượng nhằm chiếm đoạt tài sản, cụ thể: Sau khi vợ chồng G ký Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và quyền sở hữu nhà cho bà L tại huyện L.V và được Phòng Công chứng chứng thực hợp đồng vào ngày 23/6/2009 thì G đã nhận tiền chuyển nhượng do bà L giao là 1 tỷ đồng. Theo thỏa thuận thì G có trách nhiệm làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở cho bà L nên bà L tin tưởng giao toàn bộ giấy tờ bản chính cho G giữ nhưng G không tiến hành thủ tục sang tên cho bà L như đã cam kết mà ngay sau đó, G đến Phòng Tài nguyên môi trường huyện LV báo mất giấy tờ và mang giấy chứng nhận nhà đất trên đi ký hợp đồng ủy quyền cho người khác được thế chấp, bảo lãnh đối với tài sản này vào ngày 28/12/2009. Trong khi bà L không biết, không cho phép. Tiếp đến ngày 08/02/2010 G lại ký văn bản chấm dứt ủy quyền và cùng ngày ký tiếp Hợp đồng ủy quyền cho bà Thái Nhị P được quyền thế chấp, bảo lãnh đối với nhà đất trên kể từ ngày 05/02/2010 để đảm bảo cho hợp đồng mua thức ăn cho cá của doanh nghiệp do bà P làm chủ. Như vậy, ở đây hành vi liên tiếp sử dụng giấy tờ nhà đất đã được chuyển nhượng cho bà L để thực hiện các hành vi như ủy quyền cho người khác được thế chấp bảo lãnh trong khi tài sản nhà đất này đã được chuyển nhượng. Theo quy định của pháp luật dân sự thì G không có quyền định đoạt đối với tài sản đã được chuyển nhượng cho bà L. Chính vì vậy, ở hành vi này G có dấu hiệu của tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” chứ không phải là tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Không thể chỉ căn cứ vào lý do cho rằng việc từ năm 2008 G bắt đầu làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ nhiều người nên ngày 26/2/2009, G đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân QG để tạo vỏ bọc, tạo lòng tin cho người khác. Từ đó, nhận định cho rằng việc G đã dùng thủ đoạn gian dối đối với bà L để chiếm đoạt số tiền 1 tỷ đồng mà bà L nhận chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với diện tích 198 m2, tại khóm Bình Hòa, thị trấn LV tỉnh ĐT. Vì đây là tài sản của vợ chồng G. Tài sản này là tài sản có thật. Việc các bên ký hợp đồng chuyển nhượng là hợp pháp đã được công chứng, chứng thực tại nơi có thẩm quyền là Phòng tư pháp huyện LV. Ở thời điểm giao kết hợp đồng và trước đó rõ rằng G chưa có hành vi gian dối nào. Hành vi gian dối của G chỉ xuất hiện khi thực hiện hợp đồng theo cam kết đó là trách nhiệm G phải làm thủ tục sang tên cho bà L thì G đã không làm mà thực hiện liên tiếp các hành vi trái pháp luật khi không có quyền và không được sự cho phép của chủ tài sản đối với nhà đất này của bà L. Do vậy, hành vi này thỏa mãn dấu hiệu của tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Đối với các hành vi ở vụ 2 và vụ 3 theo quan điểm cá nhân tôi thì tôi đồng ý với quan điểm của tác giả của bài viết đó là G phải bị truy tố và xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bởi xét về mặt khách quan thì các hành vi gian dối của G đều có trước khi được nhận tài sản, cụ thể: Đầu năm 2010, G đặt vấn đề với bà Thái Nhị Ph là chủ doanh nghiệp tư nhân PS là G đang có nhiều ao cá (14 ao) đề nghị bà Ph bán cho G 830 tấn thức ăn cá với giá tổng cộng là 6,88 tỉ đồng. Để bà Ph tin tưởng, G ký hợp đồng thế chấp cho bà Ph 4 ao cá mà G nói thuộc sở hữu của G, trong khi thực tế 4 ao cá trên G thuê lại của người khác, sắp hết hạn. Từ ngày 28/1/2010 đến 8/2/2010, bà Ph đã giao hàng nhiều lần tổng cộng 577 tấn thức ăn cho cá, tính cả tiền công vận chuyển, tổng cộng là 4,9 tỉ đồng. Sau khi nhận được số tài sản trên G đem bán rẻ hơn số tiền mua để chiếm đoạt. G trả nhiều lần, còn nợ lại 4,48 tỉ đồng. Nhằm che giấu hành vi gian dối và củng cố lòng tin đối với bà Ph, ngày 8/2/2010 vợ chồng G ký Hợp đồng ủy quyền cho bà Ph đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y791304 do UBND huyện LV, tỉnh ĐT cấp ngày 02/11/2004 và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong khi đó tài sản này vợ chồng G đã chuyển nhượng cho bà Nguyễn Bích L vào ngày 23/6/2009 lấy 1 tỷ đồng.
Đối với vụ 3 cũng vậy G dùng giấy tờ nhà đất của ông Nguyễn Thái H và bà Huỳnh Thị Cẩm Tr để thế chấp vay tiền của bà Tô Thị Kim H mà chủ đất không biết, sau đó chiếm đoạt tiền của bà H. Như vậy, ở đây rõ ràng hành vi gian dối có trước khi được nhận tài sản. Hành vi gian dối là điều kiện là phương tiện để G có thể chiếm đoạt được tài sản trên của các bị hại. Do vậy, các hành vi ở vụ 2 mua thức ăn cho cá về bán rẻ để lấy tiền và vụ 3 thế chấp giấy tờ của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thỏa mãn dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ những phân tích trên tôi cho rằng G phải bị truy tố và xét xử cả hai tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với hành vi ở vụ 1 và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với hành vi ở vụ 2 và vụ 3. Còn đối với chồng của G nếu biết và cùng bàn bạc, cùng thực hiện các hành vi trên thì phải xem xét trách nhiệm hình sự của chồng G với vai trò đồng phạm trong vụ án.
Trên đây là quan điểm của tôi xung quanh việc định tội danh đối với G phạm tội gì, lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản? của tác giả Trần Quang Dương. Xin phép được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận