G phạm tội gì, lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ?
Vấn đề xác định các yếu tố cấu thành tội phạm để phân biệt hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã có nhiều bài viết phân tích và kiến giải. Tuy nhiên trong thực tiễn vận dụng vẫn còn nhiều quan điểm xung quanh việc xác định tội danh đối với hai loại tội phạm này. Vụ án dưới đây đang có nhiều quan điểm về định tội trong quá trình tiến hành tố tụng.
1.Lập doanh nghiệp để vay tiền
Nguyễn Thị Quỳnh G sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Đến đầu năm 2008 thì làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ nhiều người. Để tạo lòng tin cho người khác và tìm đối tác kinh doanh, ngày 26/2/2009, G đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân QG với số vốn đầu tư là 9 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh là sản xuất, phân phối cá giống, nuôi trồng thủy sản.
Biên bản xác minh cơ sở kinh doanh tại địa chỉ G đăng ký kinh doanh ngày 21/6/2010 của Chi Cục Thuế quận T thì doanh nghiệp tư nhân QG đã đóng cửa không hoạt động, chủ doanh nghiệp không có ở tại địa phương (bỏ đi nơi khác không rõ ). Cơ quan thuế quận T cũng đã có Thông báo về việc cơ sở bỏ địa chỉ kinh doanh và ban hành Thông báo cưỡng chế nợ thuế vào ngày 15/3/2010 đối với DNTN QG.
Tính từ giữa năm 2008 đến tháng 6/2010, G đã thực hiện nhiều hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của 8 người với tổng số tiền 12,56 tỉ đồng. Xin đơn cử một vài trường hợp:
*Vụ 1: Tài sản đã bán lại ủy quyền thế chấp, bảo lãnh với người khác
Vào ngày 23/6/2009, G cùng chồng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất, diện tích 198 m2, tại khóm Bình Hòa, thị trấn LV tỉnh ĐT với giá 1 tỉ đồng tại Phòng Tư pháp huyện L.V, tỉnh ĐT, cho bà Nguyễn Bích L.
Theo thỏa thuận, G chịu trách nhiệm làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở cho bà L nên bà L tin tưởng giao toàn bộ giấy tờ bản chính cho G giữ. Ngay sau đó, G đến Phòng Tài nguyên môi trường huyện LV báo mất giấy tờ.
Đồng thời G không làm thủ tục sang tên cho bà L mà cùng chồng ký hợp đồng cho Trần Thị KL được quyền thế chấp, bão lãnh đối với tài sản nhà và đất đã bán cho bà L, thời hạn 2 năm kể từ ngày 28/12/2009 tại phòng công chứng số 1, thành phố C. Ngày 8/2/2010, vợ chồng G ký hợp đồng chấm dứt ủy quyền với Trần Thị KL kể từ ngày 4/2/2010.
Như vậy, bằng thủ đoạn gian dối trên G đã chiếm đoạt tiền mua đất của bà L là 1 tỉ đồng.
*Vụ 2: Mua thức ăn cho cá về bán rẻ để lấy tiền
Đầu năm 2010, G đặt vấn đề với bà Thái Nhị Ph là chủ doanh nghiệp tư nhân PS là G đang có nhiều ao cá (14 ao) đề nghị bà Ph bán cho G 830 tấn thức ăn cá với giá tổng cộng là 6,88 tỉ đồng. Để bà Ph tin tưởng, G ký hợp đồng thế chấp cho bà Ph 4 ao cá mà G nói thuộc sở hữu của G, trong khi thực tế 4 ao cá trên G thuê lại của người khác, sắp hết hạn.
Từ ngày 28/1/2010 đến 8/2/2010, bà Ph đã giao hàng nhiều lần tổng cộng 577 tấn thức ăn cho cá, tính cả tiền công vận chuyển, tổng cộng là 4,9 tỉ đồng. G trả nhiều lần, còn nợ lại 4,48 tỉ đồng.
Nhằm che giấu hành vi gian dối và củng cố lòng tin đối với bà Ph, ngày 8/2/2010 vợ chồng G ký Hợp đồng ủy quyền cho bà Ph đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y791304 do UBND huyện LV, tỉnh ĐT cấp ngày 02/11/2004 và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong khi đó tài sản này vợ chồng G đã chuyển nhượng cho bà Nguyễn Bích L vào ngày 23/6/2009 lấy 1 tỷ đồng.
Như vậy G đã chiếm đoạt tài sản của Doanh nghiệp tư nhân PS số thức ăn cho cá trị giá 4,48 tỉ đồng. Qua điều tra xác định được, sau khi G nhận thức ăn của bà Ph về G đã bán lại với giá rẻ hơn giá mua để lấy tiền mặt.
*Vụ 3: Thế chấp giấy tờ của người khác
Tháng 9/2008, G nợ của bà Tô Thị Kim H 420 triệu đồng, muốn vay tiếp cần có tài sản thế chấp. Đến khoảng cuối tháng 12/2008, G đưa cho bà H 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (một giấy mang tên G, một giấy mang tên Nguyễn Thái H và một giấy mang tên Huỳnh Thị Cẩm Tr) và một biên nhận ghi số tiền 1,42 tỉ đồng nhưng không ghi ngày, tháng, năm, phía sau biên nhận có ghi nội dung: Nguyễn Thái H và Huỳnh Thị Cẩm Tr đồng ý gửi giấy và ký tên vào, đưa cho bà H xem. G giải thích với bà H là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tên Tr là đất của G nhờ bà ngoại là bà Tr đứng tên, còn giấy chứng nhận tên ông Nguyễn Thái H là tên trong giấy của chồng G. Bà H tin tưởng G nói thật nên đồng ý cho G vay thêm 1 tỉ đồng và hẹn 2 tuần sau G sẽ bán cá trả lại đủ số tiền 1,42 tỉ đồng. Sau khi G nhận được tiền thì bà H không còn liên lạc được với G nữa.
Đến ngày 22/5/2009, G yêu cầu bà H cho nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên G để G đem đi thế chấp cho người khác lấy tiền trả lại cho bà H. Bà H đồng ý và G cũng trả được một phần tiền, còn thiếu 500 triệu đồng, hẹn đến tháng 7/2010 sẽ trả nhưng đến nay vẫn không trả.
Thực ra G lấy được 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông H và bà Tr để thế chấp vay tiền nhưng ông H, bà Tr không biết, đã trình báo mất và được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2. Các quan điểm khác nhau
Với nội dung vụ án này, hiện nay có ba quan điểm khác nhau về xử lý vụ án:
Quan điểm 1: G không phạm tội, các giao dịch đã tiến hành với các bị hại là giao dịch dân sự và kinh doanh thương mại vì đều có ký kết hoặc thỏa thuận bằng miệng, bị cáo có trả tiền lãi cho bị hại hoặc trả tiền mua hàng nhưng do bị ngừng giao dịch đột ngột nên G không thanh toán tiếp.
Hợp đồng giữa G với bà Nguyễn Bích L về chuyển nhượng QSD đất là hợp đồng giả cách. Và G khai nại rằng trước khi khởi tố vụ án G đã trả cho các bị hại tổng cộng 18 tỷ đồng (Tuy nhiên, không có tài liệu, chứng cứ chứng minh khai này).
Quan điểm 2: G phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với trường hợp của bà Nguyễn Bích L vì sau khi hai bên ký Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và quyền sở hữu nhà tại huyện L.V và được Phòng Công chứng chứng thực hợp đồng vào ngày 23/6/2009 thì G đã nhận tiền chuyển nhượng do bà L giao là 1 tỷ đồng nhưng G không tiến hành thủ tục sang tên cho bà L như đã cam kết mà mang giấy chứng nhận nhà đất trên đi ký hợp đồng ủy quyền cho người khác được thế chấp, bảo lãnh đối với tài sản này vào ngày 28/12/2009.
Đến ngày 08/02/2010 G lại ký văn bản chấm dứt ủy quyền và cùng ngày ký tiếp Hợp đồng ủy quyền cho bà Thái Nhị P được quyền thế chấp, bảo lãnh đối với nhà đất trên kể từ ngày 05/02/2010 để đảm bảo cho hợp đồng mua thức ăn cho cá của doanh nghiệp do bà P làm chủ.
Các vụ việc còn lại là giao dịch dân sự do các bị hại đều tự nguyện đưa tiền hoặc tài sản cho bị cáo, bị cáo có trả lãi và trường hợp mua bán thức ăn cho cá là quan hệ kinh doanh thương mại được hai doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế với nhau.
Quan điểm 3: Cho rằng G phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì G thừa nhận từ cuối năm 2008 đã bị thua lỗ trong kinh doanh nhưng đến ngày 26/02/2009 vẫn đứng tên thành lập DNTN QG với số vốn tự khai là 9 tỷ đồng, đến tháng 6/2010 thì mất khả năng thanh toán.
Thời gian này cũng là lúc G vay mượn nhiều người, hẹn trả trong thời gian ngắn, đưa nhiều thông tin sai sự thật để các bị hại tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của G mà giao tài sản và sau đó không thanh toán đúng cam kết mà chiếm đoạt luôn.
Với danh nghĩa là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi cá giống và cá thịt để bán, G đã giao kết nhiều hợp đồng kinh tế, dân sự để mua bán thức ăn cho cá, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, hợp đồng vay mượn tài sản với nhiều người sau đó không trả tiền mà chiếm đoạt để chi xài cá nhân bỏ mặc hậu quả xảy ra.
Cụ thể, G dùng giấy tờ nhà đất của ông Nguyễn Thái H và bà Huỳnh Thị Cẩm Tr để thế chấp vay tiền của bà Tô Thị Kim H mà chủ đất không biết, sau đó chiếm đoạt tiền của bà H, còn chủ đất đã làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng mới;
G đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho bà Nguyễn Bích L nhưng gian dối không thực hiện thủ tục sang tên mà tiếp tục dùng tài sản này mang đi thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua thức ăn cho cá của DNTN PS;
Để được DNTN PS chấp nhận ký Hợp đồng bán thức ăn cho cá, G cho người làm dẫn chủ doanh nghiệp này đi xem các ao cá của người khác nhưng nói dối là toàn bộ ao của bị cáo nuôi làm bị hại tin tưởng ký hợp đồng và tiến hành giao thức ăn cho cá cho G, sau đó G mang đi bán cho người khác và không thanh toán tiền mua như cam kết.
Để có được sự tin tưởng của các bị hại, G giao các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho người bị hại và nhận tiền, sau đó nói dối các bị hại để mượn lại những giấy tờ này để tiếp tục thực hiện những giao dịch khác.
Với các dấu hiệu trên, rõ ràng bị cáo đã có lời nói, hành động gian dối để bị hại tin tưởng giao tài sản sau đó chiếm đoạt luôn chứ không phải việc bị hại tự nguyện giao kết hợp đồng với bị cáo một cách ngay thẳng từ đầu rồi sau đó bị cáo mới có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba là G phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bởi lẽ đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội này.
Hành vi của G đã xâm hại đến quyền sở hữu của nhiều người với số tiền nhiều tỉ đồng, G cho rằng đã trả cho các bị hại tổng cộng 18 tỷ đồng trước khi khởi tố vụ án nhưng không có chứng cứ chứng minh, các bị hại phủ nhận lời khai này.
Qua thực tiễn tố tụng cho thấy vẫn chưa có sự nhất quán trong nhận thức khi đánh giá chứng cứ để định tội danh chính xác, nhất là chưa có sự phân biệt rõ ràng về yếu tố lừa dối trong giao dịch dân sự dẫn đến hợp đồng dân sự vô hiệu với thủ đoạn lừa dối để chiếm đoạt tài sản trong tố tụng hình sự.
Bài viết này rất mong nhận được sự ý kiến trao đổi của độc giả.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận