Gần 100 Khu công nghiệp cùng bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Các khu công nghiệp Việt Nam đang tích cực chuyển mình, hướng tới mô hình thông minh và bền vững. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan của Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư về xây dựng chính sách, xúc tiến đầu tư nhằm xây dựng nền công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam. Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2024 có chủ đề “Kỷ nguyên vươn mình của khu công nghiệp Việt Nam” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/12 đã quy tụ gần 100 lãnh đạo, chủ đầu tư các khu công nghiệp 39 tổ chức Hội, Hiệp hội trong nước và quốc tế; 8 trường Đại học; hơn 200 đại biểu từ các tổ chức tài chính, đầu tư, ngân hàng, quỹ quốc tế… và hơn 35 diễn giả hàng đầu về lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, xúc tiến đầu tư, tài chính.
Cầu nối giữa các khu công nghiệp và các đối tác về chính sách, tài chính, đầu tư
Diễn đàn do Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền Vững – Tổ chức IDH ( Hà Lan) bảo trợ, Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam (VIZ) tổ chức thực hiện.
Diễn đàn thu hút sự tham giam của 83 KCN trên cả nước; 39 tổ chức Hội, Hiệp hội trong nước và quốc tế; 8 trường Đại học; hơn 200 đại biểu từ các tổ chức tài chính, đầu tư, ngân hàng, Quỹ quốc tế… và hơn 35 diễn giả hàng đầu về lĩnh vực phát triển KCN, xúc tiến đầu tư, tài chính.
Toàn cảnh Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam năm 2024 (Ảnh: Hoàng Dương - TBTCVN)
Diễn đàn bao gồm 2 phiên toàn thể, 6 phiên thảo luận nhóm. Phiên toàn thể thứ nhất gồm phần trình bày và các phiên thảo luận nhóm về 3 nội dung chính: Chính sách pháp luật phát triển khu công nghiệp; chuyển đổi xây dựng hạ tầng khu công nghiệp thế hệ mới, thông minh và phát triển bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến đầu tư, định vị thương hiệu khu công nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.
Ở Phiên toàn thể thứ 2, các diễn giả, đại điện Khu công nghiệp và khách mời sẽ cùng lắng nghe và trao đổi về 3 nhóm vấn đề: Thực hành ESG trong các khu công nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai; phát triển logistics xanh trong chuyển đổi khu công nghiệp thế hệ mới; chuyển đổi mô hình KCN tại thành phố Hồ Chí Minh; thúc đẩy tuân thủ và thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng; nguồn vốn đầu tư phát triển bền vững khu công nghiệp thế hệ mới.
Tại Diễn đàn ông Huỳnh Tiến Dũng (Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền Vững – Tổ chức IDH (Hà Lan) cho biết, các KCN tại Việt Nam đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước, Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2024 có vai trò quan trọng, vừa là cầu nối giữa các khu công nghiệp, tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư, vừa là nơi trao đổi, thảo luận và cùng thống nhất đưa ra các khuyến nghị thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển bền vững, hướng đến yêu cầu của thị trường.
Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc quốc gia Tổ chức IDH (Hà Lan) phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN)
Ông Huỳnh Tiến Dũng khẳng định, IDH cam kết đồng hành cùng các tổ chức đối tác thúc đẩy hợp tác công - tư hiệu quả nhằm xây dựng định hướng chiến lược thúc đẩy các thực hành bền vững. Hướng tới mục tiêu xây dựng sự kiện thường niên, "Đây là diễn đàn đầu tiên và chúng tôi mong muốn diễn đàn này được duy trì hằng năm và được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng chiến lược để giải quyết những thách thức lớn mà các khu công nghiệp đang đối mặt, đồng thời góp phần định hình một tương lai bền vững cho ngành công nghiệp Việt Nam", ông Huỳnh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trong phát biểu đề dẫn diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Khánh – Tổng Giám đốc Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam – VIZ - đơn vị tổ chức diễn đàn nhấn mạnh, với mục tiêu tăng cường đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, diễn đàn cũng là nơi tạo cầu nối giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế với cơ quan quản lý nhà nước; là nơi kết nối các khu công nghiệp với các nhà đầu tư và tổ chức tài chính để tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án bền vững; thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, địa phương, các tổ chức quốc tế với khu công nghiệp và nhà sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong sản xuất công nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn chung của doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh cho biết, thông tin của diễn đàn sẽ được truyền thông trực tiếp đến 400 KCN, 1.000 cụm công nghiệp trong cả nước, 50 tổ chức hiệp hội doanh nghiệp với hơn 1.000 doanh nghiệp liên quan.
Vai trò quan trọng hàng đầu về chuyển đổi xanh của khu công nghiệp
Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Vốn đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp đạt khoảng 221,33 tỷ đô la Mỹ, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 9,33 tỷ đô la Mỹ và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp là 212 tỷ đô la Mỹ.
Tại một số địa phương, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong/tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm tới trên 20%, một số địa bàn có KKT ven biển, tỷ lệ này đạt trên 60% (Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Long An).
Do các cơ sở sản xuất được tập trung trong khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế nên công tác bảo vệ môi trường được kiểm soát chặt chẽ hơn so với doanh nghiệp nằm ngoài các khu này, đặc biệt là công tác xử lý nước thải, chất thải rắn. Do đó, có thể nói các Khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng có ý nghĩa hàng đầu trong quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Đồng Trung – Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao cũng cho biết, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn khá tích cực, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm 2023, đạt một mức kỷ lục mới trong giai đoạn 5 năm 2019-2024.
Đáng chú ý, FDI đổ vào Việt Nam dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như công nghiệp chế biến, điện tử, linh kiện ôtô, chất bán dẫn và công nghệ xanh (tính đến ngày 30/9/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 9,02 tỷ USD, chiếm 66,6% tổng vốn đăng ký cấp mới). “Chúng ta đang chuyển đổi mạnh mẽ từ việc thu hút các dự án sản xuất truyền thống, phát huy lợi thế chi phí lao động thấp, thành thu hút các dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao, chuyên sâu, với năng lực sản xuất cao” - ông Nguyễn Đồng Trung.
Ông Nguyễn Đồng Trung, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN)
Việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp thông minh và bền vững được coi là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, hiện cả nước có hơn 400 KCN, với mục tiêu tăng lên 600 vào năm 2030. Việc chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường đang được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là hướng đi tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư chất lượng cao và đảm bảo sự phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường.
Sự hợp tác giữa các chủ đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các tổ chức liên quan đang tạo nên một hệ sinh thái sản xuất công nghiệp - thương mại - dịch vụ khép kín và tương trợ lẫn nhau. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp Việt Nam.
Các khu công nghiệp cần đổi mới tư duy xúc tiến đầu tư FDI
Hiện nay, hoạt động xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ, với sự tham gia của nhiều tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dưới góc độ này, ông Nguyễn Đồng Trung, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) cho biết: Hàng năm, có khoảng 250-350 đoàn lãnh đạo các địa phương Việt Nam đi công tác nước ngoài và theo thống kê thì 75-80% các đoàn công tác này có nội dung về xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. Về phía các doanh nghiệp, các ban, công ty quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cũng chủ động triển khai đa dạng nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều hoạt động xúc tiến còn thiếu hiệu quả.
Để khắc phục các hạn chế trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài đối với các khu công nghiệp, ông Nguyễn Đồng Trung khuyến nghị, doanh nghiệp cần phải xác định đối tượng, xây dựng kế hoạch xúc tiến, kết nối cụ thể với những lộ trình, phương án cụ thể. Để thu hút các đối tác cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để khắc phục những điểm hạn chế trong mắt đối tác. Cùng với đó, cần hiểu cần nghiên cứu kĩ đối tác, trong đó chú ý đến cả các yếu tố về văn hóa, lịch sử, sở thích… Ví dụ như “3 có” đối với các địa phương Việt Nam của các nhà đầu tư Hàn Quốc khi xem xét đầu tư, đó là có sân bay, có biển và có sân golf.
Mặt khác, theo ông ông Nguyễn Đồng Trung, các doanh nghiệp cần đầu tư khu công nghiệp cần quan tâm đến công tác nghiên cứu, dự báo, nắm bắt những xu thế, chuyển động của đầu tư trên thế giới, đặc biệt là các lĩnh vực được xác định ưu tiên tạo đột phá cho sự phát triển bền vững như lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo…. Từ đó, phối hợp với các địa phương, bộ ngành để kiến nghị, xây dựng những chính sách thu hút đầu tư phù hợp.
Chia sẻ quan điểm về ý kiến của ông Trung, bà Kim Khánh – Tổng Giám đốc Cổng Thông tin Khu công nghiệp Việt Nam (VIZ) cho rằng trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, sự dịch chuyển về chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của thế giới thì các Khu công nghiệp của Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để tăng cường xúc tiến thu hút các dòng vốn FDI chất lượng.
Cho rằng chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận, phương thức xúc tiến hiện nay, bà Kim Khánh đề xuất: “Các chủ đầu tư, lãnh đạo các Khu công nghiệp cần đoàn kết đồng lòng để tập trung nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ để cùng nhau đi xúc tiến, tiếp cận các chủ đầu tư lớn của thế giới. Khi đó, chúng ta mới thực sự là một “thế lực”, một đối tác xứng tầm với những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới”.
Bài liên quan
-
Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc*
-
Xây dựng Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận