Giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát thế nào mới đúng?
Tòa án xác định không phải vật chứng nên xử lý bằng hình thức trả lại cho chủ sở hữu, sau đó chủ sở hữu tiêu hủy vật đó. Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm cho rằng là vật chứng và đề nghị tịch thu tiêu hủy. Trong trường hợp này sẽ xử lý như thế nào? Hiện tại có bốn quan điểm khác nhau về hướng xử lý.
Ngày 21/3/2021 Nguyễn Thị D cùng nhóm bạn là Trương Thanh H, Nguyễn Minh N và Cao Tấn K đi bơi tại hồ bơi AB, địa chỉ số 123 đường T, phường B, quận K, thành phố H. Khi vào mua vé thì cả nhóm được nhân viên bán vé đưa 01 chìa khóa tủ để quần áo; sau đó cả bốn người để quần áo và tư trang vào tủ và khóa lại, chìa khóa do H giữ. Khi vào hồ bơi được khoảng 30 phút thì D bảo với mọi người mệt nên nghỉ và mượn chìa khóa từ H để vào thay đồ đi về trước. Khi vào lấy quần áo thì D phát hiện có chiếc điện thoại Iphone 12 của H để trong túi quần, D liền lấy và bỏ vào túi áo khoác và ra đưa chìa khóa cho H rồi đi về.
Trên đường về D mang điện thoại đến cửa hàng điện thoại bán, nhưng vì không có mật khẩu nên chủ cửa hàng không mua, D mang điện thoại về nhà cất giữ. Sau khi bơi xong H, N và K vào thay đồ thì H không thấy chiếc điện thoại Iphone 12 của mình đâu nên báo Công an. Quá trình điều tra xác định được D là người lấy điện thoại, sau đó D mang điện thoại trả lại cho H. Chiếc áo khoác D mặc và dùng để chứa chiếc điện thoại cũng bị Cơ quan điều tra thu thập làm vật chứng trong vụ án. Kết quả định giá chiếc điện thoại Iphone 12 là 13.500.000đ, D bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử.
Bản án sơ thẩm xác định Nguyễn Thị D phạm tội “trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS và tuyên phạt 6 tháng tù. Tuy nhiên, đối với chiếc áo khoác D dùng để chứa chiếc điện thoại thì Tòa án cấp sơ thẩm xác định không phải là vật chứng nên xử lý bằng hình thức trả lại cho bị cáo. Sau khi Tòa án trả lại chiếc áo khoác thì D đã mang chiếc áo đi đốt vì cho rằng nó mang lại xui rủi cho mình.
Sau xét xử, Viện kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm phần liên quan đến việc xử lý vật chứng, đề nghị xác định chiếc áo khoác D dùng để đựng điện thoại là vật chứng và tịch thu tiêu hủy. Vấn đề đặt ra trong trường hợp này là giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát như thế nào cho phù hợp?
Qua nội dung vụ việc có bốn quan điểm khác nhau về hướng giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, do chiếc áo là đối tượng liên quan đến kháng nghị không còn nên không thể xem xét giải quyết đối với kháng nghị của Viện kiểm sát. Trong trường hợp này phải đề nghị Viện kiểm sát rút kháng nghị và đình chỉ xét xử phúc thẩm.
- Quan điểm thứ hai cho rằng, do vật chứng là đối tượng để xét xử phúc thẩm không còn nên Tòa án cấp phúc thẩm phải tuyên bác kháng nghị của Viện kiểm sát và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Quan điểm thứ ba cho rằng, Tòa án phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại. Quá trình xét xử lại, cần đánh giá chứng cứ là vật chứng không tồn tại nên không xem xét vấn đề liên quan đến vật chứng.
- Quan điểm thứ tư và cũng là quan điểm của tác giả, trong trường hợp này chiếc áo khoác mà D dùng để đựng chiếc điện thoại là vật chứng, vì vậy việc kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ. Để đảm bảo cho quá trình xét xử phúc thẩm, khi có kháng nghị của Viện kiểm sát thì Tòa án phải tiến hành thu thập lại ngay chiếc áo khoác để làm cơ sở cho việc xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết trong trường hợp này là chiếc áo khoác đã bị D tiêu hủy nên không thể thu thập lại được.
Do vậy, nếu xác định được chính xác chiếc áo đã bị tiêu hủy, Tòa án nên phối hợp cùng với Viện kiểm sát bàn bạc thống nhất hướng xử lý, nếu Viện kiểm sát đồng ý rút kháng nghị thì tiến hành làm thủ tục đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Tuy nhiên, nếu Viện kiểm sát không đồng ý rút kháng nghị thì tiến hành xét xử theo quy định chung. Nếu có căn cứ thì Tòa án phải xác định chiếc áo là vật chứng của vụ án; khi đó xem xét nếu thuộc trường hợp tịch thu tiêu hủy thì tịch thu tiêu hủy, nếu thuộc trường hợp tịch thu nộp ngân sách Nhà nước thì tuyên tịch thu nộp ngân sách Nhà nước. Nhưng do bị cáo đã tiêu hủy chiếc áo rồi nên Tòa án phải nhận định trong bản án là bị cáo đã tiêu hủy nên không còn vật chứng để xử lý; hoặc nếu tịch thu nộp ngân sách Nhà nước thì buộc bị cáo phải nộp cho ngân sách Nhà nước số tiền tương đương giá trị chiếc áo khoác. Từ đó, áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm d khoản 1 Điều 357 BLTTHS quyết định sửa bản án sơ thẩm và tuyên chấp nhận toàn bộ hoặc chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát. Nếu tịch thu tiêu hủy thì ghi nhận chiếc áo đã được tiêu hủy; nếu tịch thu nộp ngân sách Nhà nước thì buộc bị cáo phải nộp khoản tiền tương đương giá trị chiếc áo.
Trên đây là quan điểm về hướng xử lý nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát liên quan đến vấn đề vật chứng trọng vụ án, mong bạn đọc tham gia bàn luận làm rõ hướng xử lý khi có vụ án tương tự./.
Áp giải bị cáo sau phiên tòa - Ảnh: Thanh Phúc/ BTQ
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận