Giải quyết tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc tại Tòa án
Ngày 06/9, UBTVQH tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền… đại diện một số bộ, ngành có liên quan. Đây là dự thảo luật đã được Quốc hội xem xét qua hai kỳ họp và luôn được nhấn mạnh là rất khó, rất phức tạp. Một trong những nội dung phức tạp trong dự án Luật này là xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước
Sau nhiều vòng thảo luận, phương án tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ xử lý bằng thu thuế thu nhập cá nhân, hay xử phạt hành chính đều chưa nhận được sự đồng thuận cao. Phương án mới là xem xét giải quyết tại Toà án đã được UBTVQH lựa chọn.
Theo đó, phương án 1 tại Điều 57 quy định, trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.
Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật phục vụ hội nghị chuyên trách, UBTVQH nêu lại cả ưu và nhược của ba phương án nói trên.
Về phương án xem xét, giải quyết tại Toà án, báo cáo nêu rõ, theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình. Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp quyết định người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.
Ưu điểm của các phương án này là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Về trách nhiệm chứng minh, theo cơ quan giải trình thì phương án này không mâu thuẫn với quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm chứng minh. Bởi vì luật hiện hành đang quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo luật. Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai.
Về trình tự, thủ tục giải quyết, theo phương án này thì thủ tục giải quyết sẽ áp dụng tương tự như trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân nên phiên họp có sự tham gia của luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm dân chủ, thận trọng, khách quan và các bên có quyền khiếu nại quyết định giải quyết của tòa án. Đồng thời, quy trình, thủ tục giải quyết loại việc này tại tòa án cũng nhanh chóng; hạn chế làm phát sinh thủ tục xử lý kéo dài và ít gây áp lực trong bối cảnh tòa án đang có dấu hiệu quá tải do phải thụ lý, giải quyết rất nhiều loại vụ việc, vụ án khác.
Nếu theo phương án này thì UBTVQH phải ban hành pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành thì phán quyết của Tòa án mới thi hành được.
Nhiều đại biểu ủng hộ phương án mới
Về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, nhiều đại biểu tán thành phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án, các đại biểu Đinh Duy Vượt, Y Khút Niê, Phạm Thị Thu Trang, Trần Văn Lâm, Trần Thị Quốc Khánh… thể hiện sự đồng tình với phương án mới.
Theo đại biểu Đinh Duy Vượt thì phương án thu thuế không khả thi và dễ bị lợi dụng. Hai phương án xử phạt hành chính và thu thuế đều không thuyết phục, phương án mới này sẽ được số đông ủng hộ, qua xem xét của Toà án đảm bảo minh bạch công khai chặt chẽ hơn, cho đến nay thì phương án 1 là thuyết phục hơn cả.
Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) khẳng định, phương án này giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật hiện hành. Việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng tán thành với phương án xử lý tài sản bất minh qua Tòa án. Ông Phương nhận xét: Ra tòa sẽ có cả một hội đồng xem xét, được tranh luận thoải mái và khi không thuyết phục được là tài sản hợp pháp thì rõ ràng phải thu. Điểm mạnh của phương án này thể hiện được nguyên lý là tài sản đã không giải trình được, phải tịch thu chứ không mặc cả, nhượng bộ. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) còn băn khoăn về cụm từ “không phù hợp với thực tế” trong phần giải thích từ ngữ: giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm là việc giải trình không có căn cứ pháp luật về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và cũng không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó.
“Các cụ nói giàu vì bạn sang vì vợ, trong trường hợp được bạn giúp mua nhà mua xe có phải bí mật đời tư không, một người thân với ai không thân với ai là quyền riêng tư được Hiến pháp bảo vệ, thế thì xử lý thế nào?”, ông Phương băn khoăn. Nhắc lại câu hỏi vậy tài sản hình thành từ tiền vay của cá nhân có phải công khai không, nếu không công khai thì tài sản đó giải thích thế nào?, đại biểu Phương cho rằng đó là chuyện riêng tư nếu đem đến toà thì Hiến pháp cũng đã có quy định bảo vệ quyền riêng tư rồi. Từ lập luận này, đại biểu Phương cho rằng cần quy định rõ phạm vi đời tư không được khai thác thì phương án ra toà mới khả thi.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thì khằng định phương án mới rất hay, giải quyết qua Toà án sẽ đảm bảo đươc niềm tin của nhân dân vào công lý.
Có quan điểm khác, đại biểu Phan Văn Hoà (Đồng Tháp) vẫn ủng hộ phương án thu thuế vì nếu ra Toà hoặc là trả lại toàn bộ nếu người có tài sản giải thích được nguồn gốc, hoặc là tịch thu toàn bộ. Mà nếu rõ nguồn gốc thì là thất thu thuế. Hơn nữa hiện nay Toà án đã rất quá tải, nếu đưa qua Toà loại việc này nữa thì sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng có thể có băn khoăn về áp lực của Toà nhưng đó là mong muốn của cử tri và đại biểu dân cử.
Các đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) còn băn khoăn với các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật quy định về việc xem xét, xử lý tại Tòa án, nhất là khi khái niệm “giải trình được hợp lý về nguồn gốc” chưa được giải thích thuyết phục tại Điều 3, dự thảo Luật. Bởi lẽ, nếu xử lý tài sản chưa giải trình hợp lý về nguồn gốc theo phương án thứ nhất, dự thảo Luật quy định, Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình, và có thể bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản.
Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, để quy định này có tính khả thi phải quy định ngay trong dự thảo Luật các điều kiện xác định tính hợp lý hoặc giao cơ quan chức năng ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, do dự thảo Luật không quy định phương thức xử lý với những tài sản không kê khai có giá trị lớn hơn tài sản đã được kê khai, nên đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, nếu chỉ để Tòa án bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản chưa đủ sức răn đe.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) thể hiện quan điểm cho rằng phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế nhất định nhưng ông đồng tình cao với phương án 1, thể hiện thái độ mạnh mẽ của nhà nước. Ông nhấn mạnh nguyên tắc tài sản hợp pháp hay không hợp pháp thì phải qua quá trình tố tụng và do Toà án phán quyết.
Điều 57. Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc
Phương án 1:
Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.
Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.
Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và ra một trong các quyết định sau đây:
a) Bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;
b) Thu hồi tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và việc thi hành quyết định của Tòa án.
(Nguồn: Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận