Giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài - Vướng mắc và kiến nghị
Bài viết này tác giả tập trung phân tích những bất cập trong quy định pháp luật trong giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật và đưa ra những giải pháp mang tính hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Trong những năm qua mặc dù nhận được sự quan tâm của các cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, TANDTC đã ra nhiều văn bản hướng dẫn trong việc ủy thác tư pháp (UTTP) ra nước ngoài tống đạt văn bản tố tụng và thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật các Tòa án cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết những vụ án hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
1. Một số một số vụ án cụ thể
Ví dụ 1: Vụ án tranh chấp xin ly hôn của TAND Tp Đà Nẵng giữa nguyên đơn bà Trần Thị Vy T với bị đơn là ông E Yehezkely; cư trú tại: Tel Aviv Jaffo, Israel (I-xra-en). Trong vụ án này ông E Yehezkely không đến Tòa án để tham gia tố tụng theo thông báo của Tòa án và cũng không nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện của bà T; mặt khác, cho đến ngày mở phiên tòa lần thứ nhất 7/9/2018 thì ông E Yehezkely không có mặt và Tòa án cũng chưa nhận được văn bản thông báo về kết quả tống đạt của Cơ quan được UTTP nên Tòa án đã hoãn phiên tòa và gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thông báo về việc thực hiện tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho ông E Yehezkely.[1]
Ví dụ 2: Vụ án tranh chấp xin ly hôn giữa ông Nguyễn Văn S với bị đơn bà Nguyễn Tuyết L (Nguyen Tuyet L); cư trú tại: Filand (PhầnLan). Theo đó Tòa án cũng chưa nhận được văn bản thông báo về kết quả tống đạt của Cơ quan được UTTP nên Tòa án đã hoãn phiên tòa và gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thông báo về việc thực hiện tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho bà L, theo quy định tại khoản 4 Điều 477 của BLTTDS. Ngày 28/10/2019, Bộ Tư pháp đã có Công hàm số 2937/CH-BTP gửi cho Bộ Tư pháp Cộng hòa Phần Lan để yêu cầu trả lời về việc cấp tống đạt cho bà L. Tuy nhiên sau đó Tòa án vẫn không nhận được văn bản trả lời về kết quả tống đạt cho đương sự ở nước ngoài của các cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa Phần Lan theo quy định tại khoản 4 Điều 477 của BLTTDS.[2]
Ví dụ 3: Vụ án tranh chấp xin ly hôn của ông Nguyễn Trung H với bị đơn bà Nguyen Tan T, sinh năm 1980 (vắng mặt). Quốc tịch: Hoa Kỳ. Sau khi thụ lý vụ án Tòa án đã thực hiện việc UTTP tống đạt nhưng bà T vẫn vắng mặt. Đối với bà Nguyen Tan T, TAND Tp Hồ Chí Minh đã thực hiện thủ tục UTTP cho bà Nguyen Tan T theo quy định pháp luật nhưng việc tống đạt không thành.[3]
Nhận xét: Qua những ví dụ trên có thể thấy, thực tiễn thực hiện việc UTTP ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn, đạt tỷ lệ rất thấp có nơi không có kết quả trả về hoặc có nơi có kết quả trả về nhưng rất chậm, từ đó ảnh hưởng đến việc giải quyết của Tòa án trong việc giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả trong công tác ủy thác tư pháp ngày 09/6/2021 TANDTC đã ban hành Công văn số 64/TANDTC-HTQT về việc UTTP, tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài. Nhưng hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nên khi triển khai cũng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng.
2. Những khó khăn, vướng mắc
Ngoài ra, hiện nay qua nghiên cứu thực tiễn xét xử việc thực hiện việc UTTP tác giả còn thấy những vướng mắc, bất cập sau:
Thứ nhất, Trường hợp Tòa án đã thực hiện thủ tục UTTP tống đạt Thông báo về việc thụ lý vụ án và ngày xét xử cho đương sự ở nước ngoài theo yêu cầu của nguyên đơn mà khi chưa đến thời hạn ấn định trong Thông báo, nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, hay chờ hết thời hạn theo Thông báo xem đương sự ở nước ngoài có văn bản trả lời hay không, hiện nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Có nơi thì Tòa án đình chỉ có nơi không, dẫn đến không thống nhất trong thực tiễn xét xử.
Điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 quy định trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Đây là chi phí ủy thác tư pháp tống đạt văn bản gì (chỉ là những văn bản đã ủy thác hay bao gồm cả Quyết định đình chỉ)?
Vậy trường hợp Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì có phải UTTP tống đạt Quyết định này cho đương sự ở nước ngoài hay không? Tạm ứng chi phí UTTP, các khoản phí, lệ phí do ai nộp? Nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí này thì sao?
Thứ hai, Trường hợp trong vụ án ly hôn cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí UTTP ra nước ngoài (Điều 153 BLTTDS 2015), quy định này hiểu như thế nào?
a. Đương sự ở nước ngoài sau khi nhận được văn bản của Tòa án thì trở về Việt Nam và đến Tòa án tham gia phiên hòa giải, các đương sự hòa giải thành.
Theo quy định, chi phí UTTP mỗi bên đương sự chịu một nửa. Đây là chi phí UTTP tống đạt Thông báo về việc thụ lý vụ án hay bao gồm cả chi phí tống đạt Quyết định công nhận thuận tình ly hôn (nếu có)?
Trước khi Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (hết thời hạn 7 ngày), đương sự đó xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không thông báo cho Tòa án biết. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực ngay, vậy Tòa án có phải UTTP tống đạt Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự cho đương sự ở nước ngoài hay không? Nếu có, tạm ứng chi phí UTTP (3.000.000 đồng) do ai nộp? Nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí này thì sao? Chi phí này sau đó giải quyết thế nào?
b. Đương sự ở nước ngoài sau khi nhận được văn bản của Tòa án thì trở về Việt Nam và đến Tòa án tham gia phiên tòa. Tại phiên tòa, các đương sự thuận tình ly hôn. Tòa án ra Bản án công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Khi đó thời hạn kháng cáo đối với đương sự ở nước ngoài được tính từ ngày tuyên án. Tòa án có phải UTTP tống đạt Bản án sơ thẩm cho đương sự ở nước ngoài hay không? Nếu có, tạm ứng chi phí UTTP do ai nộp? Nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí này thì sao? Chi phí này sau đó giải quyết thế nào?
c. Đương sự ở nước ngoài sau khi nhận được văn bản của Tòa án thì gửi văn bản trình bày ý kiến đồng ý ly hôn và xin vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Trường hợp này có xác định là thuận tình ly hôn không. Khi đó chi phí UTTP tống đạt Thông báo thụ lý vụ án và Bản án sơ thẩm (phải tống đạt cho đương sự ở nước ngoài để thực hiện quyền kháng cáo) do ai chịu? Nếu xác định là thuận tình ly hôn thì một nửa chi phí do đương sự ở nước ngoài chịu sẽ thi hành án như thế nào?
Thứ ba, Tòa án có phải UTTP tống đạt với Quyết định tạm đình chỉ cho đương sự ở nước ngoài hay không?
Thực tiễn xét xử các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Tòa án trong thời gian qua liên quan đến UTTP thu thập chứng cứ đối với đương sự ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài nhiều vụ án Tòa án phải ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do cần đợi kết quả thực hiện UTTP căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015[4].Thực tế trước đây quy định khi hết thời hạn giải quyết đã hết thì mới được ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để Thẩm phán được tính vào số lượng án đã giải quyết theo hướng dẫn của TANDTC. Nhưng nay với quy định mới của BLTTDS năm 2015, Thẩm phán xét thấy cần đợi kết quả thực hiện UTTP, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án thì Thẩm phán có thể ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án bất kỳ khi nào mà không cần phải quan tâm đến thời hạn giải quyết đã hết chưa.
Hiện nay vấn đề Tòa án có phải UTTP tống đạt với Quyết định tạm đình chỉ cho đương sự ở nước ngoài hay không còn có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:
Có quan điểm cho rằng: Trong trường hợp Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do cần đợi kết quả UTTP đối với đương sự ở nước ngoài thì Tòa án không phải UTTP để tống đạt Quyết định tạm đình chỉ đó cho đương sự ở nước ngoài đó nữa mà trường hợp này sau khi nhận được kết quả UTTP hay hết thời hạn UTTP thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định chung.
Quan điểm này dựa trên căn cứ cho rằng, khác với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trong trường hợp Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do cần đợi kết quả thực hiện UTTP nhưng Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án phải được giao cho Viện kiểm sát và tống đạt cho các đương sự. Vậy đối với đương sự ở nước ngoài, Tòa án đang thực hiện UTTP để lấy lời khai đối với họ, lý do tạm đình chỉ là do đợi kết quả ủy thác đó, vậy Quyết định tạm đình chỉ phải ủy thác để tống đạt cho đương sự, tuy nhiên việc quy định này là không cần thiết vì một khi Tòa án nhận được kết quả UTTP thì lý do tạm đình chỉ không còn và Tòa án lại lấy vụ án ra để tiếp tục giải quyết rồi. Việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án chỉ là tạm ngừng trong một thời gian chứ không phải chấm dứt giải quyết vụ án. Do tính chất của Quyết định tạm đình vụ án chỉ là việc tạm ngừng giải quyết vụ án trong một thời gian, vụ án chưa bị chấm dứt nên khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì Tòa án phải ra Quyết định tiếp tục giải quyếtvụ án ra để tiếp tục giải quyết mà không được để vụ án kéo dài là vi phạm thời hạn xét xử.[5]
Quan điểm khác lại cho rằng: Tòa án phải UTTP để tống đạt Quyết định tạm đình chỉ đó cho đương sự ở nước ngoài đó.
Tác giả không đồng ý với quan điểm thứ nhất và đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ trong trường hợp này Tòa án phải UTTP tống đạt Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án cho đương sự ở nước ngoài để đảm bảo quyền kháng cáo cho đương sự vì thực tiễn xét xử cũng như quy định pháp luật thì Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hôn nhân gia đình vẫn bị kháng cáo theo quy định pháp luật. Nếu như không tống đạt quyết định này cho đương sự thì họ sẽ mất đi quyền kháng cáo và có thể vì Tòa án cấp sơ thẩm tạm đình chỉ không đúng quy định dẫn đến quá trình giải quyết vụ án ảnh hưởng đến quyền,l ợi ích hợp pháp của đương sự. Để minh chứng tác giả xin đưa ra ví dụ sau:
Ví dụ: Vụ án tranh chấp xin ly hôn có yếu tố nước ngoài giữa nguyên đơn ông Trần Văn B, sinh năm 1973. Địa chỉ: West Nsw.2165 SydneyAustralia với bị đơn bà Nguyễn Thị Diễm T.[6] Trong vụ án này ngày 17/3/2017 đại diện nguyên đơn yêu cầu ngừng phiên tòa và yêu cầu Tòa án UTTP thu thập chứng cứ từ hai tổ chức chuyển tiền từ Úc. Hội đồng xét xử đã dừng phiên tòa và tiến hành thủ tục UTTP thu thập chứng cứ theo yêu cầu của nguyên đơn và tạm đình chỉ xét xử vụ án, chờ kết quả ủy thác tư pháp. Bị đơn là bà Diễm T đã kháng cáo quyết định tạm đình chỉ, tại Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ số 12/2017/QĐPT-HNGĐ ngày 10/10/20174 của TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh nhận định, yêu cầu của nguyên đơn chưa đảm bảo về điều kiện UTTP và TAND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án.
Qua ví dụ này có thể thấy Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án vẫn có thể bị kháng cáo, do đó quan điểm không tống đạt quyết định này cho đương sự ở nước ngoài là không thuyết phục.
Thứ tư, Trường hợp trong vụ án ly hôn, sau khi Tòa án thực hiện ủy thác tư pháp cho đương sự ở nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài có kết quả trả lời rằng đương sự được tống đạt đã chết thì Tòa án xử lý như thế nào?[7]
Vấn đề này hiện nay luật vẫn chưa quy định cụ thể có nhiều quan điểm khác nhau:
Có quan điểm cho rằng: Trong trường hợp này có thể ra quyết định đình chỉ vụ án do bị đơn đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế (điểm a khoản 1 Điều 217).
Quan điểm khác lại cho rằng: Trong trường hợp này không nên vội quan đình chỉ giải quyết vụ án, vì chưa xác định được đương sự được tống đạt đã chết.
Quan điểm tác giả: Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai mà không đồng ý với quan điểm thứ nhất bởi lẽ, UTTP đa phần trong trường hợp này là tống đạt văn bản tố tụng chứ ko hỗ trợ thu thập chứng cứ nên kết quả UTTP thường cung cấp thông tin. Chỉ căn cứ thông tin mà phía nước ngoài cung cấp là đương sự là đã chết chưa đủ cơ sở vững chắc để xử lý theo hướng đình chỉ, đương nhiên quan hệ hôn nhân chấm dứt.
Theo tác giả trong trường hợp này sẽ thông báo đến nguyên đơn kết quả UTTP để tự mình thu thập chứng cứ là Giấy chứng tử hoặc giấy tờ tương tự chứng minh bị đơn đã chết, trường hợp không tự mình làm được thì yêu cầu Tòa án hỗ trợ thông qua ủy thác thu thập chứng cứ.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về ly hôn có yếu tố nước ngoài
Một là, Theo tác giả trong trường hợp Tòa án đã thực hiện thủ tục UTTP tống đạt Thông báo về việc thụ lý vụ án và ngày xét xử cho đương sự ở nước ngoài theo yêu cầu của nguyên đơn mà khi chưa đến thời hạn ấn định trong Thông báo, nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì không nên vội vàng đình chỉ mà nếu đương sự không có yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập thì ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; nếu đương sự có yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập thì xem xét tư cách tố tụng của đương sự.
Cần có văn bản hướng dẫn cho trường hợp Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì có phải ủy thác tư pháp tống đạt Quyết định này cho đương sự ở nước ngoài hay không? Tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp, các khoản phí, lệ phí do ai nộp? Nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí này thì sao?
Hai là, Tác giả kiến nghị TANDTC nên ban hành văn bản hướng dẫn trường hợp trong vụ án ly hôn cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí UTTP ra nước ngoài (Điều 153 BLTTDS 2015). Theo tác giả, cần hướng dẫn theo từng trường hợp như sau:
a) Đối với trường hợp trước khi Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (hết thời hạn 7 ngày), đương sự đó xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không thông báo cho Tòa án biết. Quyết định công nhận thoả thuận ghi nhận toàn bộ ý chí thoả thuận của các bên về nội dung và kể cả án phí, chi phí tố tụng khác, thoả thuận sao ghi nhận vậy. Việc tống đạt Quyết định thuận tình ly hôn này không có bắt buộc như Bản án, Quyết định do không kháng cáo, kháng nghị, thường Tòa án sẽ gửi thư hoặc ngay buổi hoà giải yêu cầu đương sự ở nước ngoài làm uỷ quyền để nhận quyết định này.
b) Đối với trường hợp đương sự ở nước ngoài sau khi nhận được văn bản của Tòa án thì trở về Việt Nam và đến Tòa án tham gia phiên tòa. Tại phiên tòa, các đương sự thuận tình ly hôn. Tại phiên Toà vẫn ra Quyết định công nhận thoả thuận và giải quyết như vấn đề trên.
c) Đối với trường hợp đương sự ở nước ngoài sau khi nhận được văn bản của Tòa án thì gửi văn bản trình bày ý kiến đồng ý ly hôn và xin vắng mặt. Theo tác giả Toà án đưa vụ án ra xét xử ngay lần 1 theo lịch UTTP. Sau khi có Bản án thì nguyên đơn phải chịu chi phí UTTP để đảm bảo quyền kháng cáo của đương sự ở nước ngoài là 1 tháng kể từ ngày nhận được Bản án.
Ba là, Tác giả kiến nghị Tòa án phải UTTP tống đạt Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án cho đương sự ở nước ngoài để đảm bảo quyền kháng cáo cho đương sự vì theo uy định pháp luật thì Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hôn nhân gia đình vẫn bị kháng cáo.
Bốn là, Trường hợp trong vụ án ly hôn, sau khi Tòa án thực hiện UTTP cho đương sự ở nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài có kết quả trả lời rằng đương sự được tống đạt đã chết. Theo tác giả, trong trường hợp này sẽ thông báo đến nguyên đơn kết quả UTTP để tự mình thu thập chứng cứ là Giấy chứng tử hoặc giấy tờ tương tự chứng minh bị đơn đã chết, trường hợp không tự mình làm được thì yêu cầu Tòa án hỗ trợ thông qua ủy thác thu thập chứng cứ.
[1] Bản án số 01/2019/HNGĐ-ST ngày 15/01/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc: “Tranh chấp xin ly hôn”. Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án của Tòa án nhân dân tối cao, link https://congbobanan.toaan.gov.vn/ (truy cập ngày 21/7/2021).
[2] Bản án số: 04/2020/HNGĐ/ST ngày 11/02/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẳng, về việc: “Tranh chấp xin ly hôn”. Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án của Tòa án nhân dân tối cao, link https://congbobanan.toaan.gov.vn/ (truy cập ngày 21/7/2021).
[3] Bản án số 115/2020/HNGĐ-ST ngày 30/01/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, về việc: “Tranh chấp xin ly hôn”. Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án của Tòa án nhân dân tối cao, link https://congbobanan.toaan.gov.vn/ (truy cập ngày 21/7/2021).
[4] Điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015: “Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án”.
[5] Trần Thị Thu Hương, (2017),Thực tiễn áp dụng pháp luật giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học luật Hà Nội, tr.46.
[6] Bản án số: 25/2018/HNGĐ-ST ngày 07-5-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, về việc: “ Tranh chấp xin ly hôn có yếu tố nước ngoài, tranh chấp quyền sở hữu và đòi tài sản”. Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án của Tòa án nhân dân tối cao, link https://congbobanan.toaan.gov.vn/ (truy cập ngày 21/7/2021).
[7] Chi đoàn Tòa gia đình và Người chưa thành niên- Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (2017), “Một số vấn đề thực tiễn khi thực hiện thủ tục ủy pháp tư pháp ra nước ngoài trong vụ việc dân sự”, Công trình thanh niên mừng 86 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tr.38.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận