Giảm mức hình phạt đã tuyên- Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Hiện nay, một số quy định, hướng dẫn về công tác xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù vẫn bộc lộ những bất cập, hạn chế, gây không ít khó khăn cho Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền liên quan trong nhận thức, thống nhất áp dụng pháp luật. Tác giả chỉ ra một số vấn đề còn bất cập và kiến nghị sửa đổi.
Giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là việc Tòa án quyết định cho người bị kết án đang chấp hành hình phạt được chấp hành hình phạt với mức ít hơn mức hình phạt của bản án đã tuyên, khi có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Đây là chính sách vừa thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, vừa thể hiện tính nhân văn của pháp luật Việt Nam. Chính sách này là động lực khích lệ, động viên những người lầm lỡ tích cực học tập, rèn luyện, lao động, cải tạo để có điều kiện, cơ hội sớm hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Thời gian qua, công tác xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2010, Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân (Thông tư số 02/2013). Qua một thời gian thực hiện, cơ bản các quy định của Luật, Thông tư hướng dẫn thực hiện đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, một số quy định, hướng dẫn về công tác xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù vẫn bộc lộ những bất cập, hạn chế, gây không ít khó khăn cho Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền liên quan trong nhận thức, thống nhất áp dụng pháp luật. Để góp phần hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo ý nghĩa, mục đích của công tác xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, trong bài viết này, tôi mạnh dạn chỉ ra một số vấn đề còn bất cập và kiến nghị sửa đổi.Khoản 1 Điều 63 BLHS 2015 quy định: “Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt…”.
Nội dung quy định trên, hiện nay có hai vấn đề còn chưa rõ:
Hiểu như thế nào là “bồi thường”
Nói đến nghĩa vụ dân sự, tức bao gồm: nghĩa vụ chịu án phí, bồi thường thiệt hại cho tập thể, bồi thường thiệt hại cho công dân, khoản tiền tịch thu sung công quỹ Nhà nước,…
Tại Điều 274 BLDS 2015 quy định: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)” và tại khoản 2 Điều 136 BLTTHS năm 2015 quy định: “Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Tòa án. Mức án phí và căn cứ áp dụng được ghi rõ trong bản án, quyết định của Tòa án”.
Từ những quy định trên, thấy rằng: Án phí là nghĩa vụ, là trách nhiệm mà người bị kết án phải nộp, phải thực hiện cho Nhà nước. Chỉ gọi là “bồi thường” khi có thiệt hại cho cá nhân, cho tập thể, cho Nhà nước xảy ra. Việc BLHS quy định “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” là chưa phù hợp với lý luận và thực tiễn. Điều đó đã dẫn đến một thực tế là: khi xem xét yếu tố “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” người ta chỉ quan tâm đến vấn đề phạm nhân đã bồi thường cho tập thể, cho cá nhân được bao nhiêu và khoản tiền sung công quỹ Nhà nước đã thực hiện ở mức nào, chứ họ không quan tâm đến nghĩa vụ và trách nhiệm của người bị kết án trong việc thực hiện các khoản án phí. Như vậy là không hợp lý, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của phạm nhân.
Vì vậy, để tránh trường hợp hiểu sai, hiểm nhầm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của phạm nhân trong quá trình xem xét yếu tố “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”. BLHS nên sửa đổi khoản 1 Điều 63 theo hướng: “Người bị kết… đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự,…” là dễ hiểu và hợp lý hơn.
“Một phần nghĩa vụ dân sự” được hiểu như thế nào?
BLHS quy định nội dung này nhưng không có bất cứ một văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp người bị kết án đã bồi thường một phần nghĩa vụ dân sự là bao nhiêu. Một phần nghĩa vụ dân sự là đã thực hiện một phần hai, một phần ba hay một phần tư nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, trong quá trình xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, Hội đồng xét giảm của Tòa án rất khó khăn trong việc xem xét yếu tố “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.
Khắc phục khó khăn trên, ngày 03 tháng 4 năm 2019, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 64/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính, trong đó có giải đáp nội dung: “Tình tiết đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật hình sự được hiểu như thế nào?”. Tại mục 1 Phần I Công văn số 64/TANDTC-PC nội dung này được giải đáp như sau:
“Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự thì không thi hành án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nếu sau khị bị kết án đã nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữu, tù có thời hạn hoặc tù chung thân là loại hình phạt nhẹ hơn so với hình phạt tử hình, nên “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp, người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn, giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thõa thuận khác của phía bị hại (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.
Có giải đáp trên nên trong quá trình xét giảm, các cơ quan Trại giam, Cơ quan Thi hành án hình sự, Viện kiểm sát, Tòa án phần nào sáng tỏ hơn trong quá trình xem xét trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường nghĩa vụ dân sự của người bị kết án. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, tham khảo áp dụng, thấy rằng nội dung hướng dẫn này còn tồn tại nhiều bất cập sau:
– Chưa đảm bảo được tính nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam. Bởi lẽ, mục đích, ý nghĩa của chính sách xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là nhằm khuyến khích, động viên những người lầm lỡ tích cực thi đua học tập, rèn luyện, lao động, cải tạo để có điều kiện, cơ hội sớm hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội. Và chính sách đó, chỉ áp dụng đối với những người bị kết án có ý thức cải tạo tốt, bản thân thực sự nhận thức rõ lỗi lầm, thật thà hối cải, thực sự hoàn lương, trở thành người tốt. Nhưng khi xem xét thêm yếu tố “đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự” để xem người bị kết án có đủ điều kiện xét giảm hay không thì nội dung này giải đáp này như một “nút thắt” thắt chặt cơ chế, chính sách xét giảm án và hạn chế cơ hội xét giảm của người bị kết án.
– Còn mang tính không công bằng giữa các phạm nhân, ở chỗ: những phạm nhân có điều kiện kinh tế, thực hiện 50% nghĩa vụ dân sự thì mãi mãi vẫn có lợi thế, được ưu tiên hơn những phạm nhân hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, không thực hiện được nghĩa vụ dân sự hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự chưa được một phần hai, mặc dù chất lượng cải tạo của họ tốt hơn những phạm nhân khác.
– Những phạm nhân hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, không thực hiện được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì có cố gắng phấn đấu chất lượng cải tạo tốt đến mấy cũng không được xét giảm, không được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật.
– Chính quy định đó, làm suy giảm động lực phấn đấu cải tạo của phạm nhân và đồng thời cũng là gánh nặng cho các Trại giam trong vấn đề quản lý phạm nhân, vì số lượng phạm nhân không được xét giảm phải tiếp tục cải tạo thời gian dài hơn.
Để khắc phục, hạn chế những bất cập nói trên và để chính sách xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thực sự đảm bảo tính công bằng, dân chủ, khách quan, đảm bảo được tính nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam. Nên chăng, nội dung “đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự” cần nhận thức lại sao cho phù hợp với thực tiễn áp dụng. Thiết nghĩ, nếu áp dụng thì chỉ áp dụng trong một giới hạn nhất định đối với các loại tội phạm kinh tế, tham ô tài sản, nhận hối lộ…
Trên đây là một số bất cập trong công tác xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cũng như kiến nghị tôi nêu ra, rất mong ý kiến trao đổi của bạn đọc./.
Giảm án, tha tù – Ảnh: Tiến Thành
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận