Giảm mức phạt đối với hành vi mua bán ngoại tệ trái phép
Thay vì mức phạt đang áp dụng là 80-100 triệu đồng với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi, mức phạt đối với hành vi mua bán ngoại tệ trái phép chỉ còn 10-20 triệu- Đó là nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến rộng rãi.
Điều chỉnh theo hướng hạn chế mức độ xử phạt
Trong Tờ trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã nhận định Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng được Chính phủ ban hành ngày 17/10/2014, có hiệu lực thi hành từ 10/12/2014, sau 04 năm áp dụng, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/10/2014 đã bộc lộ nhiều bất cập; Một số quy định về mức phạt đã không còn phù hợp với tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm, đặc biệt là trong trường hợp đối tượng vi phạm là cá nhân.
Ví dụ: quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ (Điểm a Khoản 3 Điều 24); phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật (Điểm c Khoản 6 Điều 24); phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (Điểm b Khoản 1 Điều 25);…
Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây là các hành vi không nghiêm trọng. Do đó, đã có điều chỉnh theo hướng hạn chế mức độ xử phạt nặng khi xem xét mức độ nghiêm trọng hay không của hành vi vi phạm.
Phạt là 10-20 triệu, thay vì mức phạt đang áp dụng là 80-100 triệu
Dự thảo Nghị định mới quy định mức phạt là 10-20 triệu, thay vì mức phạt đang áp dụng là 80-100 triệu đồng với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi.
Hình thức cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản thường chỉ áp dụng chủ yếu để răn đe, giáo dục người dân tôn trọng, có ý thức thực thi pháp luật.
Giảm mức phạt với hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp
Dự thảo đã giảm mức phạt với hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh xuống còn 10-20 triệu thay vì mức 30-60 triệu như hiện hành.
Phạt từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi lấy cắp, tiết lộ và cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ.
Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP đã bổ sung nhiều hành vi bị xử phạt nặng trong thanh toán ngân hàng.
Cụ thể: xử phạt từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ; tiết lộ và cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ và giao dịch thẻ ngân hàng; Phạt ngân hàng từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi không thông báo việc lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian hoạt động, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động; không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động; không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định.
Phạt ngân hàng không đảm bảo yêu cầu về hạn mức cho một lần rút tiền
Ngân hàng không đảm bảo yêu cầu về hạn mức cho một lần rút tiền tại máy giao dịch tự động cũng sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
Dự thảo còn bổ sung quy định xử lý vi phạm quy định về mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; xử lý vi phạm về công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng…
Liên quan đến quy định bất cập của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP: Hồi cuối năm 2017, Nguyễn Cà Rê (SN 1980, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đem 100 USD đến một tiệm vàng đổi ra tiền Việt được 2.260.000 đồng. Sau khi cầm tiền bước ra khỏi tiệm, anh bị lực lượng công an giữ lại và lập biên bản, tịch thu số tiền vừa đổi được n gày 4/9/2018, UBND TP Cần Thơ ra Quyết định 2284/QĐ-XPHC xử phạt anh Nguyễn Cà Rê 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”. Việc xử phạt của UBND thành phố Cần Thơ là áp dụng quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP. Vụ việc gây ra nhiều ý kiến phản đối của dư luận cộng đồng xã hội, các chuyên gia pháp lý cũng lên tiếng về sự cứng nhắc trong áp dụng đồng thời cũng thể hiện sự bất cập trong các quy định về lĩnh vực này.
Ngày 5/11/2018, Sau khi xem xét hoàn cảnh của anh Nguyễn Cà Rê, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã thống nhất miễn toàn bộ tiền phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD.
Tại Công văn số 11703/VPCP-KTTH ngày 30/11/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2014/NĐ-CP theo đúng trình tự, thủ tục quy định, lấy ý kiến đầy đủ, rộng rãi của các đối tượng áp dụng và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, bảo đảm công khai, minh bạch, báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận