Giữ nguyên quy định thời hạn 7 ngày sau phiên hòa giải thành

Trao đổi về bài “Thời hạn 7 ngày sau hòa giải thành” của tác giả Cao Thị Thanh Loan, chúng tôi  cho rằng nên giữ thời hạn 7 ngày sau hòa giải thành để bảo đảm tính tự định đoạt của đương sự và ngăn ngừa tiêu cực.

Điều 212 BLTTDS năm 2015 quy định: “Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải… ra quyết định công nhận hòa giải thành của các đương sự”. Quy định này kế thừa quy định của  BLTTDS trước đây, đã được thực hiện trong thời gian dài, thể hiện việc tôn trọng nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong việc thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự.

Điều 5 BLTTDS 2015 quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự nêu rõ: Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự… Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Luật cũng quy định Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự. Như vậy, Thẩm phán mất nhiều công sức để hòa giải một vụ tranh chấp dân sự là thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà pháp luật quy định, không nên đặt vấn đề Thẩm phán mất nhiều công sức hòa giải thành nhưng trong thời hạn 7 ngày, đương sự thay đổi ý kiến dẫn đến lại phải đưa vụ án ra xét xử.

Thời hạn 7 ngày này có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết triệt để vụ tranh chấp. Đương sự được suy nghĩ thêm, được hỏi ý kiến thân nhân, ý kiến chuyên gia để bảo đảm quyết định của mình là phù hợp và tích cực nhất. Thời hạn này không chỉ có ý nghĩa với đương sự mà còn có ý nghĩa đối với Tòa án, khẳng định uy tín của Tòa án khi nội dung hòa giải thấu tình, đạt lý. Ngược lại, hòa giải không khách quan, gây thua thiệt cho một bên cũng có thể sẽ bị phát hiện để đương sự thay đổi ý kiến.

BLTTDS quy định việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc: Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội… Như vậy là nhà làm luật cũng đã dự liệu có trường hợp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của họ.

Được biết ngày 03/10/2017 Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 04/2017/CT-CA về việc tăng cường công tác hòa giải tại TAND khi giải quyết các vụ án dân sự. Kèm theo Chỉ thị là Hướng dẫn chi tiết quy trình, kỹ năng hòa giải vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Chỉ thị yêu cầu Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án phải nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải khi giải quyết vụ án dân sự để chủ động, tích cực, kiên trì hòa giải. Các vụ án dân sự phải được Tòa án tiến hành hòa giải, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được. Thẩm phán phải giải thích, phổ biến đầy đủ, khách quan các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án cho đương sự; phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành. Trình tự, thủ tục hòa giải phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Chỉ thị nhấn mạnh: Nghiêm cấm việc lợi dụng hòa giải để tiêu cực, trục lợi trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Bảo đảm dân chủ, bình đẳng, tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận và quyền tự định đoạt của các đương sự; không được lừa dối, cưỡng ép, đe dọa, dùng vũ lực bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của họ.

Như vậy, thời hạn 7 ngày là rất cần thiết xét từ chính góc độ ngăn ngừa  tiêu cực, nâng cao năng lực giải quyết vụ án dân sự của Tòa án các cấp.

Xin được trao đổi và lắng nghe ý kiến của quý vị độc giả.

 

TH.S NGUYỄN VĂN LIN ( Trường CĐDLHN)