H có phải đồng phạm trong vụ án cướp giật hay không?
Các vụ án đồng phạm xảy ra nhiều ở nhóm tội về xâm phạm quyền sở hữu. Hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm trong việc xác định đồng phạm, nhất là xác định đồng phạm ở vai trò người giúp sức. Vụ việc sau là một minh chứng và hiện nay vẫn còn tồn tại hai quan điểm khác nhau.
Ngày 03/5/2018, H và T đang đi cùng nhau trên một chiếc xe máy. Khi phát hiện chị N điều khiển chiếc xe SH đi cùng chiều có đeo trên vai một túi xách, T nảy sinh ý định cướp giật túi xách của chị N. T bàn với H về ý định của mình, tuy nhiên, H không đồng ý và còn bảo “Mày thiếu tiền hay sao mà phải đi cướp giật”. Tuy nhiên, T vẫn điều khiển xe lại gần và tiến hành giật túi xách của N. Sau đó, T đưa chiếc túi cho H giữ rồi cùng nhau chạy đến một khu đất trống. Khi cả hai đang kiểm tra túi xách của N thì bị bắt giữ, cả hai bị truy tố về tội “Cướp giật tài sản” theo Điều 171 BLHS 2015.
Tại phiên tòa, H một mực khẳng định mình không có ý định cướp giật chiếc túi xách và do tâm lý căng thẳng nên không biết giải quyết thế nào khi T đưa túi xách cho mình giữ. Cuối cùng, TAND huyện TH đã kết luận T và H là đồng phạm trong vụ”Cướp giật tài sản”.
Tuy nhiên, vụ việc này nhận được hai quan điểm trái chiều cho rằng:
-Quan điểm thứ nhất (cũng là quan điểm của tác giả): H không phải đồng phạm trong vụ “Cướp giật tài sản”.
– Quan điểm thứ hai cho rằng: Kết luận của TAND huyện TH là chính xác, H là đồng phạm trong vụ án “Cướp giật tài sản” với vai trò là người giúp sức.
Sở dĩ tác giả cho rằng, H không phải đồng phạm trong trường hợp này bởi vì: Dấu hiệu hành vi phạm tội của tội Cướp giật tài sản được quy định là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác và hành vi này có hai dấu hiệu là dấu hiệu công khai và nhanh chóng. Ở tình huống này, chỉ mình T thực hiện hành vi chiếm đoạt và hành vi này thỏa mãn hai dấu hiệu công khai và nhanh chóng , do đó, T phạm tội Cướp giật tài sản là không còn bàn cãi.
Lý do để xuất hiện quan điểm thứ hai đó là việc H đã giữ chiếc túi xách khi T cướp xong đưa cho mình giữ mà không hành động khác như vứt đi… Tuy nhiên, cần phân biệt rõ ràng rằng:
Thứ nhất, tội cướp giật tài sản phải được thực hiện với lỗi cố ý, nhưng ở đây, H không hề có ý định cướp giật tài sản cùng với T, ngược lại H còn bảo T rằng “mày thiếu tiền hay sao mà phải cướp giật”.
Thứ hai, hành vi giữ chiếc túi xách của H diễn ra sau khi T đã chiếm đoạt được tài sản. Hành vi cướp giật của H đã hoàn thành. Hành vi giữ lại tài sản của H chỉ phù hợp với dấu hiệu của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 BLHS. Theo đó, H có hành vi chứa chấp chiếc túi xách do T phạm tội mà có, hành vi chứa chấp được hiểu là hành vi giữ tài sản (trực tiếp giữ hoặc nhờ người khác giữ hộ).
Thứ ba, xác định H là người giúp sức trong vụ đồng phạm là không có căn cứ. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Theo đó, về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi hai dấu hiệu là dấu hiệu về số người và dấu hiệu về cùng thực hiện tội phạm. Đối với dấu hiêu thứ hai, cùng thực hiện tội phạm là người phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi sau:
+ Hành vi thực hiện tội phạm, tức là thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP.
+ Hành vi tổ chức thực hiện.
+ Hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm.
+ Hành vi giúp sức.
Một người bị coi là đồng phạm với vai trò người giúp sức là người đã giúp người khác thực hiện tội phạm. Hành vi giúp của người đó có mối liên kết với hành vi mà người kia thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, H không hề có hành vi nào nhằm giúp cho T thực hiện hành vi cướp giật. Mọi hành động từ khi bắt đầu nảy sinh ý định, cho đến khi T cướp được chiếc túi xách của chị N đều cho một mình T thực hiện.
Vì vậy, H không phải đồng phạm trong vụ án “Cướp giật tài sản”
Trên đây là quan điểm của cá nhân tác giả, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ bạn đọc./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Nguyễn Xuân Tùng
00:30 29/12.2024Trả lời