H và T phạm tội Tham ô tài sản
Ngày 09/3/2023, Tạp chí đăng tải bài “Phạm Hoàng T phạm tội “Trộm cắp tài sản” hay “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” của tác giả Phan Thành Nhân. Tôi không đồng tình với hai quan điểm mà tác giả nêu ra.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, T phạm tội “Trộm cắp tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức cùng với H. Quan điểm thứ hai cho rằng, T phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, do T biết phụ phẩm cá tra do H lấy trộm của Công ty N và T là người mua lại của H với giá thấp hơn để được hưởng lợi của khoản tiền chênh lệch.
Theo tôi hành vi của H và T đủ yếu tố cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015.
Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này (từ Điều 353 đến Điều 359), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, do người từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện (Điều 12, Điều 21 BLHS năm 2015) với lỗi cố ý trực tiếp (khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015). Theo đó các yêu tố cấu thành của Tội tham ô tài sản được xác định như sau[[1]]:
Thứ nhất, về khách thể : là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín; làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Hành vi tham ô tài sản đã tác động đến tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Tài sản này bao gồm tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức trong nhà nước hoặc là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.
Thứ hai, về mặt khách quan: Hành vi khách quan của Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.
Thứ ba, về chủ thể : Chủ thể của Tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 12, Điều 21 BLHS năm 2015). Đối với Tội tham ô tài sản các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội. Sự khác nhau giữa Tội tham ô tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt cũng chính là sự khác nhau về các dấu hiệu chủ thể của tội phạm.
Chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
- Người phạm Tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (khoản 2 Điều 252 BLHS năm 2015) (bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước) (khoản 6 Điều 253 BLHS năm 2015).
- Ngoài những cán bộ, công chức ra, chủ thể của Tội tham ô tài sản còn có cả những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, những người này tuy không phải là cán bộ, công chức, họ chỉ được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hợp đồng làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc trong một thời gian nhất định có liên quan đến việc quản lý tài sản và họ có trách nhiệm quản lý đối với tài sản.
- Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản, nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản được. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của Tội tham ô tài sản và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt.
- Người có trách nhiệm đối với tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản như: Thủ quỹ, thủ kho, kế toán, người được giao vận chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị mình... Ngoài ra, còn những người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng lại có trách nhiệm trong việc quyết định việc thu chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như: Giám đốc công ty, chủ nhiệm hợp tác xã, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức là chủ tài khoản hoặc là người có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức mình.
Thứ tư, về mặt chủ quan: Tội tham ô tài sản cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là, “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra” (khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015); không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
Đối chiếu với cơ sở lý luận nêu trên ta thấy: Trong vụ án này H là nhân viên lái xe của Công ty N, nhiệm vụ của H là lái xe đi nhận phụ phẩm cá tra mang về cho Công ty N. Tức H được giao nhiệm vụ quản lý, vận chuyển, quản lý hàng hóa, tài sản của Công ty N. Trong vụ án này tài sản mà H có trách nhiệm quản lý là phụ phẩm cá tra. Trong quá trình vận chuyển H đã chiếm đoạt tài sản của Công ty N là phụ phẩm cá tra (vụn cá tra) khối lượng 1.015 kg có giá trị là 17.458.000 đồng. Như vậy, H là người chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản được Công ty N giao, sau đó H đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản này. Hành vi của H đủ yêu tố cấu thành Tôi tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đối với hành vị của T: Trước khi thực hiện hành vi H đã trao đổi với T trước về kế hoạch, T đã tiếp nhận ý chí và cùng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài của Công ty N với H. Căn cứ quy định tại Điều 17 BLHS thì “Đồng phạm là có hai người trở lên cố ý thực hiện một tội phạm”. Như vậy, T đồng phạm với H về Tôi tham ô tài sản.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc./.
[1] https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/binh-luan-toi-tham-o-tai-san-d10-t1339.html#:~:text=%C4%91%E1%BB%93ng%20nh%C6%B0ng...-,Theo%20quy%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20t%E1%BA%A1i%20%C4%90i%E1%BB%81u%20353%20BLHS%20n%C4%83m%202015%20th%C3%AC,%C3%A1n%20v%E1%BB%81%20m%E1%BB%99t%20trong%20c%C3%A1c
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận