Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan ban ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong đợt giãn cách xã hội và dịp Quốc khánh 2/9, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phát động, học tập, chia sẻ, nhân rộng kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay, phù hợp, hiệu quả phòng, chống dịch như: “Siêu thị 0 đồng”, “Chợ 0 đồng”...
Các đơn vị, địa phương cần tuyên truyền mạnh hơn, hiệu quả hơn để nhân dân nắm rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và thực hiện nghiêm các quy định của thành phố tại các chỉ thị, công điện của UBND thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan ban ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn
Đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã, phường với xã, phường và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn.
Các địa phương vận động đến từng hộ gia đình không ra ngoài khi không có lý do chính đáng; ký cam kết thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch tại khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm...
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do lực lượng công an, y tế, thanh tra làm nòng cốt tiến hành kiểm tra đột xuất về công tác phòng, chống dịch và việc thực hiện giãn cách xã hội tại tất cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp không thuộc nhóm sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, yêu cầu chấp hành nghiêm việc cấp giấy đi đường và phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch; kiên quyết xử phạt và cho tạm dừng hoạt động những đơn vị không chấp hành nghiêm quy định.
“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả. Phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội
Để thắt chặt hơn công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc An còn yêu cầu Công an thành phố phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô và các lực lượng địa phương siết chặt kiểm soát tại 23 chốt vào thành phố, kể cả xe công vụ, xe cứu thương, xe luồng xanh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và lợi dụng xe ưu tiên để đưa người vào thành phố không đúng quy định.
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội kiểm tra công tác kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh VOV)
Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong đợt giãn cách xã hội và dịp Quốc khánh 2/9, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, Công an thành phố cần chủ động xây dựng phương án cao hơn về bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, tổ chức diễn tập các phương án; tham mưu, đề xuất Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giam giữ, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu Sở Y tế căn cứ kết quả các đợt xét nghiệm diện rộng đợt 1 và 2 của thành phố và tình hình dịch bệnh trên địa bàn tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch xét nghiệm cho các khu vực nguy cơ và các đối tượng nguy cơ; tiếp tục xét nghiệm cho các đối tượng bị ho, sốt tại cộng đồng để sàng lọc F0, truy vết F1, làm sạch cộng đồng, trong đó, tập trung cao điểm trong hai đợt: Từ ngày 24/8 đến ngày 30/8 và từ ngày 30/8 đến ngày 6/9.
Riêng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh việc triển khai hỗ trợ các đối tượng, không để chậm trễ; tiếp tục rà soát kỹ, nghiên cứu, đề xuất có phương án tiếp tục hỗ trợ các đối tượng khó khăn trong những ngày thực hiện kéo dài giãn cách xã hội.
Còn Sở Giao thông Vận tải thành phố phải phối hợp các đơn vị liên quan rà soát các quy định an toàn phòng, chống dịch, tham mưu UBND thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quy định không phù hợp, để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận