Hai vướng mắc trong giải quyết án dân sự cần trao đổi lại
Ngày 09/01/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tổ chức buổi giải đáp trực tuyến toàn quốc về một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự và hành chính và TANDTC đã thông báo kết quả giải đáp vướng mắc. Quá trình nghiên cứu một số giải đáp vướng mắc về dân sự, tác giả xin trao đổi về hai nội dung.
1.Nguyên đơn rút đơn khởi kiện
1.1.Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn có phải chịu án phí không? Đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn mới nộp đơn xin rút yêu cầu khởi kiện thì thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Thẩm phán hay Hội đồng xét xử?
1.1.1.Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn có phải chịu án phí không? Theo Tổng hợp giải đáp thì trường hợp này nguyên đơn không phải chịu án phí và nguyên đơn được trả lại lại tạm ứng án phí. Dẫn giải cho cách giải quyết này, Tổng hợp giải đáp có nêu: Do quy định tại khoản 3 Điều 218 BLTTDS và khoản 3 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 không chỉ rõ là áp dụng cho giai đoạn chuẩn bị xét xử hay tại phiên tòa thì phải được hiểu bao gồm cả giai đoạn tại phiên tòa; không thể áp dụng tương tự quy định của giai đoạn xét xử phúc thẩm cho phiên tòa sơ thẩm vì sẽ là việc đặt ra một quy định mới về trách nhiệm pháp lý nặng hơn của đương sự.
Về trường hợp trên, theo quan điểm của tác giả: Tại các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến án phí dân sự bao gồm BLTTDS và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 đều không hề có điều luật nào quy định, giải thích cụ thể khái niệm về án phí dân sự; nhưng thực tiễn áp dụng pháp luật, có thể hiểu: “Án phí trong vụ án dân sự là một khoản chi phí tiến hành tố tụng mà đương sự phải nộp vào ngân sách nhà nước khi kết thúc vụ án và trước khi bắt đầu quá trình giải quyết vụ án dân sự thì người khởi kiện phải nộp một khoản tiền do Tòa án tạm tính (tiền tạm ứng án phí), biên lai nộp tiền tạm ứng án phí chính là căn cứ để Tòa án tiến hành thụ lý vụ án”. Như vậy, án phí có thể được hiểu là “Chi phí tố tụng mà đương sự phải nộp”.
Trước khi bàn về nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện, tác giả nêu trường hợp xác định nghĩa vụ chịu án phí trong trường hợp các đương sự thỏa thuận. Từ Pháp lệnh Án phí lệ phí cho đến Nghị quyết 326 và BLTTDS 2015 thì trường hợp này nghĩa vụ chịu án phí đều được chia theo 02 thời điểm, là trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa sơ thẩm.
Trước khi mở phiên tòa, đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì đương sự phải chịu 50% án phí; còn tại phiên tòa thỏa thuận được thì vẫn phải chịu 100% án phí. Việc phân chia làm 02 thời điểm trên có ý nghĩa khuyến khích các đương sự thỏa thuận giải quyết vụ án càng sớm càng tốt, bởi khi đã mở phiên tòa thì ngân sách Nhà nước đã phải chi các chi phí tố tụng cho người tiến hành tố tụng; do đó trong trường hợp này các bên phải chịu nghĩa vụ dân sự.
Nếu theo ý nghĩa, nội hàm xây dựng điều luật như trên thì trong trường hợp đương sự rút đơn khởi kiện tại phiên tòa thì khi đó các chi phí tiến hành tố tụng đã xác định nên việc buộc nguyên đơn phải chịu án phí dân sự là phù hợp. Trường hợp này không được coi là “đặt ra một quy định mới về trách nhiệm pháp lý nặng hơn của đương sự”; bởi hệ thống pháp luật tố tụng dân sự không tồn tại, hay đề cập đến nội dung “trách nhiệm pháp lý nặng hơn của đương sự” nên cách lý giải như trên không có cơ sở.
Ngoài ra, cần lưu ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn tại giai đoạn sơ thẩm không phụ thuộc vào ý kiến của bị đơn về việc rút đơn đó (trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì cũng chỉ được nêu quan điểm về việc có giữ nguyên yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập đó hay không? Chứ không được quyền chấp nhận hay không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn như ở giai đoạn phúc thẩm); do đó nếu phân định rõ hậu quả pháp lý của việc rút đơn trước và tại phiên tòa thì sẽ tạo tâm lý không việc gì phải rút vội, như vậy gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc không chỉ của ngân sách nhà nước mà còn cả của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.
1.1.2.Đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn mới nộp đơn xin rút yêu cầu khởi kiện thì thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Thẩm phán hay Hội đồng xét xử?
Theo Tổng hợp giải đáp thì trường hợp này Thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là của Thẩm phán.
Tác giả xin có ý kiến như sau: Tại Điều 219 BLTTDS 2015 thì thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tại cấp sơ thẩm được xác định như sau:
– Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Mặc dù không hề có quy định trực tiếp giải thích thời điểm trước khi mở phiên tòa thời điểm nào trong các giai đoạn giải quyết vụ án dân sự; liên hệ quy định tương tự tại khoản 2 Điều 289 BLTTDS 2015 về thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án: “Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”.
Do đó thiết nghĩ, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, theo quan điểm của tác giả việc xác định thời điểm trước khi mở phiên tòa trong trường hợp này nên được xác định dựa trên căn cứ thời điểm ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Bởi pháp luật tố tụng dân sự hiện hành vẫn đang bỏ trống thời điểm từ khi ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử đến thời điểm ngày mở phiên tòa là giai đoạn nào trong tố tụng. Khi Quyết định đưa vụ án ra xét xử được ban hành, bên cạnh việc xác định ngày, giờ, địa điểm mở phiên tòa thì nội dung Quyết định này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là việc xác định “Hội đồng xét xử” để giải quyết vụ án, vậy nếu theo giải đáp nêu trên là thời điểm trước khi mở phiên tòa nguyên đơn rút đơn thì Thẩm phán ra quyết định thì khi đó giá trị pháp lý và hiệu lực của Quyết định đưa vụ án ra xét xử sẽ ở đâu?
Do đó, theo tác giả sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì thẩm quyền giải quyết, ban hành các quyết định phải thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.
2.Về khoản 4 Điều 217 của BLTTDS
Theo khoản 4 Điều 217 của BLTTDS thì khi quyết định đình chỉ vụ án “Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có)”, trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án có giải quyết việc thi hành án trong quyết định đình chỉ hay không?
Theo như Tổng hợp giải đáp khi có căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và thuộc trường hợp tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS thì Tòa án phải hỏi ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc có đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án hay không, có yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan không.
Việc giải đáp nêu về việc Tòa án phải hỏi ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan xem có yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề có liên quan hay không, là không đúng và trái với tinh thần của khoản 4 Điều 217 BLTTDS: “Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Như vậy, điều luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của Tòa án là phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có). Cần nhấn mạnh lại đây là trách nhiệm của Tòa án phải thực hiện mà không phụ thuộc vào yêu cầu của bị đơn, hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Bên cạnh đó, theo Tổng hợp giải đáp thì trường hợp bị đơn không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan thì Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, xác định lại tư cách bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn. Tác giả không đồng tình với cách giải quyết như trên, bởi khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc vắng mặt lần thứ hai thì việc đình chỉ giải quyết phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; nếu họ không đồng ý đình chỉ thì khi đó căn cứ đình chỉ sẽ không xuất hiện vì không đủ điều kiện (bị đơn, người có quyền lợi liên quan đồng ý) vậy vụ án phải được tiếp tục giải quyết, kể cả trường hợp “vắng mặt nguyên đơn” vẫn xét xử. Do đó, không thể đình chỉ vụ án rồi lại xác định lại tư cách bị đơn thành nguyên đơn trong trường hợp này được.
Liên quan đến nội dung khoản 4 Điều 217 BLTTDS, tác giả có một số nội dung nhằm làm rõ và nêu lên một số vướng mắc trong quá trình áp dụng trong thực tiễn như sau:
Thứ nhất: Về trường hợp áp dụng: Theo nội dung điều luật, thì điều luật được áp dụng đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm (áp dụng khoản 3 Điều 343 BLTTDS Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm) hoặc quyết định tái thẩm (áp dụng khoản 3 Điều 356 BLTTDS Hội đồng xét xử tái thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định) và xuất hiện căn cứ đình chỉ tại khoản 1 Điều 217 BLTTDS Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án phải đồng thời giải quyết hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).
Nội dung quy định là hoàn toàn khả thi, bởi về nguyên tắc sau khi xét xử và tuyên bản án sơ thẩm thì bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay, chỉ đến khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo luật định thì bản án sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật; còn đối với bản án phúc thẩm sau khi tuyên bản án có hiệu lực pháp luật ngay và được thi hành theo nội dung bản án phúc thẩm. Vì thế mà các nhà làm luật xây dựng quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS chỉ áp dụng trong trường hợp sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm vì bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành nên khi giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm mà xuất hiện căn cứ đình chỉ thì trong quyết định đình chỉ Tòa án phải giải quyết phần hậu quả của việc thi hành bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm đã bị hủy trước đó. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trong trường hợp giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm lần một, bản án sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 482 BLTTDS.
Khoản 2 Điều 482 BLTTDS quy định: “2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;
b) Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” khi bản án sơ thẩm này có kháng cáo, kháng nghị và cấp phúc thẩm áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 BLTTDS Hội đồng xét xử phúc thẩm ra bản án Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Quá trình giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm xuất hiện căn cứ đình chỉ tại khoản 1 Điều 217 BLTTDS thì trong nội dung quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Tòa án có được áp dụng tương tự theo đúng tinh thần, nội dung khoản 4 Điều 217 BLTTDS để quyết định luôn phần hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) hay không? Vấn đề này rất cần có sự hướng dẫn của TANDTC để quá trình áp dụng pháp luật giữa các Tòa án khi gặp trường hợp trên được thống nhất.
Thứ hai: Xác định, giải quyết hậu quả của việc thi hành án, tính án phí: Bản chất của vụ án dân sự là việc phát sinh tranh chấp giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Bản án giải quyết tranh chấp dân sự đã có hiệu lực và được thi hành đồng nghĩa với việc có bên thắng kiện, bên thua kiện; bên thua kiện sẽ phải gánh chịu, thực hiện những nghĩa vụ, thiệt hại theo quyết định của bản án có hiệu lực pháp luật. Khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án đã có hiệu lực và được thi hành đồng nghĩa những nội dung quyết định của bản án bị hủy trên sẽ không có giá trị pháp lý ràng buộc các bên phải thực hiện. Quá trình giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm mà phát sinh căn cứ đình chỉ thì Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của phần đã được thi hành án trong bản án đã được thi hành và bị hủy.
Việc giải quyết hậu quả của việc thi hành án trong thực tiễn không hề đơn giản; do đây là quy định mới nên hiện nay chưa hề có quy định trực tiếp điều chỉnh trường hợp này. Theo quan điểm của tác giả, kể từ ngày 01/7/2016 (BLTTDS 2015 có hiệu lực pháp luật) quá trình chờ hướng dẫn thi hành mà quá trình giải quyết vụ án rơi vào trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS thì khi giải quyết hậu quả của việc thi hành án, Tòa án có thể thực hiện tương tự theo tinh thần nội dung điều luật quy định tại khoản 2 Điều 136, khoản 3 Điều 135 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì việc giải quyết hậu quả của việc đã thi hành án được thực hiện như sau:
– Trường hợp tài sản đã thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì trong phần giải quyết hậu quả việc thi hành án của quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Tòa án sẽ quyết định buộc bên đã được nhận tài sản theo bản án đã bị hủy phải trả lại tài sản cho bên đã giao theo quyết định của bản án có hiệu lực pháp luật bị hủy.
– Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì Tòa án sẽ quyết định người đã giao tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bên nhận tài sản bồi hoàn lại giá trị của tài sản.
– Giải quyết án phí: Bản án dân sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành, theo đó nguyên đơn khởi kiện thắng kiện; nguyên đơn được nhận lại tiền tạm ứng án phí và bị đơn phải chịu án phí dân sự. Bản án bị cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hủy và chuyển hồ sơ lại cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định. Quá trình giải quyết lại vụ án tại cấp sơ thẩm, xuất hiện căn cứ đình chỉ nguyên đơn đã được triệu tập lần thứ hai mà vẫn vắng mặt (điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS); theo quy định tại Điều 218 thì trong trường hợp này số tiền tạm ứng án phí sẽ được sung công quỹ nhà nước. Vấn đề hiện nay là tiền tạm ứng án phí được thi hành theo bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm bị hủy đã trả lại cho nguyên đơn. Vậy trong trường hợp này Tòa án phải xác định số tiền tạm ứng án phí dựa trên cơ sở nào và tuyên về phần án phí như thế nào theo đúng quy định của pháp luật?
Theo ý kiến cá nhân của tác giả trong trường hợp này Tòa án xác định số tiền tạm ứng án phí để sung công quỹ dựa trên biên lai thu tiền nộp tạm ứng án phí ban đầu của nguyên đơn. Trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án sẽ tuyên hoàn trả số tiền án phí tương ứng với số tiền mà bị đơn đã nộp theo quyết định thi hành án; và tuyên buộc nguyên đơn phải nộp số tiền tương ứng với số tiền tạm ứng án phí ban đầu để sung công quỹ nhà nước.
Có ý kiến cho rằng, trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nên quyết định bị đơn chịu tiền tạm ứng án phí để sung công quỹ nhà nước và nguyên đơn có nghĩa vụ hoàn trả bị đơn số tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp. Ý kiến này là không chính xác bởi liên quan đến vấn đề án phí là mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước (cơ quan thi hành án) với đương sự chứ không thể là mối quan hệ giữa đương sự với đương sự được việc quyết định như trên chỉ thuận tiện cho cơ quan thi hành án trong việc đảm bảo thi hành án, nhưng lại gây bất tiện, phiền hà, tốn kém cho phía bị đơn khi lại phải “chạy” theo phía nguyên đơn để yêu cầu hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp, việc giải quyết như vậy sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của bị đơn.
Ví dụ: Trong vụ án Kiện đòi tài sản giữa anh Lê Quý D (nguyên đơn) với bà Đào Phương Nh (bị đơn). Cả bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đều tuyên buộc bà Nh phải trả cho anh D 260.000.000 đồng; về án phí sơ thẩm bà Nh phải nộp số chịu số tiền 13.000.000 đồng, hoàn trả anh D số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 6.500.000 đồng. Sau khi án phúc thẩm tuyên và được thi hành (bà Nh đã trả anh D số tiền 260.000.000 đồng và nộp án phí tại cơ quan thi hành án số tiền 13.000.000 đồng). Bản án đã bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Bản án giám đốc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và bản án sơ thảm, giao hồ sơ lại cho Tòa án sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật. Khi giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án đã gửi giấy triệu tập hợp lệ 02 lần mà nguyên đơn vắng mặt, Tòa án đã tiến hành ý kiến của bị đơn về việc nguyên đơn vắng mặt; bị đơn đề nghị Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, phần giải quyết hậu quả của việc thi hành án; Tòa án cần buộc phía nguyên đơn là anh D phải trả lại 260.000.000 đồng cho phía bị đơn là bà Nh; hoàn trả bà Nh số tiền 13.000.000 đồng tiền án phí đã nộp; anh D phải nộp số tiền 6.500.000 đồng để sung quỹ nhà nước.
Thứ ba: Về mẫu ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án: Bản chất của việc đình chỉ giải quyết vụ án là việc Tòa án quyết định chấm dứt (hay ngừng) hoàn toàn việc giải quyết vụ án dân sự khi có những căn cứ được quy định trong BLTTDS như vậy nội dung bao hàm quan trọng nhất trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án chính là quyết định về tố tụng, chấm dứt mọi hoạt động tố tụng liên quan đến vụ án. Tại phần 2 của Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo mẫu số 11a ban hành kèm theo kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và gần đây TANDTC có công bố lấy ý kiến dự thảo Mẫu ban hành các quyết định trong tố tụng dân sự, tại mẫu số 43 Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vẫn giữ nguyên nội dung tại phần 2 (9) hướng dẫn: “Tuỳ vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của BLTTDS, (kể cả về tiền tạm ứng án phí)”. Như vậy, trong cả 02 mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đều chỉ được sử dụng trong các trường hợp ra quyết định theo thủ tục sơ thẩm thông thường, trong trường hợp áp dụng khoản 4 Điều 217 BLTTDS thì không đầy đủ. Thiết nghĩ cần bổ sung thêm trong mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phần về giải quyết hậu quả của việc thi hành án (nếu có) để có thể sử dụng được cả trong trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015.
Về mẫu ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án: Bản chất của việc đình chỉ giải quyết vụ án là việc Tòa án quyết định chấm dứt (hay ngừng) hoàn toàn việc giải quyết vụ án dân sự khi có những căn cứ được quy định trong BLTTDS như vậy nội dung bao hàm quan trọng nhất trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án chính là quyết định về tố tụng, chấm dứt mọi hoạt động tố tụng liên quan đến vụ án. Tại phần 2 của Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo mẫu số 11a ban hành kèm theo kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và mới nhất Mẫu số 45-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC vẫn giữ nguyên nội dung tại phần 2 (9) hướng dẫn: “Tuỳ vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của BLTTDS, (kể cả về tiền tạm ứng án phí).”. Như vậy, trong cả 02 mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đều chỉ được sử dụng trong các trường hợp ra quyết định theo thủ tục sơ thẩm thông thường, trong trường hợp áp dụng khoản 4 Điều 217 BLTTDS thì không đầy đủ. Thiết nghĩ cần bổ sung thêm trong mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phần về giải quyết hậu quả của việc thi hành án (nếu có) để có thể sử dụng được cả trong trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015.
Để có nhận thức thống nhất, đúng pháp luật, rất mong được các đồng nghiệp và quý độc giả nghiên cứu, trao đổi.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
6 Bình luận
Minh Chu
01:34 11/01.2025Trả lời
1 phản hồi
kimloan2104
01:34 11/01.2025Trả lời
1 phản hồi
Xuân Bình
01:34 11/01.2025Trả lời
Xuân Bình
01:34 11/01.2025Trả lời
Minh Chu
01:34 11/01.2025Trả lời
Nguyên Duyen
01:34 11/01.2025Trả lời