Hiệu lực hồi tố của án lệ

Bài viết giới thiệu các biện pháp của Pháp và Nhật Bản trong việc hạn chế hiệu lực  hồi tố của án lệ.

 

Nguyên tắc pháp lý được nêu ra trong án lệ sẽ phát sinh hiệu lực ràng buộc Tòa án khi xét xử những vụ án tương tự về sau; tuy nhiên, nếu Tòa án không áp dụng biện pháp hạn chế nào thì hiệu lực ràng buộc còn ảnh hưởng đến cả những vụ án về sau nhưng  xảy ra trước thời điểm có án lệ đó. Đặc biệt trong việc thay đổi án lệ, nếu áp dụng án lệ này vào những vụ án xảy ra trước thời điểm thay đổi, thì sẽ gây bất hợp lý cho những sự việc đã giải quyết đúng với những án lệ trước đó và có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của pháp luật. Xin được nêu hai vụ án.

1.Vụ án Nicolas Perruche  ở Pháp

Trong vụ án này, một cậu bé có mẹ nhiễm Rubella trong  thai kỳ đã phải chịu những di chứng về thần kinh (khiếm thính, mất thị giác một phần và vấn đề về tim mạch -các triệu chứng này gọi là hội chứng Gregg). Bác sĩ đã chẩn đoán sai bệnh cho người mẹ, khiến cô này không quyết định bỏ thai (mà cô đã khẳng định nếu cần thiết thì cô sẽ chọn cách bỏ thai). Mặc dù Tòa phúc thẩm đã kết luận vị bác sĩ và phòng khám không phải chịu trách nhiệm pháp lý vì không có mối quan hệ nhân quả giữa việc chẩn đoán sai và những thiệt hại từ phía nguyên đơn (vì người con bị di chứng do mẹ bị nhiễm Rubella), nhưng Tòa Phá án đã thay đổi phán quyết và giao lại vụ án cho một Tòa phúc thẩm khác.

Tòa phúc thẩm này một lần nữa quyết định rằng không có mối quan hệ nhân quả dẫn tới thiệt hại cho nguyên đơn và vụ án lại được chuyển lên Tòa Phá án. Trong lần xét xử thứ hai này, Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa Phá án(*) ngày 17/11/2000 đã quyết định yêu cầu công ty bảo hiểm của bác sĩ bồi thường thiệt hại cá nhân cho em bé  với nhận định rằng do sự sơ suất của bác sĩ và phòng khám mà người mẹ đã không quyết định bỏ thai. Sau quyết định này, đã có những cuộc tranh luận công khai quyết liệt về sự không hợp lý của bản án. Cùng với đó, bản án không đưa ra hạn chế về hiệu lực hồi tố, dẫn đến hàng loạt các vụ kiện đưa đến Tòa án. Tòa án đã phải ra lệnh “cấm”  đồng  loạt đơn kiện khiếu nại về sàng lọc trước sinh, cũng như đưa ra quan điểm mới là tiền bồi thường thiệt hại chỉ phải trả khi thiệt hại là hậu quả trực tiếp do sai sót y tế. Và ngày 4/3/2002, Quốc hội Pháp đã thông qua luật “Chống lại bản án xét xử vụ gia đình Nicolas Perruche”. Điều 1 của Luật này quy định “Không ai có thể dựa vào một thiệt hại khi mình sinh ra để đòi bồi thường”. Với quy định này, hiệu lực của án lệ của Tòa Phá án về vụ án “Perruche” đã bị bãi bỏ.

2. Vụ án thừa kế của con ngoài giá thú

Tại Nhật Bản, trong một vụ thừa kế, Tòa án đã áp dụng  khoản 4 Điều 900 BLDS quy định “con ngoài giá thú chỉ được hưởng thừa kế bằng một phần hai con đẻ “. Vấn đề đặt ra là xét xử theo quy định này có vi phạm khoản 1 Điều 14 Hiến pháp hay không, khi điều khoản này quy định rằng “1.Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội hay lai lịch bản thân trong tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế .”

Hội đồng xét xử lớn của Tòa án tối cao (bao gồm toàn thể 15 Thẩm phán) đã ra bản án ngày 7/9/2013 quyết định rằng áp dụng khoản 4 Điều 900 BLDS là trái với quy định của khoản 1 Điều 14 Hiến pháp, cùng với đó Tòa án cũng ra quyết định “đối với những vụ án có thời điểm mở thừa kế kể từ tháng 7năm 2001, nếu áp dụng quy định này (quy định tại khoản 4 Điều 900 BLDS) sẽ là vi phạm Hiến pháp”. Như vậy, theo quyết định của bản án, những vụ án có thời điểm mở thừa kế trước tháng 7 năm 2001 mà áp dụng quy định nói trên của BLDS đều không bị coi là vi hiến, không thể thay đổi được. Quy định này của  Tòa án tối cao Nhật Bản đã giới hạn thời gian có hiệu lực của án lệ là từ tháng 7 năm 2001 trở về sau mà không phát sinh hiệu lực hồi tố.

3.Hiệu lực của án lệ ở Việt Nam

Qua hai ví dụ nêu trên, chúng ta thấy việc đề ra giới hạn về thời gian có hiệu lực của án lệ có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định trật tự pháp lý và trật tự xã hội. Ở Việt Nam, theo quy định tại khoản 1 điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 thì án lệ chỉ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Với quy định này thì án lệ không có hiệu lực hồi tố, đây là điều hợp lý.

Tuy nhiên, có vấn đề đặt ra là trong thời gian kể từ ngày bản án được ban hành đến ngày bản án có hiệu lực là án lệ, nếu có vụ án tương tự như nêu trong án lệ nhưng lại giải quyết khác án lệ thì giải quyết thế nào? Thí dụ: Trong một vụ án về tai nạn giao thông, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quyết định bị cáo phải trợ cấp nuôi dưỡng người con chưa thành niên của nạn nhân kể từ ngày tai nạn xảy ra (nạn nhân phải nằm viện, mất thu nhập kể từ ngày này), nhưng trong thời gian quyết định này chưa có hiệu lực là án lệ, một Tòa án khi xét xử phúc thẩm một vụ án tương tự lại quyết định bị cáo phải thực hiện việc trợ cấp này kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. 

Bài viết nêu thêm góc nhìn từ hiệu lực của án lệ với mục đích xây dựng và hoàn thiện quy định về án lệ 

NGÔ CƯỜNG

( Mục 1 và 2 tác giả tổng hợp tài liệu của các cuộc hội thảo về án lệ).

(*) Tòa Phá án Pháp bao gồm 6 Tòa chuyên trách : 1 Tòa Hình sự, 3 Tòa Dân sự, 1 Tòa Thương mại, 1 Tòa Lao động . Có 190 Thẩm phán, bao gồm 120 Thẩm phán có nhiệm kỳ đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi ), 70 Thẩm phán còn rất trẻ có nhiệm kỳ 10 năm (hết nhiệm kỳ 10 năm sẽ về làm Thẩm phán ở Tòa án cấp dưới). Phiên xét xử  của Hội đồng toàn thể Thẩm phán bao gồm: Chánh án Tòa Phá án, 6 Chánh tòa chuyên trách, 6 Phó Chánh tòa (hoặc 6 Thẩm phán cao tuổi nhất) và 6 Thẩm phán của 6 Tòa chuyên trách (19 người tất cả).  

Tòa án Tối cao Nhật Bản ra phán quyết về Luật Bảo vệ ưu sinh cũ. Ảnh: NHK