Hành trình hoàn thiện nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Masan trong năm 2024

Năm 2024 đánh dấu nhiều bước ngoặt trong chiến lược dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ của Tập đoàn Masan như thực hiện thành công các thương vụ M&A giúp gia tăng nguồn lực tài chính, tăng tốc mô hình bán lẻ và IPO công ty Masan Consumer.

M&A trong chiến lược xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ

Tại đại hội cổ đông diễn ra vào tháng 4/2024, Masan cho biết trong thời gian sắp tới sẽ không làm nhiều về M&A vì hiện nay đã có rất nhiều thứ phát triển. Thay vào đó, Masan quyết liệt tập trung vào tối ưu hoạt động kinh doanh với trọng tâm là mảng kinh doanh tiêu dùng – bán lẻ cốt lõi.

Có thể thấy các thương vụ được Masan thực hiện gần đây đều tập trung vào nền tảng tiêu dùng – bán lẻ: hoặc để tăng cường nguồn lực nhằm tận dụng tốt hơn các cơ hội tăng trưởng phục vụ người tiêu dùng, hoặc tăng sở hữu tại mảng kinh doanh cốt lõi hay thoái vốn dần khỏi mảng kinh doanh không cốt lõi.

Đầu tháng 10/2023, Bain Capital - Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Masan Group. Hơn 2 tháng sau, Bain Capital công bố tiếp tục gia tăng khoản đầu tư lên mức 250 triệu USD.

Giao dịch đã được hai bên hoàn tất vào ngày 22/4/2024. Masan cho biết hiện vẫn liên tục đầu tư vào các nền tảng sẵn có và không ngừng đổi mới để luôn ở vị thế sẵn sàng khi thị trường tiêu dùng phục hồi. Mục tiêu của tập đoàn này là trở thành nhân tố mang lại lợi nhuận gia tăng gấp nhiều lần trong “thời điểm vàng” của câu chuyện tiêu dùng tại Việt Nam.

Bộ sản phẩm Chin-Su được thị trường Nhật Bản ưa chuộng

Trước đó, tổng số vốn mà Tập đoàn huy động được từ nước ngoài từ năm 2007 đến nay gồm cả vốn chủ sở hữu và nợ vay là hơn 5 tỷ USD. Các quỹ như KKR, TPG, SK Group… đã đầu tư vào Masan 3 lần, một số nhà đầu tư khác cũng rót vốn vào Masan 1-2 lần. Có thể thấy, Masan đã có một chiến lược rõ ràng và cách thực thi hiệu quả để hàng loạt “ông lớn” nhiều lần rót vốn đầu tư vào Tập đoàn này.

Giảm sở hữu ở mảng kinh doanh không cốt lõi, mua thêm 7,1% cổ phần WinCommerce

Ngày 14/5/2024, Masan High-Tech Materials – công ty con của Masan Group công bố đạt thỏa thuận khung với Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group) cùng nhiều nội dung chiến lược. Theo đó, MMC Group dự kiến sẽ mua 100% H.C. Starck Holding (Germany) GmbH (HCS) từ Masan High-Tech Materials (MHT) với giá 134,5 triệu USD. Ở chiều ngược lại, ngày 4/9/2024, Masan Group công bố sẽ nhận chuyển nhượng 7,1% cổ phần WinCommerce từ SK Group. WinCommerce (WCM) là công ty sở hữu và vận hành chuỗi bán lẻ hiện đại có quy mô lớn nhất cả nước. Việc gia tăng sở hữu tại WCM giúp MSN tăng cường khả năng kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng của hoạt động kinh doanh cốt lõi trong dài hạn.

“WinCommerce đã và đang bước vào giai đoạn mang về lợi nhuận. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục tăng tốc khi chúng tôi đạt được mức tăng trưởng Like-For-Like, mở cửa hàng mới thành công và thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam trong trung hạn.” Ông Danny Le – Tổng Giám Đốc Masan Group cho biết.

WinCommerce ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3/2024, đạt 8.603 tỷ đồng trên toàn hệ thống, được đóng góp chủ yếu bởi các mô hình cửa hàng mới WIN (phục vụ người mua sắm ở thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ cho người mua sắm ở nông thôn). Lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng trong quý 3/2024 – quý đầu tiên có lãi ròng kể từ thời kỳ Covid. Đây là dấu hiệu rõ ràng của một lộ trình gặt hái lợi nhuận bền vững trong thời gian tới.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị WinMart

Với việc hoàn tất xác định mô hình bán lẻ có lợi nhuận, công tác mở cửa hàng mới đã được chuỗi bán lẻ này đẩy mạnh trở lại. Trọng tâm chiến lược của WinCommerce trong quý cuối năm 2024 là tiếp tục đạt lợi nhuận sau thuế dương, đẩy mạnh tăng trưởng đồng thời tăng tốc độ mở cửa hàng để đạt mục tiêu 4.000 điểm bán vào cuối năm nay.

IPO công ty Masan Consumer

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, đại diện Masan đã chia sẻ về kế hoạch IPO Masan Consumer (Công ty thành viên thuộc Masan). Lộ trình này ngày càng rõ nét với những thông tin tích cực từ doanh nghiệp.

Sở hữu vị thế top đầu ngành hàng tiêu dùng, kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng qua những năm gần đây, Masan Consumer (Mã cổ phiếu: MCH) không khó để đáp ứng điều kiện niêm yết (hiện giao dịch tại UPCoM). Nhịp tăng liên tục của giá cổ phiếu MCH với tính thanh khoản cao là minh chứng cho niềm tin mạnh mẽ từ thị trường vào những thành tựu doanh nghiệp đạt được trong suốt thời gian qua.

Ngày 2/10, Masan Consumer đã công bố nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc triển khai chuyển giao dịch cổ phiếu MCH từ sàn UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Đồng thời, xin ý kiến cổ đông thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2024 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty, với mức tạm ứng cổ tức tối đa là 100% (tức 1 cổ phiếu được nhận mức tạm ứng cổ tức năm 2024 tối đa là 10.000 đồng).

Trước động thái thông qua của cổ đông về kế hoạch niêm yết MCH lên sàn HOSE có thể thấy rằng bước đi chiến lược này của doanh nghiệp đang đi đúng lộ trình đề ra. Bên cạnh đó, việc IPO Masan Consumer thành công sẽ giúp nâng cao định giá của các cổ phiếu họ Masan như MCH, MSN và lộ trình này ngày càng rõ ràng hơn với những thông tin tích cực từ doanh nghiệp và thị trường.

Kết quả kinh doanh khả quan của mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ phản ánh rõ ràng sự phục hồi mạnh mẽ của Masan cũng như thị trường tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm 2024. Hướng về quý cuối năm 2024, theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, Masan tự tin sẽ tiến gần kế hoạch lợi nhuận 2024 ở mức 2.000 tỷ đồng với những phát kiến chiến lược xuyên suốt mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi.

PV