Hành vi của Trần Văn C phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Sau khi đọc bài viết “Hành vi của Trần Văn C phạm tội gì?” đăng trên Tạp chí ngày 07/4/2025, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai được đưa ra trong bài viết và bổ sung thêm những vấn đề mấu chốt trong vụ án để xác định Trần Văn C phạm tội gì. Tại sao không thể xác định Trần Văn C phạm tội “tham ô tài sản” như quan điểm thứ nhất đưa ra.

Thứ nhất, về lý luận, để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội tham ô tài sản hay một tội phạm khác thuộc nhóm tội phạm về chức vụ hay các loại tội phạm khác cần căn cứ các dấu hiệu cơ bản của tội phạm đó. Theo đó, trong tình huống đưa ra trao đổi, thì việc xác định 04 mặt cấu thành của tội phạm như mặt chủ quan; mặt khách quan; chủ thể và khách thể của tội phạm; trong đó, đối với  khách thể và mặt chủ quan đã thỏa mãn nên không cần phân tích. Còn lại có 02 mặt quan trọng nhất cần xác định đó là chủ thể và mặt khách quan của tội phạm; đối với tội tham ô tài sản thì về chủ thể phải xác định chủ thể của loại tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Theo quy định tại Điều 352 BLHS 2015, để trở thành chủ thể của các tội tham nhũng nói chung và tội tham ô tài sản nói riêng cần thỏa mãn 02 điều kiện, thiếu một trong hai điều kiện được quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tham nhũng, cụ thể hai điều kiện cần và đủ đó là: một là, chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ, tức là được giao thực hiện công vụ (trong khu vực nhà nước) hoặc nhiệm vụ (khu vực ngoài nhà nước, đây cũng chính là điểm mới của BLHS 2015 so với BLHS 1999; hai là, chủ thể của tội phạm phải là người có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao, người phạm tội phải có quyền hạn liên quan đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân và quyền hạn đó phát sinh từ công vụ, nhiệm vụ được giao; theo hướng dẫn khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP thì: “5. Do một hình thức khác quy định tại khoản 2 Điều 352 Bộ luật Hình sự là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó”. Như vậy, theo hướng dẫn phải được hiểu là ngoài các trường hợp “người có chức vụ” quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS 2015 thì những người được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 là những người được giao nhiệm vụ và họ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao; còn đối với trường hợp người được giao thực hiện nhiệm vụ nhưng việc thực hiện nhiệm vụ đó không làm phát sinh quyền hạn của người được giao nhiệm vụ với bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thì người được giao thực hiện nhiệm vụ đó không phải là người có chức vụ, tức không phải là chủ thể của tội tham nhũng. Về mặt khách quan của tội tham ô được thể hiện ở hành vi người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Thứ hai, trở lại vụ án thấy rằng, theo hợp đồng cung cấp dịch vụ được ký kết, Công ty B là bên sử dụng dịch vụ, Công ty A là bên cung cấp dịch vụ kinh doanh và phát triển về bưu chính như: chia bưu phẩm, bưu kiện tại các khu vực, kho các đơn vị của Công ty B quản lý trên toàn quốc; Công ty A có trách nhiệm bảo đảm nhân sự khi đến thực hiện dịch vụ cho Công ty B và tuân thủ các chính sách, nội quy, quy định, quy trình làm việc của Công ty B. Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty A đã bàn giao nhân sự cho Công ty B để thực hiện trong đó có Trần Văn C (người trước đó Công ty A đã ký hợp đồng thuê cung ứng dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện). Trần Văn C có nhiệm vụ thực hiện việc giao và thu tiền các bưu phẩm, bưu kiện trên tuyến đường theo sự phân công của Trưởng bộ phận thuộc Công ty B. Sau khi đã phát xong các bưu phẩm và thu được số tiền trên của khách hàng thì Trần Văn C phải có trách nhiệm nộp về Công ty B. Như vậy, Trần Văn C không phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý quyết định số tiền thu nộp tại Công ty B cũng như không phải là người có quyền hạn trong quản lý dòng tiền mà chỉ có nhiệm vụ nhận và chuyển tiền. Việc Trần Văn C chiếm đoạt được tiền ở đây là thông qua sự tin tưởng của Công ty B có nhiệm vụ giao và thu tiền các bưu phẩm, bưu kiện trên tuyến đường theo sự phân công của Trưởng bộ phận thuộc Công ty B. Sau khi giao các bưu phẩm và nhận được tiền từ khách hàng  phải có trách nhiệm chuyển về Công ty B nhưng C đã không thực hiện mà đã chiếm đoạt số tiền này với tổng số tiền hơn 90 triệu đồng. Do vậy, chỉ có thể truy tố xét xử Trần Văn C về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 2 Điều 175 BLHS 2015 mới đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trên đây là bài viết trao đổi “Trần Văn C phạm tội gì?”, xin trân trọng trao đổi với tác giả bài viết và bạn đọc.

Th.s ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Khu vực Thủ đô Hà Nội)

TAND tỉnh Bắc Kạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" - Ảnh: Hoàng Thuyên.