Hành vi của V đã phạm tội Cướp giật tài sản với tình tiết định khung hành hung để tẩu thoát và tội Vô ý làm chết người

Sau khi nghiên cứu bài viết “Phạm tội Cướp giật tài sản với tình tiết định khung tăng nặng làm chết người hay phạm thêm tội Giết người” của tác giả Nguyễn Thanh Huyền, đăng ngày 14/7/2023, chúng tôi cho rằng hành vi của V và M đã phạm phạm tội Cướp giật tài sản và tội Vô ý làm chết người.

Theo Điều 171 BLHS năm 2015 quy định về tội Cướp giật tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai và nhanh chóng. Đây là tội phạm có cấu thành vật chất, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội giật được tài sản ra khỏi sự quản lý của chủ tài sản. Theo nội dung tình huống, V và M đã lợi dụng đoạn đường vắng người và sự sơ hở của chị H khi đang đeo túi xách chạy trên đường nên V ra hiệu cho M tăng tốc, rồi dùng tay giật lấy túi xách của chị H và bỏ chạy. Lúc này, túi xách đã ra khỏi sự quản lý của chị H nên tội Cướp giật tài sản đã hoàn thành.

Sau đó chị H đuổi theo, V ngồi sau xe thấy chị H gần đuổi tới, lo sợ bị bắt nên dùng mũ bảo hiểm đang đội ném mạnh về phía chị H làm chị H lạc tay lái, đâm vào dải phân cách đường, ngã xuống. Chị H được đưa đi cấp cứu và sau đó tử vong. Hành vi ném mũ bảo hiểm của V là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết của chị H. Hành vi này diễn ra sau khi tội phạm Cướp giật tài sản đã hoàn thành do đó không thỏa mãn tình tiết “Làm chết người” theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 171 BLHS. Trường hợp này, V và M đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị chị H truy đuổi thì có hành vi chống trả lại là ném mũ bảo hiểm về phía chị H chỉ nhằm mục đích tẩu thoát mà không có ý định tước đoạt tính mạng của chị H. Đây được xem là tình tiết “hành hung để tẩu thoát” theo điểm đ khoản 2 Điều 171 BLHS được hướng dẫn theo tinh thần tiểu mục 6 mục I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001.

Tuy nhiên, hậu quả chết người do hành vi của V gây ra đã đủ yếu tố cấu thành tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 BLHS 2015 mà không cấu thành tội Giết người. Vì V chỉ nhằm mục đích tẩu thoát mà không có ý định tước đoạt tính mạng của chị H, V không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người và hành vi của V chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết của chị H, lỗi của V là lỗi vô ý.

Trên đây là quan điểm của nhóm tác giả, rất mong trao đổi cùng đồng nghiệp, bạn đọc.

 

Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương xét xử vụ án Vô ý làm chết người - Ảnh: Thị Minh Đức

Th.s NGUYỄN VĂN VŨ - HUỲNH HẢI DUY (Tòa án quân sự Quân khu 9)