Hành vi trộm cắp tài sản không phải là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi giết người

Qua nghiên cứu bài viết “A, B phạm tội “Giết người” hay “Cướp tài sản” gây hậu quả làm chết người?" của tác giả Thanh Thịnh và các ý kiến trao đổi, tôi đồng ý với quan điểm của tác Phạm Thành Trung , nhưng có những nhận định cần trao đổi thêm.

Xác định trường hợp người phạm tội trộm cắp tài sản sau đó giết người thì sẽ phạm vào 2 tội là tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS và tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS, là có căn cứ.

Thứ nhất, người phạm tội sau khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì bị phát hiện nên đã thực hiện hành vi giết người nhằm tẩu thoát. Hành vi phạm tội của người phạm tội trong trường hợp này bao gồm có 02 hành vi, trong đó có hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội Giết người, có hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản và 2 hành vi này có mối quan hệ với nhau.

Theo khoa học Luật Hình sự, trường hợp các hành vi mà người phạm tội thực hiện thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm có quan hệ với nhau thì người phạm tội được coi là phạm nhiều tội khi các hành vi phạm tội này có tính nguy hiểm độc lập và không loại trừ được lẫn nhau. Trong tình huống nêu trên, chúng ta thấy tội Giết người và tội Trộm cắp tài sản có khách thể và đối tượng tác động khác nhau, hậu quả của tội phạm cũng khác nhau (một bên là thiệt hại về tính mạng của con người, một bên là thiệt hại về tài sản) nên có tính nguy hiểm cho xã hội độc lập và không loại trừ được lẫn nhau. Do đó, cần thiết phải xác định người phạm tội phạm vào cả 2 tội nhằm phản ánh đúng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phù hợp với lý luận khoa học đã được phân tích ở trên.

Có ý kiến cho rằng tội Giết người đã được thu hút và trở thành dấu hiệu định khung hình phạt “Hành hung để tẩu thoát” trong tội Trộm cắp tài sản nên người phạm tội chỉ phạm vào tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 173 BLHS. Đây là ý kiến không chính xác. Chúng ta thấy đối với cấu thành tội phạm cơ bản của tội Giết người (khoản 2 Điều 123 BLHS) thì mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù trong khi mức cao nhất của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 173 BLHS của tội Trộm cắp tài sản chỉ là 07 năm tù. Nếu tội Giết người được thu hút và trở thành dấu hiệu định khung hình phạt “Hành hung để tẩu thoát” trong tội Trộm cắp tài sản thì sẽ không phản ánh đúng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, không đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, không bảo đảm công bằng và vi phạm nguyên tắc thu hút tội danh khi các tội thu hút nhau lại trở thành 01 tội nhẹ hơn.

Cũng cần phải nói thêm tác giả đã vận dụng hướng dẫn nghiệp vụ tại Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC để giải quyết tình huống này. Theo tôi, việc vận dụng này là không phù hợp bởi: Mục 2 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC hướng dẫn: “Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm” và đưa ra 4 ví dụ minh họa.

Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy hướng dẫn này chỉ áp dụng đối với những hành vi xảy ra liên tiếp nhau về mặt thời gian và hành vi trước phải là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau như dùng vũ khí quân dụng để giết người, dùng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Người phạm tội trước hoặc trong khi thực hiện hành vi phạm tội trước phải phát sinh ý định mong muốn dùng kết quả của hành vi này để thực hiện hành vi phạm tội sau nhằm đạt được mục đích cuối cùng.

Trở lại tình huống, chúng ta thấy người phạm tội do bị phát hiện, mong muốn tẩu thoát sau khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nên mới thực hiện hành vi giết người. Hai hành vi này tuy có quan hệ với nhau nhưng hành vi trộm cắp tài sản không phải là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi giết người và người phạm tội cũng không dùng kết quả của hành vi trộm cắp tài sản để thực hiện hành vi giết người nên không thể vận dụng hướng dẫn này để giải quyết. Để giải quyết đúng đắn tình huống nêu trên thì cần phải vận dụng lý luận khoa học Luật Hình sự để làm sáng tỏ nhằm bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Thứ hai, tác giả cho rằng ông H chỉ mới ôm A chứ chưa giành lại tài sản bị chiếm đoạt (chưa cầm vào tài sản đó) nên không phát sinh trường hợp chuyển hóa tội danh theo hướng dẫn tại tiểu mục 6.2, mục 6, phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP. Đây là ý kiến không chính xác. Từ “giành” trong thông tư không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là phải cầm, nắm, giật lại tài sản mà phải được hiểu theo nghĩa rộng, tức là bị hại đã có những hành vi nhằm ngăn chặn, đẩy lùi việc chiếm đoạt và lấy lại tài sản bị chiếm đoạt từ người phạm tội như ôm người phạm tội để lấy lại tài sản, dùng cây đánh vào chân người phạm tội để lấy lại tài sản… Do đó, để xác định bị hại có đang “giành” lại tài sản hay không thì cẩn phải căn cứ vào diễn biến, cách thức thực hiện hành vi, thái độ, lời nói và ý thức chủ quan của bị hại và người phạm tội..., từ đó xác định được chính xác tội danh của người phạm tội. 

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của bạn đọc.

 

TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Hoàng Lam/ DT

                       

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)