Cần Thơ: Hệ lụy từ việc mua tài sản bị kê biên để khắc phục hậu quả
Quyền sử dụng đất do người mẹ đứng tên, nhưng người con lại lừa đảo bán cho nhiều người khác. Vụ việc sau đó bị phát giác, người con vướng vòng lao lý, tài sản bị cơ quan chức năng kê biên để khắc phục hậu quả. Người mẹ đã liên hệ người mua và được sự đồng ý, xác nhận của cơ quan chức năng để bán tài sản và dùng số tiền đó để khắc phục hậu quả. Tuy người mua đã thực hiện xong nghĩa vụ như thỏa thuận nhưng tài sản lại bị con dâu tranh chấp và vụ án kéo dài đến nay hơn 12 năm.
Lý do hủy án
Năm 2008, cụ Ổi, cụ Sửu lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất 267,55m2 (tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho riêng con trai là ông Hưng, sau đó ông Hưng được cấp giấy CNQSDĐ. Năm 2010, ông Hưng cùng vợ xây dựng một căn nhà và 7 phòng trọ trên đất được 2 cụ tặng cho riêng ông Hưng.
Tháng 7/2010, ông Hưng ký hợp đồng tặng cho cụ Sửu quyền sử dụng đất nêu trên mà không có ý kiến của vợ ông. Tuy nhiên, vợ ông Hưng có nhận tiền của cụ Sửu được thể hiện tại giấy biên nhận ngày 12/7/2011 với số tiền 140 triệu đồng (nhận theo thỏa thuận ly hôn chia tài sản với ông Hưng). Sau đó 8 ngày, vợ ông Hưng nhận tiếp số tiền 10 triệu đồng.
Sau khi nhận số tiền nêu trên, ngày 29/7/2011, vợ ông Hưng lập “tờ cam kết” với nội dung: “Bà xin cam kết với UBND phường An Khánh, các cơ quan ban ngành có liên quan đến tài sản của bà và ông Hưng. Trước đây, bà có tranh chấp với ông Hưng và cụ Sửu. Nay bà và ông Hưng đã thỏa thuận ly hôn và tự chia tài sản xong. Nay bà không có tranh chấp gì về tài sản có liên quan đến bà. Bà đề nghị các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho ông Hưng, cụ Sửu tiếp tục làm hồ sơ chuyển nhượng hoặc thủ tục có liên quan về tài sản bình thường. Nếu sau này bà có tranh chấp bà hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan và pháp luật”.
Bên cạnh “tờ cam kết”, vợ ông Hưng cũng có “đơn xin rút đơn ngăn chặn” gửi Phòng TNMT quận Ninh Kiều với lý do “vì bà và ông Hưng đã thỏa thuận ly hôn, theo thỏa thuận tài sản tự chia, bà sẽ không khiếu nại về sau”.
Cam kết là thế, tuy nhiên khi ông Hưng vẫn đang còn thụ án, người vợ đã ly hôn này lại đứng đơn khởi kiện để đề nghị TAND quận Ninh Kiều hủy hợp đồng tặng cho mà ông Hưng đã ký cho cụ Sửu, và đề nghị Tòa án kiến nghị UBND quận Ninh Kiều thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ mà cụ Sửu đã được cấp.
Tài sản tranh chấp gồm đất và nhà hiện tại đang được TAND quận Ninh Kiều xét xử sơ thẩm lại
Sau khi Tòa cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, người con trai khác của cụ Sửu đã kháng cáo. Tuy nhiên, sau đó Tòa phúc thẩm bác kháng cáo. Con trai cụ Sửu tiếp tục có đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh sau đó đã ra Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm với nội dung đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND quận Ninh Kiều xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. TAND Cấp cao đã không chấp nhận kháng nghị.
Tại Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 61/2021/KN-DS ngày 30/9/2021 của Chánh án TAND Tối cao đối với Quyết định Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao, TAND Tối cao xét thấy rằng Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ cam kết của vợ ông Hưng, chưa làm rõ thực tế bà này có nhận số tiền 150 triệu đồng của cụ Sửu hay không? Nhận tiền vì lý do gì? Có việc thỏa thuận chia tài sản sau khi có quyết đinh thỏa thuận ly hôn hay không? Những vấn đề này chưa được làm rõ nhưng đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa đủ căn cứ.
Mặt khác, sau khi ly hôn, ông Hưng, vợ cũ và cụ Sửu lập “văn bản thỏa thuận” thống nhất chuyển nhượng thửa đất nói trên (có một căn nhà kiên cố cấp 2, và 7 căn phòng trọ) cho bà Bảy Thuần (Nguyễn Thị Cúc) với giá chuyển nhượng là 1,8 tỷ đồng để trang trải cho các khoản nợ, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà Cúc vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là thiếu tư cách đương sự.
Tòa cấp phúc thẩm cho rằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất chưa được công chứng, chứng thực, các bên chưa thực hiện được 2/3 giá trị hợp đồng nên chưa xem xét giải quyết trong vụ kiện này và quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm bà Cúc không nộp yêu cầu độc lập, chưa nộp tạm ứng án phí nên tách ra giải quyết thành vụ án khác, trong khi việc giải quyết liên quan đến quyền lợi của bà Cúc là không đúng, không giải quyết triệt để vụ án.
Đến ngày 22/11/2021, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ra Quyết định Giám đốc thẩm số 52/2021/DS-GĐT với việc chấp nhận Kháng nghị Giám đốc thẩm số 61/2021/KN-DS ngày 30/9/2021 của Chánh án TAND Tối cao.
Quyết định Giám đốc thẩm số 52 đã hủy Quyết định Giám đốc thẩm số 26//2019/DS-GĐT ngày 28/2/2019 của UBTP TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Vấn đề được tranh luận
Lần xét xử sơ thẩm này, bà Bảy Thuần (Nguyễn Thị Cúc) tham gia với tư cách là nguyên đơn, vợ cũ ông Hưng là bị đơn. Sở dĩ có sự thay đổi này là do TAND quận Ninh Kiều gộp cả 2 vụ án (bà Cúc kiện đòi nhà, đất đã mua và vụ án bị hủy) để giải quyết dứt điểm quyền và lợi ích của các bên.
Tại phiên tòa, người đại diện ủy quyền, luật sư của bà Cúc đã làm rõ những câu hỏi được đặt ra trong Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm số 61 và Quyết định Giám đốc thẩm số 52 (thực tế vợ cũ ông Hưng có nhận số tiền 150 triệu đồng của cụ Sửu hay không? Nhận tiền vì lý do gì? Có việc thỏa thuận chia tài sản sau khi có quyết đinh định thỏa thuận ly hôn hay không?).
Bên cạnh đó, vấn đề được đưa ra tranh luận rất nhiều chính là tài sản là đất mà ông Ổi, bà Sửu cho con trai là ông Hưng có được xem là tài sản chung của ông Hưng với vợ hay không? Pháp luật quy định như thế nào về tài sản này?
Vấn đề tiếp theo là tài sản hình thành trên đất mà ông Hưng cùng vợ tạo dựng (căn nhà và 7 căn phòng trọ) được xác đinh là tài sản chung. Vậy tài sản chung này đã được xử lý hay chưa?
Dù quá trình mua bán có sự thống nhất cao từ gia đình cụ Sửu, ông Hưng nhưng sau đó một số người lại "quay xe" dù có sự xác nhận của cơ quan chức năng
Bà Bảy Thuần (Nguyễn Thị Cúc) đã thực hiện được đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ như thỏa thuận (thanh toán tiền) vậy thì thỏa thuận này có được xem là vô hiệu hay không? Vì sao bà Cúc không thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật trong suốt nhiều năm liền?
Phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 24/10/2024 kéo dài đến hơn 19h giờ và sẽ tiếp tục vào ngày 4/11/2024
Việc bản án phúc thẩm (thời điểm còn hiệu lực pháp luật) thể hiện việc tranh chấp của bà Cúc sẽ được Tòa án giải quyết bằng một vụ án khác thì tài sản này có được xem là tài sản đang tranh chấp hay không? Như thế thì việc sang nhượng, tặng cho và Ngân hàng Quốc tế (VIB) nhận thế chấp, cho vay sẽ phát sinh những vấn đề gì?
Tạp chí TAND sẽ tiếp tục thông tin và phân tích những vấn đề này trong bài viết tiếp theo.
Bài liên quan
-
Viện kiểm sát TP.Cần Thơ: Họp mặt kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPNVN
-
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi thư cảm ơn họ Ngô Việt Nam ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3
-
Họ Ngô Việt Nam ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão, lũ hơn 600 triệu đồng
-
Đoàn Thanh niên TANDTC phát động ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận