Hiểu thế nào là bảo vệ người thứ ba ngay tình trong vụ án hình sự?
Nguyễn Văn A là Giám đốc Công ty TNHH M đã chiếm đoạt của Công ty 5 tỷ đồng, sau đó A lấy 4 tỷ đồng để trả nợ cá nhân cho B, C, D và G mỗi người 1 tỷ. B, C, D và G có phải nộp lại số tiền này cho Công ty TNHH M hay không?
Trong các vụ án hình sự về nhóm tội xâm phạm sở hữu, nhóm tội phạm về chức vụ có tính chất chiếm đoạt như tham ô, nhận hối lộ, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản… thì việc xác định số tiền, tài sản sau khi người phạm tội chiếm đoạt được đã trả nợ cho người thứ ba, trong đó có khoản trả tiền mặt, có khoản chuyển trả qua tài khoản và người thứ ba đã sử dụng hết số tiền đó, quá trình điều tra không thu hồi được không còn là vật chứng của vụ án thì giải quyết như thế nào? Tôn trọng quan hệ dân sự giữa người chiếm đoạt số tiền do phạm tội mà có với quan hệ của người thứ ba hay buộc người thứ ba phải nộp lại số tiền mà người đã chiếm đoạt thanh toán cho họ và xác định tư cách tham gia tố tụng của những người này như thế nào? Đây là vấn đề mà thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay đang có nhận thức và áp dụng rất khác nhau. Sau đây chúng tôi đưa ra tình huống pháp lý, cụ thể:
Nguyễn Văn A trong giai đoạn 2019 – 2021 là Giám đốc Công ty TNHH M, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chỉ đạo kế toán lập khống chứng từ thanh quyết toán các khoản chi không đúng thực tế của năm tài chính 2019 – 2021 với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Sau khi rút được tiền, kế toán chuyển lại cho A, có được số tiền trên A đã chi tiêu cá nhân hết 1 tỷ (số tiền 1 tỷ này A đã nộp lại cho Công ty), còn lại 4 tỷ (chưa thu hồi được) A trả nợ cá nhân cho B, C, D, G mỗi người 1 tỷ (quá trình A trả cho các chủ nợ trên với hình thức vừa chuyển khoản qua tài khoản và vừa trả tiền mặt). Quá trình điều tra đã xác định B, C, D và G không biết số tiền A có được từ đâu và họ đã sử dụng hết số tiền do A trả và không đồng ý nộp lại. Trong quá trình giải quyết vụ án này về trách nhiệm dân sự và xác định tư cách tham gia tố tụng hiện có các quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bị cáo A là người chỉ đạo kế toán lập khống chứng từ và chiếm đoạt toàn bộ số tiền nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại mặc dù là trách nhiệm liên đới bồi thường nhưng do toàn bộ số tiền chiếm đoạt kế toán đã chuyển cho bị cáo A nên A phải có trách nhiệm bồi thường. Quá trình điều tra xác định sau khi chiếm đoạt được số tiền trên, ngoài mục đích đã sử dụng cho chi tiêu cá nhân thì bi cáo A đã thanh toán các khoản nợ cho những cá nhân như B, C, D và G mỗi người 1 tỷ; các cá nhân này không biết số tiền họ được nhận từ A là tiền do phạm tội mà có và quan hệ vay mượn giữa họ và A là hợp pháp và việc họ nhận được tiền từ A phải được pháp luật tôn trọng là giao dịch có hiệu lực, họ không trách nhiệm phải nộp lại số tiền trên để bồi thường cho Công ty TNHH M. Do đó, họ không tham gia với tư cách tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, có chăng họ chỉ tham gia với tư cách là người làm chứng. Do vậy, Tòa án phải áp dụng khoản 1, Điều 48; khoản 1 các Điều 586, 589 BLDS buộc bị cáo Nguyễn Văn A phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Công ty TNHH M với tổng số tiền là 5 tỷ đồng; ghi nhận bị cáo đã nộp bồi thường được 1 tỷ đồng; buộc bị cáo còn phải bồi thường cho Công ty TNHH M 4 tỷ đồng.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Mặc dù số tiền 5 tỷ đồng phải do A là người có trách nhiệm bồi thường cho Công ty TNHH M nhưng nghĩa vụ bồi thường này phải được đối trừ với số tiền mà A đã thanh toán cho các chủ nợ là B, C, D và G. Vì số tiền mà các chủ nợ nhận được từ A đã được xác định là tiền do phạm tội mà có; mặc dù các chủ nợ không biết số tiền họ nhận được từ A là tiền bất hợp pháp nhưng việc trả nợ của A cho họ là giao dịch vô hiệu nên quan hệ này không được pháp luật tôn trọng bảo vệ.
Số tiền mà họ nhận được là của Công ty TNHH M nên họ phải có trách nhiệm nộp lại số tiền trên để bồi thường cho Công ty TNHHM. Do vậy, trong vụ án phải xác định B, C, D và G là Người có quyền lợi nghĩa vụ, liên quan đến vụ án. Và về trách nhiệm dân sự Tòa án phải áp dụng khoản 1, Điều 48; khoản 1 các Điều 586, 589 BLDS buộc bị cáo Nguyễn Văn A phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Công ty TNHH M với tổng số tiền là 5 tỷ đồng; bị cáo đã nộp bồi thường được 1 tỷ đồng. Áp dụng khoản 2 Điều 47 BLHS buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là B, C, D và G mỗi người phải trả lại 1 tỷ đồng cho Công ty TNHH M.
Qua tình huống pháp lý trên, chúng tôi thấy thực tế giải quyết các vụ án về trách nhiệm dân sự (biện pháp tư pháp) đối với xử lý số tiền do phạm tội mà có đã được chuyển hóa, quá trình điều tra không thu hồi được (không còn là vật chứng) giữa các Tòa là rất khác nhau, đầu tiên, xuất phát từ nhận thức pháp luật mà căn nguyên từ nhận thức áp dụng theo khoản 2 Điều 47 BLHS và vấn đề bảo vệ người thứ 3 ngay tình theo Điều 133 và 167 BLDS.
Theo đó, khoản 2 Điều 47 BLHS quy định: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”. Theo quy định trên, hiện có 2 cách hiểu:
Một là, phải xác định đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép phải là vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, cụ thể quá trình điều tra phải thu hồi được và đây là vật chứng của vụ án thì mới áp dụng khoản 2 Điều 47 BLHS trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Hai là, chỉ cần xác định vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép mặc dù đã chuyển hóa cho người thứ ba và người thứ ba đã sử dụng, chi tiêu và không còn là vật chứng của vụ án, quá trình điều tra không thu được thì vẫn áp dụng khoản 2 Điều 47 BLHS để tuyên buộc người thứ ba phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Tác giả cho rằng, khoản 1 Điều 133 BLDS quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.”
Quy định này, chúng ta phải hiểu là chỉ bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng giao dịch là tài sản đã được chuyển giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 BLDS. Như vậy, chỉ tôn trọng và bảo vệ quan hệ xác lập giữa đối tượng chuyển giao là tài sản cho người thứ ba ngay tình với điều kiện bắt buộc là không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 167 BLDS, tức là chủ sở hữu được đòi lại động sản từ người thứ ba ngay tình khi người này có được động sản với người không có quyền định đoạt tài sản.
Như vậy, trở lại tình huống pháp lý trên thì A không phải là chủ sỡ hữu tài sản để trả nợ cho B, C, D và G. A không có quyền năng định đoạt số tiền 4 tỷ để trả nợ. Do vậy, không thể bảo vệ người thứ ba ngay tình trong tình huống pháp lý trên và việc buộc những người đã nhận được tiền từ A do phạm tội mà có phải trả lại số tiền đã nhận từ bị cáo A cho Công ty TNHH M là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Tòa án nhân dân huyện Đăk Tô, Kon Tum xét xử sơ thẩm vụ án hình sự - Ảnh: Minh Huy
Bài liên quan
-
Công ty H không phải là người thứ ba ngay tình
-
Hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu hay người thứ ba ngay tình?
-
Bàn thêm về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp bản án, quyết định bị huỷ, sửa
-
Điều kiện bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu do bản án, quyết định bị hủy, sửa
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận