Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tỉnh Bắc Ninh – Kết quả và kinh nghiệm
Ngày 04/10/2018, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 184/QĐ-TANDTC về việc tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh. Những kết quả nổi bật và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp của tỉnh Bắc Ninh rất thiết thực.
Trên cơ sở Kết luận của Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương tại phiên họp thứ 6 ngày 15/9/2018; ngày 01/10/2018, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-TANDTC về việc tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân. Ngày 04/10/2018, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 184/QĐ-TANDTC về việc tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh.
1. Những kết quả nổi bật
1.1. Công tác tổ chức, chỉ đạo của Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo tại địa phương
Ngày 16/10/2018, trên cơ sở tham mưu của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 934-QĐ/TU về việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc cho Ban chỉ đạo triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tỉnh Bắc Ninh với 25 người (Ban chỉ đạo gồm 11 người, Tổ thư ký giúp việc gồm 14 người) do Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp tỉnh làm Trưởng ban, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực và các thành viên Ban chỉ đạo gồm: đại diện Thường trực Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện các ban, ngành liên quan như: Ban Nội chính, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Nội Vụ, VKSND tỉnh Bắc Ninh.
Căn cứ vào tình hình thực tế, TAND tỉnh Bắc Ninh đã chủ động tham mưu cho Trưởng ban phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Ban chỉ đạo. Theo đó, Ban chỉ đạo được thành lập 06 đoàn công tác phụ trách việc triển khai thí điểm ở 06 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh. Các đoàn công tác có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại; trực tiếp chỉ đạo công tác hòa giải, đối thoại trong thời gian thực hiện thí điểm tại các đơn vị được phân công phụ trách.
1.2. Về kết quả công tác hòa giải, đối thoại
Tổng số vụ việc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã giải quyết (số vụ được hòa giải, đối thoại): 825 vụ;
– Số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành: 726 vụ; đạt tỷ lệ 88%; Trong đó:
+ Tỷ lệ hòa giải thành vụ việc dân sự: 28/52 vụ = 53%;
+ Tỷ lệ hòa giải thành vụ việc hôn nhân và gia đình: 676/732 vụ = 92%;
+ Tỷ lệ hòa giải thành vụ việc kinh doanh, thương mại: 14/30 vụ = 46%;
+ Tỷ lệ hòa giải thành vụ việc lao động: 0/1 vụ = 0%;
+ Tỷ lệ đối thoại thành khiếu kiện hành chính: 7/10 vụ = 70%.
1.3. Về bồi dưỡng, tập huấn và thông tin tuyên truyền
Căn cứ Kế hoạch số 322/KH-TANDTC ngày 10/10/2018 về việc tổ chức tập huấn quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên, từ ngày 22-24/10/2018, Chánh án TAND tỉnh đã ra quyết định cử đi tập huấn đối với 100% thành phần theo yêu cầu; đồng thời đã chỉ đạo gửi toàn bộ tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại tới tất cả Tòa chuyên trách, các Trung tâm và gửi tới các Tòa, các Hòa giải viên, Đối thoại viên để nghiên cứu trước khi tập huấn. Đảm bảo chất lượng và số lượng tham gia đúng, đủ theo yêu cầu.
Ngoài việc tạo điều kiện cho 100% Hòa giải viên, Đối thoại viên dự đầy đủ các buổi tập huấn do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức, từ ngày 17-18/12/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh cùng với tổ chức JICA của Nhật Bản đã tổ chức thành công hội thảo “Tăng cường kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên” góp phần nâng cao kỹ năng hòa giải cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại cũng được TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh thực hiện thí điểm chú trọng thực hiện. Tại Hội nghị triển khai thí điểm, Tòa án nhân dân tỉnh đã ra Thông cáo báo chí để đăng tải trên các các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để giới thiệu và thông tin về hoạt động của các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh. Trong quá trình thực hiện, TAND tỉnh đã tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Ninh thực hiện phóng sự để phát sóng nhiều lần vào các khung giờ có nhiều người theo dõi để tích cực tuyên truyền về hoạt động của các Trung tâm cũng như về chủ trương, chính sách và hiệu quả của việc tăng cường, đổi mới công tác, hòa giải đối thoại tại Tòa án. Từ đó đã nâng cao sự hiểu biết của nhân dân trong quá trình tham gia hòa giải, đối thoại tại các Trung tâm.
Qua thực tiễn triển khai thí điểm công tác hòa giải, đối thoại, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng nghiên cứu tìm hiểu đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng đối thoại các vụ án hành chính giải quyết tại Tòa án mà các bên không đồng ý qua Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đã đề ra biện pháp động viên các Thẩm phán trực tiếp về địa phương để tổ chức đối thoại tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc trụ sở TAND cấp huyện nơi có khiếu kiện, tạo điều kiện cho cả chính quyền và giúp cho người dân đỡ phải đi lại, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Do vậy, các buổi đối thoại đã luôn được tổ chức đúng lịch và có tỷ lệ đối thoại thành cao và bảo đảm được thời hạn xét xử đối với các vụ án hành chính (giải quyết 78/93 vụ bằng 83%; trong đó đối thoại để đương sự rút đơn là 22 vụ, đạt tỷ lệ 30%).
2. Đánh giá mặt tích cực của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Thông qua thực tiễn thực hiện thí điểm Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chúng tôi nhận thấy mô hình Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án có những điểm tiến bộ, ưu việt hơn so với việc hòa giải, đối thoại trong tố tụng như sau:
Thứ nhất, hòa giải, đối thoại tại Trung tâm được tiến hành tại thời điểm “tiền tố tụng”, do đó tại thời điểm này, các bên tranh chấp chưa bắt đầu thực hiện các hoạt động tố tụng, đồng thời sự kiện pháp lý ghi nhận việc thụ lý vụ án chưa được thực hiện, điều đó tạo tâm lý thoải mái hơn cho các chủ thể, đặc biệt với bên bị khởi kiện. Thực tiễn chứng minh khi mâu thuẫn đạt đến đỉnh điểm, mà các bên không thể tự mình ngồi lại với nhau thì mới dẫn đến việc khởi kiện ra Tòa; đồng thời, tâm lý nặng nề của người khởi kiện, người bị kiện là đã khởi kiện ra Tòa thì để Tòa án giải quyết, đây chính là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc hòa giải, đối thoại vụ án.
Thứ hai, chủ thể tiến hành hòa giải, đối thoại là những người có kinh nghiệm hòa giải, đối thoại: Khác biệt lớn nhất giữa Hòa giải viên, Đối thoại viên tại Trung tâm hòa giải, đối thoại so với Thẩm phán chính là nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Nhiệm vụ chính của Thẩm phán là giải quyết vụ án; để giải quyết vụ án, Thẩm phán phải tiến hành các hoạt động tố tụng theo trình tự, thủ tục luật định trong đó có việc hòa giải, đối thoại; như vậy hòa giải, đối thoại ở đây chỉ là một thủ tục tố tụng được tiến hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Đối với Hòa giải viên, Đối thoại viên, nhiệm vụ là hướng tới sự đồng thuận của các bên; do đó hoạt động duy nhất của các Hòa giải viên, Đối thoại viên chính là việc hòa giải, đối thoại; đây cũng là kết quả cuối cùng thể hiện qua biên bản hòa giải, đối thoại thành hay không thành. Chất lượng hòa giải, đối thoại được tiến hành bởi chủ thể kiêm nhiệm chắc chắn không thể bằng so với chủ thể chuyên trách, đó là quy luật tất yếu được thực tiễn chứng minh.
3. Kinh nghiệm hòa giải, đối thoại
Quá trình thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại, có một số kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại được rút ra.
Thứ nhất, khi tiếp nhận đơn, Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần nghiên cứu kỹ nội dung đơn khởi kiện để có sự phân công Hòa giải viên, Đối thoại viên cho phù hợp với năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm của họ.
Thứ hai, cần xây dựng hồ sơ và lập kế hoạch hòa giải, đối thoại: Mặc dù thủ tục hòa giải, đối thoại được thực hiện ngoài tố tụng, tuy nhiên để đạt được kết quả như mong đợi thì việc tuân thủ trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại một cách khoa học, logic là điều không thể thiếu, trong đó công việc tiên quyết là việc xây dựng hồ sơ, lập kế hoạch hòa giải, đối thoại. Chỉ khi xác định rõ mấu chốt của tranh chấp, nguyên nhân phát sinh, tình trạng của tranh chấp… (đây được coi là công đoạn tìm nút thắt) thì khi đó, kế hoạch hòa giải, đối thoại mới được xây dựng đúng trọng tâm, nâng cao hiệu quả của công tác này.
Thứ ba, vai trò của Hòa giải viên, Đối thoại viên trong phiên hòa giải, đối thoại giữ yếu tố then chốt cho quá trình thành bại của hòa giải, đối thoại:
Hòa giải viên, Đối thoại viên chủ trì phiên hòa giải phải thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình. Tại phiên hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên, Đối thoại viên vừa là người trung gian nhưng cũng là người điều đình và đồng thời là người trọng tài:
– Người trung gian: Hòa giải viên, Đối thoại viên luôn giữ chuẩn mực là người đứng về một bên nào hết;
– Người điều đình: Biết tăng giảm liều lượng căng thẳng hoặc mềm dẻo, duy trì mức độ trung hoà để đạt được mục đích hoà giải;
– Người trọng tài: Biết lắng nghe cả hai bên, chắt lọc và gợi ý để đi đến thoả thuận chung.
Thứ tư, một số kỹ năng giao tiếp của Hòa giải viên, Đối thoại viên khi hòa giải, đối thoại:
– Kỹ năng lắng nghe: Lắng nghe là một kỹ năng cần thiết và quan trọng trong phiên hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên, Đối thoại viên luôn phải tôn trọng ý kiến của các bên đương sự, dành thời gian hợp lý để các bên nói rõ quan điểm của mình và xem điều đó ảnh hưởng đến họ như thế nào; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các bên; đặt vấn đề để các bên suy nghĩ, bàn bạc để tìm ra những điểm chung, ý kiến trung hòa nhất. Sau đó hỏi từng bên xem họ tự nguyện làm những điều gì để giải quyết mâu thuẫn.
– Kỹ năng chắt lọc và tổng hợp: Những thông tin Hòa giải viên, Đối thoại viên tiếp nhận được từ đương sự phải được chắt lọc và tổng hợp đúng với ý định mà họ đã trình bày. Điều này giúp Hòa giải viên, Đối thoại viên lựa chọn phương án giúp họ giải quyết mâu thuẫn một cách có hiệu quả, đạt kết quả tích cực về lợi ích chung của các bên và cũng là mục đích của phiên hòa giải.
– Kỹ năng đặt câu hỏi: Hòa giải viên, Đối thoại viên lên kế hoạch hỏi đối với từng bên sao cho phù hợp, hiệu quả. Có nhiều loại câu hỏi mà Hòa giải viên, Đối thoại viên có thể lựa chọn sử dụng như: Câu hỏi đánh giá, câu hỏi gợi ý, câu hỏi gián tiếp, câu hỏi trực tiếp, câu hỏi chuyển tiếp, câu hỏi yêu cầu, câu hỏi đóng, câu hỏi mở… Tùy từng trường hợp, Hòa giải viên, Đối thoại viên phải sắp xếp, lên kế hoạch hỏi bên nào trước, hỏi vấn đề gì trước… sao cho phù hợp với từng tranh chấp, khiếu kiện.
Ngoài ra, các Hòa giải viên, Đối thoại viên phải là những người có tinh thần, trách nhiệm, có tính kiên trì với phương châm “làm hết việc, không làm hết giờ”. Thực tế có những trường hợp nếu có thời gian để lắng nghe, phân tích của chủ thể hòa giải, đối thoại thì các đương sự có thể đã hòa giải, đối thoại được với nhau, nhưng chủ thể hòa giải, đối thoại lại máy móc đã dừng cuộc hòa giải, đối thoại vì hết giờ dẫn đến việc hòa giải, đối thoại không thành.
4. Kiến nghị, đề xuất
Trên cơ sở kết quả triển khai hoạt động thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trên địa bàn tỉnh thời gian qua, TAND tỉnh Bắc Ninh đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
– Đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số Luật có liên quan để tạo khung pháp lý giúp cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính được nhanh chóng, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và nhân dân; tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết toàn dân.
– Cần có những hướng dẫn kịp thời và bố trí kinh phí, các điều kiện bảo đảm ngay khi Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thông qua để triển khai thi hành hiệu quả trên thực tiễn.
– Cần có biện pháp tuyển chọn các Hòa giải viên, Đối thoại viên có trình độ năng lực, am hiểu luật pháp và có nhiều kinh nghiệm để thực hiện việc hòa giải, đối thoại, đặc biệt ưu tiên những người đã từng công tác trong các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện Kiểm sát…
– Cần có cơ chế phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc tư vấn giúp các đương sự hiểu được lợi ích của việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện thông qua hòa giải, đối thoại.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tặng quà cho TAND tỉnh Bắc Ninh – Ảnh CTT TAND BN
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận