.jpg)
Hoàn thiện một số quy định của dự thảo Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi)
Thực tiễn thực hiện Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đã bộc lộ những hạn chế cần tiếp tục sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác điều tra hình sự.
1. Sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi)
Sau 07 năm triển khai thi hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, thì tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp tục đi vào ổn định và hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, thuận lợi phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên thời gian qua, đã có nhiều văn bản chỉ đạo mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, như: Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 18/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Nghị định số 29/2025/NĐ-CP ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính…
Theo đó, tổ chức bộ máy của Công an nhân dân đã có các thay đổi như: không tổ chức Công an cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị trong từng cấp công an…; đồng thời, tổ chức của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng được sắp xếp theo cơ cấu tổ chức mới. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức thực hiện Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (CQĐTHS) trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại nhất định và phát sinh những vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục, giải quyết và nâng cao hiệu quả của công tác điều tra hình sự trên thực tế.
Với những lý do nêu trên, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức CQĐTHS là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác điều tra hình sự trong thời gian tới.
2. Một số điểm mới của dự thảo Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi)
Dự thảo Luật gồm 09 chương, 54 điều (giảm 19 điều so với Luật Tổ chức CQĐTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Luật Tổ chức CQĐTHS hiện hành)), trong đó: bỏ Chương IV, 15 điều; gộp 07 điều thành 03 điều; giữ nguyên 08 điều; bổ sung 01 điều; chỉnh lý kỹ thuật 11 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều. Một số điểm mới của dự thảo tập trung vào những vấn đề sau:
Một là, về hệ thống CQĐT tại Điều 4, dự thảo quy định hệ thống CQĐT bao gồm: CQĐT của Công an nhân dân và CQĐT trong Quân đội nhân dân (bỏ CQĐT của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Hai là, về tổ chức bộ máy của CQĐT của Công an nhân dân và CQĐT trong Quân đội nhân dân tại Điều 5 và Điều 6 dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng: bỏ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện; không quy định cụ thể về tổ chức bộ máy CQĐT của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân mà giao Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về tổ chức bộ máy của các cơ quan này.
Ba là, về cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tại Điều 8, dự thảo sửa đổi tên các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Cảnh sát biển và Công an nhân dân phù hợp với tên gọi mới của những cơ quan này.
Bốn là, về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tại Điều 14, dự thảo bổ sung thẩm quyền điều tra của cơ quan này đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của BLHS xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.
Năm là, về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng tại Điều 18, dự thảo bổ sung thẩm quyền điều tra của cơ quan này đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của BLHS xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Sáu là, đối với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra từ Điều 23 đến Điều 28, dự thảo cập nhật tên các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của các bộ, ngành.
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng vẫn có thẩm quyền điều tra trọn vẹn đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng. Tuy nhiên, đối với các cơ quan được giao nhiệm tiến hành một số hoạt động điều tra khác như Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư..., dự thảo quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này theo hướng: thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản khi cần thiết, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho CQĐT có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
Bảy là, về nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan khác trong quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tại Điều 28, dự thảo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển cùng với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khác của quân đội như: Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.
Tám là, về tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên tại Điều 35, dự thảo sửa đổi quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên theo hướng đơn giản và linh hoạt hơn về tiêu chuẩn chung, cũng như tiêu chuẩn bổ nhiệm cụ thể đối với Điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Theo đó, tiêu chuẩn chung của Điều tra viên tại Khoản 1 Điều 35 sửa đổi tiêu chí “có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên” của Luật Tổ chức CQĐTHS hiện hành thành “có trình độ đại học trở lên”, sửa đổi tiêu chí “có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này” của Luật Tổ chức CQĐTHS hiện hành thành “có thời gian làm công tác pháp luật”.
Về tiêu chuẩn của Điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp tại khoản 2, 3, 4 Điều 35, dự thảo bỏ quy định về tiêu chuẩn đã trúng tuyển vào kỳ thi ngạch điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp.
Đồng thời, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ của Điều tra viên tại Điều 42 theo quy định mới về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động, Luật Công an nhân dân: “1. Hạn tuổi phục vụ cao nhất của Điều tra viên là sĩ quan trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; 2. Trường hợp CQĐT của Công an nhân dân và trong Quân đội nhân dân có nhu cầu, nếu điều tra viên có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng không quá 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ”.
Chín là, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật khác có liên quan tại Điều 52.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điểm của Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 như: điểm d khoản 1 Điều 80, điểm c khoản 4 Điều 82; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người số 53/2024/QH15 như: Điều 27. Tiếp nhận, xác minh người đến trình báo, Điều 28. Tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu, Điều 30. Tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về, Điều 31. Tiếp nhận, xác minh, giải cứu và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, Điều 33. Giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân, Điều 46. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ, Điều 53. Trách nhiệm của Bộ Y tế.
3. Một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi)
Thứ nhất, về việc bãi bỏ các quy định cụ thể về tổ chức bộ máy của CQĐT của Công an nhân dân, CQĐT trong Quân đội nhân dân.
Tại Điều 5, 6 của dự thảo không quy định cụ thể tổ chức bộ máy của CQĐT, thay vào đó là các quy định giao cho người đứng đầu, bộ, ngành căn cứ vào cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của bộ, ngành trong từng thời kỳ quy định về tổ chức bộ máy của các cơ quan này nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật tổ chức của các cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Công an, Viện kiểm sát… thì tổ chức bộ máy, thẩm quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của các CQĐT là vấn đề mang tính nguyên tắc phải được quy định bằng luật để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, thống nhất.
Do vậy, cần bỏ nội dung quy định tại khoản 3 Điều 5, khoản 4 Điều 6 dự thảo, đồng thời bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy của CQĐT giống như cách quy định của Luật Tổ chức CQĐTHS hiện hành.
Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân.
Hiện nay, dự thảo quy định về thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân đối với các loại tội phạm giống như Luật Tổ chức CQĐTHS hiện hành. Ngoài thẩm quyền điều tra đối với các tội phạm tại Chương XIII, Chương XXVI, Cơ quan An ninh điều tra có thẩm quyền điều tra đối với 17 tội danh cụ thể, tuy nhiên, còn nhiều tội phạm khác được quy định trong BLHS cũng có tính chất tương tự và những tội phạm này gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan An ninh, lĩnh vực đấu tranh tội phạm của Cơ quan An ninh điều tra nhưng lại không nằm trong 17 loại tội trên như: tội phạm quy định các điều 286; 287; 293; 307; 308; 310; 324; 331; 339; 341; 351; 359; 361; 362 của BLHS.
Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân đối với các tội trên, bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm gắn với chức năng của lực lượng An ninh nhân dân. Theo đó, cần sửa khoản 2 Điều 15 dự thảo như sau: “2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 286, 287, 293, 299, 300, 303, 304, 305, 307, 308, 309, 310, 324, 331, 337, 338, 339, 341, 347, 348, 349 và 350, 351, 359; 361; 362 của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân”.
Thứ ba, đối với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Điều 28 của dự thảo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm cả lực lượng Cảnh sát biển. Trong khi khoản 7 Điều 8 dự thảo quy định: “Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương”, nghĩa là nhóm cơ quan này không có lực lượng Cảnh sát biển. Việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát biển trong cùng một quy định đối với các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như trong dự thảo là không bảo đảm tính khoa học, dẫn đến mâu thuẫn giữa quy định tại Điều 28 và khoản 7 Điều 8 của dự thảo.
Do vậy, cần tách quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển ra thành một điều luật riêng, giống như quy định đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khác như: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm... để bảo đảm tính logic và không mâu thuẫn giữa hai điều luật này.
Thứ tư, đối với quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên thuộc CQĐT.
Quy định trong dự thảo tại Điều 35 về tiêu chuẩn chung của Điều tra viên không rõ ràng và chặt chẽ như quy định của Luật Tổ chức CQĐTHS hiện hành như: “có thời gian làm công tác pháp luật”; “có trình độ đại học trở lên”. Có thời gian làm công tác pháp luật ở đây được hiểu là bao lâu? Có trình độ đại học trở lên nghĩa là tốt nghiệp bất cứ một trường đại học nào, ngành nào cũng có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên. Đồng thời, dự thảo bỏ quy định thi tuyển Điều tra viên đối với việc bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên như trong dự thảo là không phù hợp, vì Điều tra viên là người có vai trò quan trọng trong quá trình điều tra, quyết định tới việc bảo đảm sự khách quan, toàn diện trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là đối với người bị buộc tội. Điều này đòi hỏi việc bổ nhiệm chức danh này cần những tiêu chuẩn rất khắt khe, bảo đảm Điều tra viên phải có đủ trình độ, năng lực điều tra vụ án.
Do vậy, cần sửa tiêu chuẩn chung của Điều tra viên về trình độ đại học và thời gian làm công tác pháp luật theo hướng giữ nguyên như quy định tại Điều 46 Luật Tổ chức CQĐTHS hiện hành để bảo đảm điều kiện chặt chẽ khi bổ nhiệm chức danh này. Tại khoản 2, 3, 4 Điều 35 dự thảo quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp cần bổ sung tiêu chuẩn đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên tương ứng và bổ sung quy định về thời gian làm công tác pháp luật theo như quy định của Luật Tổ chức CQĐT hiện hành.
Từ những phân tích trên, cần sửa khoản 1, 2 , 3, 4 Điều 35 của dự thảo như sau:
Điều 35. Tiêu chuẩn của Điều tra viên
“1. Tiêu chuẩn chung của Điều tra viên:
a. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; b. Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên; c. Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này; d. Có nghiệp vụ Điều tra; đ. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao”
2. Tiêu chuẩn của Điều tra viên sơ cấp:
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Luật này, là sĩ quan Công an nhân dân tại ngũ, sĩ quan Quân đội nhân dân tại ngũ và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp:
a. Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;
b. Có năng lực điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng;
c. Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp.
3. Tiêu chuẩn của Điều tra viên trung cấp:
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm điều tra viên trung cấp:
a) Đã là điều tra viên sơ cấp ít nhất 05 năm;
…
d) Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên trung cấp.
4. Tiêu chuẩn của Điều tra viên cao cấp:
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm điều tra viên cao cấp:
a) Đã là điều tra viên trung cấp ít nhất 05 năm;
…
đ) Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên cao cấp”.
Dự thảo Luật đã có nhiều sự sửa đổi, bổ sung, cập nhật kịp thời theo mô hình tổ chức mới của các bộ, ngành, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật Tổ chức CQĐTHS hiện hành. Tuy nhiên, từ những phân tích trên cho thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo để tiếp tục hoàn thiện Luật Tổ chức CQĐTHS, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác điều tra hình sự.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Công an (2025), Dự thảo Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Lists/ChiDaoDieuHanh/Attachments/4881/D%E1%BB%B1%20th%E1%BA%A3o%20Lu%E1%BA%ADt.pdf, truy cập ngày 08/4/2025.
2. Phan Thương - Tuyến Phan, 'Có cần thiết' bỏ cơ quan điều tra Viện KSND tối cao?, https://thanhnien.vn/co-can-thiet-bo-co-quan-dieu-tra-vien-ksnd-toi-cao-185250407100857585.htm, truy cập ngày 08/4/2025.
3. Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
4. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
5. Vũ Tuân, Chính phủ thống nhất không tổ chức cơ quan điều tra VKSND Tối cao, https://vnexpress.net/chinh-phu-thong-nhat-khong-to-chuc-co-quan-dieu-tra-vksnd-toi-cao-4874568.html, truy cập ngày 20/4/2025.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khám xét tại phòng làm việc của bị can - Nguồn: CA tỉnh Bắc Giang.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
Về người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định
-
Chuyển đổi số ngành Tòa án nhân dân năm 2025
-
Thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình
Bình luận