Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi
Bảo vệ quyền của trẻ em nói chung và bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi nói riêng luôn nhận được nhiều sự quan tâm của gia đình, xã hội và Nhà nước. Bài viết đi sâu phân tích một số bất cập về bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi. Từ đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi ở Việt Nam hiện nay.
Đặt vấn đề
Trong thời gian qua, nhà nước ta đã nỗ lực từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em bị bỏ rơi, điển hình như các quy định về chế tài xử lý hình sự trong BLHS 2015; chế tài xử lý hành chính theo Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Bên cạnh đó còn có các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Trẻ em năm 2016, Luật Nuôi con nuôi năm 2010,... Tuy nhiên, thực tiễn thi hành các quy định trên cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu và hoàn thiện.
1. Khái quát về bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi
Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam rói riêng, tình trạng trẻ em bị bỏ rơi vẫn đang là một vấn đề rất đáng lo ngại. Mặc dù sự tương quan giữa thực tế và trên số liệu thống kê có thể khó xác định nhưng vẫn có hàng ngàn trẻ em, đặc biệt là trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi hàng năm. Những khu vực chủ yếu như bệnh viện, nhà thờ, hố ga hoặc những nơi công cộng. Có nhiều trường hợp trẻ em bị bỏ rơi bị ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và các quyền khác mà trẻ phải được hưởng như quyền được học tập, vui chơi, giải trí,... Bên cạnh đó thì nhiều trẻ em cũng đã được đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội tuy nhiên điều kiện sống và chất lượng chăm sóc tại một số nơi vẫn chưa đảm bảo, khiến trẻ em khó có thể phát triển tốt về hình thể và trí tuệ. Tại khoản 7 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2020 quy định: “Trẻ em bị bỏ rơi là trẻ em không xác định được cha mẹ đẻ”. Hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em thường xảy ra do các nguyên nhân như: có thai ngoài ý muốn, không đủ khả năng nuôi dạy con, cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn, nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến cha mẹ không đủ điều kiện chăm sóc trẻ, quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ,… Như vậy, trẻ em bị bỏ rơi là những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, không có sự chăm sóc, bảo vệ từ gia đình hoặc người lớn, đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bị xâm phạm các quyền. Vì vậy, cần có sự can thiệp và hỗ trợ từ Nhà nước, cá nhân và xã hội để bảo vệ và giúp đỡ nhóm trẻ em này. Tại Điều 4 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định: “Các Quốc gia thành viên phải thi hành mọi biện pháp lập pháp, hành pháp thích hợp và các biện pháp khác để thực hiện những quyền của trẻ em được thừa nhận trong Công ước này”. Theo đó, Công ước đã nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện quyền của trẻ em. Điều này có nghĩa là các quốc gia cần nỗ lực liên tục để bảo vệ quyền của trẻ em và đảm bảo rằng mọi quyền được thừa nhận trong Công ước đều được thực hiện trong thực tiễn. Các quốc gia cần thường xuyên theo dõi và đánh giá tình trạng thực hiện quyền trẻ em, để điều chỉnh chính sách và biện pháp khi cần thiết. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng và tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Tuyên truyền và giáo dục về quyền trẻ em để tạo ra một môi trường xã hội ủng hộ và bảo vệ trẻ em.
Như vậy, bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi là hoạt động của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, cá nhân, cộng đồng và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông qua việc xây dựng hệ thống chính sách pháp luật, các chương trình, nghiên cứu và phát triển chính sách khác trong việc thực hiện pháp luật để bảo đảm các quyền của trẻ em bị bỏ rơi, đồng thời xử lý các hành vi xâm phạm quyền của trẻ em bị bỏ rơi nhằm đảm bảo sự an toàn, phát triển và hạnh phúc cho trẻ.
2. Một số bất cập của pháp luật về bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi
Thứ nhất, hình phạt áp dụng đối với tội giết hoặc vứt con mới đẻ còn quá nhẹ, chưa đủ tính nghiêm khắc, răn đe.
Điều 124 BLHS 2015 quy định về tội giết hoặc vứt con mới đẻ như sau: “1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; 2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Hậu quả mà hai tội trên gây ra là đứa trẻ chết do lỗi cố ý của người mẹ mong muốn con mình chết, đi ngược lại với đạo đức và trái với pháp luật. Mặc dù pháp luật hình sự Việt Nam có chính sách khoan hồng với người mẹ khi thực hiện hành vi giết con mới đẻ và vứt bỏ con mới đẻ của mình vì đã trải qua nhiều điều tiêu cực đến tâm sinh lý của người mẹ, lý do giết con cũng là vì ảnh hưởng nặng nề do tư tưởng lạc hậu như: sợ xóm làng chê cười, mẹ đơn thân, sợ khinh rẻ, bị dè bỉu, tư tưởng trọng nam khinh nữ,... hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt. Tuy nhiên, khách thể bị xâm phạm ở đây chính là quyền sống của con người mà chủ thể bị tác động chính là trẻ sơ sinh, xu hướng tội phạm sẽ gia tăng nếu như pháp luật không quy định về những tình tiết định khung hình phạt tăng nặng đối với hai tội danh trên.
Dù tội phạm thể hiện dưới dạng hành vi hành động hay hành vi không hành động thì hậu quả đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên hai tội danh trên chỉ được quy định là tội phạm ít nghiêm trọng và chế tài xử lý đưa ra với hai tội trên là rất nhẹ so với tội giết người trong khi tội giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015, bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Còn đối với tội giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Hậu quả đứa trẻ chết đã hoàn thành và xảy ra nên việc phải chịu mức hình phạt như trên là khá nhẹ nhàng, không có tính răn đe cao, bên cạnh đó, việc đứa trẻ may mắn sống sót thì vấn đề trách nhiệm hình sự ở đây chưa được đặt ra. Việc quy định về tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ chưa nêu ra cụ thể về giai đoạn thực hiện tội phạm và yếu tố xác định lỗi đối với từng hành vi cụ thể sẽ tương ứng mức phạt như thế nào nên vô hình chung sẽ gây khó khăn trong việc định tội và đưa ra hình phạt thích đáng, cụ thể việc đứa trẻ may mắn được cứu sống khi người mẹ chưa kịp thực hiện hành vi giết con mình và đã bị phát hiện thì vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự chưa được đặt ra[1].
Thứ hai, mức xử phạt vi phạm hành chính quá nhẹ, không đủ nghiêm khắc đối với hành vi
Tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP có quy định về việc xử phạt vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật; Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em. Có thể thấy rằng, mức phạt cao nhất cho hành vi cha, mẹ, hay người chăm sóc trẻ em cố ý bỏ rơi trẻ em tại Điều 21 đã được tăng lên đến 25.000.000 đồng, tăng gần gấp đôi mức xử phạt quy định tại Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP (được thay thế bởi Nghị định số 130/2021/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Như vậy, Nghị định 130/2021/NĐ-CP đã nâng cao mức xử phạt theo hướng tăng nặng nhằm muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em. Tuy nhiên, dù đã có xu hướng tăng nặng mức xử phạt nhưng chưa đáng kể, còn quá nhẹ so với hành vi mà người phạm tội gây ra, từ đó gây ra tâm lý “coi thường pháp luật”, cho rằng nghị định chỉ quy định mức xử phạt mang tính “hình thức”, thực tế thì không mấy ai bị xử phạt hay nếu có thì chỉ bị số tiền nhỏ. Chính vì vậy mà chưa đủ tính răn đe, nghiêm khắc, tác động mạnh vào ý thức người dân, cộng đồng về hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức.
Thứ ba, quy định về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em
Khoản 1 Điều 51 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền”. Có thể thấy rằng, mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng việc thực thi lại vô cùng khó khăn, bất cập. Bởi lẽ, những người có hành vi bỏ rơi trẻ em thì tâm lý sẽ chọn ở những địa điểm vắng vẻ, ít người qua lại hay khu vực hẻo lánh, những nơi đó hầu như hệ thống an ninh camera còn hạn chế bởi vì Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống thông tin quan sát, giám sát các hoạt động ở những nơi công cộng, mặc dù đã có nhưng độ bao phủ chưa rộng. Chính vì vậy, việc xác định được đối tượng thực hiện hành vi là vô cùng khó khăn, cho nên để các chủ thể được quy định là có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi bỏ rơi trẻ em là vô cùng gian nan và chưa thực sự hiệu quả. Nếu có thể thì chỉ là phát hiện được hậu quả của hành vi khách quan chứ không thể phát hiện trực tiếp hành vi khách quan đang diễn ra và thậm chí là không xác định được người phạm tội. Từ đó, dẫn đến việc áp dụng các chế tài cũng khó khăn và chưa phát huy hết tác dụng của các biện pháp xử phạt mà pháp luật đã quy định với mục đích răn đe và giáo dục đối với những đối tượng có hành vi vứt bỏ trẻ hoặc hành vi bỏ, không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh.
Thứ tư, về xác định điều kiện đối với người nhận con nuôi
Điểm c khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định: “Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”. Trên thực tế thì không có tiêu chí cụ thể và rõ ràng nào để xác định là “đủ điều kiện về kinh tế”. Chính vì vậy, những người nhận con nuôi sẽ không trình bày đúng về những điều kiện, hoàn cảnh thực tế của mình nên dẫn đến việc xác minh rất khó khăn hay một số nơi có yêu cầu tiêu chuẩn tài chính cao, điều này có thể khiến nhiều gia đình có đủ tình yêu thương nhưng thiếu khả năng tài chính bị loại bỏ. Điều đáng lưu ý tiếp theo về quy định trên là “điều kiện về sức khỏe” các yêu cầu về sức khỏe có thể quá nghiêm ngặt, dẫn đến việc nhiều người có thể nuôi dạy tốt nhưng không đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, còn quy định người nhận nuôi con nuôi phải “có tư cách đạo đức tốt”2. Quy định trên chưa rõ ràng như thế nào là “đạo đức tốt” và mang chất định tính. Từ quy định này có thể dẫn đến việc người nhận con nuôi lạm dụng để từ chối hoặc chấp nhận giải quyết việc nuôi con nuôi3. Ngoài ra thì nhà nước và các tổ chức xã hội còn thiếu sự hỗ trợ, tư vấn cho các bậc phụ huynh nuôi con nuôi để họ có thể thích nghi với một vai trò mới.
Thứ năm, quy định về việc tìm kiếm thông tin cha mẹ đẻ của trẻ khi phát hiện tình trạng trẻ em bị bỏ rơi
Pháp luật Việt Nam quy định về việc tìm kiếm cha mẹ đẻ cho trẻ bị bỏ rơi thông qua phương thức tiến hành niêm yết Biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi tại trụ sở UBND cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi trong 7 ngày liên tiếp4. Tuy nhiên, việc niêm yết thông báo tại nơi phát hiện không có tính khả thi bởi vì nhiều khi cha mẹ đẻ của đứa trẻ lại không sinh sống tại địa phương nơi phát hiện ra đứa trẻ hoặc lúc đó cha, mẹ đẻ của đứa trẻ đã đến một nơi khác để sinh sống, làm ăn. Ngoài ra, không phải bất cứ cá nhân nào cũng đến trụ sở UBND nơi mình sinh sống để cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình của địa phương. Tóm lại, quan trọng hơn hết và là yếu tố cốt lõi của hiệu quả trong việc tìm kiếm cha mẹ đẻ cho trẻ bị bỏ rơi xuất phát từ chính tâm tư, tình cảm, ý chí và thái độ tiếp nhận của người bỏ rơi chứ không phải xuất phát hoàn toàn vào việc người đó có biết được hay đọc được thông tin hay không.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền của trẻ em bị bỏ rơi
Thứ nhất, tăng nặng hình phạt và quy định về một số tình tiết định khung hình phạt nặng đối với hai tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ.
Theo Điều 124 BLHS 2015 thì việc tách hành vi giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ thành 02 tội phạm độc lập là một điều hợp lý. Tuy nhiên, việc quy định mức hình phạt như vậy chưa có tính răn đe cao. Bởi lẽ, cả hai tội này đều xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng con người, tính mạng trẻ em được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, cần tăng nặng hình phạt tương ứng quy định cụ thể cho từng trường hợp. Cụ thể, hành vi vứt bỏ con mới đẻ áp dụng hình phạt cao nhất 02 năm tù là hợp lý, tuy nhiên hành vi giết con mới đẻ áp dụng hình phạt cao nhất 03 năm tù theo quan điểm của chúng tôi là chưa hợp lý. Vì người mẹ đã chủ động thực hiện hành vi giết con của mình tức là đã có nhận thức nhất định về việc mong muốn và hành vi tước đoạt mạng sống của đứa trẻ nên việc xử lý 03 năm tù là quá nhẹ so với hành vi “giết người” đó của người mẹ. Khi so sánh với tội giết người dưới 16 tuổi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 phải chịu mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình, thì hành vi giết con mới đẻ rõ ràng mang tính chất tàn ác hơn, nhưng lại bị xử lý với mức hình phạt thấp hơn nhiều.
Một khía cạnh khác cần được quan tâm là giai đoạn thực hiện tội phạm. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người mẹ thực hiện hành vi vứt bỏ con với ý thức được rằng hành vi này có thể dẫn đến hậu quả chết người, nhưng lại hy vọng điều đó sẽ không xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp). Trong trường hợp này, mặc dù đứa trẻ may mắn sống sót, hành vi của người mẹ vẫn thể hiện sự coi thường nghiêm trọng đến tính mạng của con mình và cần phải bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp người mẹ có ý định giết con ngay từ đầu (lỗi cố ý trực tiếp), dù có thực hiện được hành vi đến cùng hay không thì cũng đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc quy định rõ ràng về giai đoạn thực hiện tội phạm sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Thứ hai, nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
Hành vi không thực hiện đúng trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em đã vi phạm điều 98 Luật Trẻ em năm 2016. Theo Điều 21 Nghị số 130/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là chưa hợp lý, chưa đủ tính răn đe, mức xử phạt cao nhất là phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em là quá nhẹ cần tăng mức xử phạt lên cao hơn, đặc biệt đối với trường hợp cha mẹ, người chăm sóc bỏ rơi trẻ ở những nơi hẻo lánh, ít người qua lại như trong rừng, khu nhà hoang,… khiến trẻ khó khăn trong việc tìm sự giúp đỡ từ người khác.
Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ các vấn đề như nguyên nhân bỏ rơi trẻ em của cha, mẹ, người chăm sóc để có thể đưa ra các biện pháp, chính sách phù hợp. Ví dụ cha, mẹ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có đủ điều kiện, khả năng để chăm sóc, nuôi dưỡng con cái nên đã tự mình tước đi quyền nuôi con của chính mình thì việc phát hiện và xử lý bằng mức phạt hành chính có thể họ sẽ khó có thể thực hiện được. Vì thế, cần xem xét về nguyên nhân của các trường hợp bỏ trẻ em của cha, mẹ, người chăm sóc cụ thể để đưa ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý.
Thứ ba, về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.
Cần tăng cường hệ thống an ninh, giám sát xã hội tại nơi công cộng, đường phố, trước cổng bệnh viện, trường học,..vv.. Đây là biện pháp phòng ngừa hiệu quả hành vi xâm hại trẻ em và cần sự phối hợp từ các cơ quan hữu quan. Ngân sách địa phương cần có khoản chi cho phát triển hệ thống camera và phát triển hệ thống giám sát điện tử để người dân có thể trực tiếp theo dõi bằng thiết bị di động cá nhân. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc sâu rộng của các tổ chức xã hội, các tổ chức bảo trợ trẻ em, Đoàn TNCSHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Cơ quan Công an địa cấp xã và các cơ quan hữu quan khác,… nhằm nắm bắt thông tin trẻ em bị xâm hại một cách nhanh chóng, chính xác; có sự can thiệp kịp thời và giải quyết theo hướng bảo đảm quyền con người, quyền của trẻ em bị xâm hại, đồng thời lưu ý đến khả năng phát triển sau này của trẻ em về mặt tâm - sinh lý, giáo dục,…
Thứ tư, về xác định điều kiện đối với người nhận con nuôi.
Cần xây dựng văn bản hướng dẫn việc xác định các điều kiện cụ thể của một người được phép nhận con nuôi nhằm mục đích bảo đảm các điều kiện để trẻ em có thể sinh sống, học tập và phát triển một cách tốt nhất; tránh trường hợp trẻ em bị đưa ra khỏi sự quản lý của cơ quan bảo trợ và trở thành lao động trái phép hoặc “mặt hàng” của các đối tượng môi giới. Trong đó, cụ thể quy định về minh chứng thu nhập của người nhận con nuôi, điều kiện vật chất và số thành viên tối thiểu trong gia đình… Ngoài ra, quá trình nhận con nuôi cần sự giám sát ít nhất 3 năm đầu của chính quyền địa phương, cụ thể là UBND cấp xã tại địa phương nơi cư trú của người nhận con nuôi phải thực hiện khảo sát điều kiện của người nhận con nuôi trước và sau khi nhận con nuôi.
Thứ năm, về quy định việc tìm kiếm thông tin cha mẹ đẻ của trẻ khi phát hiện tình trạng trẻ em bị bỏ rơi.
Hiện nay, đa số các tỉnh thành đều có phương tiện thông tin đại chúng bằng sóng truyền hình riêng cho từng tỉnh thành. Cần có văn bản hướng dẫn sự phối hợp giữa cơ quan quản lý hành chính như UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan quản lý về thông tin, truyền thông cấp tỉnh để đăng tin tìm kiếm cha mẹ đẻ của trẻ em bị bỏ rơi. Ngoài ra, với trình độ phát triển công nghệ thông tin hiện nay, các nền tảng xã hội trên Internet là phương tiện dễ tiếp cận và phổ biến nhất, việc phối hợp của đơn vị truyền thông nền tảng số và Chính phủ nhằm mục đích niêm yết thông tin đứa trẻ bị bỏ rơi cũng có tính khả quan cao. Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em cần được đẩy mạnh và nâng cao, nhất là ở những nơi có thu nhập bình quân đầu người thấp, mật độ dân số đông hoặc ở nơi lao động chân tay còn chiếm đại đa số, trình độ trí thức dân cư còn thấp.
Kết luận
Tình trạng trẻ em bị bỏ rơi là một vấn đề phức tạp trong xã hội, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý, xã hội và pháp lý. Để bảo vệ quyền lợi của trẻ em bị bỏ rơi, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là vô cùng cần thiết. Hoàn thiện pháp luật về quyền của trẻ em bị bỏ rơi là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết, không chỉ để bảo vệ các em khỏi những tổn thương về thể chất và tinh thần mà còn để bảo đảm cho các em có cơ hội phát triển toàn diện. Một khung pháp lý chặt chẽ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, cùng với sự thực thi hiệu quả sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em bị bỏ rơi. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của các em mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái và phát triển bền vững.
[1] Lê Khánh Giang, Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, https://tailieu.vn/doc/toi-giet-hoac-vut-bo-con-moi-de-theo-quy-dinh-bo-luat-hinh-su-2015-sua-doi-bo-sung-nam-2017--2589988.html, ngày truy cập 03/10/2024.
2 Điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
3 Ngô Thị Thu Huyền, Nhận trẻ em bị bỏ rơi làm con nuôi và thực tiễn thực hiện, https://tailieu.vn/doc/nhan-tre-em-bi-bo-roi-lam-con-nuoi-va-thuc-tien-thuc-hien-2692159.html, ngày truy cập 03/10/2024.
4 Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
Những đứa trẻ sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh - Ảnh: Văn Tiên.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận