Hoàn thiện quy định của luật doanh nghiệp về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Bài viết phân tích, làm rõ những điểm hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp cụ thể để hoàn thiện quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

1. Dẫn nhập

“Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”[1]. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp trong việc thay mặt (đại diện) cho doanh nghiệp tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện giao dịch dân sự và tham gia tố tụng theo pháp luật tố tụng Việt Nam. Điều đó đòi hỏi Luật Doanh nghiệp năm 2020 phải có những quy định chặt chẽ đối với chủ thể này để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung và việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế và chưa bảo đảm được quyền, lợi ịch hợp pháp của người đại diện theo pháp luật. Do vậy, việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cần thiết.

2. Những bất cập, hạn chế

Thứ nhất, về ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật (khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp)

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đưa ra một nguyên tắc: “Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam” để bảo đảm luôn có sự hiện diện của người đại diện theo pháp luật của công ty trong suốt quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty.

Tuy vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn có quy định mở: “Doanh nghiệp chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền”[2]. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp khi doanh nghiệp không còn người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn điểm hạn chế được chỉ ra sau đây:

Một là, không quy định về nội dung chủ yếu của văn bản ủy quyền

Khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đề cập đến việc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, quy định không nêu rõ trong văn bản ủy quyền cần phải có những thông tin, nội dung chủ yếu nào? Chính vì vậy việc xác định phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền trong trường hợp văn bản ủy quyền không ghi nhận rõ những nội dung trên là điều không thể. Theo đó, trong trường hợp có tranh chấp xảy ra giữa người đại diện theo pháp luật và người được ủy quyền về vấn đề ủy quyền, việc không ghi nhận phạm vi ủy quyền sẽ gây khó khăn trong việc xác định cơ sở, chứng cứ để giải quyết tranh chấp.

Hai là, quy định về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật khi người được ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

Khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền”. Theo đó, trong mọi trường hợp người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về những hành vi của người được ủy quyền dù những hành vi đó được xác lập trong hay ngoài phạm vi quyền và nghĩa vụ được ủy quyền. Theo đánh giá của tác giả việc quy định như này là không thỏa đáng, không phù hợp và mâu thuẫn với quy định tại Điều 143 của Bộ luật Dân sự 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện.

Thứ hai, về người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn “có hai thành viên”

Khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên”, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Quy định trên xác định người thay thế làm người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn “có hai thành viên” nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên. Theo đó: “Thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty”.

“Thành viên còn lại” nêu trên có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp...”. Do vậy, trong trường hợp thành viên còn lại là tổ chức thì đương nhiên tổ chức không thể làm người đại diện theo pháp luật của công ty và điều tất yếu là quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp là quy định không khả thi và không thể thực hiện được.

Thứ ba, về trường hợp doanh nghiệp tư nhân có người đại diện theo pháp luật bị mất tích

Khoản 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Quy định trên quy định về trường hợp vắng mặt của người đại diện theo pháp luật của loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp hanh và công ty cổ phần. Vậy đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân mất tích thì được xử lý như thế nào? Việc thiếu quy định về hướng xử lý, giải quyết đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân mất tích sẽ gây khó khăn trong việc xác định người thay thế người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Từ đó, có thể dẫn đến việc đình trệ các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của loại hình doanh nghiệp tư nhân.

3. Đề xuất hoàn thiện quy định

Một là, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020

(i) Bổ sung thêm khoản 3a Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về nội dung chủ yếu của văn bản ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật, trong đó có đề cập đến nội dung về thời hạn ủy quyền; phạm vi quyền và nghĩa vụ được ủy quyền...

(ii) Sửa đổi nội dung về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật khi người được ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp theo hướng thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự về xác lập quyền đại diện.

Khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp được viết lại thành: “Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Hai là, hoàn thiện quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020

Đề nghị các nhà làm luật nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 nói chung và cụ thể là khoản 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về việc xác định người thay thế người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân bị mất tích.

Ba là, sửa đổi quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020

Đề xuất bổ sung thêm cụm từ “là cá nhân” để bảo đảm tính đầy đủ và khả thi của Điều luật, đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 về việc xác định chủ thể làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân.

Khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 được viết lại thành: “Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên “là cá nhân”, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Trên đây là một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Góp phần hoàn thiện quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung và bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nói riêng./.

Ảnh:MH

 

 

 


[1] Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[2] Khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

PHẠM THỊ LỆ XUÂN (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2)