Hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đây được coi là bước đột phá trong lĩnh vực tư pháp nói chung và tư duy lập pháp hình sự của Việt Nam nói riêng. Sau một thời gian áp dụng trên thực tế, một số quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất, bảo đảm Bộ luật này phát huy hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đặt vấn đề

Nhằm thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Một trong những điểm mới quan trọng là lần đầu tiên BLHS quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân thương mại (PNTM). Việc quy định PNTM là chủ thể của tội phạm đã góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của PNTM trong thời gian qua, nhất là những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường, đồng thời, tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.

Việc quy định TNHS đối với PNTM không phải là vấn đề mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới, khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Theo thống kê, trên thế giới hiện nay có 116 quốc gia, trong đó có 06 nước Đông Nam Á có quy định về TNHS của PNTM. Các công ước liên quan đến xử lý PNTM cũng được quy định trong một số văn bản công pháp quốc tế như: Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước của Asean về chống khủng bố; các công ước về chống khủng bố khác mà Việt Nam đã tham gia. Trong các văn bản pháp luật khác như: Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng, chống rửa tiền cũng đã quy định hành vi khủng bố, hành vi rửa tiền của cá nhân và PNTM.

1. Quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có hai loại pháp nhân[1]: PNTM (gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác) và pháp nhân phi thương mại (gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác). Trong BLHS năm 2015 chỉ quy định TNHS đối với PNTM, còn pháp nhân phi thương mại  hoặc những tổ chức không có tư cách pháp nhân thì sẽ không phải chịu TNHS.

Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 quy định, khi PNTM thực hiện hành vi phạm tội, xâm hại đến các giá trị, quan hệ xã hội được Nhà nước và pháp luật bảo vệ, thì PNTM sẽ phải chịu TNHS - hậu quả pháp lý bất lợi được biểu hiện cụ thể ở những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt.

Đồng thời, BLHS năm 2015 cũng quy định: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”[2]. Điều đó có nghĩa, việc áp dụng hình phạt cho PNTM phạm tội không đồng nghĩa với việc bỏ qua TNHS của cá nhân làm việc trong PNTM đó. PNTM phải chịu hình phạt khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 75, 76 BLHS năm 2015. Với cá nhân, họ sẽ bị truy cứu TNHS khi hành vi của họ thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS. Đây được coi là bước tiến mới trong lĩnh vực tư pháp nói chung và tư duy lập pháp hình sự của Việt Nam nói riêng. Đồng thời, quy định này còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hội nhập quốc tế, xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường, tội phạm xuyên quốc gia (ví dụ: tài trợ khủng bố, rửa tiền, trốn thuế...), bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các hành vi vi phạm của PNTM gây ra.

Do đặc thù của PNTM, nên BLHS năm 2015 quy định PNTM chỉ phải chịu TNHS về một số tội phạm có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của PNTM, mà không phải là tất cả các tội phạm trong BLHS. Cụ thể, PNTM chỉ bị xử lý hình sự đối với 33 tội danh[3], thuộc các nhóm tội phạm kinh tế, tội phạm về môi trường và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Trong 33 tội danh này, có những tội liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PNTM như: tội trốn thuế; tội buôn lậu; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… Hoặc một số tội phạm xuyên quốc gia như: tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

2. Những khó khăn, vướng mắc trong xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Thực tiễn phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay cho thấy, có rất ít PNTM bị khởi tố, mặc dù nhiều PNTM có dấu hiệu của tội phạm. Lý do là vì một số quy định trong BLHS năm 2015 về PNTM có những bất cập, khó khăn khi giải quyết các vụ án hình sự trong thực tế, điển hình như:

Một là, quy định về yếu tố lỗi chưa thống nhất giữa cá nhân và PNTM.

BLHS năm 2015 quy định về phân loại tội phạm[4]; xác định lỗi của người phạm tội[5]; các trường hợp loại trừ TNHS [6] và các điều luật khác (đồng phạm, che giấu tội phạm, phạm tội chưa đạt…) đều chỉ quy định một chủ thể của tội phạm đó là cá nhân, không gắn với chủ thể là PNTM. Thực tiễn đặt ra vấn đề là, khi PNTM phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) không thể chứng minh trong trường hợp nào là phạm tội với lỗi cố ý, trường hợp nào sẽ là phạm tội với lỗi vô ý do BLHS không quy định. Do đó, cơ quan THTT không xác định chính xác TNHS của PNTM.

Hai là, quy định về xác định đồng phạm của PNTM chưa toàn diện, khái quát.

Điểm a khoản 1 Điều 85 BLHS năm 2015 quy định các tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với PNTM: Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội”. Theo đó, BLHS năm 2015 xác định vấn đề quan hệ câu kết giữa PNTM này với PNTM khác. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu PNTM câu kết với cá nhân để cùng cố ý thực hiện hành vi phạm tội thì chưa có quy định để xử lý. Vì vậy, để giải quyết triệt để quan hệ đồng phạm của PNTM, cần sửa đổi, bổ sung quy định này để áp dụng xử lý với các tình huống phát sinh trong thực tiễn.

Ba là, thiếu nhất quán trong quy định các tội danh đối với PNTM.

Trên cơ sở các yêu cầu từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới, BLHS năm 2015 đã xác định phạm vi các tội danh mà PNTM phạm tội phải chịu TNHS, thuộc các nhóm tội phạm kinh tế, tội phạm về môi trường và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Đây là những tội danh mà PNTM thường hay vi phạm, có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh trên thực tế. Theo đó, BLHS năm 2015 đã liệt kê 33 tội danh, phân vào 03 nhóm tội phạm kể trên. Tuy nhiên, trong số 33 điều của BLHS năm 2015 quy định về TNHS của PNTM, chỉ có 26 điều luật[7] quy định căn cứ mức thiệt hại để xác định TNHS của cá nhân và PNTM giống nhau; có 07 điều luật[8] quy định căn cứ thiệt hại để xác định TNHS không giống nhau. Nghĩa là, quy định hai hành vi phạm tội riêng biệt cho hai chủ thể chịu TNHS (cá nhân và PNTM) đối với cùng một tội phạm. Điều này vô hình trung tạo sự phân biệt bất bình đẳng trong TNHS của cá nhân và PNTM.

Ví dụ: Với cùng một tội phạm về “buôn lậu”, đối với cá nhân (trường hợp thông thường), đối tượng buôn lậu trị giá hàng hóa từ 100.000.000 đồng trở lên đã phải chịu TNHS về tội buôn lậu, nhưng đối với PNTM, thông thường đối tượng buôn lậu trị giá hàng hóa phải từ 200.000.000 đồng trở lên mới phải chịu TNHS về tội buôn lậu theo Điều 188 BLHS năm 2015. Sự khác biệt trong quy định này đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa hai chủ thể phải chịu TNHS và trái với bản chất của việc quy định TNHS của PNTM.

Bốn là, vướng mắc trong quy định về điều kiện truy cứu TNHS, phân loại tội phạm đối với PNTM.

Khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định các điều kiện để có thể truy cứu TNHS đối với PNTM gồm: (i) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM; (ii) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của PNTM; (iii) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM; (iv) Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Tuy nhiên, các điều kiện này phải bảo đảm tính độc lập, nghĩa là, phải có đủ các điều kiện này mới truy cứu được TNHS của PNTM. Trong khi điều kiện thứ nhất và điều kiện thứ ba dường như chưa độc lập với nhau, bởi thực tế, nếu hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM thì không thể có trường hợp không có sự chỉ đạo, điều hành, chấp thuận của PNTM và ngược lại, nếu đã có sự chỉ đạo, điều hành hay chấp thuận của PNTM thì chính là đã nhân danh PNTM. Hơn nữa, PNTM không có tri giác để thực hiện hành vi mà phải thông qua người đại diện.

Khoản 2 Điều 9 BLHS năm 2015 quy định: “2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này”.

Khi phân loại tội phạm do PNTM thực hiện áp dụng theo quy định phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện tại khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015 với các khung hình phạt gồm: hình phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù, tù chung thân, tử hình. Điều này không phù hợp với PNTM, vì trong số các hình phạt này, chỉ có hình phạt tiền là hình phạt được áp dụng chung cho cả cá nhân và PNTM. Do đó, nếu khung hình phạt áp dụng cho PNTM chỉ quy định về phạt tiền, thì sẽ xác định PNTM phạm tội ít nghiêm trọng. Trong trường hợp PNTM bị áp dụng khung hình phạt có quy định đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì lại không phân loại tội phạm được. Vì vậy, dẫn đến tình trạng các cơ quan THTT gặp vướng mắc trong áp dụng pháp luật để tính thời hiệu truy cứu TNHS đối với PNTM phạm tội.

Năm là, quy định về hình phạt và các biện pháp tư pháp (BPTP) đối với PNTM còn một số bất cập.

So với các BLHS trước đây, BLHS năm 2015 có bước phát triển mới, khi lần đầu tiên quy định tương đối cụ thể các loại hình phạt và các BPTP đối với PNTM. Cụ thể, hình phạt áp dụng đối với PNTM gồm: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn[9] và các BPTP áp dụng đối với PNTM[10]. Tuy nhiên, xét về bản chất, do không phải là thể nhân, nên PNTM không thể tự thân phạm tội được, mà phải do cá nhân hoặc một nhóm người nắm quyền lãnh đạo của PNTM đó phạm tội. Nghĩa là, không phải tất cả các cổ đông hay người lao động của PNTM đều phạm tội. Do vậy, trong trường hợp tiến hành áp dụng hình phạt đối với PNTM, nếu không có các quy định rõ ràng, sẽ khó tránh khỏi việc ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông và người lao động khác thuộc PNTM đó. Từ đó, cần bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người lao động, người thứ ba tham gia giao dịch với PNTM khi PNTM phải chịu các hình phạt trên để áp dụng thống nhất trong việc điều tra, truy tố, xét xử PNTM.

Theo quy định tại Điều 80 BLHS năm 2015, thì việc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy, nếu để PNTM bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc xã hội và thời hạn cấm này được quy định từ 01 năm đến 03 năm. Xét về bản chất, thì quy định này giống về tính chất cưỡng chế so với hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với PNTM phạm tội quy định tại Điều 78 BLHS năm 2015. Điều khác biệt ở chỗ, đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình phạt chính, còn cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định là hình phạt bổ sung.

Tuy nhiên, xét về tính nghiêm khắc, thì hình phạt bổ sung cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định nghiêm khắc hơn hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn. Bởi cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm, còn đình chỉ hoạt động có thời hạn chỉ trong thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Việc quy định như trên là không phù hợp vì tính cưỡng chế của hình phạt chính lại không bằng hình phạt bổ sung. Do đó, cần quy định thời hạn của hình phạt bổ sung cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định phải thấp hơn thời hạn của hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn mới bảo đảm được tính cưỡng chế của hình phạt chính.

Sáu là, thiếu quy định về giải quyết các quan hệ pháp lý của PNTM bị khởi tố.

PNTM trong quá trình hoạt động bao giờ cũng có nhiều mối quan hệ kinh tế, mua bán hàng hóa với các tổ chức, cá nhân trong xã hội, vay vốn các tổ chức tín dụng… Những quan hệ này thường phát sinh tranh chấp và các bên khởi kiện ra Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Liên quan đến TNHS của PNTM, hiện nay, chưa có các quy định giải quyết các vấn đề phát sinh như: trường hợp PNTM đang vướng trong các vụ kiện tại Tòa án về tranh chấp kinh doanh, thương mại, hoặc trong tiến trình Tòa án xem xét theo thủ tục phá sản thì bị tuyên hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, thì vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại có phải tạm đình chỉ hay không? Nếu mức hình phạt là đình chỉ hoạt động của PNTM, thì việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, phá sản sẽ được tiến hành như thế nào? Tòa án có đình chỉ vụ án vì PNTM đã chấm dứt hoạt động hay không? Các quyền về tài sản liên quan được giải quyết theo thủ tục phá sản, giải thể hay chấm dứt hoạt động theo Luật Doanh nghiệp?

3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Để việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với PNTM phạm tội thực thi trên thực tế, bảo đảm nguyên tắc pháp chế và áp dụng thống nhất trên toàn quốc, tác giả đề xuất một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 một số nội dung như sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về yếu tố lỗi của PNTM.

PNTM mặc dù thực hiện hành vi phạm tội thông qua người đại diện (là cá nhân), nhưng tính chất và đặc điểm của PNTM khác với cá nhân, do đó, khi xét yếu tố lỗi của PNTM không thể giống như yếu tố lỗi của cá nhân. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về xác định lỗi đối với PNTM là lỗi của người đại diện (theo pháp luật hoặc theo ủy quyền) khi thực hiện nhiệm vụ của PNTM. Bởi vì, quy định như vậy phù hợp với tính chất của PNTM và đủ để phân hóa TNHS của PNTM.

Thứ hai, bổ sung quy định về đồng phạm của PNTM.

Để giải quyết triệt để TNHS của cá nhân, PNTM trong quan hệ đồng phạm, tác giả kiến nghị sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 85 BLHS năm 2015 quy định các tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với PNTM như sau: “Câu kết với pháp nhân thương mại khác hoặc cá nhân khác để phạm tội”.

Thứ ba, quy định nhất quán về mức định lượng thiệt hại để có cơ sở xác định các tội danh đối với PNTM.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất bình đẳng trong việc quy định TNHS giữa hai chủ thể là cá nhân và PNTM, cần tiếp tục sửa đổi BLHS hiện hành với 07 điều luật (Điều 188, 189, 200, 213, 225, 226, 227) theo hướng, không bổ sung dấu hiệu hậu quả thiệt hại khi định tội áp dụng riêng biệt cho PNTM; quy định về TNHS của PNTM giống như cá nhân theo như cách quy định của 26 điều luật còn lại[11]. Việc này không chỉ bảo đảm sự nhất quán trong quy định của các điều luật trong phần các tội phạm về các tội danh mà PNTM phải chịu TNHS, mà còn bảo đảm đúng với bản chất của việc quy định TNHS của PNTM.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về điều kiện truy cứu TNHS và phân loại tội phạm đối với PNTM.

Trong số các điều kiện để có thể truy cứu TNHS đối với PNTM, hiện đang có hai điều kiện chưa bảo đảm tính độc lập, gồm: hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM và hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM. Do đó, có thể xem xét ghép hai điều kiện này vào thành một điều kiện chung và làm cơ sở cho việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân, để bảo đảm tính công bằng và dễ chứng minh hơn về phương diện tố tụng hình sự.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng quy định về “điều kiện chịu TNHS của PNTM”, tác giả kiến nghị bỏ khoản 2 Điều 9 trong BLHS hiện hành khi quy định phân loại tội phạm do PNTM thực hiện, áp dụng như phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện. Bởi lẽ, quy định này là bất hợp lý, không cần thiết và gây khó khăn cho cơ quan THTT khi xác định thời hiệu truy cứu TNHS của PNTM và xác định TNHS của chủ thể này.

Thứ năm, rà soát, hướng dẫn các BPTP được áp dụng đối với PNTM.

Theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về việc áp dụng một số BPTP được áp dụng đối với PNTM phạm tội theo quy định tại Điều 82 BLHS năm 2015, như: (i) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; (ii) Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra; (iii) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường. Các biện pháp này hiện chưa được quy định trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người lao động, người thứ ba tham gia giao dịch với PNTM, khi PNTM phải chịu các hình phạt trên. Các cơ quan THTT có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản cụ thể quy định về vấn đề này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đối với các PNTM có hành vi phạm tội trên phạm vi toàn quốc.

Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về giải quyết quan hệ pháp lý của các cá nhân, tổ chức đối với PNTM bị khởi tố.

Đề nghị bổ sung quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành như sau:

- Trường hợp PNTM bị khởi tố với khung hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, thì Tòa án nhân dân đang giải quyết về tranh chấp thương mại hoặc trong tiến trình xem xét theo thủ tục phá sản ra quyết định tạm đình chỉ đến khi Cơ quan điều tra kết luận điều tra vụ việc của PNTM.

- Trường hợp PNTM bị khởi tố với khung hình phạt đình chỉ hoạt động, vậy, khi giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, phá sản thì các quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức liên quan được giải quyết theo quy định của Luật Phá sản.

Kết luận

Quy định về TNHS của PNTM trong BLHS đã đáp ứng yêu cầu cấp bách của sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các quy định này, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản pháp luật khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên để xử lý kịp thời hành vi phạm tội của PNTM, bảo đảm an ninh kinh tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong xã hội và tăng cường hội nhập quốc tế.

Nguồn Tạp chí TAND số 19 năm 2024.
 

TS. NGUYỄN DOÃN PHƯƠNG (Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân) - NGUYỄN THÀNH LONG (Luật sư, Công ty Luật TNHH MTV Thành Long)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

2. Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.


[1] Điều 75, 76 BLDS năm 2015.

[2] Khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015.

[3] Điều 76 BLHS năm 2015 quy định 33 tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHS gồm: Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324.

[4] Điều 9 BLHS năm 2015  phân loại tội phạm có 04 loại: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

[5] Điều 10, 11 BLHS năm 2015  xác định có 02 loại lỗi: cố ý và vô ý. 

[6] Điều 20-26 BLHS năm 2015.

[7] Điều 190,191,192,193,194,195,196, 203, 209, 210, 211, 216, 217, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 BLHS năm 2015.

[8] Điều 188, 189, 200, 213, 225, 226, 227 BLHS năm 2015.

[9] Điều 33 BLHS năm 2015.

[10] Khoản 2 Điều 46 BLHS năm 2015.

[11] Điều 190,191,192,193,194,195,196, 203, 209, 210, 211, 216, 217, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 BLHS năm 2015.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.