Hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin
Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả tập trung phân tích một số vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin ở Việt Nam hiện nay và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin là những quyền cơ bản của con người, của công dân được thừa nhận và bảo vệ trong nhiều văn bản pháp luật quốc tế và trong Hiến pháp của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật về các quyền này vẫn còn tồn tại một số vấn đề còn hạn chế, bất cập nhất định, điều này gây ra những khó khăn nhất định trong việc thực hiện các quyền này trên thực tế.
Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và bảo đảm phát huy, thể hiện qua việc quy định trong Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”[1]. Bên cạnh được quy định trong Hiến pháp, để cụ thể hóa và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện quyền này, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật như: Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản,… Tuy nhiên, thực tiễn tại Việt Nam cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi các quyền này. Chính những thách thức này đòi hỏi phải có sự hoàn thiện hơn nữa trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của người dân và sự ổn định trật tự xã hội.
1. Khái quát về quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin
Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin là các quyền cơ bản của con người, của công dân. Trong đó, quyền tự do ngôn luận là một trong bốn quyền chính trị cơ bản đặc biệt quan trọng, được xem là yếu tố hàng đầu trong việc mọi người nói lên tiếng nói của mình trước những vấn đề xã hội. Quyền này được ghi nhận trong văn bản pháp luật quốc tế như: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1946. Trong Tuyên ngôn UDHR nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới”[2]. Công ước ICCPR quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”[3]. Như vậy, quyền tự do ngôn luận sẽ cho phép mọi người “tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến” nhưng nó sẽ bị giới hạn nếu có quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận trong pháp luật quốc gia.
Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin được quy định trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Trong Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đặc biệt đến việc bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận”[4]. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, quyền này cho phép công dân được tự do tiếp nhận thông tin và truyền đạt thông tin, bày tỏ ý kiến của mình trong khuôn khổ pháp luật đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của xã hội và cụ thể hóa các công ước quốc tế đã tham gia, quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin của công dân ngày càng được nâng cao hơn khi không chỉ còn được quy định trong Hiến pháp mà còn được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác.
Quyền tự do báo chí là quyền cơ bản của các công dân và được pháp luật Việt Nam công nhận, bảo vệ và bảo đảm. Về cơ bản, báo chí có vai trò là phương tiện để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình khi thông qua các kênh báo chí mà công dân có thể bày tỏ ý kiến, thu thập, truyền tải thông tin. Quyền tự do báo chí cho phép công dân được quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, bày tỏ chính kiến của mình một cách độc lập mà không bị kiểm soát. Tuy nhiên, quyền này cũng đi chung với trách nhiệm khi yêu cầu thông tin mà mình đưa ra phải bảo đảm thông tin chính xác, phản ánh trung thực và không được xâm phạm đến lợi ích của cá nhân, lợi ích công cộng, an ninh quốc gia. Quyền tự do báo chí cũng giống các quyền tự do khác là phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật, chịu giới hạn nhất định do pháp luật đặt ra nhằm hạn chế sự lạm dụng quyền này gây ảnh hưởng xấu. Dù có sự tương đồng nhưng tự do báo chí không có nghĩa là tự do thông tin mà phải đặt trong các mối quan hệ[5].
Tự do thông tin gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận, tiếp cận, chia sẻ, trao đổi và phổ biến thông tin. Do đó, quyền tự do thông tin rộng hơn so với quyền tiếp cận thông tin. Quyền tiếp cận thông tin được hiểu là quyền của cá nhân, công dân trong việc tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ[6]. Quyền tự do tiếp cận thông tin giúp các công dân nắm bắt được tình hình xã hội, các chính sách, hoạt động của cơ quan nhà nước từ đó nâng cao dân chủ khi có sự tham gia của người dân vào các công việc xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, cá nhân, công dân phải có trách nhiệm sử dụng thông tin đó đúng mục đích, không được phát tán với mục đích xấu, thông tin sai lệch. Cùng với đó, quyền tự do thông tin cũng không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể phải chịu những giới hạn nhất định để bảo đảm cho lợi ích chung.
2. Một số bất cập trong quy định về quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin
Thứ nhất, quy định về chủ thể hưởng quyền.
Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận”[7], ở Việt Nam, tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, Công ước ICCPR ghi nhận quyền tự do ngôn luận là quyền của tất cả mọi người, tức là không phân biệt quốc tịch. Sự mở rộng chủ thể hưởng quyền đã bảo vệ và bảo đảm tối đa cho mọi cá nhân trong xã hội, trong khi đó, ở Việt Nam đang có sự giới hạn về chủ thể hưởng quyền đó là chỉ dành cho công dân Việt Nam, điều đó dẫn đến sự hạn chế quyền này đối với người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập tại Việt Nam không được hưởng quyền này một cách đầy đủ và không chỉ gây ra sự phân biệt về quốc tịch mà còn chưa phù hợp với các quy định trong Công ước ICCPR mà Việt Nam là thành viên.
Thứ hai, hình phạt áp dụng đối với tội làm nhục người khác và tội vu khống chưa đủ tính nghiêm khắc, răn đe đối với người phạm tội.
Đối với tội làm nhục người khác (Điều 155) và tội vu khống (Điều 156), cả hai tội này hình phạt cao nhất cũng chỉ là 07 năm tù đối với trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên và làm nạn nhân tự sát[8]. Hậu quả của những hành vi này không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn có thể để lại những di chứng tâm lý nặng nề, làm suy sụp ý chí của người bị hại, làm ảnh hưởng toàn diện đến cuộc sống của họ, thậm chí là dẫn đến việc nạn nhân tự sát, điều này không chỉ hủy hoại cuộc sống của người bị hại mà còn tạo ra những mất mát đối với gia đình của họ. Thêm vào đó, khi mạng xã hội và công nghệ ngày càng phát triển kéo theo đó là sự dễ dàng trong việc chia sẻ thông tin, bình luận và phát tán nội dung đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho các hành vi bịa đặt loan truyền thông tin sai sự thật, vu khống cho người khác, khiến điều đó trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Với hậu quả nghiêm trọng như vậy thì mức hình phạt được quy định là chưa đủ tính nghiêm khắc, răn đe đối với người phạm tội, không nâng cao được hiệu quả phòng ngừa đối với loại tội này. Trong bối cảnh hiện nay, với sự gia tăng nhanh chóng của loại tội phạm này thì việc quy định một chế tài nghiêm khắc hơn là rất cần thiết để trừng trị thích đáng những người có hành vi phạm tội và răn đe các cá nhân khác có ý định phạm tội này.
Thứ ba, mức xử phạt vi phạm hành chính quá nhẹ, không đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi.
Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi như: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”[9]. Có thể thấy, các chế tài trong Nghị định đã thể hiện sự nghiêm khắc, đã hạn chế tác động tiêu cực từ những thông tin sai lệch và bảo vệ uy tín của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, việc quy định mức phạt như vậy là quá nhẹ so với hậu quả để lại khi so sánh với mức phạt tối đa trong lĩnh vực. Đặc biệt là với mức xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước vẫn còn quá nhẹ so với mức độ nghiêm trọng của hành vi bởi vì nếu bị lộ thông tin có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và lợi ích của dân tộc.
Bên cạnh đó, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Cụ thể hình thức xử phạt chính chỉ có cảnh cáo hoặc phạt tiền[10]. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 đến 12 tháng, ngoài ra có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy quy định một cách cụ thể về hình thức xử phạt chính, hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nhưng không phải mọi vi phạm đều áp dụng tất cả các hình thức xử phạt này. Và hình thức phạt tiền vẫn chưa đủ để ngăn chặn hành vi vi phạm lặp lại như quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này quy định phạt tiền về vi phạm quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp, mức phạt chỉ từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin có nội dung cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; Cung cấp thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; Cung cấp thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em;... Theo nhóm tác giả, với mức xử phạt như vậy là quá nhẹ so với tác động tiêu cực mà những hành vi này có thể gây ra. Đối với trẻ em, những thông tin không phù hợp hoặc sai lệch không chỉ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, nhận thức về thế giới xung quanh mà còn có thể tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em và sức khỏe tinh thần của xã hội.
Thứ tư, quy định về quản lý việc sử dụng nguồn tin của các trang thông tin, mạng xã hội làm nguyên liệu cho sản phẩm báo chí chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ.
Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin”[11] và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP cũng đặt ra chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi trên: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không nêu rõ xuất xứ nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí khi sử dụng thông tin do cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cung cấp cho báo chí”[12]. Nhưng thực tế lại chưa có văn bản pháp luật hiện hành nào quy định chi tiết về bảo đảm tính xác thực của nguồn tin này. Hiện nay, các tờ báo điện tử và nhiều nhà báo thường sử dụng nhiều nguồn thông tin khác nhau để làm “nguyên liệu” cho sản phẩm của mình. Đặc biệt là những thông tin trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… Tuy nhiên, các thông tin này thường thiếu sự quản lý và kiểm duyệt chặt chẽ. Việc quy định cụ thể về quy trình xử lý các nguồn tin trước khi sử dụng đưa vào sản phẩm báo chí là cần thiết. Nhưng thực tế để có những bài viết mới mẻ và phù hợp thị yếu của người xem, nhiều nhà báo đã không thực hiện quy trình thẩm định kỹ các nguồn thông tin trên mạng mà đã vội vàng sử dụng cho các sản phẩm báo chí của mình dẫn đến việc tác phẩm sa đà vào các thông tin vô bổ thậm chí là gây hiểu lầm cho công chúng. Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành quy chế xác định nguồn tin trên báo chí quy định: “Cơ quan báo chí, tác giả bài báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Khi viện dẫn nguồn tin phải thể hiện rõ nguồn tin cho cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp hoặc thể hiện rõ là theo nguồn tin riêng của phóng viên, nguồn tin riêng của cơ quan báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin”[13] và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo có điều chỉnh về xuất xứ của nguồn tin nhưng vẫn chưa rõ ràng và chưa có quy định cụ thể nào về quy trình thẩm định nguồn tin trước khi sử dụng cho sản phẩm báo chí.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin
Thứ nhất, sửa đổi, ghi nhận quyền tự do ngôn luận là quyền của mọi người.
Như nhóm tác giả đã phân tích ở trên, để bảo đảm rằng Việt Nam thực hiện đúng các cam kết quốc tế, việc xem xét và điều chỉnh các quy định pháp luật sao cho phù hợp hơn với Công ước ICCPR là rất cần thiết. Chính vì vậy, Việt Nam cần có sự mở rộng về chủ thể hưởng quyền tự do ngôn luận trong các quy định của pháp luật. Việc công nhận quyền tự do ngôn luận cho tất cả các cá nhân, bao gồm cả người nước ngoài tại Việt Nam sẽ góp phần tạo ra môi trường xã hội cởi mở hơn, khuyến khích sự đa dạng trong ý kiến và tư tưởng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định đối với tội làm nhục người khác (Điều 155) và tội vu khống (Điều 156) theo hướng tăng mức hình phạt nghiêm khắc hơn.
Theo đó, tội phạm thực hiện hành vi vu khống người khác mà dẫn đến hậu quả tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 61% hoặc làm nạn nhân tự sát mà mức hình phạt tối đa chỉ có 07 năm và tương tự với hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác với khung hình phạt tối đa là 05 năm là còn rất nhẹ. Mặc dù về tính chất, tội phạm thực hiện cố ý trực tiếp với hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và vu khống nạn nhân nhưng lại vô ý với hậu quả gây tổn thương nghiêm trọng cho nạn nhân hay làm nạn nhân tự sát. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Các hành vi xúc phạm và vu khống người khác có thể lan truyền một cách nhanh chóng gây ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của nạn nhân. Thêm vào đó, môi trường thuận lợi trên không gian mạng cũng tạo điều kiện cho các hành vi thực hiện loại tội phạm này dễ dàng hơn, dẫn đến tỷ lệ tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác ngày càng tăng nhanh, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Với những phân tích trên, nhóm tác giả đề xuất khoản 3 Điều 155 và khoản 3 Điều 156 tăng mức hình phạt nghiêm khắc hơn, đủ mạnh, đủ sức răn đe cũng như phù hợp với thực tiễn gia tăng của loại tội phạm này trong xã hội hiện nay.
Thứ ba, nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền tự do ngôn luận, báo chí.
Trong quá trình nghiên cứu các Nghị định trên, nhóm tác giả chúng tôi nhận thấy rằng một số hành vi có mức phạt còn thấp, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi gây ra cho xã hội. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của của công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin cần tăng mức xử phạt hành chính như chia sẻ thông tin sai sự thật, đồi truỵ, mê tín, dị đoan, lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước; Cung cấp thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, để mức tiền phạt tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi đủ sức răn đe, cảnh cáo, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, báo chí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm phạm.
Thứ tư, hoàn thiện quy định về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin.
Để nâng cao hiệu quả và tính xác thực nguồn tin của cơ quan báo chí cần có một văn bản pháp luật quy định chi tiết, đầy đủ như thế nào là nguồn tin đáng tin cậy. Xây dựng cơ chế kiểm soát, quản lý nguồn tin trước khi đưa ra công chúng để tránh gây hoang mang trong dư luận. Có thể cụ thể hóa quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo thành một quy phạm pháp luật để mang tính ràng buộc đối với người làm trong lĩnh vực báo chí nhằm răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa hành vi xử lý nguồn tin cẩu thả, làm cho chất lượng bài báo bị giảm sút chất lượng khi đưa ra công chúng. Bên cạnh đó, chú trọng quản lý nội dung đi đôi với quản lý nền tảng, công nghệ, vừa tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển các nội dung giải trí.
Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin là những quyền căn bản, thiết yếu của con người tạo nền tảng cho việc thực hiện nhiều quyền khác. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện nay của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong nhiều quy định pháp luật về các quyền này. Để bảo đảm công bằng cho quyền lợi của tất cả nhân dân, cần thiết phải xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ để từ đó tạo ra hành lang pháp lý vững chắc bảo đảm các cá nhân và tổ chức thực hiện các quyền trên trong khuôn khổ của pháp luật. Việc này không chỉ góp phần nâng cao tinh thần làm chủ của nhân dân mà còn bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Qua đó, nước ta có thể hướng tới một xã hội ngày càng công bằng, dân chủ, phát triển và văn minh hơn.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.
2. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
3. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
4. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.
5. Luật Báo chí năm 2016.
6. Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
7. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
8. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
9. Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT ngày 02/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí.
10. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966
11. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948.
12. Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2011.
13. Mạc Thị Hoài Thương (2020), Quyền tự do ngôn luận theo pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia - Một số giá trị cho Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội.
14. Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, “Phải khẳng định: Việt Nam có tự do báo chí”, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/phai-khang-dinh-viet-nam-co-tu-do-bao-chi-1491910231.
15. Nhân quyền, “Quyền tiếp cận thông tin là gì?”, http://www.nhanquyen.vn/modules.php?name=News&op=detailsnews&mid=266&mcid=1.
[1] Điều 25 Hiến pháp năm 2013.
[2] Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948.
[3] Khoản 2 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966; Việt Nam gia nhập năm 1982.
[4] Điều 10 Hiến pháp năm 1946.
[5] Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, “Phải khẳng định: Việt Nam có tự do báo chí”,
https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/phai-khang-dinh-viet-nam-co-tu-do-bao-chi-1491910231, truy cập ngày 24/10/2024.
[6] Nhân quyền, “Quyền tiếp cận thông tin là gì?”, http://www.nhanquyen.vn/modules.php?name=News&op=detailsnews&mid=266&mcid=1, truy cập ngày 24/10/2024
[7] Khoản 2 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966.
[8] Xem Điều 155, Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[9] Điều 101 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
[10] Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.
[11] Điều 38 Luật Báo chí năm 2016.
[12] Khoản 1 Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP.
[13] Điều 2 Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT.
Phóng viên đang tác nghiệp tại một phiên tòa - Ảnh: TRƯỜNG GIANG.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận