Hoàn thiện quy định về biện pháp bắt, tạm giam trong BLTTHS đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp (Tiếp theo)
Trên cơ sở phân tích quy định về các biện pháp bắt, tạm giam của pháp luật tố tụng hình sự một số quốc gia trên thế giới, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp bắt, tạm giam.
3.2. Bộ luật Tố tụng hình sự Pháp
3.2.1.Đối tượng áp dụng và hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam
Theo BLTTHS Pháp, chỉ được phép ra lệnh hoặc gia hạn tạm giam trước khi xét xử nếu thuộc một trong các trường hợp: (1) Người thuộc diện thẩm tra tư pháp có khả năng phải chịu hình phạt về tội nghiêm trọng; (2) Người thuộc diện thẩm tra tư pháp có khả năng phải chịu hình phạt ít nhất ba năm tù về tội ít nghiêm trọng. Ngoài ra, cũng có thể ra lệnh tạm giam trước khi xét xử khi người thuộc diện thẩm tra tư pháp cố tình lẩn tránh các nghĩa vụ của giám sát tư pháp.
Đồng thời, BLTTHS Pháp cũng quy định hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam trước khi xét xử nếu người này là cha hoặc mẹ một người chưa thành niên dưới mười sáu tuổi sống cùng với mình, trường hợp tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng thực hiện đối với người chưa thành niên, hoặc trong các trường hợp khi các nghĩa vụ của giám sát tư pháp không được tôn trọng.
3.2.2. Căn cứ áp dụng
Điều 144 BLTTHS Pháp quy định các điều kiện để áp dụng lệnh tạm giam như sau: Chỉ có thể ra lệnh hoặc gia hạn tạm giam nếu đó là cách duy nhất: để bảo quản vật chứng hoặc dấu vết hoặc ngăn cản việc đe dọa nhân chứng hoặc nạn nhân hoặc gia đình họ hoặc thỏa thuận gian dối giữa những người thuộc diện thẩm tra tư pháp và các đồng phạm; bảo vệ người thuộc diện thẩm tra tư pháp, bảo đảm là người này vẫn thuộc sự điều chỉnh của luật pháp, chấm dứt hành vi phạm tội hoặc ngăn chặn tái phạm; chấm dứt việc gây rối trong một thời gian dài và ngoài dự kiến trật tự công cộng do tính nghiêm trọng của tội phạm gây ra, bối cảnh của hành vi phạm tội, hoặc mức độ trầm trọng của thiệt hại mà nó gây ra.
3.2.3. Thời hạn tạm giam
Thời hạn tạm giam theo quy định của BLTTHS Pháp là không được quá bốn tháng đối với các vấn đề ít nghiêm trọng nếu người thuộc diện thẩm tra tư pháp trước đó chưa bị kết án, liên quan đến tội nghiêm trọng hoặc một tội ít nghiêm trọng thông thường, phạt tù không hưởng án treo ít nhất một năm và khi người này có nguy cơ bị kết án năm năm hoặc ít hơn.
3.2.4. Về thẩm quyền và thủ tục bắt tạm giam
Theo quy định tại Điều 137.1 BLTTHS Pháp, việc tạm giam sẽ do Thẩm phán quyết định theo đề nghị của Công tố viên trưởng cấp quận. Lệnh tạm giam phải chỉ rõ danh tính của người trong lệnh; Thẩm phán ra lệnh phải ghi ngày, ký tên và đóng dấu.
3.2.5. Hủy bỏ biện pháp bắt tạm giam
Điều 146 BLTTHS Pháp quy định nếu trong quá trình điều tra thấy rằng tội phạm bị điều tra không còn nghiêm trọng, Thẩm phán điều tra, sau khi gửi hồ sơ vụ án cho Công tố viên cấp quận theo đề nghị của người này, có thể bằng một lệnh có lý do chuyển cho Thẩm phán giám sát và tự do ra lệnh trả tự do có hoặc không có giám sát tư pháp. Thẩm phán giám sát và tự do giải quyết trong vòng ba ngày kể từ ngày Thẩm phán điều tra chuyển vụ án.
Nếu Thẩm phán giám sát và tự do không quyết định trong thời hạn quy định thì cá nhân có thể chuyển yêu cầu đến phòng điều tra để ra quyết định bằng văn bản trong vòng hai mươi ngày kể từ khi nhận được vụ án với lý do là đề nghị của Công tố viên. Nếu không thực hiện được điều này thì cá nhân đương nhiên được trả tự do trừ khi đã ra lệnh kiểm tra yêu cầu. Công tố viên cấp quận cũng có quyền chuyển vụ án cho phòng điều tra theo các điều kiện tương tự.
Người thuộc diện thẩm tra tư pháp, bị cáo hoặc bị can trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào và trong bất kỳ trường hợp nào cũng có thể yêu cầu trả tự do. Nếu Thẩm phán tự do và giám sát ra lệnh trả tự do cho người bị tạm giam trái với chỉ thị của Công tố viên cấp quận thì phải thông báo ngay cho người này biết quyết định.
3.3. Bộ luật Tố tụng hình sự Nhật Bản
3.3.1. Đối tượng áp dụng
Điều 60 BLTTHS Nhật Bản quy định Tòa án có thể tạm giam bị cáo nếu có lý do tin rằng người này đã thực hiện tội phạm và thuộc một trong các khoản sau: (1) Bị cáo không có nơi ở cố định; (2) Có đủ lý do để nghi ngờ là người này có thể tiêu hủy hoặc che giấu chứng cứ; (3) Bị cáo chạy trốn hoặc có đủ căn cứ nghi ngờ là người này có thể trốn.
3.3.2. Thời hạn tạm giam
Thời hạn tạm giam là hai tháng kể từ ngày khởi tố. Trường hợp thật cần thiết để tiếp tục thời hạn này, thì có thể gia hạn mỗi tháng bằng quyết định nêu rõ lý do xác đáng. Việc gia hạn này chỉ được thực hiện một lần trừ một số trường hợp đặc biệt mà pháp luật quy định.
3.3.3. Thẩm quyền và thủ tục áp dụng
Việc áp dụng biện pháp tạm giam được giao cho một Thẩm phán Tòa án quận, Tòa gia đình, hoặc Tòa giản lược tại địa điểm nơi tìm thấy bị cáo, tạm giam người này. Việc tạm giam bị cáo phải được ban hành dưới hình thức lệnh tạm giam của Tòa án.
Lệnh tạm giữ hoặc tạm giam phải có tên và địa chỉ nơi ở của bị cáo, tội phạm, sơ bộ cáo buộc, nơi sẽ đưa người này đến và nơi tạm giam người này, thời hạn có hiệu lực, tuyên bố với hiệu lực là sau khi hết thời hạn nói trên lệnh sẽ không được thi hành và bị trả lại, ngày ban hành và những vấn đề khác do các nguyên tắc của Tòa án quy định và có ký tên và đóng dấu của Chánh án hoặc lãnh đạo Tòa án. Trường hợp không biết tên của bị cáo, thì có thể miêu tả diện mạo, vóc dáng hoặc các đặc điểm khác cho phép nhận dạng người này. Trường hợp không biết nơi ở của bị cáo thì không cần nêu trong lệnh.
Thẩm phán đã ban hành lệnh tạm giam phải thẩm tra thông tin cá nhân của người bị tạm giam trong vòng hai mươi bốn giờ kể từ thời điểm khi bị cáo bị dẫn giải. Sau khi thẩm tra thông tin cá nhân của họ, bị cáo phải được trực tiếp gửi ngay đến Tòa án được chỉ định. Trong trường hợp này, Thẩm phán được phân công ban hành lệnh tạm giam phải ấn định thời hạn để bị cáo có mặt tại Tòa án được chỉ định.
3.3.4. Thi hành biện pháp tạm giam
Lệnh tạm giam phải được thi hành bởi Thư ký của văn phòng công tố hoặc cảnh sát dưới sự chỉ huy của công tố viên. Trường hợp không biết nơi ở hiện thời của bị cáo, Chánh án có thể ủy quyền cho Công tố viên trưởng điều tra và thi hành lệnh tạm giam. Công tố viên trưởng được ủy quyền phải ra lệnh cho Công tố viên thuộc phạm vi quyền tài phán tiến hành điều tra và áp dụng các thủ tục thi hành lệnh tạm giam. Khi thi hành lệnh tạm giam, bị cáo phải được trực tiếp đưa ngay đến nơi giam giữ được chỉ định.
3.3.5. Hủy bỏ biện pháp tạm giam
Khi lý do cần thiết cho việc tạm giam không còn tồn tại, Tòa án phải ra quyết định hủy việc tạm giam theo yêu cầu của Công tố viên, bị cáo bị tạm giam, hoặc người bào chữa, đại diện pháp lý, người giám hộ, vợ hoặc chồng, họ hàng trực hệ, anh chị em của bị cáo hoặc theo thẩm quyền. Bị cáo bị tạm giam, hoặc người bào chữa, đại diện pháp lý, người giám hộ, vợ hoặc chồng, họ hàng trực hệ, anh chị em của bị cáo có thể yêu cầu bảo lãnh để trả tự do.
3.4. Bộ luật Tố tụng hình sự Liên bang Nga
3.4.1. Đối tượng và căn cứ áp dụng
Điều 108 BLTTHS Liên bang Nga quy định tạm giam như một biện pháp ngăn chặn được áp dụng theo quyết định của Tòa án đối với bị can hoặc bị cáo phạm tội mà pháp luật hình sự quy định hình phạt bằng hình thức tước tự do có thời hạn trên ba năm, nếu không thể áp dụng một biện pháp ngăn chặn khác nhẹ hơn. Trong những trường hợp đặc biệt, biện pháp kiềm chế này có thể được lựa chọn liên quan đến bị can hoặc bị cáo phạm tội mà bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn đến ba năm, khi thuộc một trong các trường hợp sau: (1) bị can hoặc bị cáo không có nơi cư trú thường xuyên trên lãnh thổ Liên bang Nga; (2) không rõ danh tính của bị can, bị cáo; 3) bị can, bị cáo đã vi phạm biện pháp ngăn chặn đã chọn trước đó; 4) bị can, bị cáo đã bỏ trốn khỏi cơ quan điều tra sơ bộ hoặc khỏi Tòa án.
Việc giam giữ như một biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với trẻ vị thành niên bị nghi ngờ hoặc bị cáo nếu người đó bị nghi ngờ hoặc bị buộc tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3.4.2. Thời hạn tạm giam
Tạm giam trong thời gian điều tra không được quá 02 tháng. Trường hợp không thể hoàn thành việc điều tra sơ bộ trong thời hạn đến 02 tháng và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, thì thời hạn này có thể được kéo dài bởi Thẩm phán Tòa án cấp huyện hoặc Tòa án quân sự trong thời hạn đến 06 tháng.
3.4.3. Thẩm quyền và thủ tục áp dụng
Điều tra viên, với sự đồng ý của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cũng như cán bộ hỏi cung, được sự đồng ý của Kiểm sát viên, nộp đơn yêu cầu cho Tòa án, trong đó nêu rõ động cơ, căn cứ dẫn đến phải tạm giam bị can, bị cáo mà không thể lựa chọn biện pháp ngăn chặn khác.
Quyết định lựa chọn tạm giam như một biện pháp ngăn chặn phải do một Thẩm phán Tòa án cấp huyện hoặc Tòa án quân sự cấp có thẩm quyền xem xét với sự tham gia bắt buộc của bị can, bị cáo tại phiên tòa. Trong trường hợp từ chối yêu cầu lựa chọn biện pháp ngăn chặn bằng hình thức tạm giam đối với bị can, bị cáo thì Thẩm phán có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn khác dưới hình thức cấm thực hiện một số hành vi, tại ngoại hoặc quản thúc tại gia. Quyết định của Thẩm phán được gửi cho người đã nộp đơn, Kiểm sát viên, bị can, bị cáo hoặc người bị hại và phải thi hành ngay lập tức. Khi lựa chọn biện pháp ngăn chặn bằng hình thức tạm giam, quyết định của Thẩm phán phải nêu rõ tình tiết cụ thể để trên cơ sở đó đưa ra quyết định.
Quyết định của Thẩm phán về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp tạm giam có thể bị kháng cáo trong vòng 03 ngày kể từ ngày ban hành.
3.4.4. Hủy bỏ biện pháp tạm giam
Biện pháp tạm giam bị hủy bỏ khi không còn cần thiết hoặc có thể chuyển sang biện pháp ngăn chặn khác nhẹ hơn khi các căn cứ để lựa chọn biện pháp này không còn. Biện pháp tạm giam cũng được thay đổi thành một biện pháp nhẹ hơn nếu người bị tạm giam được phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo được xác nhận bởi một báo cáo y tế của cơ quan có thẩm quyền.
4. Kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp bắt, tạm giam
Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự là một nhu cầu khách quan xuất phát từ thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội, ngăn chặn kẻ phạm tội cố tình lẩn trốn, cố tình gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử và quá trình thi hành án hình sự. Từ những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm của một số quốc gia như trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện quy định của BLTTHS năm 2015 về biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giam nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của việc áp dụng biện pháp này trong thực tiễn như sau:
Thứ nhất, về chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt, tạm giam: Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đòi hỏi “mọi biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế của Nhà nước nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải được Tòa xem xét, áp dụng hoặc kiểm tra để thay đổi, hủy bỏ trong trường hợp các biện pháp đó trái pháp luật hoặc không cần thiết”. Điều đó có nghĩa là, mọi biện pháp ngăn chặn có liên quan đến quyền tự do của con người cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan độc lập, đại diện cho công lý là Tòa án. Việc giao cho Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bắt, tạm giam là đúng về bản chất tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp.
Điều 9 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị có quy định: “Mọi người có quyền được bảo đảm tự do và an ninh cá nhân. Việc bắt, giam giữ, xét xử một người phải do cơ quan pháp luật có thẩm quyền tiến hành theo đúng các thủ tục luật định; không ai bị bắt và giam giữ vô cớ”. Nghiên cứu quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bắt tạm giam trong luật tố tụng hình sự các nước cho thấy, hầu như không có quốc gia nào giao cho cảnh sát, công tố thẩm quyền bắt, tạm giam người bị buộc tội. Tại các nước Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… thì Tòa án là cơ quan duy nhất được trao quyền quyết định việc tạm giam người bị tình nghi phạm tội trên cơ sở hồ sơ, tài liệu của cảnh sát và đề nghị bằng văn bản của cơ quan công tố. Việc xem xét, quyết định tạm giam thường do một Thẩm phán đảm nhiệm. Như vậy, thực hiện chủ trương “thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp tạm giam” theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần phải hạn chế người có thẩm quyền ra lệnh tạm giam và quyết định áp dụng biện pháp tạm giam, theo đó cần giao cho Tòa án mà cụ thể là Thẩm phán có quyền quyết định việc áp dụng biện pháp tạm giam cả trong giai đoạn điều tra, truy tố (Thẩm phán này không được tham gia xét xử vụ án đó) như quy định của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là một xu thế tất yếu, tiến bộ, cần thiết trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế trong tố tụng hình sự, đặc biệt phù hợp với các tiêu chí quốc tế về quyền con người.
Thứ hai, về khiếu nại quyết định và hành vi tố tụng của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, bao gồm cả quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn: Để thực hiện nguyên tắc công khai trong hoạt động tố tụng, cần mở rộng quyền khiếu nại của cá nhân, cơ quan, tổ chức về việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Quyền khiếu nại của những người này có thể được gửi đến Tòa án. Tòa án thông qua hoạt động kiểm soát đánh giá tính hợp pháp của các quyết định và hành vi tố tụng, có quyền giải quyết khiếu nại, có quyền yêu cầu thay đổi, hủy bỏ hoặc ra các quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ nếu quyết định, lệnh (bao gồm cả các quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn), hoặc quyết định ngừng thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Như vậy, trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam như hiện nay thì người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam có quyền khiếu nại để Tòa án xem xét lại việc bắt, tạm giữ, tạm giam có căn cứ và đúng luật không, nếu không có căn cứ hoặc không đúng luật thì Tòa án phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn này. Trong trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam không khiếu nại thì cũng cần quy định cơ chế định kỳ trong một thời hạn nhất định, Tòa án phải tự kiểm tra, đánh giá xem xét lại việc bắt, tạm giữ, tạm giam của các cơ quan có đúng không hoặc còn cần thiết không để quyết định việc tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn hay hủy bỏ biện pháp ngăn chặn nhằm đảm bảo được tốt nhất quyền con người, bảo vệ công lý.
Thứ ba, về đối tượng áp dụng và hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam: Nếu như ở Việt Nam, biện pháp tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can (khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền) và bị cáo (khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án) thì ở Đức và nhiều quốc gia khác, biện pháp ngăn chặn này cũng có thể được áp dụng trước khi xét xử[1] và áp dụng đối với các đối tượng bao gồm người bị tình nghi thực hiện tội phạm (khi có quyết định bắt), bị can (khi có quyết định truy tố của Viện công tố) và bị cáo (khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án). Nhìn ở góc độ thời điểm áp dụng, biện pháp này được áp dụng ở các quốc gia này (thời điểm người bị tình nghi bị bắt) sớm hơn so với Việt Nam (thời điểm người bị buộc tội đã là bị can). Do biện pháp bắt quả tang và tạm giữ người bị tình nghi cần được xem xét ngay bởi Thẩm phán có thẩm quyền để quyết định có hủy bỏ biện pháp tạm giữ hay không. Theo đó, ngay sau khi bắt, người bị buộc tội được đưa đến trước Tòa án có thẩm quyền hoặc Tòa án địa phương nơi gần nhất, không muộn hơn ngày tiếp theo sau khi bị bắt và nếu có căn cứ, Thẩm phán phải ra lệnh bắt để tạm giam đối tượng này[2]. Như vậy, thời hạn tạm giữ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự các quốc gia này trước khi chuyển sang tạm giam ngắn hơn thời hạn tạm giữ theo pháp luật Việt Nam. Từ đó kéo theo biện pháp tạm giam sẽ được áp dụng sớm hơn ở Việt Nam.
Thứ tư, về căn cứ tạm giam: Theo BLTTHS, căn cứ tạm giam dựa vào loại tội phạm, mức hình phạt, tính chất, mức độ của hành vi nguy hiểm cho xã hội, mục đích áp dụng và tính nhân đạo đối với đối tượng bị áp dụng. Trong khi theo pháp luật tố tụng hình sự nhiều quốc gia, căn cứ tạm giam lại gắn liền với căn cứ bắt giữ. Có thể thấy, dựa vào việc phân loại tội phạm để xác định căn cứ tạm giam ở Việt Nam dễ dẫn đến sự thiếu đồng bộ và nhiều lỗ hổng trong quá trình thực hiện. Cho nên, có thể tham khảo những ưu điểm của pháp luật tố tụng hình sự của các quốc gia này về cách thiết kế những căn cứ tạm giam theo hướng không dựa vào loại tội phạm mà xây dựng những căn cứ chung cho việc tạm giam. Cụ thể, căn cứ tạm giam nên gắn liền với căn cứ bắt giữ, để khi rơi vào một trong những căn cứ này thì bị can, bị cáo sẽ bị tạm giam, bất kể thuộc loại tội phạm nào.
Thứ năm, về thời hạn tạm giam: Theo BLTTHS, thời hạn tạm giam được căn cứ vào loại tội phạm, mức hình phạt, tính chất, mức độ của hành vi nguy hiểm cho xã hội, mục đích áp dụng và tính nhân đạo đối với đối tượng bị áp dụng (trừ thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử phúc thẩm căn cứ vào cấp Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm) thì trong pháp luật tố tụng hình sự nhiều quốc gia, thời hạn tạm giam được căn cứ chủ yếu vào căn cứ bắt giữ và tính chất nghiêm trọng, phức tạp của vụ án. Thời hạn tạm giam theo quy định pháp luật tố tụng của các quốc gia khá tương đồng là thời hạn tạm giam có thể được kéo dài đến khi Tòa án tuyên án. Tuy nhiên, có hai sự khác biệt mà Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các nước: (1) ở Việt Nam, trong giai đoạn điều tra, chỉ thời hạn tạm giam để điều tra đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được kéo dài đến hết thời hạn điều tra, trong khi ở các nước thì không có sự phân biệt này; (2) quy định về thời hạn tạm giam trong khâu chuẩn bị xét xử tại Điều 278 BLTTHS năm 2015 là không xuyên suốt và có sự ngắt quãng, gây khó khăn cho quá trình áp dụng; trong khi ở các nước, thời hạn tạm giam là xuyên suốt trong cả quá trình tố tụng. Để bảo đảm quá trình tố tụng hình sự diễn ra thuận lợi, cần sửa đổi BLTTHS năm 2015 theo hướng cho phép kéo dài thời hạn tạm giam đối với tất cả các loại tội phạm cho ngang bằng với thời hạn điều tra tương ứng với loại tội phạm đó nhằm khắc phục tình trạng hết thời hạn tạm giam nhưng thời hạn điều tra chưa kết thúc và không có căn cứ áp dụng các biện pháp thay thế tạm giam; đồng thời cũng hạn chế tình trạng Cơ quan điều tra khi hết hạn tạm giam thì nhanh chóng ra bản kết luận điều tra, kết thúc giai đoạn điều tra trong khi vụ án vẫn chưa được điều tra toàn diện, dễ gây ra oan sai.
Thứ sáu, về hủy bỏ biện pháp tạm giam: Theo pháp luật tố tụng hình sự của nhiều quốc gia, căn cứ để ra quyết định đình chỉ thi hành lệnh bắt khá tương đồng với những căn cứ của quyết định thay thế biện pháp tạm giam theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam; những căn cứ hủy bỏ lệnh bắt cũng khá giống với căn cứ hủy bỏ biện pháp tạm giam ở Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự nhiều nước có một sự logic nhất định trong mối quan hệ nhân quả giữa căn cứ tạm giam và việc hủy bỏ biện pháp tạm giam. Vì căn cứ để tạm giam gắn liền với căn cứ bắt giữ nên khi không còn căn cứ bắt nữa thì việc tạm giam phải được hủy bỏ. Ở Việt Nam, căn cứ bắt buộc để hủy bỏ biện pháp tạm giam là những căn cứ đương nhiên mà nếu không quy định thì cơ quan có thẩm quyền cũng có thể hiểu rằng phải áp dụng như thế, việc quy định chỉ là hình thức để thống nhất việc áp dụng trên thực tế. Ngoài ra, pháp luật tố tụng hình sự các nước còn cho phép người bị buộc tội có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ lệnh bắt hoặc đình chỉ thi hành lệnh bắt bất cứ lúc nào trong quá trình tạm giam. Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam cũng có quy định tương tự, nhưng được thể hiện dưới dạng “quyền yêu cầu” chung những vấn đề liên quan đến vụ án của người bị buộc tội[3] chứ không rõ ràng, cụ thể và không quy định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền xem xét hủy bỏ biện pháp tạm giam như pháp luật tố tụng hình sự nhiều quốc gia trên thế giới./.
Tỷ lệ bị cáo nộp tiền tại ngoại ở Nhật Bản tăng đột biến. Ảnh: Reuters
[1] Liên minh châu Âu, Những hướng dẫn pháp lý về thủ tục TTHS và quyền bào chữa ở Đức (Legal guidance notes about Criminal proceedings and defence rights in Germany), 2013.
[2] Điều 128 BLTTHS Đức.
[3] Điều 58, 59, 60, 61 và Điều 175 BLTTHS năm 2015.
Bài liên quan
-
Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2025 của hệ thống Tòa án
-
Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội trao đổi rút kinh nghiệm công tác phối hợp xét xử tại TAND các tỉnh khu vực phía Bắc
-
Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng triển khai công tác năm 2025
-
TAQS Quân khu 9 tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tòa án quân sự năm 2025
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận