Hoàn thiện quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự Việt Nam

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định quan trọng của pháp luật dân sự, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi bị xâm phạm. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đóng vai trò then chốt trong việc xác định trách nhiệm của bên gây thiệt hại và bảo đảm sự công bằng trong giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này còn tồn tại nhiều bất cập, đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch và hiệu quả của hệ thống pháp luật.

1. Một số bất cập trong quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Thứ nhất, pháp luật hiện hành chưa có quy định về bồi thường tổn thất tinh thần khi tài sản bị xâm phạm. Điều 592 BLDS 2015 có quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại (BTTH) theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Tương tự như vậy, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ người khác bị xâm phạm quy định tại Điều 590 BLDS 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm đều có nghĩa vụ bồi thường tổn thất tinh thần. Có thể thấy, nếu như một chủ thể bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín sẽ có thể được bồi thường đối với cả thiệt hại vật chất và tổn thất về tinh thần. Nhưng trong trường hợp tài sản bị xâm phạm, BLDS 2015 chỉ công nhận xảy ra thiệt hại về vật chất mà không công nhận tổn tại thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Mặc dù trên thực tế, khi tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do tổn thất tinh thần không hoàn toàn bị loại trừ. Bởi có rất nhiều tài sản có ý nghĩa, có giá trị về mặt tinh thần đối với người có tài sản bị xâm phạm như kỷ vật, di vật, quà tặng,… Việc xâm phạm đến những tài sản đó hoàn toàn có thể gây ra những tổn thất về mặt tinh thần, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của họ[1]. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp khi tài sản bị xâm phạm cũng phát sinh thiệt hại về tinh thần, nên tùy từng trường họp cụ thể mà Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp sẽ xem xét có chấp nhận sự tồn tại của thiệt hại về tinh thần và cho người bị thiệt hại được nhận khoản bồi thường này hay không.

Thứ hai, về yếu tố lỗi trong BTTH ngoài hợp đồng. Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP quy định cụ thể về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường tại khoản 1 Điều 584 BLDS 2015. Theo đó, trách nhiệm BTTH này phát sinh khi có đủ các yếu tố sau: i) Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác; ii) Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần; iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Tuy nhiên trong quy định về nguyên tắc BTTH vấn đề lỗi vẫn được đề cập, khoản 2 Điều 585 BLDS 2015 có quy định: “Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình”. Việc BLDS 2015 không đưa ra một quy định cụ thể đình nghĩa về lỗi mà chỉ nêu lỗi cố ý và lỗi vô ý là gì dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong việc xác định trên thực tế. Việc chưa quy định khái niệm lỗi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quan điểm trái ngược nhau khi xác định lỗi có phải căn cứ bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm BTTH hay không.

Thứ ba, về hành vi là căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH. Điều 2 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã hướng dẫn áp dụng khoản 1 Điều 584 BLDS 2015, xác định điều kiện làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng đó là:

a) Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;

b) Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;

Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.

Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đỏ.

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại

Như vậy, theo quy định này đối với điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hai ngoài hợp đồng là “có hành vi xâm phạm…” thì không được lý giải một cách cụ thể, vấn đề đặt ra ở đây là “thế nào được coi là hành vi xâm phạm” và hành vi xâm phạm có đồng nhất với “hành vi trái pháp luật” hay không?

Thứ tư, về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại thực tế

Mặc dù về mặt lý luận và quy định pháp luật đều khẳng định rằng sự tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại thực tế là một trong các căn cứ cần thiết để phát sinh trách nhiệm BTTH. Song hiện nay Tòa án lại ít quan tâm nhiều đến mối quan hệ nhân quả này, dẫn tới trong nhiều trường hợp việc xác định thiệt hại cũng như việc ấn định mức bồi thường bị sai sót làm cho bản án thiếu sức thuyết phục. Nhìn chung, việc đánh giá quan hệ nhân quả khá phức tạp; một phần khác là do tòa án thường xe nhẹ vấn đề này[2]. Ngoài ra, việc thu thập bằng chúng cần thiết để chứng mình mối quan hệ nhân quả có thể gặp khó khăn, đặc biệt là khi có sự phân biệt giữa các yếu tố gây ra hậu quả và các yếu tố khác. Do đó, hầu như trong các vụ án bồi thường thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra thì thẩm phán giải quyết thường chỉ tập trung vào hành vi trái pháp luật là gì và mức thiệt hại thực tế bao nhiêu chứ không đi vào phân tích xem hành vi trái pháp luật đó có phải là nguyên nhân tất yếu của thiệt hại hay không.

Thứ năm, về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do tài sản gây ra. Trước hết, khoản 3 Điều 584 BLDS 2015 chưa xác định trách nhiệm BTTH của người thứ ba trong trường hợp phát sinh trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra. Hiện nay, quy định này chỉ xác định hai chủ thể chịu trách nhiệm là chủ sở hữu và người chiếm hữu tài sản. Điều này là không phù hợp bởi tài sản có thể gây thiệt hại khi người thứ ba tác động làm tài sản gây thiệt hại, hoặc trong trường hợp tài sản đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Do đó, cần sửa đổi khoản 3 Điều 584 theo hướng bổ sung các chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm BTTH, bao gồm cả người đang quản lý, sử dụng tài sản vào thời điểm xảy ra thiệt hại và người thứ ba có hành vi tác động trực tiếp đến tài sản gây thiệt hại. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 584 hiện nay dẫn chiếu đến khoản 2 của cùng điều để loại trừ trách nhiệm BTTH, tuy nhiên điều này chưa hợp lý. Khoản 2 chỉ áp dụng cho các trường hợp thiệt hại do hành vi con người gây ra, trong khi khoản 3 lại điều chỉnh trách nhiệm do tài sản gây ra, do đó, việc áp dụng quy định miễn trừ của khoản 2 cho khoản 3 có thể dẫn đến những cách hiểu sai lệch. Vì vậy, cần sửa đổi theo hướng quy định riêng các trường hợp miễn trừ trách nhiệm đối với thiệt hại do tài sản gây ra thay vì dẫn chiếu đến khoản 2, hoặc điều chỉnh khoản 2 để mở rộng phạm vi áp dụng cho cả thiệt hại phát sinh từ tài sản. Những sửa đổi này sẽ góp phần bảo đảm tính hợp lý và thống nhất trong hệ thống pháp luật dân sự về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng.

Thứ sáu, về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. BLDS 2015 đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ được quy định tại khoản 1 Điều 601 BLDS 2015 theo hướng liệt kê, vì vậy có thể không đầy đủ, thậm chí không thống nhất với các quy định trong các văn bản pháp luật khác. Trên thực tế có những sự vật chưa được pháp luật quy định là nguồn nguy hiểm cao độ như ong vò vẽ, trâu điên, rắn độc,... nhưng lại không được liệt kê là nguồn nguy hiểm cao độ. Phương tiện giao thông vận tải cơ giới cũng là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng lại không có khái niệm thế nào là phương tiện giao thông vận tải cơ giới. Do đó, việc quy định mở các nguồn nguy hiểm cao độ ảnh hưởng tới nhận thức khác nhau về bản chất của nguồn nguy hiểm cao độ do đó có thể ảnh hưởng tới việc giải quyết tranh chấp có liên quan, đặc biệt là tạo sự tuỳ tiện trong việc xác định các loại nguồn nguy hiểm cao độ[3]. Ngoài ra, việc xác định các điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng còn có sự nhầm lẫn giữa việc áp dụng trách nhiệm BTTH do hành vi trái pháp luật của con người gây ra liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ với trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trong nhiều vụ việc thực tế có sự gây thiệt hại trực tiếp bởi nguồn nguy hiểm cao độ, việc xác định nguyên nhân gây hại và trách nhiệm bồi thường hay có sự nhầm lẫn vì đánh giá sai thiệt hại liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ, cho rằng thiệt hại đó là do sự gây hại tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ nhưng thực tế là do hành vi trái pháp luật của con người gây ra. Điều này dẫn đến tình trạng áp dụng cơ sở pháp lý về trách nhiệm BTTH còn chưa chính xác.

Thứ bảy, về vấn đề trách nhiệm BTTH do súc vật gây ra. Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể thế nào là “súc vật” để xác định có trách nhiệm BTTH do súc vật gây ra. Mặc dù điều kiện để có thể áp dụng quy định về BTTH do súc vật gây ra là thiệt hại phải do “súc vật” gây ra. Hay nói cách khác, trách nhiệm BTTH do “súc vật” gây ra thì nguyên nhân gây ra thiệt hại phải “súc vật”. Việc không quy định cụ thể thế nào là “súc vật” dẫn đến nhận thức khác nhau và gây khó khăn nhất định cho Tòa án trong quá trình xét xử[4]. Cũng vì thế mà còn một số trường hợp nhầm lẫn giữa trường hợp súc vật gây thiệt hại với hành vi gây thiệt hại có liên quan đến súc vật, dẫn đến việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường là không chính xác. Để áp dụng quy định về BTTH do súc vật gây ra, phải xác định nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là do hoạt động tự thân của súc vật gây ra thiệt hại. Nếu do hành vi sử dụng hoặc tác động của con người khiến cho súc vật gây thiệt hại thì khi giải quyết phải áp dụng các quy định về BTTH do hành vi trái pháp luật gây ra. Ngoài ra, BLDS 2015 quy định trách nhiệm BTTH do động vật gây ra là súc vật và thú dữ, tuy nhiên chưa có quy định nào về trách nhiệm BTTH gây ra do thú hoang và các động vật khác. Thú hoang là động vật hoang dã trên rừng, không thuộc sự nuôi dưỡng và quản lý của người dân, chúng có thể đến các khu dân cư và tấn công người dân và phá hoại tài sản, hoa màu. Mặc dù có nhiều trường hợp thú hoang trên rừng tấn công gây thiệt hại cho người dân nhưng vẫn chưa có quy định về trách nhiệm BTTH do nhóm động vật này gây ra.

Thứ tám, về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, Điều 605 BLDS 2015 quy định về BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:

“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.

Trên thực tế, có những trường hợp nhà cửa, công xây dựng khác gây thiệt hại hoàn toàn do lỗi trong quá trình thi công của người thi công (người thi công tự ý thay đổi thiết kế, không thi công theo đúng mẫu, người thi công tự ý thay thế, cắt giảm nguyên vật liệu,…) nhưng chủ sở hữu, người chiếm hữu, người quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng đó cũng phải liên đới BTTH cho người bị thiệt hại. Mà trong trường hợp này chủ sở hữu là người không có lỗi, bản thân chủ sở hữu cũng là người bị thiệt hại. Có thể thấy quy định này là không công bằng với chủ sở hữu. Do đó, đây còn là vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật khi giải quyết tranh chấp BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Ngoài ra, chưa có quy định về trường hợp phát sinh trách nhiệm BTTH đối với người thứ ba khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại. Điều 605 BLDS 2015 chỉ quy định việc xem xét trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng và người thi công khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại. Tuy nhiên việc nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại có thể do người thứ ba trong quá trình xây dựng một công trình liền kề hoặc khai thác mạch nước ngầm... Do đó pháp luật chưa quy định lỗi và trách nhiệm BTTH của người thứ ba (người thi công công trình liền kề, người khai thác các mạch nước ngầm...) làm cho nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể có liên quan.

2. Một số giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật dân sự Việt Nam về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Hiện nay, pháp luật dân sự Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc BTTH về tinh thần do tài sản bị xâm phạm. Do đó, việc xây dựng quy định về BTTH về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm trong một số trường hợp là cần thiết, nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng cho các chủ thể khi bị xâm phạm đến tài sản. Cụ thể, bổ sung vào Điều 589 BLDS 2015 về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau: “Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này. Đồng thời, nếu người có tài sản bị xâm phạm chứng minh được tổn thất về tinh thần do tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tình cảm bị xâm phạm thì phải được bồi thường chi phí hợp lý. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho người có tài sản bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Việc BTTH tổn thất về tinh thần sẽ được bồi thường bằng tiền chứ không phải bất kỳ một hình thức nào khác bởi thiệt hại về tinh thần rất khó xác định mức độ thiệt hại và việc bồi thường bằng hiện vật hay hình thức khác có “giá trị tinh thần tương đương” là bất khả thi. Điều này xuất phát từ thực tiễn bởi đa phần các tài sản bị xâm phạm có ý nghĩa đặc biệt không thể thay thế. Việc đặt ra mức tối đa là 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, bởi lẽ đây được xem là một khoản tiền bù đắp, góp phần xoa dịu đi những tổn thương mất mát mà người bị thiệt hại phải gánh chịu.

Thứ hai, về vấn đề lỗi trong trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, cần bổ sung quy định cụ thể về lỗi trong quy định của BLDS hiện hành. Mặc dù không còn là căn cứ bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng trong mọi trường hợp nhưng lỗi vẫn có vai trò quan trọng trong xác định trách nhiệm BTTH và mức BTTH. Khi giải quyết những tranh chấp về BTTH ngoài hợp đồng, cần phải hiểu rõ cơ sở lý luận về lỗi để áp dụng chuẩn xác các quy phạm pháp luật về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, qua đó đưa ra những quyết định chuẩn xác, đúng pháp luật. BLDS 2015 cần đưa ra khái niệm hoặc định nghĩa về lỗi trong trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm BTTH nói riêng. Đối với lỗi trong trách nhiệm BTTH  ngoài hợp đồng có thể định nghĩa “Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trạng thái tâm lý bên trong của chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật đối với hành vi của mình và thiệt hại xảy ra cho chủ thể khác”.

Thứ ba, về các căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng

Theo đó cần phải xây dựng lên các quy định của pháp luật quy định rõ ràng, chi tiết về các căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Điều này vừa tạo ra sự rõ ràng của pháp luật, đồng thời sẽ giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể dễ dàng và thống nhất trong việc áp dụng về các điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng trên thực tế. Bên cạnh đó pháp luật cũng cần có quy định lý giải về việc thế nào được coi là “hành vi xâm phạm”. Bởi đây là cơ sở quan trọng trong việc xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng.

Thứ tư, về vấn đề BTTH do tài sản gây ra, cần sửa đổi khoản 3 Điều 584 BLDS 2015 theo hướng quy định đầy đủ hơn các chủ thể chịu trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra. Thay vì chỉ có chủ sở hữu và người chiếm hữu phải chịu trách nhiệm BTTH khi tài sản gây thiệt hại, pháp luật cần quy định thêm cả người được chủ sở hữu chuyển giao quyền quản lý, sử dụng, hoặc trường hợp người thứ ba tác động vào tải sản làm tài sản gây thiệt hại, hoặc trường hợp tài sản gây thiệt hại khi đang bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. theo tác giả, có thể bổ sung khoản 3 Điều 584 BLDS 2015 theo hướng: “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp tài sản gây thiệt hại do tác động của người thứ ba thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. nếu tài sản bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường”.

Tiếp theo, cần sửa đổi khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 để bảo đảm sự phù hợp với khoản 3 trong cùng điều luật khi dẫn chiếu đến khoản 2. Bởi nguyên nhân gây ra thiệt hại có thể do hành vi trái pháp luật của con người nhưng cũng có thể do hoạt động tự thân của tài sản cho nên nếu khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 muốn áp dụng đối với cả hai nguyên nhân gây thiệt hại nói trên thì thay vì quy định theo hướng người gây thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp nào thì nên quy định theo hướng người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường trong trường hợp nào. Khi đó, khoản 3 Điều 584 BLDS 2015 hoàn toàn có thể dẫn chiếu đến khoản 2. Theo tác giả, khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 cần được sửa đổi theo hướng: “Người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Thứ năm, về điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Tại Điều 601 BLDS 2015 đang theo hướng liệt kê ra nguồn được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, tuy nhiên lại định nghĩa như thế nào là do nguồn nguy hiểm cao độ. Chính vì sự định nghĩa không rõ ràng như vậy khiến cho việc trên thực tế đã có không ít các cơ quan nhà nước, Tòa án đã xác định chưa đúng về vấn đề phát sinh trách nhiệm BTTH do hành vi trái pháp luật của con người tác động đến nguồn nguy hiểm cao độ hay do hoạt động tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Do đó, cần phải có các quy định cụ thể trường hợp nào là nguồn nguy hiểm cao độ, các điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và trường hợp nào là do hành vi của con người có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng tạo ra sự thống nhất, tránh đi sự lúng túng trong quá trình áp dụng pháp luật giải quyết vẫn đề BTTH ngoài hợp đồng

Thứ sáu, về điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH do súc vật gây ra, cần bổ sung khải niệm “súc vật” hoặc đưa ra các tiêu chỉ cụ thể để xác định động vật nào được coi là súc vật. Vì vậy, cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn và trong đó sẽ đưa ra khái niệm súc vật như sau: “Súc vật là một loại động vật đã được con người thuần hóa và nuôi dưỡng, con người có thể điều khiển được hoạt động của chúng để phục vụ cho các nhu cầu của mình”. Trường hợp động vật hoang dã, động vật sống trong tự nhiên không chịu sự quản lý của người dân gây thiệt hại cũng cần phải được giải quyết để bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân. Động vật hoang đã là các loài động vật thuộc về “rừng” theo khoản 1 Điều 3 Luật Lâm nghiệp năm 2017. Theo quy định tại Điều 6 Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nhà nước là “đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân”. Động vật hoang dã trong rừng cũng là một bộ phận thuộc về tài nguyên thiên nhiên, mà theo quy định tại Điều 197 BLDS 2015, tài nguyên thiên nhiên là tài sản thuộc hình thức sở hữu toàn dân và do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Do đó, Nhà nước có trách nhiệm quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng và cả các động vật hoang dã sống trong đó. Vì vậy, có thể bổ sung vào quy định tại khoản 3 Điều 584 BLDS 2015 hoặc quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành: “Trong trường hợp động vật hoang dã gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về Nhà nước”.

Thứ bảy, về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, cần bổ sung quy định cụ thể về phát sinh trách nhiệm BTTH của người thi công khi người thi công hoàn toàn có lỗi trong việc gây ra thiệt hại. Đoạn 2 Điều 605 BLDS 2015 nên được sửa đổi như sau: “Trường hợp người thi công hoàn toàn có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì người thi công phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp nếu người thi công có một phần lỗi thì phải liên đới bồi thường”. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người thứ ba trong BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, theo đó nhà làm luật có thể bổ sung như sau: “Trường hợp người thứ ba có lỗi để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì người thứ ba phải bồi thường hại; nếu người thứ ba có một phần lỗi thì phải liên đới bồi thường”. Việc bổ sung quy định như trên sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình giải quyết các tranh chấp liên quan đến trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra mà có lỗi của người thứ ba.

 
 

ThS. NGUYỄN NGỌC ÁNH (Giảng viên Học viện Tòa án) - NGUYỄN THỊ PHƯƠNG - PHAN NGUYỄN THỦY BIỂN (Sinh viên Học viện Tòa án)

Tài liệu tham khảo

1. Bô luật Dân sự năm 2015.

2. Luật Lâm nghiệp năm 2017.

3. Đỗ Văn Đại, Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam (tập 2), Bản án sô 194 và 195( phần bình luận số 17), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr.129.

4. Lâm Văn Minh, Phúng Thu Phương, Nguyễn Thị Lan Hương, Hoàn thiện quy định của pháp luật về điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tạp chí Kiểm sát, số 6, năm 2023, tr.46.

5. Nguyễn Văn Hợi, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra theo pháp luật dân sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, 2017, tr.138.


[1] Lâm Văn Minh, Phùng Thu Phương, Nguyễn Thị Lan Hương, Hoàn thiện quy định của pháp luật về điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tạp chí Kiểm sát, số 6, 2023, tr.44-45.

[2]Đỗ Văn Đại, Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam (tập 2), Bản án sô 194 và 195 (phần bình luận số 17), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr.129

[3] Nguyễn Văn Hợi, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra theo pháp luật dân sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, 2017, tr.138.

[4] Lâm Văn Minh, Phúng Thu Phương, Nguyễn Thị Lan Hương, Tlđd (1), tr.46.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.