Hội thảo tập huấn về tội phạm mạng và chứng cứ điện tử
Trong 03 ngày, từ ngày 28 đến 30/8/2023, TANDTC phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn về tội phạm mạng và chứng cứ điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Chu Trung Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC phát biểu khai mạc hội thảo cho biết, Hội thảo có sự tham gia của 30 đại biểu là các Thẩm phán, Thư ký các Tòa án khu vực phía Nam.
Ngay sau đó, các chuyên gia gồm ông Ryan Mc Kean - Giám đốc INL Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Danielle Forrest - Thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang thứ 9 của Hoa Kỳ, ông Scott Bradford - Cố vấn cao cấp, Chương trình phòng chống xâm nhập mạng máy tính và sở hữu trí tuệ, Đông Nam Á, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, ông Ovie Carrol, Giám đốc Phòng giám định chứng cứ điện tử, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã chia sẻ về những nội dung chương trình đề ra.
Các chuyên gia Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm về 12 nội dung: (1) Tội phạm mạng và chứng cứ điện tử; (2) Nguyên tắc điều tra mạng lõi; (3) Liệu các Thẩm phán có cần phải là các chuyên gia tội phạm mạng và giám định số không?; (4) Thảo luận nhóm về những khó khăn, thách thức của các vụ án tội phạm mạng; (5) Phân tích điều tra số; (6) Giám định máy di động; (7) Quan điểm của Thẩm phán về độ tin cậy và tính xác thực; (8) Quy kết bằng chứng và xác định tội phạm; (9) Chứng minh sự quy kết tại Tòa án; (10) Khi nào cần Chuyên gia Tội phạm mạng và chứng cứ điện tử; (11) Trình và sử dụng chứng cứ điện tử tại Tòa; (12) Quan điểm của Thẩm phán về việc trình và sử dụng chứng cứ điện tử tại Tòa. Ngoài ra, còn có các bài tập tình huống. Đây là những nội dung rất quan trọng mà Tòa án Việt Nam muốn tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi để có thể đúc kết thành những nguồn tư liệu quý phục vụ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của Tòa án Việt Nam.
Trong thời gian qua, hệ thống TANDTC tích cực thực hiện lộ trình cải cách tư pháp đến năm 2030 định hướng đến năm 2045, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. TANDTC tập trung vào 9 nhiệm vụ và giải pháp cải cách tư pháp về tổ chức và hoạt động của TAND, đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ thông tin trong hệ thống TAND, áp dụng phần mềm quản lý án để xây dựng Tòa án thông minh. Chính vì vậy, hoạt động này rất có ý nghĩa đối với hệ thống TAND trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tiến hành cải cách tư pháp và tự hoàn thiện hệ thống của mình.
Với cách tiếp cận từ góc độ so sánh, các đại biểu đến từ một số Tòa án tỉnh ở phía Nam đã tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, đặc biệt tập trung vào những khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực nêu trên, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, đóng góp vào việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Ban tổ chức và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: NT
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận