Hội thảo về Áp dụng điều ước quốc tế để giải quyết tranh chấp
Ngày 14/12/2018, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Cải thiện môi trường kinh doanh công bằng trong khu vực ASEAN” do Quỹ thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ (thông qua UNDP Việt Nam), TANDTC phối hợp với UNDP Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Áp dụng Điều ước quốc tế về đầu tư để giải quyết các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư”.
Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo, có bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Thẩm phán TANDTC; Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc quốc gia, UNDP tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các bộ, ban ngành hữu quan; lãnh đạo một số Tòa án khu vực phía Bắc và các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Caitlin Weisen, quyền Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Toà án có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm một môi trường kinh doanh công bằng. Nếu hệ thống Toà án kém hiệu quả do tham nhũng, điều này không những khiến cho lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp bị lung lay mà còn ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, việc đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và áp dụng luật pháp công bằng là một trong những biện pháp then chốt để chống tham nhũng.”
Việt Nam đã thực hiện thành công chính sách hội nhập kinh tế quốc tế – trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và đàm phán với nhiều nước về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam, cùng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì vậy, hiển nhiên những tranh chấp quốc tế sẽ nảy sinh và gia tăng về mặt số lượng cũng như độ phức tạp và tính đa dạng.
Doanh nghiệp thường lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Toà án như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Thẩm phán Việt Nam sẽ gặp phải nhiều vấn đề và thử thách khi xử các vụ việc thương mại, đặc biệt là các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư. Toà án sẽ phải giải quyết tranh chấp nảy sinh từ những thay đổi về chính sách, hoạt động và quyết định hành chính gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh – Thẩm phán TANDTC, cho biết, hoạt động đầu tư của nước ngoài FDI tại Việt Nam trong những năm qua, đó là tăng về số lượng và đa dạng hơn về nhà đầu tư. Vốn FDI đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua từ 20 tỷ USD năm 2014 lên gần 36 tỷ USD năm 2017 và trong 11 tháng của năm 2018 đầu tư nước ngoài được giải ngân 16,5 tỷ USD tăng 3,1 % so với năm 2017.
Để đạt được những kết quả nêu trên trong nhiều năm qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thể chế, xây dựng, cũng cố môi trường đầu tư minh bạch. Cùng với đó thành tích nêu trên cũng là kết quả của sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc tham gia đàm phán, ký kết gia nhập các điều ước quốc tế .
Bên cạnh đó bà Nguyễn Thị Hoàng Anh cũng nhấn mạnh rằng, mục tiêu của cuộc Hội thảo này là nhằm nâng cao kiến thức cho các Thẩm phán, cán bộ Tòa án về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư theo quy định của Việt Nam và các công ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể tại Hội thảo này các Thẩm phán, cán bộ Tòa án sẻ được nghe, trao đổi, thảo luận với các chuyên gia quốc tế và trong nước về việc áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư theo quy định tại các điều ước quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc thẩm phán và cán bộ toà án tại Việt Nam tiếp cận với kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng các công ước quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa nhà nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết.
Thông tin tại Hội thảo cho hay: Để chuẩn bị cho các Thẩm phán Việt Nam, hội thảo cung cấp kinh nghiệm quốc tế trong việc trong việc giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư, quy trình giải quyết tranh chấp và nghĩa vụ của Việt Nam trong việc thực hiện các công ước quốc tế về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư. Cũng tại hội thảo, các chuyên gia trong nước chia sẻ tiến độ thực hiện các công ước đầu tư quốc tế và các hiệp ước liên quan mà Việt Nam đã ký kết.
Qua Hội thảo này các vị Thẩm phán, cán bộ Tòa án và các đại biểu sẽ có nhiều thông tin bổ ích, kinh nghiệm mới, quan trọng về pháp luật trong nước và quốc tế về bảo hộ đầu tư để vận dụng sử dụng trong quá trình giải quyết các công việc khác liên quan.
Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về áp dụng điều ước quốc tế về đầu tư để giải quyết các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư đa phương, khu vực, song phương mà Việt Nam là thành viên và các điều ước quốc tế có liên quan.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận