Hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong nghiệp vụ hòa giải, đối thoại
Tòa án nhân dân tối cao vừa Công văn số 59/TANDTC-PC ngày 29 /3 / 2019 hướng dẫn bổ sung về nghiệp vụ triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân. Công văn giải đáp, hướng dẫn giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm một số trường hợp đã được phản ánh.
1.Trường hợp người khởi kiện nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kèm theo đơn khởi kiện hoặc đơn khởi kiện đã được Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thụ lý và lên lịch hòa giải đối thoại mà người khởi kiện có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì xử lý như thế nào?
Trong trường hợp người khởi kiện nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện, để bảo đảm thực hiện các quyền của đương sự về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng tài sản hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án thì Tòa án phải xem xét thụ lý vụ án và giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự, mà không chuyển vụ việc cho Trung tâm hòa giải đối thoại tại Tòa án.
Trường hợp đơn khởi kiện đã được Trung tâm hòa giải đối thoại tại Tòa án thụ lý và lên lịch hòa giải, đối thoại mà người khởi kiện có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chuyển ngay vụ việc cho Tòa án để xem xét, thụ lý vụ án và giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự.
2.Trường hợp lập biên bản hòa giải thành và các bên cùng ký đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành nhưng trong quá trình Tòa án mở phiên họp xét đơn yêu cầu, một bên không đến thì Tòa án có thể ban hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không ?
Khoản 2 Điều 367 BLTTDS năm 2015 năm quy định: “Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án.
Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm”.
Căn cứ quy định nêu trên, nếu người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự.
Trường hợp khác (người không yêu cầu) vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, vắng mặt lần thứ hai thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp xét đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
3.Tại mẫu 09-VDS (Ban hành kèm Nghị quyết số 04/ 2018/NQ-HĐTP ngày 9/ 8 /2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) về thông báo thụ lý việc dân sự hướng dẫn: “ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo này người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án nhân dân… văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu của người yêu cầu và các tài liệu chứng cứ kèm theo (nếu có). Hết thời hạn 15 ngày nêu trên mà người được thông báo không nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu của người yêu cầu thì Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ việc dân sự để giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/2018 của TANDTC thì hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập Biên bản hòa giải đoàn tụ không thành, Biên bản thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn theo quy định tại Điều 212 BLTTDS. Trường hợp này, thời hạn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp văn bản lấy ý kiến và tài liệu chứng cứ kèm theo (nếu có) được thực hiện như thế nào?
Trường hợp ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà có người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì người đó phải tham gia phiên hòa giải tại Trung tâm hòa giải đối thoại tại Tòa án. Nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thống nhất với thỏa thuận của vợ chồng liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người đó thì thỏa thuận này phải được ghi nhận trong Biên bản thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Trường hợp này, trong phiên bản cần thể hiện rõ có đầy đủ các bên tranh chấp và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia thỏa thuận ký tên và cam kết sự thỏa thuận là hoàn toàn tự nguyện thì Thông báo thụ lý vụ việc dân sự, không cần yêu cầu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải nộp văn bản ghi ý kiến và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
4.Theo Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/ 2018 của TANDTC thì hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập Biên bản hòa giải đoàn tụ không thành, Biên bản thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn theo quy định tại Điều 212 BLTTDS. Trường hợp vì lý do khách quan, Tòa án không thụ lý ngay việc dân sự trong cùng ngày Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án lập Biên bản về việc thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì thời hạn 7 ngày được tính từ ngày lập biên bản hay ngày thụ lý việc dân sự ?
Để bảo đảm hiệu quả của công tác triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, các Tòa án tham gia thí điểm có trách nhiệm thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 310/TANDTC-PC bao gồm hướng dẫn về thời hạn ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
Trường hợp vì lý do khách quan mà Tòa án không thụ lý ngay việc dân sự trong cùng ngày Trung tâm Hòa giải đối thoại tại Tòa án lập Biên bản hòa giải đoàn tụ không thành, Biên bản thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì phải thụ lý trong ngày liền kề tiếp theo ngày lập các biên bản. Thời hạn 7 ngày được tính kể từ ngày lập các biên bản.
5.Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì trước khi thụ lý vụ việc, Tòa án phải thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng lệ phí theo quy định. Trường hợp Tòa án thông báo về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng đương sự không thực hiện ngay mà sau 1 tuần họ mới nộp biên lai thu tiền cho Tòa án thì thời hạn 7 ngày để Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn theo hướng dẫn tại điểm b mục 3 Công văn số 310/TANDTC-PC được tính như thế nào?
Điểm b mục 3 Công văn số 310/TANDTC-PC hướng dẫn: “… Hòa giải viên thông báo cho Giám đốc Trung tâm chuyển hồ sơ vụ việc và các biên bản cho Tòa án. Tòa án xem xét nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định tại Chương XXVIII của BLTTDS thì Thẩm phán (đã được phân công tham gia chứng kiến và ký tên vào các biên bản) thụ lý ngay việc dân sự. Sau khi thụ lý Thẩm phán kiểm tra hồ sơ, nếu xét thấy thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập các biên bản mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó, thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn theo quy định tại Điều 212 BLTTDS (Thẩm phán không tiến hành hòa giải lại)“.
Trường hợp ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải vợ chồng không đồng ý đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và yêu cầu Tòa án công nhận thì Hòa giải viên giải thích cho họ sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện đơn, đơn yêu cầu hòa giải thành đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; hướng dẫn họ về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự. Đồng thời Hòa giải viên báo cáo Giám đốc Trung tâm phân công Thẩm phán tham gia chứng kiến việc lập biên bản và ký tên vào biên bản hòa giải đoàn tụ không thành, biên bản thuận tình ly hôn, thỏa thuận việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn do Hòa giải viên lập. Thẩm phán được phân công thông báo cho người yêu cầu nộp ngay lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
Trường hợp người yêu cầu không thể nộp ngay lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự thì phải nộp vào ngày liền kề tiếp theo ngày lập các biên bản. Tòa án xem xét nếu người yêu cầu đã nộp lệ phí và hồ sơ vụ việc ra Hòa giải viên chuyển đến đã đầy đủ theo quy định tại Chương XXVIII của BLTTDS thì Thẩm phán (đã được phân công tham gia chứng kiến và ký tên vào các biên bản) thụ lý ngay việc dân sự, không để kéo dài thời gian thụ lý. Thời gian 7 ngày được tính từ ngày lập các biên bản. Trường hợp hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải mà người yêu cầu không nộp lệ phí, trừ trường hợp được miễn nộp lệ phí theo quy định của pháp luật, thì Thẩm phán không xem xét công nhận kết quả Hòa giải thành, việc hòa giải được xem là hòa giải không thành.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận